Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
21:43 (GMT +7)

Về nơi sâu nặng tình rừng

VNTN - Mát mẻ, dễ thở và thoáng đãng chả khác gì đang đi trên khu bảo tồn sinh quyển quốc gia. Về Nam Hòa những ngày này phong cảnh và không khí hoàn toàn thay đổi. Tôi tìm mỏi mắt mà không thấy những hố bom thời chiến tranh và những đồi hoang trơ trọi như gần chục năm trước. Thay vào đó giờ đây hai bên đường là màu xanh bát ngát của cây cối. Dưới những tán rừng, thấp thoáng ẩn hiện những ngôi nhà xây mái ngói đỏ tươi, đẹp như tranh vẽ.


Đủng đỉnh làm giầu

Nắng thu ấm áp như trải thảm lung linh trên cánh đồng đang vào vụ gặt. Chủ tịch UBND xã Nam Hòa Trần Gia Cát nheo nheo mắt ngắm những dải rừng phía trên như cái mái thiên nhiên che nắng cho người dân rồi vui mừng khoe với khách: Nam Hòa sắp hết cái thời khó khăn rồi. Phát triển nông- lâm nghiệp là hướng đi bền vững. Có rừng lợi đủ thứ, rừng giữ được môi trường, cải tạo đất, tạo ranh giới…Rừng vừa phát triển kinh tế cũng vừa thay đổi ý thức của người dân không trông chờ ỉ lại vào Nhà nước. Là một xã khó khăn, 70 % là người dân tộc Sán Dìu, vậy mà nhờ có rừng chúng tôi nay đã hoàn thành được hơn một nửa những tiêu chí nông thôn mới.

Theo những con đường bê tông sạch sẽ vòng vèo giữa những rừng keo xanh mướt, chúng tôi đến nhà bà Miêu Thị Nguyệt, ở xóm Na Quán. Bà Nguyệt không những là một trong những người hát Soọng cô hay nhất nhì xã mà còn là chủ hộ dân làm kinh tế rừng giỏi. Năm ngoái bà vừa bán đồi keo thu 200 triệu đồng. Bà Nguyệt đã 75 tuổi nhưng nhanh nhẹn và nếu không nghe bà giới thiệu chắc ai cũng đoán bà chỉ mới chỉ 60. Chồng bà đã mất, mấy người con đã xây dựng gia đình và làm ăn khá giả. Còn một mình bà ở trong căn nhà ngói sát rừng, tự nấu ăn và chăm sóc đồi keo 4ha.

Hỏi chuyện về trồng rừng bà phấn khởi nói như cởi lòng: “Nhờ có Nhà nước lo cho dân mới được như thế này chứ dân đâu biết hướng mà làm. Ở Nam Hòa trước đây toàn đất trống đồi trọc bỏ hoang cho sim mua và cỏ nở thôi. Nhà tôi đã bán rừng ba lần rồi. Trồng rừng từ những năm 90 theo dự án PAM của huyện, hai lần trước bán cây bạch đàn thì thu nhập cũng không nhiều như lần bán cây keo vừa rồi. Trước kia nhà tôi và dân ở đây nghèo khổ lắm, trồng cây lúa và chăn nuôi cũng chả đủ ăn. Từ lúc trồng rừng cuộc sống tăng lên gấp nhiều lần đấy chứ. Cây keo lớn rất nhanh lắm, loạt keo tôi mới trồng lại, được gần một năm đã to bằng cái cốc này rồi, vài năm nữa lại cho thu nhập thôi…”.

Thấy anh cán bộ lâm nghiệp xã đi cùng cùng giải thích rằng, 4ha keo nhà bà Nguyệt bán còn rẻ, chứ như hiện tại rừng keo ấy bán cũng được ít nhất 250 triệu. Như có đồng minh, bà Nguyệt nói chắc như đinh đóng cột: “Chả có gì bằng trồng rừng, làm nhà nông còn lâu mới được như thế, cháu nhỉ?”.

Rồi cứ thế, trong căn nhà ngói ba gian, câu chuyện về cây keo về rừng rộ lên cùng tiếng nói cười của chủ và khách. Theo bà Nguyệt, không ở chỗ nào có không khí mát lành bằng nơi có rừng cây. Cũng vì thế khi các con bà Nguyệt ăn nên làm ra muốn đón bà về ở cùng để phụng dưỡng, nhất định bà không chịu. Bà Nguyệt thích ở đây một mình để vừa canh phòng hỏa hoạn, trông con trâu con bò cho nó khỏi phá rừng keo và an dưỡng sức khỏe. Mà tiếng là trông rừng chứ chả phải lo lắng gì, bởi trong xóm nhà nào hầu như cũng có rừng nên ý thức mọi người cũng tốt. Trồng rừng thì lại nhàn tự nó nuôi nó mà cũng chả phải phân tro gì. Một năm chỉ phải đi phát cỏ một lần, nhiều cỏ quá thì hai lần. Đấy là có sức thì đi phát, không thì thuê người hết. Nhà bà Nguyệt tiền bán rừng lại trích ra để thuê người trong xóm làm từ A đến Z. 4ha rừng, mỗi lần phát chỉ hết năm triệu tiền công. Mà cũng chỉ phải phát cỏ hai năm đầu, khi cây keo vượt cao lên cỡ vài mét nó khác nương vào nhau mà phát triển. Ngoài trồng rừng, bà Nguyệt còn hai mẫu ruộng, bà cũng cho làm khoán hết. Riêng tiền thóc khoán, bà cũng thoải mái ăn. Nhàn tênh, chả phải lo lắng gì, rảnh rỗi bà lại tụ tập mọi người trong câu lạc bộ hát Soọng cô đến cùng sinh hoạt. Còn tiền bán gỗ, nó như thứ của để dành bà chia hết cho các con cháu.

Cách nhà bà Nguyệt không xa là gia đình ông Từ Văn Hiền và bà Phạm Thị Thu. Khi chúng tôi đến ông Hiền đang lúi húi chỉnh lại cây diều sáo. Cây diều to có sải cánh cong dài như sải cánh con đại bàng, bên trên còn gắn thêm giàn sáo trúc, ống bằng cổ tay. Ông Hiền đam mê thả diều, cứ buổi trưa nào rảnh rỗi đi chăn trâu ông lại mang theo diều để tiêu khiển. Chỉnh diều xong bên ấm chè mời khách, ông cất giọng thủng thẳng: “Năm trước bán 3 ha keo được có 160 triệu. Đấy là bán cho mấy thằng cháu, vừa mua chúng nó vừa xin, chứ như bây giờ không được 200 triệu, tôi không bán. Cây rừng càng lớn nó càng có giá, lo gì. Nói chung chỉ có trồng rừng là ăn chắc. Chỉ mất chút công ban đầu, lúc cây mọc lên rồi thì khỏi phải nghĩ. Trồng lúa còn bấp bênh. Anh tính xem công cấy, công gặt, công phơi thu nhập chả đáng bao nhiêu đâu. Mà có khi mất mùa lại trắng tay. Rừng nhà tôi chỉ hai vợ chồng tôi tự làm. Thoải mái và ăn chắc. Ngày cơm ăn ba bữa, chăn trâu, thả diều... Có ai cần cúng thì đi cúng, ai cần bốc thuốc thì đi lấy, không thì... ở nhà. Ăn no thì đi lên đồi, ngồi mát phát gốc cây, chả làm sao phải vất vả. Anh tính xem có nghề làm kinh tế gì mà không va chạm ai, cũng chả cần bí quyết gì, có công thì cứ chăm phát nó khác lên thẳng tắp, vài năm là thân to bằng cái cột nhà này này, bé cũng bằng cái phích”.

Bà Thu đang nấu cơm trong bếp nghe chồng nói chuyện cây keo liền cười như pháo ran, góp chuyện: “Giờ chả phải lo nghĩ gì, vừa rồi bán keo sửa sang nhà cửa, trả hết 30 triệu tiền nợ Nhà nước lo ăn học cho con út, lại cho thằng con trai mấy chục triệu xây cái nhà mới. Các con nó lấy vợ lấy chồng hết rồi, hai vợ chồng tôi hơn 60 tuổi, cũng chả có sức mà hái chè cấy lúa; lại còn thích thả diều, thích đi hát, thì chỉ có bán rừng mới có tiền thôi…”.

Bà thật thà khoe thêm, giọng không giấu nổi tự hào: “Ngày xưa nhà này là hộ nghèo đấy, có ít ruộng cũng không đủ ăn. Đi làm về còn chả có quần áo để mà thay. Đồi đất thì cằn cỗi, biết trồng gì. Nhiều lúc đói phải vào tận Đèo Nhâu - Tràng Xá (Võ Nhai) mót sắn, khoai. Từ lúc trồng cây keo mới ngẩng mặt mày đấy! Làm nhiều ăn nhiều làm ít ăn ít nói chung bây giờ cũng thoải mái rồi. Tháng mười này sẽ làm lễ thăng cấp thầy cúng cho ông Hiền mất 40 triệu đấy…”.

Mát mặt nhờ rừng 

Nghe những lời chia sẻ về cách tính toán, hướng làm ăn bài bản của bà Nguyệt, ông Hiền tôi không khỏi giật mình. Ở thành phố mải mê bon chen trong bầu không khí tù túng, với nạn thất nghiệp… nhiều người hay nghĩ tiêu cực về cuộc sống ở những vùng nông thôn thường xơ xác, tiêu điều và lạc hậu. Mấy ai hiểu nông thôn mới giờ đang đổi thay từng ngày và những người nông dân đã, đang tìm cho mình hướng thoát nghèo và tự tin vươn lên làm giàu chính đáng.

Ở Nam Hòa còn rất nhiều những gia đình trồng rừng giỏi và có thu nhập “khủng” như gia đình bà Nguyệt ông Hiền. Đi đến đâu cũng thấy người dân bàn chuyện trồng keo làm giầu. 950 đồng/1kg ván băm, loại gỗ vanh to 30- 90 cm bán được 750 nghìn/1 m3 nổi, gỗ đặc thành phẩm thì đắt hơn, giá từ 1,2 triệu đến 1,3 triệu/m3. Tôi hỏi thử một cháu bé chăn trâu ven đường về giá gỗ keo. Sau vài giây ngạc nhiên vì độ “gà” của vị khách, cháu liền đọc vanh vách giá như vậy.

Bên cạnh những người dân trồng rừng giỏi tại Nam Hòa còn có thêm 2 doanh nghiệp địa phương chế biến ván băm thu hút gần trăm lao động. Lương bình quân của người làm trong các xưởng băm từ 5- 7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra còn một số doanh nghiệp ở các huyện các tỉnh khác thường xuyên về tận xã để tìm nguồn gỗ đến kỳ khai thác.

Gỗ đưa từ rừng về được tận dụng triệt để. Qua khâu chọn lọc, loại nhỏ cho vào máy băm, loại to được bóc tách… tất cả đều thành ván thô. Phơi qua hai nắng là có chủ hàng từ Gia Lâm, Hà Tây… đến bốc rồi xuất khẩu sang thị trường các nước tiên tiến như: Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand… rồi chế thành những loại gỗ ép sang trọng giá thành cao gấp nhiều lần.

Tuy mới chỉ dừng lại ở khâu sản xuất thô nhưng trồng rừng ở Nam Hòa thực sự đã là một nghề mới. Từ dự án trồng rừng của Nhà nước hỗ trợ cây giống kỹ thuật cho nhân dân để xóa đói giảm nghèo, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, thấy có hiệu quả hiện nay người dân đang mạnh dạn phát triển rừng.

 Trồng rừng thu nhập cao và có mớ có món. Trước đây người dân Nam Hòa trồng lúa trồng hoa màu chỉ đủ ăn và nếu dư thừa thì bán chi tiêu cũng không được nhiều. Thế nhưng, với nghề rừng ở Nam Hòa những năm gần đây nhiều hộ trồng rừng thu nhập hàng trăm triệu. Trước kia với tư duy, con trâu là đầu cơ nghiệp, thì nay bán một cánh rừng có thể bằng mấy con trâu. Với nghề rừng người dân thuần nông ở Nam Hòa thực sự coi đó là một hướng thoát nghèo và vươn lên làm kinh tế. Từ rừng họ có thể xây dựng nhà cửa, đầu tư cho con ăn học, đầu tư mua sắm thiết bị máy móc sản xuất, đầu tư chuyển đổi nghề nghiệp...

Để rừng xanh luôn yêu thương 

Với 750 ha rừng, trong đó có 500ha rừng thâm canh, xã Nam Hoà được xem là một trong những địa phương có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế đồi rừng của huyện Đồng Hỷ. Tính riêng 9 tháng năm 2015, Nam Hòa khai thác được 2962,13m3 gỗ thu về gần 1,5 tỉ đồng, đóng góp 30% tổng thu nhập của xã. Ngoài việc phát triển kinh tế, điều quan trọng nhất, trồng rừng tạo ra nguồn lợi lâu dài và bền vững như đảm bảo môi trường sinh thái cho địa phương. Chắc hẳn người dân Nam Hòa cũng hiểu rõ điều đó. Chính vì vậy, trong những báo cáo tổng kết của xã luôn có những dòng rất rõ ràng: Khai thác rừng phải đi liền với bảo vệ tái sinh một cách khoa học. Chính vì thế diện tích rừng trồng và rừng khai thác của Nam Hòa ngày một tăng thêm. Từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm xã trồng mới được khoảng 50 ha rừng. Rừng ở Nam Hòa tập trung nhiều tại các xóm: Mỹ Lập, Đồng Mỏ, Con Phượng, Trại Gião, Chí Son. Hiện nay, trong xã có đến vài chục hộ trồng từ 4-5ha rừng như gia đình anh Hoàng Văn Lành, Hoàng Văn Dần ở xóm Mỹ Lập; ông Đinh Văn Hùng ở xóm Đồng Mỏ; anh Phùng Văn Vinh ở xóm Con Phượng ...

Rừng đến đâu thì đường đến đấy, có rừng khác có đường. Trước đây người dân mang cây lên đồi núi hoang vu trồng, khi rừng lớn đủ tuổi khai thác người mua gỗ khác tìm cách mở đường đến. Những con đường trong xóm trong xã cũng ngày càng được nối dài và to đẹp hơn. Đường đến chân rừng, đương chạy vòng quanh đồi cây tạo một vành đai bảo vệ khi gặp hỏa hoạn. Xóm Chí Son và xóm Bồ Cóc …trước đây chưa có đường hiện nay nhờ bà con trồng rừng đường đã tới tận nơi.

Toàn xã hiện có 22 xóm, gần 2.900 hộ dân, thì có tới già nửa các hộ trồng rừng… Thời gian tới, chính quyền xã sẽ vận động nhân dân tiếp tục tham gia trồng mới những đồi rừng đã cho khai thác.

Phát triển rừng là vậy nhưng điều trăn trở nhất của người dân ở Nam Hòa hiện nay là, làm sao phát triển kinh tế rừng gắn với chăn nuôi dưới tán rừng; hoặc có thể thâm canh thêm những cây thuốc quý hiện đang tồn tại dưới tán rừng bản địa như: ba kích, sâm nam, hà thủ ô… Đã có vài hộ đang trồng thử và đã thành công. Mong muốn của người dân là cần các nhà khoa học nghiên cứu bài bản, để khuyến khích người dân chăn nuôi, trồng xen canh dưới những tán rừng keo để tăng năng suất và hiệu quả kinh tế.

Gió thổi vi vu trên cao, những tán keo thi nhau xào xạc. Tạm biệt những người nông dân chất phác ở Nam Hòa, tôi bỗng nhớ ý câu nói của ai đó: Khi rừng không còn tồn tại trên trái đất, trái đất sẽ khô cứng và lạnh lẽo biết nhường nào! Khi ấy, con người sẽ chết dần chết mòn khi đối diện với những tòa nhà đồ sộ nhưng không có sự sống… Người dân Nam Hòa đang ý thức rất rõ điều đó. Họ yêu rừng thì rừng không phụ họ. Nhất định tương lai không xa nơi đây sẽ là vùng đất trù phú với ngút ngàn màu xanh.

Thời chống Mỹ xã Nam Hòa nằm bên đường 16A - con đường tiếp nhận trung chuyển hàng quân sự từ Chùa Hang đến Ga Kép và là một trong những túi bom của Đế quốc Mỹ. Những năm bom Mỹ thả, cả xã có 700 hộ thì chỉ sót một hộ duy nhất còn nhà cửa, dân chúng đều căng bạt dựng lều tạm để ở và cùng bộ đội và thanh niên xung phong chống giặc Mỹ. Riêng trận đánh cuối cùng năm 1972 có hơn 600 quả bom đổ xuống đây, các ao, vũng trên xã Nam Hoà đều là hố bom còn sót lại (Lời kể của cụ Vi Liền là Bí thư chi bộ đầu tiên của xã Nam Hoà). 

 

Quang Khải

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chùm thơ dự thi của Trần Huy Minh Phương

Cuộc thi sáng tác văn học 7 năm trước

Đánh thức mùa Vu lan

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Nguyên bản và bản sao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Lam Điểu

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Tựa bóng ca dao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Kỳ tích ở Khe Cạn

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước