Đánh thức mùa Vu lan
VNTN - Nó luống cuống không biết làm thế nào khi bà cụ tháo dép đập phành phành lên cánh cửa đòi ra ngoài, bà với cả hai bàn tay gầy guộc, nhăn nheo, bám chặt vào song cửa sắt vừa lay vừa gọi: “Ai ơi? Giúp tôi với… Bác ơi! Mở giúp… Cửa… mở cửa! Mưa… mưa…! Lúa… gánh lúa về…, Hoán về…, Hân về… vác bừa về cho bu!”. Những câu từ không đầu không đuôi được bà cụ phát ra một thôi một hồi, rồi bà ngồi thừ ra. Đôi môi khô tím run lên, đôi mắt mờ đục của bà dại đi. Bất thần giây lát, bà cụ lại chồm lên, hai tay lại chới với lên cánh cửa sắt, lần này thì bà khóc, bà khóc giống như một đứa trẻ. Nước mắt đang lăn qua những vết nám, rồi đọng lại những khe rãnh chằng chịt trên khuôn mặt méo mó của bà: “Hỡi con ơi! Con hỡi!... Con đi đằng nào? Về…! Về rồi...! Về…” - Bà vừa khóc vừa gọi. Giọng bà lả dần, bà ngồi phệt xuống đất, đầu ngả vào cánh cửa, ánh mắt dài dại đờ đẫn vô định, chiếc cằm nhọn của bà chìa ra phía ngoài, bờ môi khô nứt, móm mém, thụt vào trong lại bắt đầu run lên, mồ hôi trên trán bà vã ra, vòm miệng bà mở ra một khoảng rỗng màu đỏ, bà thở hổn hển.
Mỗi ngày bà cụ vẫn lặp lại vài lần như thế, không còn lạ với nó nữa, nhưng mỗi lần như vậy nó vẫn không khỏi hoảng hốt, lo sợ và thấy xót xa, vì sau mỗi cơn điên loạn bà thường mệt lả đi rất lâu. Nó nhìn bà cụ, đang chưa biết làm sao thì có chuông điện thoại: “Alô! Bác Hoán phải không ạ?”. Đầu bên kia trả lời: “Ờ, bác Hoán đây! Bà giờ thế nào?”. Nó trả lời: “Bà lại lên cơn căng thẳng ạ!”. “Thế hôm qua bác dặn sáng nay phải cho bà uống thuốc đã cho chưa?”. Nó băn khoăn: “Nhưng … sao lại cho bà uống thuốc ngủ vào giờ này ạ?”. Ông Hoán quát to: “Cứ làm như bác đã dặn, đúng 9 giờ sáng nay phải làm cho bà ngủ đấy! Rõ chưa?”. Nó vâng dạ rối rít rồi lặng lẽ làm theo. Nó bước lại gần bà cụ, khẽ cậy bàn tay khô queo của bà đang nắm chặt vào song cửa, nó đặt vào tay bà một cốc nước màu trắng đục rồi dỗ dành: “Mẹ uống đi! Con là Hân của mẹ đây! Con sẽ là con gái của mẹ, sẽ ở bên mẹ mãi mãi!”. Bà cụ nhìn nó, bà giống như một đứa trẻ đang được người lớn dỗ dành. Cảm nhận được sự dịu dàng, âu yếm của nó, bà ngoan ngoãn làm theo răm rắp. Nó đỡ bà vào giường. Nó lấy khăn ướt nhẹ nhàng lau mồ hôi trên trán bà, rồi nắn chân, nắn tay cho bà. Bà cụ lịm dần vào giấc ngủ hiền từ. Đồng hồ trên tường điểm 9 giờ. Ngoài ngõ tiếng con Mực sủa, nhưng sao Mực vừa sủa hai tiếng thì đã đổi giọng mừng quýnh. Nó nghi ngờ: “Lẽ nào là bác Hoán hay cô Hân đã về? Nhưng hôm nay mới là mười hai mà, đã đến ngày rằm đâu?”. Quả đúng là chiếc xe Lexus đen bóng của vợ chồng ông Hoán đang cua vào sân. Ngồi cùng trên xe còn có một vị khách rất sang trọng. Vừa xuống xe ông Hoán đã khoát tay vẫy người khách sang trọng đi một vòng quanh nhà, vừa đi vừa giới thiệu phong thủy của ngôi nhà.
Thường thì cứ một tháng những người con của bà lại về thăm bà một lần, khi thì vào ngày rằm, lúc thì vào ngày mùng một. Kể từ khi bà cụ bị mất trí nhớ đến giờ, chẳng có ai chăm sóc hương khói cho những bức ảnh ở trên bàn nên bàn thờ nhà bà lạnh lẽo hẳn. Những người con của bà lại rất tín, họ nhất thiết phải về vào những ngày rằm, mùng một. Với lại họ về còn tiếp thêm thực phẩm vào tủ lạnh cho bà cụ, nhân thể trả tiền công cho nó luôn, vì nhà nó nghèo lắm! Đôi khi nó phải xin tiền ứng trước. Lần này nó thấy là lạ. Không hiểu sao bác cả lại đột ngột về nhà sớm hơn mọi lần?
Ông bà Hoán dẫn vị khách đi hết dãy khuôn viên hành lang rồi vào nhà lối cửa sau. Đi đến đâu vị khách cũng tươi cười gật đầu vẻ hài lòng lắm. Họ qua khu nhà tắm, nhà vệ sinh rồi đến khu vực bếp núc. Người khách ngập ngừng rồi dừng chân ở cửa phòng của bà cụ, vẻ băn khoăn điều gì? Ông hắt cái nhìn qua song cửa, thấy bà cụ đang nằm, ông hỏi: “Bà nhà mình đang ốm hả anh?”. Ông Hoán vội xua tay nói: “Ồ không! Bà đang ngủ đấy, bà rất khoẻ mạnh! Làm sao có chuyện bà ốm được! Chú biết đấy, bà anh năm nay 80 tuổi mà chưa bao giờ biết ốm đau là gì. Cũng may bà anh sống ở đây, khí hậu trong lành, phong thủy của ngôi nhà này lại cực kỳ tốt nên bà mới khỏe được như vậy đó! Cô Hân thì theo chồng làm kinh doanh ở Hải Phòng, vợ chồng anh bảo đón bà về đất Hà Nội sống chung, nhưng bà nhất định không đi, bà bảo ngôi nhà này phong thuỷ tốt, tao phải ở đây mới khoẻ được”. Thấy chồng mình nói năng lưu loát, bà Hoán hài lòng lắm, nét mặt cũng tươi vui không kém, bà bước đi nhún nhảy trong bộ váy đầm màu đỏ thẫm, mắt, môi lòe loẹt son phấn, nói cười rổn rảng, cả ba người họ chụm đầu với nhau, hứa hẹn gì đó rồi cùng lên xe.
Ngôi nhà chỉ còn lại bà cụ và nó. Cứ hết một ngày lại qua một đêm, rồi lại một ngày… Một cảm giác vắng lạnh đến rùng rợn. Chẳng có ai trò chuyện với nó, bốn bức tường hoang trống, bà cụ vẫn đang ngủ, chỉ có tiếng chặc lưỡi của thạch sùng đáp lại lời của nó. Nó lang thang quanh nhà, vừa đi nó vừa nghĩ mãi mà vẫn không hiểu vì sao ông chủ Hoán của nó lại nói và làm những chuyện khó hiểu như vậy?
Nó ngắm nghía vườn cây cảnh. Quả nơi này đẹp thật! Ở đây có đủ các loại hoa, cây cao cây thấp được ông chủ Hoán sưu tầm về, ông tự hào về điều này lắm, nhưng với nó thì chẳng có ý nghĩa gì, chỉ tội nó ngày nào cũng phải tưới, có đẹp mấy thì ở đây cũng có ai mà ngắm. Bà cụ thì suốt ngày phải ở trong phòng khép kín, tất cả các cánh cửa phòng của bà đều bằng sắt kiên cố, nó muốn dắt bà ra đây ngắm cảnh, cho bà thư giãn một chút cũng đâu có được, lỡ bà có chuyện gì một mình nó không cáng đáng nổi.
Phía khuất sau vườn là một gian nhà cũ. Xưa là chuồng gà, nay để toàn dụng cụ nhà nông của bà. Kể từ khi bà bị mất trí nhớ, bác cả bắt nó đem vứt bỏ hết những đồ dùng này, để dọn dẹp nhà vườn cho gọn. Nhưng nó không nỡ bởi đây là những thứ bà cụ rất trân trọng, có lần bà nói đùa với nó: “Những đồ dùng này là những người bạn đồng cam cộng khổ với tôi bao năm, cùng lập công nuôi được giám đốc Việt Hoán và nữ doanh nhân Việt Hân đang là những công dân tốt phục vụ đất nước”. - Nói xong bà móm mém cười, nụ cười nở ra niềm kiêu hãnh ngập tràn, làm nhíu hết cả những vết chân chim nhăn nhúm trên khuôn mặt bà. Nó ngắm nhìn mấy đôi quang tre, chiếc đòn gánh cong võng xuống, chiếc cuốc, chiếc cào, chiếc cày, chiếc bừa mòn vẹt…, tất cả đều được phủ một lớp bụi dày. Ngắm nghía những vật dụng vô tri mà nó lại thấy xúc động mạnh như thể chúng có linh hồn vậy. Phải chăng đó là hồn cốt một miền ký ức của bà còn lại?
* * *
Đã hai ngày trôi qua, tình trạng sức khoẻ của bà cụ suy sụp hẳn. Những cơn mê man kéo dài hơn, những cơn điên loạn thưa dần thưa dần rồi cũng không còn. Bà nằm li bì, đôi mắt nhắm nghiền, thi thoảng cặp môi khô khốc lại mấp máy: “… Ho… Hoán! … Hâ… Hân!...” - Rồi lại lịm trong mê man bất tỉnh. Ruột nó nóng như lửa đốt, chưa bao giờ cảm giác nó lại lo lắng và sợ hãi hơn lúc này. Nó gọi điện cho bác cả Hoán tới năm lần rồi mà vẫn không có người bắt máy. Nó lại gọi cho cô Hân, đầu dây bên kia là giọng một đứa con gái: “Alô! Cháu con mẹ Hân xin nghe ạ!”. Nó khẩn khoản đề nghị: “Em cho chị gặp cô Hân ngay có việc gấp lắm!”. Đầu dây kia đáp: “Không được đâu chị ơi! Mẹ em đang bận lắm!”. Nó hỏi: “Việc gì mà bận? Bảo mẹ em về ngay, bà bị ốm nặng lắm!”. Phía bên kia: “Mẹ em bảo hôm nay là ngày rằm tháng bảy, ngày lễ Vu lan, ngày báo hiếu công ơn cha mẹ, nên hôm nay bố mẹ em sắm lễ to lắm, thầy đang cúng chị ạ, khi nào xong mẹ em sẽ gọi lại cho chị ngay!”. Nó buồn bã cúp máy. Trong giường bà đang mê sảng, miệng ú ớ câu gì không rõ, hai gò má của bà cứ giần giật từng cơn, trán bà lạnh toát. Nó sốt ruột cứ chạy ra ngõ rồi lại chạy vào. Tay nó cầm chiếc điện thoại, cứ lúng ta lúng túng để chỗ này, lại quên chỗ kia. Suy nghĩ một lát bỗng nó chợt nhớ ra cô Hoa hàng xóm. Cô Hoa cũng tầm tuổi bác Hoán con trai của bà cụ, mỗi lần bà trái gió trở trời cô vẫn thường sang mang cho bà khi thì bát cháo, khi thì đun nồi nước lá xông... Nó nghĩ: “Nếu giờ cô Hoa sang thì mình yên tâm hơn, chắc bà sẽ không sao”. Nó chạy vụt ra cổng, bắc loa tay lên miệng: “Cô Hoa ơi!… Cô Hoa…!”. Cô hoảng hốt khi nghe tiếng gọi của nó. Vì cô biết nếu không có việc hệ trọng thì nó không gọi như vậy.
Cô Hoa đặt tay lên trán bà sửng sốt: “Trời ơi! Bà bị cảm đây mà, nguy hiểm quá! Gọi cho bác cả về ngay đưa bà lên bệnh viện mau!”. Nó lúng túng tìm số bác cả rồi nhấn một lần nữa. Ông Hoán vừa mở máy nghe đã quát to: “Gọi cái gì mà gọi? Đang dâng hương làm lễ, cứ léo nha léo nhéo, mất hết cả linh, xong việc tao khắc về”. Nó khẩn khoản: “Bác ơi! Bà bị ốm nặng lắm ạ! Bác về ngay đưa bà đi viện đi, cháu sợ lắm ạ!”. Ông Hoán hạ giọng: “Thế bà ốm thế nào? Vừa hôm kia bác về có thấy bà làm sao đâu nào! Thôi được rồi, ở nhà cứ chuẩn bị cho bà! Bác về sẽ đưa bà đi ngay!”.
Nó chuẩn bị những thứ cần thiết để cho bà đi viện. Cô Hoa thì thoa dầu gió lên hai thái dương và bụng của bà, rồi liên tục bóp chân tay cho bà. Cô giống như một thầy thuốc có kinh nghiệm, cô giục nó đi pha sữa nóng cho bà, rồi lại giục nó đi nấu cháo… nào là lấy cho cô củ gừng, nào là nhúng cho cô khăn ướt… Nó cứ cuống lên, chân nọ đá chân kia. Cứ thấy tiếng xe ầm ì ngoài ngõ, nó lại chạy xô ra, nhưng đều là người đi đường, không phải những người con của bà. Nó nhìn đồng hồ trên tường điểm 13 giờ. Đã quá trưa rồi mà vẫn không thấy ai về. Bà cụ vẫn mê man, nó và cô Hoa thì quên cả ăn trưa, vì chẳng ai thấy đói. Cô Hoa bón từng thìa cháo vào miệng bà, nhưng cả sữa và cháo đều từ từ trôi ra ngoài, hai cô cháu nhìn nhau, lệ nhòa đi. Cô đặt bà nằm xuống rồi vội vàng bảo nó: “Con ơi! Cô cháu mình phải cứu bà bằng mọi giá, con ngồi yên đây với bà, để cô đi gọi taxi. Bà phải đến viện càng nhanh càng tốt con ạ!”. Nói rồi cô chạy nhanh ra cổng.
* * *
Chiếc xe Lexus chở vợ chồng ông Hoán như bay trên đường. Bà Hoán sốt ruột giục: “Ông tăng tốc chút nữa đi! Lỡ mà không kịp thì…!”. Cả ngày mệt nhọc do phải chở bà vợ đi hết chùa này đến chùa khác nên ông Hoán buông lời bực dọc: “Bà muốn chết hả?! Nhanh thế này còn nhanh thế nào nữa, mà bà biết lo cho mẹ tôi từ khi nào vậy?”. Bà Hoán hạ giọng: “Mình à! Bây giờ không phải lúc cãi nhau, tôi thấy mình toàn khôn ở đâu. Mẹ mình không lo thì còn lo cho ai nào? Bây giờ không về kịp, lỡ không may mẹ có mệnh hệ gì thì biết làm sao? Đường đường là ông giám đốc lớn như mình mà lại không lo cho mẹ được đến nơi đến chốn thì mặt mũi nào lãnh đạo được ai? Nghe ô sin nó nói thì bà chỉ còn tính ngày tính giờ thôi, không được lâu nữa đâu. Bằng mọi giá, phải đón bà ra Hà Nội cho em chăm sóc, nếu bà có chết thì phải chết ở Hà Nội. Bạn bè, khách khứa của mình toàn “víp” cả, ai về tận khỉ ho ấy mà thăm viếng. Nói dại, nếu không may bà chết ở ngôi nhà ấy thì dở ẹc. Thử hỏi, một cụ già bị điên chết trong ngôi nhà đó, có ai dám mua nữa không nào?”. Nghe bà Hoán nói, ông Hoán cũng thấy xuôi, ông nói: “Ờ! Thì bà tính sao thì tính”.
Ông Hoán mở máy: “Bác cả nghe đây! Có gì từ từ nói xem nào! Bà bị làm sao? Hả? Bà đã… rồi ư? Bà đã mất thật rồi ư?!” - Cả tay và điện thoại của ông Hoán rơi xuống đập vào thành ghế mất kiểm soát. Ông Hoán sững người, sống lưng ông gai lạnh. Ông không ngờ sự việc lại xảy ra bất ngờ và nhanh đến thế. Cả hai vợ chồng ông lặng im không ai nói với ai, mỗi người theo đuổi một dòng suy nghĩ. Ông Hoán lại giật mình mở máy: “Tôi xin nghe!”. Phía bên kia: “Bác Hoán à, em Thắng đây! Tình hình giá cả của ngôi nhà thế nào? Xin hai bác cứ đưa ra để em bàn tính với gia đình, sang đầu tháng em sẽ giao tiền đặt cọc. Sáng mai hai bác bố trí để em đưa vợ con em tới xem cụ thể”. Nghe tới đây, ông Hoán chột dạ, lúng túng giây lát rồi ông Hoán bình tĩnh lại: “Ồ được! Ồ được! Vậy mai chú cứ đến xem đi nhé! Anh sẽ đợi chú, bái!”.
Ông Hoán lập tức gọi về nhà cho nó. Nó vừa mở máy nghe đã khóc: “Bác ơi, về nhanh lên, cháu sợ lắm! Bà không thở nữa rồi!”. Ông Hoán: “Bác về gần tới nơi rồi, có ai ở đấy không?”. Nó: “Chỉ có một mình cháu thôi ạ! Cô Hoa đi gọi xe để đưa bà đi viện nhưng vẫn chưa về”. Ông Hoán: “Kiểm tra lại chắc chắn xem bà còn thở không? Xé lấy một ít bông đặt vào mũi của bà xem có thấy bông lay động gì không?” Nó: “Cháu đã làm như bác dặn nhưng không thấy bông động đậy gì, bà không thở nữa rồi hư…hư…ư!”. Ông Hoán: “Không được khóc! Bác về tới sân rồi, cõng bà ra xe ngay!”. Nó: “Đi làm gì nữa, bà mất rồi bác ạ!” Ông Hoán quát: “Cứ cõng bà ra xe mau lên! Có cõng nổi không?”. Nó rối rít: “Dạ, cháu cõng được ạ!”.
Bà cụ nhẹ như một bó cỏ khô nằm gọn gàng trên tay nó, ngồi trong xe rồi mà mắt bà vẫn mở trừng trừng, ông Hoán đưa tay vuốt mắt cho mẹ, miệng lẩm bẩm: “Xin mẹ hãy tha lỗi cho con! Bây giờ con sẽ đưa mẹ lên bệnh viện”. Ông Hoán bắt đầu xoay vô lăng, chở nó và bà cụ đi. Bà Hoán ở lại lộp cộp đôi guốc, tất tưởi khắp nhà thu dọn chiến trường, như để phi tang dấu vết một cách vội vã.
Bế bà trên tay, nó khóc cùng đường xót thương cho bà cụ. Nó cũng cảm thông cho ông Hoán, chắc ông đau buồn lắm, ân hận lắm nên mới trở nên loạn thần như vậy, biết rõ bà mất rồi mà ông ấy vẫn đưa bà đi bệnh viện để cứu. Nó ngoan ngoãn chiều theo ông. Tới nơi, bà được đưa lên bàn cấp cứu. Các bác sĩ chụm đầu vào bà cụ, rồi lắc đầu, lẳng lặng quay ra.
Ông Hoán lại xoay vô lăng chở nó và bà cụ đi. Tới lối rẽ nó ngạc nhiên không hiểu vì sao ông chủ Hoán lại không rẽ về, mà lại rẽ đi, nó hỏi: “Bác ơi, đường về nhà bà đây cơ mà?” Ông Hoán: “Không về đó nữa, bây giờ đưa bà về nhà riêng của bác ở Hà Nội”. Nó im lặng không hỏi thêm gì nữa. Tới đầu cổng, ông Hoán dừng xe lẳng lặng mở vali lấy ra một tập tiền toàn tờ 500 ngàn màu xanh. Ông rút xoẹt một tệp đưa cho nó và nói: “Đây là tiền công của cháu”, vừa nói tay ông vừa nhét tiếp vào túi của nó chiếc phong bì: “Còn đây là tiền thưởng, nếu muốn cháu có thể ở lại Hà Nội tiếp tục làm việc cho bác với một điều kiện. Nó rụt rè hỏi: “Là điều kiện gì ạ?”. Ông Hoán đổi sắc mặt nghiêm khắc: “Không có ai biết bà mất trong ngôi nhà ấy, chỉ có cháu là người duy nhất biết điều đó. Có hiểu ý ta nói gì không? Nếu hiểu thì tốt, sẽ có thưởng, bằng không chẳng có gì hết, mà còn liệu cái mạng đó!” - nói xong ông Hoán lè lưỡi, trợn mắt nguýt nó một cái rồi ông mở cửa xe.
Truyện ngắn. Nguyễn Thị Sáu (Thái Nguyên) - Giải Nhất
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...