Chủ nhật, ngày 08 tháng 12 năm 2024
07:42 (GMT +7)

Kỳ tích ở Khe Cạn

VNTN - Bằng sức lao động, các thế hệ người Mông ở xóm Khe Cạn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ đã biến cải vùng đất dường như bị bỏ quên, trở thành 1 xóm làng đầm ấm. Hơn thế, đồng bào còn biết trồng chè, chế biến chè và nuôi mơ ước: Đến một ngày gần đây, người Khe Cạn sẽ xây dựng thành công thương hiệu chè Mông Khe Cạn.


Phóng sự. Phạm Ngọc Chuẩn

Không phải là cổ tích

Trước năm 2000, tôi lên bản người Mông Khe Cạn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ. Ngôi nhà gỗ 3 gian, 2 chái của gia đình ông Hoàng Văn Mùi, trưởng xóm được làm tựa lưng vào núi, trước nhà là triền dốc dài chạy tận xuống khu ruộng cạn. Nhìn bao quát một khoảnh thấy 2 dải núi đá, núi đất sừng sững như 2 con rồng nằm phủ phục vì khát. Từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước, vùng đất nằm lọt gọn giữa 2 “con rồng” khát nước này đã có người đến vỡ đất cấy lúa, trồng ngô, chăn thả gia súc. Nhưng do đất dốc, ruộng khô, hạt lúa, hạt bắp không đủ mẩy nuôi người, bà con lại bỏ đất mà đi. Đến năm 1979, các ông Hoàng Văn Páo, Hoàng Văn Lầu, Hoàng Văn Thành và Hoàng Văn Cao đã tay nải, cơm nắm từ vùng đất Cao Bằng xuôi đường về Thái Nguyên. Họ tìm nhà bạn quen ở các xóm, bản người Mông mới từ Cao Bằng di cư về, ở nhờ và đi tìm đất lập làng mới.

Từ 1.800 m2 đất trồng chè, 3 năm gần đây, gia đình bà Hoàng Thị Sông, xóm Khe Cạn thu hoạch được 3,5 triệu đồng/tháng.

Ông Hoàng Văn Páo, 80 tuổi bắt đầu câu chuyện: Không phải truyện cổ tích đâu, năm đó, 4 anh em họ Hoàng chúng tôi vác súng kíp vào rừng bắt con thú hoang. Phát hiện bên một rìa rừng Quang Sơn có vết chân thú còn hôi mùi cầy, cáo. Chúng tôi lần theo, đi miết qua một đêm thì mất dấu. Cũng vừa lúc mặt trời mọc, chúng tôi lấy cơm nắm ra ăn, rồi ngược dốc tìm nước uống. Đi được nửa giờ, phát hiện trong đám cây xanh um tùm có một dòng nước từ gầm núi chảy ra, mát lạnh. Bụm tay vốc nước, vừa uống vừa rửa mặt, nước làm chúng tôi tỉnh hẳn, ngước bên trái thấy núi đá, trông bên phải thấy núi đất, nhìn xuống chân thấy khe nước đang chảy thì đột nhiên mất dòng. Từ triền núi đá sang sườn núi đất có quãng hẹp chỉ bằng khoảng cách của mấy đoạn dao quăng. Có chỗ rộng nhất đi chừng nửa giờ là vấp vào chân núi.

Là những người trải đời, nên mấy anh em ông Páo biết đây là một vùng đất lý tưởng, nguồn nước từ lưng núi sẽ mang lại sự sống cho con người. Thấy trong khe, tiếng mõ trâu lốc cốc gọi đàn, tiếng người hú gọi nhau đi làm rẫy va vào vách đá làm bày chim rừng bay nháo nhác. Mấy anh em ông Páo mừng lắm, bụm tay lên miệng hú hết một hơi dài. Từ vách núi đá, tiếng hú vọng lại như lời đáp của rừng. Và họ đã tìm gặp được các chủ nhân của mấy đám nương, ruộng. Họ cùng bệt trên nền cỏ, giữa 2 bên hỏi han qua lại mấy lời đã thấy tin nhau, đến lúc mặt trời đứng bóng thì chủ đất thở dài: Từ trung tâm huyện, xã vào đến khe núi đường đất xa ngái, đi lại khó khăn, cấy cây lúa, trồng cây ngô chưa kịp thu thì con thú trên núi đá, núi đất về phá. Bỏ đất thì tiếc, nên mới cố trồng, cấy mà chẳng mong có thu hoạch. Các bác trên Cao Bằng về, thật lòng muốn mua, chúng tôi nhượng lại đất cho mà làm.

Sau khi đã mua được đất, ông Páo, ông Lầu, ông thành, ông Cao “nhổ trại” ở bản cũ, mang theo hơn hai chục lớn, bé, già, trẻ cùng toàn bộ gia sản, gạt nước mắt bỏ đất cũ để dắt díu nhau về vùng đất mới lập nghiệp. Họ đi trong mướt mát mồ hôi, mệt nhọc, nhưng tin ở vùng đất mới sẽ cho họ cuộc sống ấm no hơn.

Nhớ chuyện lập nghiệp ở lũng núi, ông Lầu thở một hơi khoan khoái rồi kể: Ngày mới về, chúng tôi lên rừng chặt cây dựng lán ở tạm để lo chuyện mùa vụ. Ngoài số đất đồi bãi mua được, chúng tôi theo nhau vỡ thêm đất mới trồng ngô, màu. Trước ngày xuống giống, các nương, bãi lửa cháy hực hực, tàn tro bay khắp vùng, kinh nghiệm cho chúng tôi biết đây là vùng đất màu mỡ có thể nuôi sống cả bản… Ông Páo lại hả hê: Thoáng cái đã mấy mùa trăng, quả po cừ (ngô) trên nương to như bi chuối rừng, hạt mẩy căng. Chõ mèn mén trong bếp lúc nào cũng đầy bột ngô, không còn ai lo đói.

 

Có ngô mới, anh em nhà ông Páo bảo vợ con giết gà, làm thêm mèn mén, gói ghém ngược đường về bản cũ, báo tin vui, rủ thêm người thân về lũng núi Văn Lăng mở đất, tra hạt giống. Mỗi ngày, từ sáng sớm tới khuya muộn, tiếng người í ới giúp nhau khiêng đồ đoàn; mấy bà, mấy chị chóe choé mắng con; còn lũ trẻ vô tư chạy nhảy chơi trốn tìm trong hốc đá.

Những mái nhà tạm được dựng vội trong lũng núi để náu mưa, nắng. Bữa cơm hằng ngày của các gia đình trệu trạo bữa đói, bữa no. Trong khó khăn, gian khổ của những ngày đầu lập làng, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Thái đã không ngần ngại đường đất nhọc nhằn, về với đồng bào, giúp đồng bào nhanh chóng ổn định cuộc sống. Nhiều hộ khó khăn được Nhà nước hỗ trợ tiền làm nhà ở, tiền khai hoang ruộng đất. Rồi bằng các nguồn vốn của Chính phủ, xóm người Mông Khe Cạn đã có điện lưới quốc gia; có nhà văn hoá và một công trình nước sinh hoạt tự chảy về tận hiên nhà.

 

Thương hiệu chè Mông

Đàn ông người Mông giỏi đi rừng, đi rẫy. Phụ nữ người Mông giỏi việc đi nương tra hạt, xe lanh, dệt thổ cẩm và gùi nước… Bây giờ, cả đàn ông, đàn bà người Mông ở xóm Khe Cạn còn giỏi việc cấy lúa, trồng chè.

Việc trồng chè, chế biến chè với người Mông Khe Cạn, nhiều cán bộ trong ngành nông nghiệp của tỉnh bảo: Công việc này được ví như một kỳ tích trong chuyển đổi tư duy, nhận thức và hành động thực tiễn của đồng bào. Nghe rất lý thuyết, nhưng thâm nhập thực tế với đồng bào, chúng tôi mới cảm nhận được đầy đủ ý nghĩa của lời đúc kết tưởng như xa rời hiện thực ấy.

Nhớ lại năm 1996, chúng tôi lên xóm Khe Cạn xem đồng bào người mông trồng chè. Để đến được xóm Khe Cạn, từ huyện Đồng Hỷ, chúng tôi phải đánh vật với mấy mươi cây số đường cơ khổ, cực nhất là đoạn sang sông Văn Lăng, mọi người phải giúp nhau khiêng xe máy, xe đạp lên - xuống đò. Đường xuống bến đò dốc tức, gặp hôm trời mưa, trơn nhềnh nhệch. Vậy mà nhiều người còn mang theo cả bao hạt chè. Họ cặm cụi, ít nói, ai nấy cố gồng sức đun đẩy giúp nhau mang hạt cây giống về nhà.

 

Đường xóm Khe Cạn lầy lội, có nhiều phân súc vật vương vãi, chúng tôi thấy dọc bên đường lác đác vài đám chè thẹn thùng nảy búp. Anh Trần Bình, Chi Cục Trưởng Chi cục Định canh định cư bảo: Thế là mừng. Vì cây chè bắt đầu đi vào đời sống kinh tế của đồng bào người Mông xóm Khe Cạn. Đây có thể ví như “một cuộc cách mạng” trong chuyển đổi tư duy làm kinh tế của đồng bào người Mông. Bởi trước đó, khi cán bộ khuyến nông tỉnh, huyện về vận động đồng bào trồng cây chè đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt. Bà con cho rằng: Chỉ có cây lúa cho thóc, cây ngô cho bắp, cây bí cho quả thì mới nuôi sống được con người. Còn như trồng cây chè lấy lá thì không thích, vì lá chè không ăn thay được ngô, gạo.

Mới đó đã 20 năm, thời gian đủ để làm thay đổi một tư duy cố hữu, bảo thủ và một em bé được sinh ra, đủ lớn để trưởng thành. Trong lần trở lại xóm người Mông Khe Cạn này, tôi may mắn gặp được những người có uy tín tại địa phương, trong đó có 2 người từng làm trưởng xóm là ông Hoàng Văn Mùi và ông Hoàng Văn Sự. Ông Mùi là người cao tuổi có uy tín, được UBND tỉnh tặng nhiều Bằng khen. Ông tự hào cho tôi xem 1 tấm Bằng khen từ năm 1999, bảo: Do ngày đó mình có thành tích xuất sắc trong công tác định canh định cư và kinh tế mới, nên được anh Mai Phúc Toàn, Chủ tịch UBND tỉnh khen. Đầu năm 2016, mình vừa về tỉnh nhận Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, giai đoạn 2010-2015.

Ông lấy ấm trà, tự tay pha nước mời khách. Cử chỉ thân thiện, ông Mùi khoe: Tôi là một trong những người dân đầu tiên ở xóm người Mông Khe Cạn này trồng chè, sao chè và có chè bán. Cây chè cho gia đình tôi một cuộc sống ổn định, con, cháu được học hành…

Ông Hoàng Văn Bình, Trưởng xóm cho biết thêm: Người Mông mình có cách nghĩ: phải thấy được cái hay thì mới theo. Chính vì thế, khi thấy nhà ông Mùi, ông Lầu, ông Vụ (3 hộ trồng chè đầu tiên của xóm) có chè bán được tiền, bà con mới thay đổi “cái nghĩ”, bảo nhau chuyển đổi những khoảnh đất dốc sang trồng chè. Đến nay, hầu hết các hộ trong xóm đều trồng chè và có chè bán. Nhà có nhiều đất trồng chè nhất vẫn là hộ ông Mùi, ông Lầu và ông Vụ, trung bình mỗi hộ có gần 10.000 m2 đất chè. Từ 5 năm gần đây, nhiều hộ bỏ tiền mua chè cành giống mới về trồng thay thế chè Trung du.

Nhấp ngụm chè như để cân nhắc lại lời nói, ông Bình đắn đo: Do người Mông mình chưa có nhiều kinh nghiệm làm chè, nên năng suất đạt chưa cao, trung bình 1 sào đạt 10kg khô/lứa, với giá bán 100.000 đồng đến 120.000 đồng/kg.

Từ khu nhà văn hóa xóm, chúng tôi đi tắt qua mấy vạt ngô để sang khu đồi chè của nhà ông Hoàng Văn Sự và bà Hoàng Thị Sông. Bà Sông cho biết: Trong xóm, nhà nào cũng có đất trồng ngô, trồng lúa và trồng chè. Nhưng ngô, lúa chỉ đủ ăn, còn chè sau khi thu hái, chế biến, người buôn bán ở phố về tận nhà mua hết. Đầu năm nay, gia đình tôi vừa sửa nhà hết 60 triệu đồng. Tiền mua vật liệu, tiền trả công thợ đều từ làm chè mà có.

Vừa đi tập thổi khèn về đến nhà, gặp khách, ông Hoàng Văn Sự pha ấm chè như một thói quen. Tiện miệng, tôi hỏi: -Nhà bác trồng được mấy sào chè? Ông Sự khề khà: Không biết, chỉ biết là mỗi lứa hái, sao khô được 50 cân. Một cân chè bán được bao nhiêu tiền? -Chè cành trăm hai; chè hạt trăm chẵn. -Trong xóm có hộ nào làm chè an toàn hay chè đặc sản không? Tôi hỏi cho có chuyện. -Cả xóm đều làm chè an toàn, nhưng chưa có ai làm chè đặc sản… Dừng lời giây lát, ông Sự đủng đỉnh cho biết thêm: Cách đây hơn mươi năm, chè của người Mông mình bèo bọt khó bán. Nhưng mấy lần về tỉnh xem thi sao chè ở Festval, thấy chè “người ta” bán được tiền triệu, bà con mình học cách làm theo, kể từ việc chăm sóc, thu hái, bảo quản, sao xấy đều được thực hiện đúng quy trình hướng dẫn của cán bộ khuyến nông huyện, vì thế chè bán dần được giá cao hơn.

Một góc xóm người Mông Khe Cạn.

Mặt trời tụt xuống núi rất nhanh, chúng tôi vội chia tay ông Sự, dời bàn trà, trở ra con đường bê tông sạch, đẹp uốn như thân rồng dọc xóm. Chúng tôi gặp bên đường từng nhóm người từ nương chè trở ra, bà con ríu ran hỏi han chuyện giá chè; kinh nghiệm làm chè sao suốt. Đang mùa mưa tháng Sáu, chè đủ nước, đua búp, người trồng chè Khe Cạn cũng bận rộn hơn. Ông Hoàng Văn Chàu, nghệ nhân thổi khèn của xóm thủ thỉ: Ít năm trước, để có tiền cho con đi học chữ nhất là phải đi học xa nhà, bà con bán gà, bán ngô. Bây giờ có cây chè, bà con không phải bán lương thực nữa. Các cháu đi học, cái óc nghĩ được điều khôn. Có cháu bảo với tôi: Để chè của xóm bán được nhiều tiền hơn thì nên làm hàng đặc sản, đóng bao bì, hút chân không. Trên bao bì ghi rõ: Chè đặc sản Mông Khe Cạn.

Ông dừng lời nhìn về phía núi, ngắm ánh hoàng hôn còn sót lại cuối ngày, rồi lặng lẽ nâng cây khèn thổi lời rừng, lời núi.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chùm thơ dự thi của Trần Huy Minh Phương

Cuộc thi sáng tác văn học 7 năm trước

Đánh thức mùa Vu lan

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Nguyên bản và bản sao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Lam Điểu

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Tựa bóng ca dao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Thơ dự thi của Hoàng Thị Hiền

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước