Chủ nhật, ngày 05 tháng 05 năm 2024
13:48 (GMT +7)
Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X

Về những giải pháp đổi mới hoạt động của hội Văn học nghệ thuật địa phương

 

 

 

Bà Nguyễn Thị Gái, Chủ tịch Hội VHNT huyện Định Hoá phát biểu tham luận. Ảnh: Kim Ngân

Hội Văn học nghệ thuật huyện Định Hóa với bề dày 36 năm xây dựng và phát triển đã luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thường trực Huyện ủy – HĐND – UBND và sự ủng hộ của các ban ngành, đoàn thể trong huyện. Định Hoá là nơi hội tụ bản sắc văn hoá phong phú và đặc sắc của 13 dân tộc anh em, rất thuận lợi cho việc sưu tầm và bảo tồn các Di sản văn hoá đặc sắc của các dân tộc. Vùng đất, con người Định Hóa vốn có truyền thống lịch sử và yêu nước, là vườn ươm bất tận tạo đà cho sự phát triển và cảm hứng sáng tác của các văn nghệ sĩ.

Đặc điểm tình hình

Từ nhiều năm nay, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã triển khai Kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội của huyện và cấp nguồn ngân sách cho hoạt động thường xuyên của các tổ chức Hội. Đồng thời, Ban Tuyên giáo Huyện uỷ có hướng dẫn việc triển khai các hoạt động Văn hoá, văn nghệ từng quý cho Hội VHNT, giúp cho Hội chủ động được việc xây dựng Kế hoạch và có nguồn kinh phí để hoạt động. Những năm gần đây, Hội VHNT tỉnh đã có nhiều đổi mới trong việc hướng dẫn các Hội địa phương hoạt động, nên giúp cho Hội Định Hoá tự tin hơn trong việc triển khai các chuyên đề gắn với tính chất đặc thù của Hội.

Đó là những thuận lợi đáng kể của chúng tôi.

Tuy nhiên, bên cạnh đó chúng tôi lại gặp phải những khó khăn không dễ gì khắc phục. Đó là, lãnh đạo Hội đều là cán bộ đã nghỉ hưu, không được đào tạo về nghiệp vụ quản lý chuyên ngành. Trong 5 năm đầu thành lập Hội, cán bộ chưa có chế độ thù lao; Văn phòng Hội trong suốt thời gian dài không có máy vi tính, không có đội ngũ giúp việc. Cơ cấu lãnh đạo Hội chỉ có 1 Chủ tịch và 1 Phó Chủ tịch, nên từ việc xây dựng Kế hoạch tổ chức, kịch bản và trực tiếp đạo diễn các chương trình hoạt động của Hội, đều do Thường trực Hội đảm nhiệm. Đã vậy, địa bàn rộng, số hội viên cao tuổi và hội viên là nông dân chiếm trên 50%, không có thu nhập ổn định…

Các Câu lạc bộ VHNT cơ sở hiện nay không có chế độ hỗ trợ cho công tác quản lý. Mọi hoạt động của các Câu lạc bộ đều là tự nguyện. Lực lượng sáng tác ở cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu thưởng thức văn học, nghệ thuật ngày càng cao của công chúng. Đặc biệt, vẫn còn một số địa phương chưa thực sự vào cuộc với văn học nghệ thuật; không ít hội viên mới chỉ coi tổ chức VHNT là một sân chơi, số khác thì có tư tưởng: vào Hội phải có quyền và được lợi, Hội phải “tìm việc” cho hội viên để có sân chơi cho vui…. Sự đề cao “cái tôi” của một số văn nghệ sĩ đôi khi đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chung của Hội.

 

Tốp Then của Hội VHNT huyện Định Hóa phục vụ du khách tại Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam (Khu du lịch Đồng Mô, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: Nông Ngọc Ninh

Những kết quả đạt được

Đổi mới về nhận thức và tổ chức thực hiện.

Đây là điều mấu chốt cơ bản, quyết định thành công của mọi hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Bởi Nghị quyết số 23-NQ/TW không chỉ là chủ trương, đường lối của Đảng, mà còn là sự đổi mới và sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ với văn học, nghệ thuật nước nhà.

Ngay sau khi Nghị quyết số 23 ra đời, Hội Văn học nghệ thuật huyện Định Hóa đã nghiêm túc nghiên cứu, triển khai tinh thần Nghị quyết và Chương trình hành động số 24-CTr/HU của Huyện ủy tới Ban Chấp hành Hội và toàn thể hội viên để cùng thống nhất, xây dựng các giải pháp cụ thể thực hiện Nghị quyết (có 394 lượt học viên tham dự).

Hàng năm, thực hiện kế hoạch và định hướng của Ban Tuyên giáo Huyện ủy về công tác văn hoá, văn nghệ, Hội VHNT huyện đã xây dựng kế hoạch hoạt động từng năm, được triển khai theo từng giai đoạn (Giai đoạn 2008 - 2013; Giai đoạn 2013 - 2018 và Giai đoạn 2018 - 2023 ) tới tất cả hội viên và các Câu lạc bộ cơ sở.

Đổi mới về phương pháp hoạt động chuyên môn của Hội

Thực hiện Chương trình hành động số 24 của Huyện ủy Định Hóa, trên tinh thần “lấy dân làm gốc”, Hội VHNT huyện Định Hoá hướng về cơ sở, lấy cơ sở để xây dựng phong trào. Bước đầu, đưa Chi hội Văn nghệ Dân gian xuống cơ sở để sinh hoạt định kỳ theo từng quý, sau đó mạnh dạn thể nghiệm Chuyên đề “đưa Văn học, nghệ thuật về cơ sở”.

Đầu tiên, Thường trực Hội quyết định đưa các thành viên Ban Chấp hành Hội xuống cơ sở, hướng dẫn việc thành lập các Câu lạc bộ VHNT. Kết quả, sau 3 năm vận động, đã có 18/23 xã, thị trấn thành lập được Câu lạc bộ VHNT. Sau đó, Hội quyết định chia cụm thi đua để hướng dẫn các Câu lạc bộ hoạt động chuyên môn. Dựa theo địa bàn dân cư và đặc trưng văn hoá từng vùng, Hội quyết định chia 5 cụm thi đua. Trước thời gian COVID–19 hoành hành, mỗi năm Hội tổ chức được 5 đợt giao lưu VHNT ở các cụm. Đến năm 2023, Hội quyết định rút gọn lại còn 3 cụm, ở phía Bắc, Trung tâm và phía Nam của huyện.

Mở rộng “xã hội hoá” trong công tác Hội

Trong quá trình thể nghiệm “Đưa Văn học nghệ thuật về cơ sở”, lường trước được khó khăn về kinh phí tổ chức, Thường trực Hội đã bám sát định hướng của Ban Tuyên giáo Huyện uỷ cho hoạt động VHNT để tham mưu và đề nghị các địa phương tạo điều kiện giúp đỡ. Ban đầu, chỉ được rất ít cơ sở ủng hộ, để tháo gỡ khó khăn này, Hội quyết định bổ sung vào kịch bản chương trình giao lưu là các tác phẩm gắn với truyền thống lịch sử từng địa phương để tuyên truyền. Kết quả, đến nay các Câu lạc bộ đều được các địa phương vào cuộc và ủng hộ trong điều kiện có thể.

Thực hiện Cuộc vận động sáng tác và quảng bá các tác phẩm VHNT theo chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, từ nhận thức phải tìm “đầu ra” cho các tác phẩm VHNT, Hội chủ động phối hợp với Đài PTTH tỉnh, duy trì thường xuyên thông tin hai chiều với Phòng Văn hoá Thông tin, giữ mối liên hệ mật thiết với Trung tâm Văn hóa Thông tin & Truyền thông huyện, với UBMT Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, các cơ quan, ban ngành trong huyện, để xây dựng chương trình tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Thực hiện “Văn học nghệ thuật Định Hoá tham gia xây dựng đời sống văn hoá cơ sở” để bảo tồn các Di sản văn hoá phi vật thể của địa phương, đây chính là điểm nhấn trong hoạt động chuyên môn. Hội hướng hội viên VNDG tìm đến các thầy Then, thầy Tào… để thu hút thêm lực lượng sưu tầm và bảo tồn những giá trị văn hoá cổ của các dân tộc vùng ATK Định Hoá. Đồng thời, động viên các Câu lạc bộ chủ động phối hợp với Ban Văn hoá địa phương để dàn dựng và quảng bá các tích trò Dân gian và các di sản văn hoá đặc sắc của địa phương.

Qua 37 lượt “đưa VHNT về cơ sở” đã góp phần không nhỏ đem đến thành công cho chương trình liên hoan Dân ca các dân tộc ATK Định Hoá do huyện tổ chức. Các Câu lạc bộ đã sưu tầm được các Di sản văn hoá đặc sắc để quảng bá và bảo tồn, đó là các làn điệu Dân ca như: Hát Then, hát Ví, các điệu hát Lượn, Lượn Cọi, hát Sấng coọ, hát Pả Dung… Các điệu Dân vũ như: Múa Tắc Xình, Múa Chầu Then, Múa Cầu mùa, Múa hát mừng cơm mới…; Các Nghi lễ như: Đám cưới người Tày; Người Dao; Người San Chí… Lễ Kỳ Yên, Lễ Cầu mùa, Lễ Mừng cơm mới, lễ Kéo Phướn, Lễ Thôi Nôi dân tộc Dao…và 15 tích trò Dân gian trong lễ hội).

Việc truyền giảng cho thế hệ trẻ luôn được Hội chú trọng. 15 năm qua, Hội đã cử các nghệ nhân xuống cơ sở để dạy hát Then đàn tính và hát Lượn cho 7 xã trong huyện, với trên 100 lượt học viên tham gia. Đã tổ chức được 1 lớp dạy về văn hoá Dân gian các dân tộc ATK Định Hoá cho 91 cán bộ ngành Giáo dục & Đào tạo, là Tổng Phụ trách và Giáo viên dạy môn Âm Nhạc ở các trường học trong huyện.

Ngoài ra, hàng năm Hội luôn tích cực tham gia hoạt động quảng bá các di sản văn hoá của địa phương với du khách thập phương về dự Lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hoá, trong không gian Văn hoá Trà. Hội cùng đồng hành với ngành văn hoá trong việc động viên các nghệ nhân tham gia đội hát Then chuyên phục vụ khách du lịch về nguồn và trải nghiệm tại ATK Định Hoá.

 

Một tiết mục tham gia giao lưu văn hoá giữa các vùng miền được tổ chức tại xã Sơn Phú, tháng 12/2020. Ảnh: Nông Ngọc Ninh

Quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật

Việc tổ chức quảng bá các tác phẩm VHNT gắn với chủ điểm các ngày lễ lớn của cả nước và các sự kiện quan trọng của địa phương, được Hội giao cho các Chi hội chuyên ngành và các Câu lạc bộ thực hiện. Bước đầu, Hội thành lập một đội văn nghệ không chuyên, thông báo đăng cai các chương trình văn nghệ chào mừng các sự kiện quan trọng của các cơ quan và các tổ chức đoàn thể trong huyện.

15 năm qua, Hội đã phối hợp với hầu hết các đơn vị để dàn dựng các chương trình sân khấu hoá tham gia tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thông qua các Hội thi, từ cấp huyện đến cấp tỉnh. Có 8 chương trình được quảng bá toàn quốc như: Chương trình Dân số; Chương trình thi ứng xử ngành Y tế; 3 chương trình Diễn đàn trẻ em; 3 Câu chuyện truyền thanh.

Để góp phần nâng cao chất lượng các tác phẩm, thông qua việc động viên khích lệ các tác giả gạo cội và văn nghệ sĩ trẻ, Hội đã tổ chức được 10 chương trình quảng bá tác giả - tác phẩm. Trong đó có 4 chương trình cấp huyện như: Chương trình Hình ảnh Bác Hồ trong thơ người Định Hoá; Sắc màu các dân tộc ATK Định Hoá; Quê hương – Khúc hát, lời ru; Diễn Thơ…. Ngoài ra, còn tổ chức được 11 chương trình ở cấp Chi hội, gắn với tên tuổi và tác phẩm của các tác giả người Định Hoá. Điều đáng nói là tài chính để thực hiện các chương trình quảng bá tác phẩm đều từ nguồn xã hội hoá và gia đình các tác giả ủng hộ.

Riêng năm 2023, Hội bắt đầu thể nghiệm chương trình giao lưu mới, với hình thức “Thi ca Hội Làng” ở 3 cụm thi đua. Khởi đầu được tiến hành ở cụm số 1, ngày 29 tháng 4, tổ chức tại xã Lam Vỹ, với chủ đề: Hội làng mừng chiến thắng.

Từ những kết quả đó, chúng tôi cũng tự thấy, để tránh việc triển khai thực hiện Nghị quyết một cách khô khan và giáo điều, thì biến chúng thành những việc làm tích cực và cụ thể.

Những bài học kinh nghiệm

Sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và chỉ đạo sát sao sẽ giúp các cơ sở Hội VHNT phát triển vững mạnh. Trong đó, định hướng của Ban Tuyên giáo Huyện uỷ là điều kiện quan trọng cho Hội hoạt động.

Vai trò của người lãnh đạo Hội vô cùng quan trọng. Phải có nhận thức đúng đắn về công việc mình đang phụ trách và chịu trách nhiệm. Luôn không ngừng học hỏi, tự rút kinh nghiệm và có tư duy đổi mới để thực hiện bằng được kế hoạch đã đề ra. Người lãnh đạo của một Hội cơ sở tối thiểu phải có: Tâm - Trí – Lực, trong vai một tổng đạo diễn thực sự.

Đội ngũ Ban Chấp hành Hội và các Chủ nhiệm Câu lạc bộ phải là những người đam mê thật sự và cống hiến nhiệt tình cho công việc, là cánh tay đắc lực của Hội. Họ cần được thử thách, giao nhiệm vụ thường xuyên.

Những đề xuất, kiến nghị

* Với Tỉnh uỷ: Cần tăng cường ban hành các văn bản chỉ đạo thường xuyên về hoạt động văn học, nghệ thuật. Trên tinh thần Nghị quyết, cần chỉ đạo các ban ngành chức năng liên quan xây dựng, bổ sung các quy chế về việc phối hợp liên ngành giữa Văn hóa và Văn học nghệ thuật.

* Với HĐND tỉnh: Nghiên cứu để có hướng bổ sung nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên cho các Hội VHNT địa phương hiện nay chưa được cấp từ ngân sách. Đồng thời, cần có những quyết sách cụ thể để hỗ trợ ngân sách cho hoạt động sưu tầm và bảo tồn nét đẹp văn hoá ở các Hội địa phương.

* Với ngành Văn hoá: Cần mạnh dạn giao (hoặc) dành cho các Hội VHNT địa phương được tham gia một số phần mục trong các Đề án về Văn hóa. Đồng thời, quan tâm thường xuyên hơn nữa tới việc xét vinh danh và chế độ của các Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân§

Nguyễn Thị Gái

Chủ tịch Hội VHNT huyện Định Hoá

Xem thêm các tham luận:

Nghĩ tiếp về vấn đề phát triển lực lượng tác giả trẻ

Mỹ thuật trước những yêu cầu mới của đời sống và công chúng

Những vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng cơ chế chính sách đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

Hoạt động quảng bá các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật trong thời gian qua

Văn học Thái Nguyên, nhìn lại một hành trình sáng tạo

Đổi mới và nâng cao chất lượng Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên

Những dấu ấn nổi bật trên hành trình mười lăm năm

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy