Thứ bảy, ngày 18 tháng 05 năm 2024
23:58 (GMT +7)
NHÌN LẠI 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 23-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ KHÓA X

Mỹ thuật trước những yêu cầu mới của đời sống và công chúng

VNTN- Cách đây hơn mười năm Hội thảo 20 năm mỹ thuật thời kỳ đổi mới (2007), nhà lý luận phê bình (LLPB) Phan Cẩm Thượng đã phát biểu: “…Tính chất kinh tế thị trường từ lâu đã nằm trong đặc thù của hoạt động mỹ thuật, bởi sáng tạo và tổ chức trưng bày hoàn toàn quyết định bởi cá nhân, việc không phải phiên dịch các tác phẩm khi ra nước ngoài, nhu cầu khai thác ngôn ngữ nghệ thuật từ lâu vượt ra khỏi phong cách hiện thực,…”.

Quang cảnh buổi Toạ đàm
Quang cảnh buổi Toạ đàm "Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW do Hội VHNT tỉnh tổ chức ngày 11/4/2023. Ảnh: Kim Ngân

Thiết nghĩ, điều Phan Cẩm Thượng nói ở trên mới chỉ đề cập sâu về lĩnh vực Mỹ thuật tạo hình. Sự đổi mới của lĩnh vực Mỹ thuật tạo hình còn rất chậm bởi lối tạo hình kinh điển (thời Phục hưng) đến nay vẫn được coi trọng ở các trường đào tạo họa sĩ và công chúng vẫn đón nhận lối tạo hình cổ điển đó. Trong lĩnh vực Mỹ thuật rộng lớn kia với bao nhiêu loại hình mỹ thuật khác nữa, có những lĩnh vực mỹ thuật thay đổi rất nhanh để đáp ứng nhu cầu cuộc sống thực tại của công chúng.

Đôi điều về Mỹ thuật

Ngày nay, thời đại 4.0 - sự phát triển của công nghệ thông tin và kinh tế thị trường đã làm thay đổi nhận thức nhu cầu thẩm mỹ khác nhau, mỹ thuật được công chúng biết đến nhiều hơn và được coi trong nhiều hơn. Mỹ thuật dường như là đường dẫn kết nối con người với nhau và vượt khỏi biên giới một cách tự nhiên như điện nhân vậy. Tuy nhiên, về phương diện nào đó không phải ai cũng hiểu ngọn ngành thuật ngữ mỹ thuật, số đông ta hiểu mỹ thuật là chỉ là bức tranh, bức phù điêu và pho tượng. Vậy mỹ thật là gì (?).

Theo Từ điển Mỹ thuật thì: mỹ thuật (美術) hiểu nôm na là “nghệ thuật của cái đẹp” (“mỹ”, 美 theo tiếng Hán - Việt, nghĩa là “đẹp”). Đây là từ dùng để chỉ các loại nghệ thuật tạo hình chủ yếu là: Hội họa, Đồ họa, Điêu khắc, Kiến trúc. Theo cách nhìn khác, từ “mỹ thuật” (đẹp + nghệ thuật),  chỉ cái đẹp do con người và thiên nhiên tạo ra mà mắt ta nhìn thấy được. Vì lý do này người ta còn dùng từ nghệ thuật thị giác (visuel art) để nói về mỹ thuật. Ví dụ: vẻ đẹp của một bức tranh, giá trị thẩm mỹ của một công trình kiến trúc. Có nhiều cấp độ thưởng thức cái đẹp, phụ thuộc vào sự hiểu biết, khiếu thẩm mỹ và ý thích của riêng từng người. Do đó, quan niệm về mỹ thuật cũng chưa nhất quán theo một chuẩn mực nào. Tuy nhiên, một tác phẩm được đánh giá là có phần mỹ thuật biểu hiện tốt thì ít nhiều tác phẩm đó phải có âm vang về tính kinh viện (acade’mique). Theo từ điển từ vựng mỹ học của Étienne Souriau - 1990, tiêu chuẩn mỹ thuật mang tính kinh viện gồm có: nhạy cảm, mang tới cho người thưởng thức nhiều cảm xúc; diễn đạt tốt không gian trong tranh, thời gian; mức độ diễn tả đạt tới một trong các loại hình mỹ học. Ví dụ: thông qua ngôn ngữ tạo hình, tác giả diễn đạt thành công một tác phẩm mang tính triết lý sâu sắc, cho dù các hình tượng trong tranh mang tính trừu tượng hoặc tượng trưng.

Thuật ngữ mỹ thuật thường xuyên xuất hiện trong Hội họa, Đồ họa, Điêu khắc, Kiến trúc, đôi khi ta còn gặp thuật ngữ “mỹ thuật” trên sân khấu và trong cuộc sống hằng ngày. Từ này còn được dùng khi phân biệt những ngành lớn của hội họa: Mỹ thuật ứng dụng, Mỹ thuật công nghiệp, Mỹ thuật trang trí…; mỗi ngành có một đặc thù riêng về kĩ thuật thể hiện và giá trị sử dụng. Trên thế giới, và ở cả Việt Nam, những người hoạt động trong ngành thường chỉ thừa nhận khái niệm mỹ thuật theo nghĩa hàn lâm và có sự phân biệt rõ rệt giữa mỹ thuật với thủ công mỹ nghệ và mỹ thuật ứng dụng.

Tựu trung ta hiểu khái quát Mỹ thuật có 2 loại hình: Mỹ thuật tạo hình và Mỹ thuật ứng dụng. Mỹ thuật tạo hình là nghệ thuật sáng tạo các hình tượng cụ thể, sinh động, gợi cảm bằng đường nét, màu sắc, hình khối như các tác phẩm tranh (tranh vẽ, tranh in), tượng và phù điêu; tác phẩm này được sử dụng trong trang trí nội, ngoại thất. Mỹ thuật ứng dụng dùng để chỉ các hoạt động sáng tạo mỹ thuật được đưa vào ứng dụng trong cuộc sống thường ngày, bao gồm nhiều ngành như: Thiết kế tạo dáng công nghiệp, Thiết kế thời trang, Thiết kế trang trí nội thất, Thiết kế đồ họa… Đối với Trang trí nội, ngoại thất (trình bày, sắp xếp vật dụng trong/ ngoài phòng sao cho đẹp - phù hợp - tiện nghi…). Trang trí nội, ngoại thất có thể nói là một ngành lớn, ngày nay đang được trọng vọng, đời sống xã hội rất cần, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho con người.

Như vậy, ta có thể hiểu mỹ thuật đã và đang có trong từng nhà, trong từng ngóc ngách của mỗi góc phố… Và mỹ thuật phong phú vô cùng theo nhu cầu thẩm mỹ, theo gu thẩm mỹ hay tầng nhận thức khác nhau của mỗi con người trong xã hội xưa và nay.

Mỹ thuật và cuộc sống hiện nay

Không chỉ riêng Thái Nguyên mà nhiều tỉnh - thành trong cả nước nhiều năm gần đây cũng thay đổi nhiều về quy mô, diện mạo. Nhiều khu phố được sửa sang; điện, đường, trường, trạm cũng được quy hoạch; nhiều ngôi nhà mới mọc lên, nhiều tòa tháp cao, nhiều cửa hàng cửa hiệu phát triển… đời sống người dân được cải thiện. Ta thấy nhiều tiệm spa (cho cả người và thú cưng) mọc lên; rất nhiều nhà hàng ẩm thực, nhiều quầy/ cửa hàng trương biển thiết kế thời trang; trang trí nội - ngoại thất… Tất cả những cửa hàng, cửa tiệm đó đều liên quan đến mỹ thuật. Đơn cử làm một phòng spa để đưa vào hoạt động cũng chi kha khá tiền cho thiết kế - trang trí.

Ngành mỹ thuật ứng dụng thật sự lên ngôi trong giai đoạn này. Còn những họa sĩ mỹ thuật tạo hình sáng tác những tác phẩm hội họa, đồ họa rồi lại lo bảo quản, không có chỗ để bày để khoe với công chúng, và cũng không nhiều người quan tâm hay nói đúng hơn công chúng cũng chưa biết loại tranh nào là tác phẩm có giá trị, loại tranh nào chỉ là bức “bình phong” cho đỡ “trơ” một khoảng trống do lỗi thiết kế. Dường như các họa sĩ tự do họ phải đảm nhiệm cả 2 vai trò: mỹ thuật ứng dụng và mỹ thuật tạo hình. Mỹ thuật ứng dụng để mưu cầu cuộc sống, còn theo mỹ thuật tạo hình để có tác phẩm triển lãm, để thỏa đam mê, sáng tạo.

Người trong cuộc hay nói vui “ai muốn nghèo hãy đi làm họa sĩ”. Bởi họa sĩ tạo hình bấy lâu có ai giàu đâu. Khi trí tuệ sáng tạo của họ vắt kiệt, để lại cho nhân loại những kiệt tác, họ có tiếng thơm muôn đời. Khi đó chỉ các nhà sưu tầm tác phẩm của họ thì giàu lên bởi những công chúng chân trọng giá trị nghệ thuật đích thực và muốn sở hữu lấy nó; lúc này tác phẩm nghệ thuật kia không còn sở hữu cố định của riêng ai, mà nó thuộc về nhân loại. Thiết nghĩ, nếu nghệ thuật tạo hình mà nghiêng hẳn về kinh tế thì nghệ thuật đó tự thiêu đốt mình. Tôi xin trích lời của Nguyễn Đình Đăng (nhà vật lý, nhà nghiên cứu về lý thuyết vật lý hạt nhân, họa sĩ - hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam - Hội Mỹ thuật Chủ thể Nhật Bản) như sau:

“Nghệ thuật vị nhân sinh” thường được hiểu là nghệ thuật có chức năng và nhiệm vụ phải phục vụ xã hội. Kinh tế là tất cả và nghệ thuật chỉ là đầy tớ của kinh tế. Việc dùng nghệ thuật để phục vụ chính trị đã đẻ ra cái gọi là “Hiện thực xã hội chủ nghĩa” (Socialist realism) tại Liên Xô trước kia, mà một số nước đã bắt chước. Việc đòi hỏi nghệ thuật phải gánh vác các chức năng đạo đức, thẩm mỹ giai cấp, và những giáo điều chính trị đã làm tổn thương, què quặt nghệ thuật. Kết quả là những bức tranh như thế này đã ra đời; “Lenin với nông dân”, “Bài ca của tình yêu nhân dân”… Trào lưu Hiện thực XHCN nay đã phá sản cùng với sự sụp đổ của Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viết vào năm 1991.”

Thực tế đã có họa sĩ vẽ và bán khá nhiều tranh, nhưng lại không tự tin để tham dự triển lãm. Đó là một vấn đề về gu thẩm mỹ và cảm thụ thẩm mỹ. Bản chất của mỹ thuật là cảm thụ và sáng tạo giá trị thẩm mỹ, đồng thời cũng định hướng tới giá trị chân - thiện - mỹ (mỹ học nói rất rõ). Thực tế vẫn có cuộc triển lãm về mỹ thuật ứng dụng, nhưng chỉ giới hạn ở góc độ hẹp, số họa sĩ tham gia không lớn. Bởi vì sản phẩm mỹ thuật ứng dụng là sản phẩm thật cả về kích thước và chất liệu. Tuy nhiên, mới dừng ở mức độ hàng mẫu (chưa sản xuất hàng loạt).

Họa sĩ Nguyễn Gia Bảy - Tác giả bài viết. Ảnh: Quang Khải
Họa sĩ Nguyễn Gia Bảy - Tác giả bài viết. Ảnh: Quang Khải

Sự thích ứng hay thói quen/ quen mắt… nhiều khi cũng làm ta hiểu không đầy đủ về Mỹ thuật nói chung, Mỹ thuật ứng dụng nói riêng. Nói đơn cửa một cửa hàng trương biển “Trang trí nội thất” thì bày bán đồ sơn tường, ốp trần, giấy dán tường, hay đồ mỹ nghệ… Đồng thời lại tư vấn cho khách hàng (công chúng) về trang trí nội thất, như thế là họ đang sai lầm nhận định về trang trí nội thất. Thiết nghĩ, quầy hàng đó chỉ có chức năng bán vật liệu/ nguyên liệu để làm nội, ngoại thất mà thôi. Hiểu sâu hơn một chút là người làm nội thất/ Trang trí nội thất là phải đồng nhất với kiến trúc sư. Trang trí nội thất phải được họa sĩ thiết kế từ bản vẽ, tạo không gian thế nào, công năng sử dụng từng phòng vào việc gì… (nhà hàng hay khách sạn; cửa hàng tạp hóa hay tiệm ăn; phòng khách hay phòng ngủ; phòng công vụ hay phòng riêng…). Sau đó họ mới tính dùng vật liệu gì để đáp ứng công năng sử dụng… Nếu không có thiết kế ban đầu về kiến trúc thì người làm nội thất lại làm một việc “chữa cháy” cho gia chủ mà thôi.

Một ví dụ nhỏ như vậy cũng thấy gu thẩm mỹ thật đa dạng. Cái vướng mắc nhiều nhất của chúng ta là không có thiết kế tổng thể. Ví dụ xây khu đô thị/ một siêu thị/ nhà xưởng… thì họ chỉ thiết kế diện tích trong khu đó thôi, không hề tính đến xung quanh đã có khối hình gì liền kề, có bị chi phối gì không?.

Nhìn về Thái Nguyên

Nếu như chúng ta bách bộ trên trục đường chính của trung tâm thành phố Thái Nguyên sẽ bắt gặp nhiều nhà/ tháp cao vút ngất trời bên cạnh những ngôi nhà cũ kỹ, chắp vá; rồi chiếc cầu mới (Cầu Bến Tương) “đĩnh đạc” bên cạnh những công trình dang dở, xập xệ…; cũng thấy xót xa cho một quảng trường giữa trung tâm thành phố - là một công trình điển hình “chắp vá”, “khập khiễng”, sự kết nối không ăn nhập nội dung và chất liệu, tiền hậu bất nhất. Nếu như ta quan sát ở tầm mắt cao một chút thì ta thấy rất rõ phía trước quảng trường là sân cỏ thoáng đẹp, ngược lại phía sau là công trình dang dở, lúp xúp những gốc xù xì gỗ lũa ở đâu “trôi” về đó... đan xen cùng lau sậy và cỏ dại…

Giá như có cái nhìn tổng thể thì khi xây dựng quảng trường lớn như vậy cần nghĩ đến bên cạnh (trái) có khu Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam, bên cạnh (phải) có cây Cầu Bến Tượng, phía sau là dòng Sông Cầu thơ mộng… thì công trình quảng trường sẽ khác, sẽ thuận mắt hơn rất nhiều so với hiện tại.

Trước sự đổi thay về nhu cầu của đời sống xã hội thì nhận thức về thẩm mỹ của công chúng cũng cần được thay đổi. Đặc biệt những đơn vị quản lý đô thị cần thay đổi góc nhìn, tầm nhìn. Để khi xây dựng vẫn giữ được tổng quan của đô thi. Thiết nghĩ, nếu hiểu đúng nghĩa Mỹ thuật thì nó sẽ làm thay đổi nhận thức của chủ thể. Tuy nhiên nhận thức để điều hành thì lại cần có năng lực nhất định về mỹ thuật. Không chỉ khéo tay hay mắt là đủ, mà phải cần có một trình độ học vấn nhất định. Đối với công chúng thì họ là người có nhu cầu thưởng ngoạn theo hướng thư giãn, giải trí qua nghệ thuật. Chúng đem lại sự thoải mái, vui vẻ, hóa giải được những phiền não, căng thẳng do mưu sinh… Qua đó, người ta lấy lại được sự cân bằng về tâm - sinh lý, duy trì được một sức khỏe tâm thần cần thiết để tiếp tục tồn tại, lao động và sáng tạo, có một đời sống gia đình ổn định, hòa hợp với thiên nhiên, gắn bó chan hòa với nhân quần hướng thiện.

Đương thời Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn lưu ý đến các khía cạnh “phong phú”, “vui tươi”, hấp dẫn và “bổ ích” của sáng tác văn nghệ. Người khuyên văn nghệ sĩ quan tâm đáp ứng các nhu cầu của đại chúng: “Quần chúng mong mỏi những tác phẩm có nội dung chân thực và phong phú, có hình thức trong sáng và vui tươi. Khi chưa xem thì muốn xem, xem rồi thì có bổ ích”.

Tề Bạch Thạch - họa sĩ Trung Hoa đã từng nói: “Nghệ thuật vừa giống vừa không giống với cuộc đời. Nếu hoàn toàn giống cuộc đời thì đó là nghệ thuật mị đời. Còn nếu hoàn toàn không giống cuộc đời thì đó là nghệ thuật dối đời”. Nghệ thuật thường vừa hư vừa thật, vừa hiện thực vừa lãng mạn, vừa bình thường vừa phi thường. Mỗi tác phẩm nghệ thuật, phải tạo được sự bất ngờ, sự lý thú đối với công chúng.

Với họa sĩ, cảm xúc là một cấu tạo tâm lý xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống của họ. Khi tiếp nhận cuộc sống hiện tại, song song với quá trình thưởng thức thì cảm xúc của họa sĩ cũng “bật” ra ở cấp độ khác nhau. Với người xem (công chúng) có thể đồng cảm xúc với họa sĩ, cũng có thể có quan điểm đối lập. Công chúng họ có quyền được kén chọn tác phẩm phù hợp với cái “tôi” của mình. Vì thế từ thời Phục hưng đã có nhiều họa sĩ thể hiện tác phẩm theo đặt hàng của khách (công chúng). Tuy nhiên, đa số khách hàng (công chúng) vẫn không thỏa mãn nhu cầu cho dù họa sĩ là người rất tài ba. Lẽ đương nhiên là vậy, bởi vì khách hàng (công chúng) và họa sĩ  ở những tầng nhận thức khác nhau.

Nghệ thuật nói chung, mỹ thuật nói riêng chính là sự làm lây lan sang con người nhiều cảm xúc.

Tóm lại, mỹ thuật có nguồn gốc từ cuộc sống góp phần cho cuộc sống phát triển. Các nhà khảo cổ học, các nhà nghiên cứu về lịch sử nhân loại đã chứng minh mỹ thuật có từ thời tiền sử. Mỹ thuật có trước cả tiếng nói và chữ viết. Mỹ thuật chính là những vật liệu đơn sơ như chiếc kim, nông cụ lao động sản xuất (con dao, lưỡi cuốc, lưỡi cầy…); đến các đồ mỹ nghệ (bát, đĩa, ấm chén, bàn ghế gường tủ…); và kể đến cỗ máy đồ sộ (máy bay) hay những vi mạch máy tính nhỏ… Trước xu hướng phát triển của thời đại mới, mỹ thuật luôn được đề cao, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa và đặc biệt giữ gìn tốt bản sắc văn hóa dân tộc. Hy vọng các nhà quản lý sáng suốt, những người làm nghệ thuật hãy trân trọng lịch sử phát huy được giá trị văn hóa tinh thần, luôn đổi mới sáng tạo góp phần làm đời sống xã hội ngày càng được nâng lên.

Nguyễn Gia Bảy

Xem thêm:

Những vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng cơ chế chính sách đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy