
Góc biếm họa số 8 (2025)

Bắc Kạn là tỉnh miền núi có nhiều dân tộc anh em chung sống, từ xa xưa đã có một truyền thống văn hóa vô cùng phong phú, đặc sắc. Truyền thống đó luôn được gìn giữ, phát huy từ đời này qua đời khác, góp phần xây dựng và hình thành nên nhân cách, tâm hồn cao đẹp của con người Bắc Kạn cho đến ngày hôm nay.
Ở bất cứ thời đại nào văn học nghệ thuật (VHNT) vẫn luôn là một bộ phận không thể thiếu của xã hội, của mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia, dân tộc. Đối với tỉnh Bắc Kạn cũng vậy, truyền thống VHNT đã luôn đồng hành cùng cuộc sống của người dân. Nếu thời xa xưa Bắc Kạn đã có VHNT dân gian thì hôm nay Bắc Kạn có thêm VHNT hiện đại. Chính những tác phẩm VHNT đã góp phần phát triển và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Nhất là giai đoạn sau năm 1975. Sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất tỉnh Bắc Kạn vẫn thuộc tỉnh Bắc Thái (cũ), nay là tỉnh Thái Nguyên. Tỉnh Bắc Kạn được chia tách thành lập tháng 1/1997, đến nay là 28 năm (2025).
Sau khi thành lập tỉnh, Hội VHNT Bắc Kạn cũng được ra đời ngày 16/6/1997. Khi mới thành lập Hội Văn học nghệ thuật Bắc Kạn chỉ có hơn 10 hội viên, hoạt động với 03 chuyên ngành nghệ thuật, gồm: văn học, văn hóa dân gian, âm nhạc, còn các chuyên ngành khác chưa có. Đến nay, sau 28 năm xây dựng và phát triển, Hội VHNT nay đã có 130 hội viên, trong đó 45 người là hội viên các Hội chuyên ngành Trung ương, hoạt động ở 09 chuyên ngành nghệ thuật, gồm: Văn học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Múa, Văn nghệ dân gian, Điện ảnh, Kiến trúc, Lý luận phê bình và 04 Chi hội tỉnh và Trung ương, gồm: Chi hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, Chi hội Mỹ thuật tỉnh Bắc Kạn, Chi hội Mỹ thuật Việt Nam, Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Như vậy, về cơ cấu tổ chức và số lượng hội viên cũng như chuyên ngành hoạt động đã tăng lên rất nhiều. Có thể nói đất nước được thống nhất và các chủ trương đường lối đúng đắn của Đảng đã tạo động lực cho VHNT phát triển. Sau 50 năm thống nhất đất nước, về thực trạng và giá trị văn hóa truyền thống trong VHNT Bắc Kạn xin được khái quát một số nét như sau:
1. Về quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động VHNT của Hội VHNT tỉnh Bắc Kạn
Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975. Cùng với những đổi mới và kiến thiết xây dựng đất nước, sau những năm đổi mới Đảng, Nhà nước ta đã luôn dành cho sự nghiệp văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật nói riêng, sự quan tâm mạnh mẽ bằng việc ban hành nhiều văn bản về phát triển văn hóa; VHNT. Từ ngày thành lập Hội (16/6/1997), Ban Chấp hành, Thường trực Hội tổ chức kịp thời, hiệu quả việc quán triệt, triển khai các văn bản, chỉ thị, nghị quyết về văn hóa, VHNT đến cán bộ, hội viên như: Nghị quyết Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 23- NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Chương trình hành động số 13 – CTr/TU, ngày 19/7/2010 của Tỉnh ủy Bắc Kạn thực hiện Nghị quyết số 23 – NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021; về nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Kết luận số 84-KL/TW ngày 21/6/2024 của Bộ Chính trị khóa XIII tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”,…
Những văn bản chủ trương, nghị quyết của Đảng đã được Hội VHNT tỉnh Bắc Kạn tích cực triển khai và cụ thể hóa thành các kế hoạch hoạt động sáng tác hàng năm như: tổ chức các trại sáng tác, lớp bồi dưỡng sáng tác, các chuyến đi thực tế sáng tác, các cuộc liên hoan, triển lãm âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, tổ chức các cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật… Từ các hoạt động đó đã tập hợp, đoàn kết đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh hoạt động, sáng tạo theo đường lối của Đảng và nhiều tác phẩm được ra đời. Hầu hết các tác phẩm VHNT Bắc Kạn đều thấm đượm tình yêu làng bản, quê hương, đất nước, yêu nhân dân và mang đậm bản sắc truyền thống văn hóa các dân tộc Bắc Kạn.
Những văn bản chủ trương, nghị quyết của Đảng đã được Hội VHNT tỉnh Bắc Kạn tích cực triển khai và cụ thể hóa thành các kế hoạch hoạt động sáng 3 tác hàng năm như: tổ chức các trại sáng tác, lớp bồi dưỡng sáng tác, các chuyến đi thực tế sáng tác, các cuộc liên hoan, triển lãm âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, tổ chức các cuộc thi sáng tác VHNT… Từ các hoạt động đó đã tập hợp, đoàn kết đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh hoạt động, sáng tạo theo đường lối của Đảng và nhiều tác phẩm được ra đời. Hầu hết các tác phẩm văn học nghệ thuật Bắc Kạn đều thấm đượm tình yêu làng bản, quê hương, đất nước, yêu nhân dân và mang đậm bản sắc truyền thống văn hóa các dân tộc Bắc Kạn.
2. Thực trạng và một số thành tựu VHNT Bắc Kạn sau 50 năm
Dù được Đảng, Nhà nước và tỉnh quan tâm tạo điều kiện thuận lợi nhưng thực tế hoạt động của của Hội VHNT tỉnh Bắc Kạn từ ngày thành lập vẫn rất khó khăn. Sự khó khăn là thiếu thốn từ cơ sở vật chất cho đến tổ chức bộ máy biên chế con người làm việc. Tuy vậy, với tinh thần đoàn kết và niềm tin đối với Đảng, đất nước, nhân dân cùng với lòng đam mê nghệ thuật nên tập thể lãnh đạo Hội cùng toàn thể hội viên đã luôn cố gắng khắc phục, vượt qua và giành được những thành tựu lớn trong hoạt động sáng tạo, góp phần vào việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cũng như tuyên truyền các chủ trương đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đến với nhân dân, góp phần vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh và cả đất nước.
Sau gần 30 năm, kể từ khi thành lập Hội đã có hàng nghìn tác phẩm VHNT ra đời. Trong đó có những chuyên ngành phát triển mạnh như văn học, mỹ thuật, thơ sáng tác bằng tiếng dân tộc thiểu số… Có hàng trăm tác phẩm đã đạt giải thưởng tại các cuộc thi, liên hoan, triển lãm và giải thưởng hàng năm của các Hội chuyên ngành Trung ương, địa phương. Trong đó có một số giải thưởng có uy tín như giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội VHNT các DTTS Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ Quân đội… điều mà trước đó VHNT Bắc Kạn ít khi có được. Điều đáng quan tâm là khá nhiều tác giả trẻ đã trưởng thành, có tài năng và tâm huyết.
Với kết quả đó có thể khẳng định rằng VHNT tỉnh Bắc Kạn 50 năm qua đã có nhiều chuyển biến rất tích cực. Các tác phẩm văn học ngày càng có sự đa dạng, phong phú, có những tìm tòi, khám phá mới lạ và được bạn đọc quan tâm. Đội ngũ văn nghệ sĩ không ngừng được trẻ hóa. Có nhiều văn nghệ sĩ trẻ có tài, có tâm, nhiệt huyết với nghề, có nhiều cố gắng tìm tòi, sáng tạo, tham gia phản ánh, truyền cảm hứng về truyền thống lịch sử cách mạng, truyền thống văn hóa của quê hương; những tấm gương tiên tiến, điển hình, người tốt, việc tốt; tham gia phê phán, đấu tranh chống tiêu cực bảo vệ Chân - Thiện - Mỹ, góp phần quan trọng vào việc xây dựng môi trường văn hóa, lối sống lành mạnh trong mọi tầng lớp nhân dân.
Cùng với các hoạt động sáng tạo tác phẩm, việc sưu tầm nghiên cứu các vốn quý di sản văn hóa dân gian luôn được Hội VHNT Bắc Kạn quan tâm, định hướng khai thác. Nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu có giá trị được công bố cho dù trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn. Những công trình tác phẩm dân gian nổi bật như: Vả tặp tàu - (sưu tầm, dịch: Dao – Việt) của Triệu Kim Văn; Lượn thương lễ hội lồng tồng - 2013 (sưu tầm, dịch: Tày – Việt), Then cấp sắc – 2014 (sưu tầm, dịch: Tày – Việt), Mo pàn káo dộ - 2013 (sưu tầm, dịch: Tày – Việt), Bảy bài then nghi lễ - 2015 (sưu tầm, dịch: Tày – Việt), Lễ tục Tày – 2020 (sưu tầm, dịch: Tày – Việt) của Ma Văn Vịnh; Chài hồng noọng Đáo – 2012 (sưu tầm – tiếng Tày) của NNND.Hoàng Hóa…
Bên cạnh đó thế hệ trẻ hơn tiếp nối cũng có nhiều đóng góp như nhà thơ Dương Khâu Luông, tác giả Hoàng Đức Hoan, các nghệ nhân Nông Trọng Quyết, Mã Trung Trực đặt lời mới các bài then, làn điệu phong slư; đạo diễn Lục Đại Lượng đã dựng nhiều chương trình ca nhạc từ các tác phẩm văn nghệ dân gian dân tộc Tày Bắc Kạn được nhiều người yêu thích. Ngoài ra, một số nghệ nhân thực hành như: Trọng Quyết, Mã Trung Trực, Bảo An (Mã Thị Dạy)… đã góp phần thể hiện, phổ biến các làn điệu hát dân ca Tày đến với công chúng và rất được mến mộ. Cùng với đó Tạp chí Văn nghệ Ba Bể - cơ quan ngôn luận của Hội VHNT Bắc Kạn từ nhiều năm nay đã mở chuyên trang để giới thiệu, trao đổi, nghiên cứu về văn hóa văn hóa dân gian góp phần vào công tác tuyên truyền bảo tồn, phát huy vốn văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc Bắc Kạn.
Qua một số kết quả, thành tựu đạt được cho thấy VHNT Bắc Kạn đã góp phần bảo tồn, phát huy, nâng cao và làm tỏa sáng thêm các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc tỉnh Bắc Kạn, từ đó góp phần xây dựng nền văn hóa mới tiến tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống hôm nay.
Có thể nói 50 năm (1975 - 2025) với dòng mạch chính trong sáng tác VHNT Việt Nam là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, thời đại, phản ánh chân thật cuộc sống đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân, nền VHNT Bắc Kạn đã luôn vận động, sáng tạo và phát triển trên nền tảng truyền thống gắn với dòng chảy của đời sống đương đại và đã đạt được những thành tựu, kết quả rất đáng ghi nhận và đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ, sự lớn mạnh của VHNT Bắc Kạn trong thời kỳ mới.
3. Một số hạn chế và nguyên nhân
3.1.Hạn chế
- Một số tác phẩm VHNT thiếu sự sáng tạo và chiều sâu trong việc khai thác các đề tài mới. Mặc dù đã có những nỗ lực nhất định, nhưng VHNT Bắc Kạn vẫn chưa đủ mạnh để vươn ra tầm quốc tế. Các tác phẩm VHNT của địa phương được dịch ra ngôn ngữ khác còn ít và cũng ít có cơ hội tham gia các sự kiện quốc tế, điều đó làm hạn chế sự tiếp thu và giao lưu văn hóa, văn học nghệ thuật của các tác giả Bắc Kạn.
- Một số tác giả còn thiếu vốn sống, vốn văn hóa truyền thống của địa phương nên tác phẩm viết ra ít được bạn đọc đón nhận.
- Những hoạt động VHNT lớn vẫn gặp khó khăn trong việc tổ chức như: Hội thảo khoa học, Liên hoan, Triển lãm...
- Công tác quy hoạch tạo nguồn cán bộ lãnh đạo Hội VHNT tỉnh Bắc Kạn còn gặp nhiều khó khăn do vì chưa có được những cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài phù hợp cũng như sự quy hoạch mang tính chiến lược.
- Công tác quản lý nhà nước về văn học, nghệ thuật tại Bắc Kạn đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn cần tiếp tục nỗ lực để khắc phục những mặt hạn chế để phát huy tối đa tiềm năng văn hóa của địa phương.
- Công tác xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật khó thực hiện, vì sự phát triển kinh tế của tỉnh còn chậm, thu nhập của người dân còn thấp. Do vậy, việc huy động các nguồn lực phục vụ hoạt động văn học, nghệ thuật rất khó thực hiện.
- Còn thiếu rất nhiều những thiết chế cho hoạt động VHNT như: bảo tàng nghệ thuật để lưu giữ các tác phẩm, nhà hát, sân khấu biểu diễn, thư viện…
3.2. Nguyên nhân và một số giải pháp cho phát triển VHNT Bắc Kạn
- Nhận thức về VHNT của một số cá nhân trong cấp ủy chính quyền còn có hạn chế, chưa thấy được vai trò quan trọng và sự cần thiết của VHNT trong đời sống nhân dân, xã hội. Việc triển khai thực hiện các chủ trương nghị quyết của Đảng chưa mạnh mẽ, chưa thực sự sâu sát. Đôi lúc còn thiếu sự đôn đốc, kiểm tra. Kinh phí dành hoạt động VHNT còn quá ít ỏi, chưa tương xứng với sự đóng góp của văn nghệ sĩ.
- Chất lượng hội viên Hội VHNT tỉnh Bắc Kạn chưa đồng đều. Hội viên cao tuổi hạn chế hiểu biết về công nghệ, thiếu cập nhật thông tin về VHNT. Một số hội viên thiếu nhiệt huyết, lòng đam mê, chưa theo kịp sự thay đổi và phát triển của văn học nghệ thuật.
- Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, giữa các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực VHNT chưa chặt chẽ và thường xuyên. Chưa chủ động đến công tác vận động xã hội hóa cho hoạt động VHNT.
Với một số nét phân tích như trên, để VHNT Bắc Kạn tiếp tục phát triển, góp phần phát huy, nâng cao giá trị văn hóa của quê hương, con người Bắc Kạn, xin nêu một số giải pháp như sau:
Một là, cần tiếp tục làm tốt vai trò tập hợp, đoàn kết hội viên, văn nghệ sĩ, định hướng hoạt động theo đúng đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng. Chú trọng công tác bồi dưỡng về tư tưởng chính trị, chuyên môn cho đội ngũ đội ngũ văn nghệ sĩ. Chú trọng công tác bồi dưỡng tác giả trẻ, xây dựng lực lượng đội ngũ kế cận.
Hai là, cần bám sát, khai thác vốn văn hóa truyền thống của địa phương, kế thừa cái cũ, phát huy cái mới, đồng thời phản ánh gắn với hiện thực cuộc sống thực tế của địa phương. Chú ý công tác bồi dưỡng cho các tác giả trẻ về truyền thống bản sắc văn hóa địa phương để góp phần nâng cao giá trị tác phẩm và tiếp tục phát huy nền tảng các thế hệ văn nghệ sĩ đi trước để lại.
Ba là, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp cho phát triển VHNT như thu hút nhân tài, khen thưởng, động viên, khích lệ và tạo nguồn hỗ trợ công bố, xuất bản công trình, tác phẩm, nhất là những tác phẩm mang tính giá trị về bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa của địa phương.
Bốn là, có kế hoạch, chiến lược trong công tác bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý hoạt động VHNT cũng như việc tăng cường công tác xã hội hóa trong hoạt động VHNT.
Năm là, đề nghị Trung ương và địa phương tiếp tục có những cơ chế, chính sách; đầu tư hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị phát triển cho sự nghiệp VHNT Bắc Kạn trong thời gian tới.
Trên đây là một số ý kiến tham luận về phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong VHNT Bắc Kạn 50 năm ngày đất nước thống nhất, đổi mới (1975 - 2025). Rất mong nhận được sự quan tâm và chia sẻ của hội nghị. Trân trọng cảm ơn!
Nhà thơ Dương Khâu Luông
Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...