
Góc biếm họa số 9 (2025)

1. Tổng quan:
Kiến trúc là bức tranh phản chiếu sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và trình độ phát triển văn minh, thể hiện mức sống cư dân và sự phồn thịnh của xã hội theo giai đoạn lịch sử của một khu vực, một vùng, thậm chí của cả một quốc gia. Trong giai đoạn phát triển, kiến trúc đã đóng góp phần không nhỏ vào việc tham gia xây dựng giá trị văn hóa, con người Thái Nguyên.
Đi liền với sự phát triển của kinh tế xã hội trong những năm qua, đặc biệt từ năm 1986 đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, kinh tế - xã hội Việt Nam và khu vực Thái Nguyên đã có bước chuyển biến mạnh, việc phát triển ấy đã tạo tiền đề cho quy hoạch và kiến trúc phát triển. Bức tranh tăng trưởng tổng thể kinh tế - xã hội, sự chuyển dịch của sự nghiệp đô thị hóa, sự chuyển mình của công tác quy hoạch xây dựng, các đồ án quy hoạch gần như được phủ khắp, các công trình kiến trúc mọc lên ở mọi nơi. Quỹ tài nguyên về kiến trúc đầy dần theo thời gian kiến tạo nên bộ mặt của đô thị và nông thôn Thái Nguyên, làm sinh động thêm bức tranh VHNT góp phần tham gia xây dựng giá trị văn hóa, con người Thái Nguyên tạo nên các giá trị nhưng đồng thời cũng đặt ra những vấn đề cho sự định hướng phát triển.
2. Hình thành quỹ tài nguyên di sản kiến trúc, kiến tạo bản sắc Thái Nguyên
Về mặt quy hoạch đến nay toàn tỉnh đã đạt tỷ lệ trên 40%. Hệ thống đô thị trên toàn địa bàn phát triển mạnh mẽ, toàn tỉnh hiện đã có 14 đô thị với 3 thành phố, nhiều khu đô thị phát triển mới, phát triển mở rộng như: Cù Vân, Hà Thượng, Quân Chu (Đại Từ), Quang Sơn (Đồng Hỷ), Giang Tiên, Đu (Phú Lương), Hương Sơn (Phú Bình)… Quy hoạch tỉnh đã được lập, các đô thị đã được quy hoạch phù hợp với giai đoạn phát triển gồm các đô thị thành phố, các đô thị mới, các thị trấn, thị trấn huyện lỵ; các quy hoạch vùng huyện, hệ thống quy hoạch nông thôn mới được hình thành với trên 170 xã. Quy hoạch các khu chức năng (du lịch, công nghiệp, di tích..) cũng cơ bản được lập và dần hoàn thiện. Bức tranh phát triển đô thị, không gian khu vực nông thôn và nhiều khu chức năng đã được hình thành hữu hiện ở những lĩnh vực.
Về các công trình kiến trúc, quỹ tài nguyên kiến trúc đã phát triển và phủ khắp trong mọi lĩnh vực.
Lĩnh vực nhà làm việc có: Trụ sở hành chính huyện Đồng Hỷ; Trụ sở hành chính mới TP Phổ Yên; Nhà hành chính công tỉnh Thái Nguyên; Trụ sở Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh v.v..
Trong lĩnh vực công trình giáo dục có: Các công trình thuộc Đại học Thái Nguyên và các trường thành viên; Trường PTTH Tức Tranh, Trường liên cấp khu Crown Villas, Tiểu học Lũng Luông…
Lĩnh vực công trình di tích: Với chuỗi hơn 300 di tích từ cấp đặc biệt đến cấp tỉnh đã được xếp hạng làm cơ sở giữ gìn quản lý, bảo tồn và khai thác, trong đó có nhiều kiến trúc về di tích được tu bổ đáng ghi nhận: Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, Di tích Chùa Hang, Di tích Đền thờ Vua Lý Nam Đế, Di tích lịch sử Quốc gia 60 Thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái…
Lĩnh vực công trình y tế: Hệ thống cơ sở y tế trên địa bàn cơ bản đã đồng bộ từ bệnh viện trung ương, bệnh viện Trường Đại học Y, bệnh viện tỉnh, huyện đến các trạm y tế xã. Các công trình y tế có một số kiến trúc tiêu biểu có thể kể đến như Bệnh viện Đa khoa TW Thái Nguyên, Bệnh viện Quốc tế, Khoa điều trị Bệnh viện Võ Nhai, Phòng khám Trung tâm y tế Phổ Yên… Hệ thống công trình y tế đã thực hiện tốt vai trò trong việc khám, chữa, công tác y tế dự phòng.
Lĩnh vực các công trình văn hóa: Các thiết chế văn hóa từng bước được hoàn thiện từ khu vực đô thị đến tổ văn hóa nhân dân đáp ứng hiệu quả sinh hoạt văn hóa, nâng cao tính giáo dục, nâng cao đời sống tinh thần của xã hội và cộng đồng, một số công trình tiêu biểu trong lĩnh vực như: công trình Đài tưởng nhiệm Anh hùng liệt sĩ tỉnh Thái Nguyên, các đài liệt sĩ, đền thờ cấp huyện, các đài liệt sĩ cấp phường, xã… các công trình được xây dựng đều mang tính đặc trưng mang lại giá trị truyền tải và thông điệp truyền cho thế hệ mai sau. Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc; Sân vận động Thái Nguyên; Trung tâm văn hóa TP Phổ Yên; Nhà Văn hóa lao động tỉnh Thái Nguyên; Nhà thi đấu Thể dục Thể thao Thái Nguyên; Bảo tàng Quân khu I… và các quảng trường đô thị: TP Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên… là những công trình kiến trúc tiêu biểu trong lĩnh vực văn hóa trên địa bàn.
Các khu đô thị và nhà ở phát triển mạnh vào thời kỳ từ sau 2007, các khu đô thị mới bắt đầu hình thành và phát triển, được ghi nhận với một số điển hình Khu ở công nhân khu công nghiệp Yên Bình, khu Đại Thắng, Crown Villas, Danko, Việt Hàn, Tấn Đức, Hồ Xương Rồng, chỉnh trang trung tâm thành phố Thái Nguyên, Phổ Yên, Sông Công… cùng với đó là hàng vạn công trình nhà ở bằng nguồn lực của xã hội đã phủ khắp khu vực từ đô thị đến vùng nông thôn, tạo nên nhiều không gian sống chất lượng với nhiều mẫu nhà ở và nhiều dãy phố đẹp, góp phần tạo bộ mặt tươi mới đóng góp cho sự phát triển.
Lĩnh vực phát triển Kiến trúc công nghiệp: Nếu trong thời kỳ đầu Thái Nguyên có những hình ảnh của Khu Gang thép Thái Nguyên, Khu công nghiệp Gò Đầm là biểu tượng thì từ năm 1986 chính sách của Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho việc huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển. Các khu công nghiệp: Sông Công, Điềm Thụy, Cây Bòng, Sơn Cẩm… cùng hàng loạt các nhà máy đã ra đời. Hình ảnh kiến trúc công nghiệp, biểu thị cho sự tăng trưởng đã phủ kín các khu, cụm công nghiệp và xuất hiện nhiều nơi trong tỉnh.
Khu vực bảo tồn và tăng trưởng xanh: đến nay nhiều khu sinh thái, khu du lịch đã hình thành và phát triển như Khu du lịch Hồ Núi Cốc, Khu suối Kẹm – La Bằng; Cửa Tử - Hoàng Nông; Khu Hang Phượng Hoàng, Khu bảo tồn Làng nhà sàn Thái Hải, Khu Dũng Tân, Nhà Tôi, các Khu du lịch tâm linh: Đền – Đình – Chùa Cầu Muối, Chùa Hang, Đền Đuổm v.v. là điểm đến không thể thiếu đối với cộng đồng và du khách khi đến với Thái Nguyên.
Cùng với sự phát triển đô thị, trên cơ sở định hướng của quy hoạch vùng nông thôn hiện diện với cấu trúc hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ cùng với các công trình kiến trúc đã tạo nên hình ảnh và thể hiện sức sống của nông thôn trong thời kỳ phát triển.
Nhìn lại các giai đoạn hành trình phát triển, kiến trúc và quy hoạch Thái Nguyên đã tạo ra một quỹ tài nguyên di sản mới đáng kể với nhiều tác phẩm có giá trị. Tất cả những tài nguyên ấy đã tạo nên một bản sắc cho kiến trúc Thái Nguyên biểu hiện ở tính chất thời đại (chất hiện đại), sự hòa nhập, sự dung nạp; tính chất truyền thống (tính dân tộc bản địa); tính chất hòa hợp (chất nhân văn, ứng xử môi trường, cảnh quan thiên nhiên) được thông qua mỗi đồ án quy hoạch (đô thị, nông thôn); mỗi dự án, mỗi thiết kế công trình đóng góp một phần xây dựng giá trị văn hóa và góp phần xây dựng phong cách sống của người Thái Nguyên hôm nay trong môi trường mới, môi trường đô thị văn minh và nông thôn đổi mới.
3. Định hướng cho hoạt động kiến trúc trong giai đoạn tới
Ngày 19/7/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định số 1246/QĐ-TTG về định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đây là định hướng cơ bản cho hoạt động kiến trúc trong thời gian tới.
3.1.Quan điểm:
Đi theo định hướng chung phát triển kiến trúc hiện đại, bản sắc, kế thừa giá trị truyền thống, tiếp thu tinh hoa kiến trúc, tạo nên phong cách, quảng bá kiến trúc Thái Nguyên, góp phần phát triển văn hóa – kinh tế xã hội bền vững. Sử dụng tài nguyên hợp lý, tiết kiệm năng lượng, thích ứng với thiên nhiên, khoa học kiến trúc kiến tạo, xây dựng môi trường sống văn minh (đô thị, nông thôn).
3.2. Mục tiêu:
- Triển khai các chương trình cụ thể hóa pháp luật, chủ trương của Đảng và Nhà nước, từng bước hoàn thiện quy chế quản lý kiến trúc cho các khu vực phát triển: Đô thị và nông thôn theo tiêu chí xây dựng đô thị văn minh và xây dựng nông thôn mới.
- Rà xoát quỹ kiến trúc trên địa bàn, nhận diện bản sắc, thống kê được quỹ di sản về kiến trúc trên địa bàn.
- Thúc đẩy số hóa lĩnh vực kiến trúc, lập dữ liệu kiến trúc công trình có giá trị.
- Bồi dưỡng, động viên, vinh danh trong hoạt động lĩnh vực kiến trúc, xây dựng đội ngũ đủ đáp ứng thực tiễn trong thời kỳ mới.
- Tuyên truyền, truyền thông, nâng cao nhận thức thẩm mỹ về kiến trúc trong cộng đồng. Đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động kiến trúc.
- Đẩy mạnh sự hợp tác trong phát triển kiến trúc.
3.3. Định hướng:
* Hướng tới xây dựng đô thị văn minh với các tiêu chí:
- Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ.
- Cây xanh đô thị vượt quy chuẩn quy định.
- Có kinh tế đô thị phát triển, nhận diện được thương hiệu đô thị.
- Phát huy được nét đặc trưng của khu vực, tạo nên được giá trị nơi “đáng đến” và “đáng sống”.
- Phát triển đô thị xanh, thân thiện môi trường.
* Phát triển kiến trúc nông thôn mới phát triển bền vững:
- Đề cao sự tham gia của cộng đồng, chú trọng bảo tồn di sản thiên nhiên, di sản kiến trúc, phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu.
- Tôn trọng văn hóa bản địa, sự chuyển đổi của phương thức ở, phương thức sản xuất theo hướng văn minh, hiện đại phù hợp với tập quán địa phương.
* Đẩy mạnh chuyển đổi số trong kiến trúc.
* Cụ thể hóa chính sách về kiến trúc phù hợp tình hình địa phương, phát triển kiến trúc hiện đại, giàu bản sắc.
* Chú trọng công tác đào tạo, truyền thông, lý luận phê bình kiến trúc; đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ mới, vật liệu mới chuyển đổi xanh, tiết kiệm năng lượng trong kiến trúc.
* Lập kế hoạch khả thi cho từng giai đoạn, đáp ứng nhu cầu phát triển và có tính dự báo cao.
Kết luận:
Kế thừa thành tựu, chọn lọc giá trị bản sắc các hoạt động kiến trúc tham gia xây dựng đô thị văn minh, xây dựng nông thôn mới ở Thái Nguyên vừa là định hướng mục tiêu vừa là thành quả những đóng góp của kiến trúc vào sự nghiệp phát triển chung.
Tự hào với thành tựu trong những năm qua đứng trước vận hội mới, hy vọng kiến trúc Thái Nguyên có bước đột phá tham gia xây dựng và tạo nên giá trị đồng hành cùng với sự phát triển chung để chúng ta có quyền tự hào về miền đất và con người Thái Nguyên trong kỷ nguyên mới.
Kiến trúc sư Nguyễn Văn Cường
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...