NHÌN LẠI 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 23-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ KHÓA X
Những vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng cơ chế chính sách đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
VNTN- Cách đây 80 năm, tháng 2/1943, Đảng đã cho công bố bản Đề cương về văn hóa Việt Nam, trong đó nêu ra ba phương hướng có tính nền tảng cho toàn bộ sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam mới, đó là: Dân tộc hóa, khoa học hóa và đại chúng hóa. Đây là một mốc son lớn trong lịch sử văn hóa, văn nghệ Việt Nam.
TS. Hứa Thị Kiều Hoa phát biểu tại buổi Tọa đàm “Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW do Hội VHNT tỉnh tổ chức ngày 11/4/2023. Ảnh: Kim Ngân
Một số kết quả đạt được
Thực hiện quan điểm “Sự nghiệp văn hóa là của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” những năm qua, các tác phẩm văn học, nghệ thuật Thái Nguyên đã phát triển theo dòng mạch chính là “chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc”; tiếp tục phản ánh các đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, giải phóng và bảo vệ Tổ quốc với cảm hứng sử thi và tầm khái quát mới.
Bên cạnh dòng mạch chính trên là sự phát triển mạnh khuynh hướng quan tâm đến cuộc sống bình dị, nhiều góc cạnh đời thường của con người, làm phong phú và sâu sắc hơn chủ nghĩa nhân văn của văn học, nghệ thuật. Tính chiến đấu của các tác phẩm văn học, nghệ thuật của đội ngũ văn nghệ sĩ Thái Nguyên đã có tác dụng cảnh báo, phản biện có hiệu quả, góp phần ngăn chặn xu hướng tiêu cực đang nảy sinh trong đời sống xã hội.
Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị khóa X “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, đến nay Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành gần 50 văn bản để cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã tạo hành lang pháp lý quan trọng giúp văn học, nghệ thuật có điều kiện, môi trường thuận lợi để phát triển. Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện hoạt động; Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên và các chi hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành trung ương đóng trên địa bàn được thành lập và hỗ trợ hoạt động.
Trong nhiều năm qua, tỉnh đã quan tâm và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cả về vật chất và tinh thần cho hoạt động của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ như: Ban hành các quy định về chế độ thù lao, đãi ngộ đối với văn nghệ sĩ, nghệ nhân; về thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao, tài năng văn học, nghệ thuật; điều chỉnh kịp thời mức tiền thưởng các giải thưởng văn học, nghệ thuật; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc; tăng cường đầu tư thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở… Tỉnh ủy tổ chức các cuộc gặp mặt đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ; trao đổi, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, đồng thời động viên, khuyến khích anh chị em có nhiều đóng góp trí tuệ, tài năng cho sự phát triển của tỉnh.
Hàng năm, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên được cấp kinh phí từ nguồn đầu tư sáng tạo văn học nghệ thuật của Chính phủ từ 250 - 550 triệu. Hội đã sử dụng hợp lý, có hiệu quả trong việc hỗ trợ sáng tạo các tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng tốt. Thông qua mô hình trại sáng tác được các hội văn học nghệ địa phương tổ chức hằng năm đã quy tụ tác giả theo từng chuyên ngành, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ dành thời gian tập trung sáng tác những tác phẩm chất lượng.
Để khuyến khích sự sáng tạo, phát huy tài năng trí thức, văn nghệ sĩ, phát triển văn học nghệ thuật, đồng thời phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, truyền thống văn hóa, tỉnh Thái Nguyên tổ chức Giải thưởng văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên 5 năm/1 lần (giai đoạn 2007 - 2011; 2012 - 2016), tổ chức Giải thưởng Sáng tác - Triển lãm mỹ thuật và nhiếp ảnh “Đảng, Bác Hồ với Thái Nguyên” (2017). Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021 - 2025 (đợt 1), toàn tỉnh đã có hàng trăm bài báo, tác phẩm văn học, nghệ thuật, hoạt động triển lãm, tuyên truyền, quảng bá hưởng ứng, tham gia giải thưởng cấp cơ sở và cấp tỉnh. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo hoạt động các tổ chức hội, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức hội, chi hội văn học nghệ thuật trên địa bàn…
Các đại biểu dự Toạ đàm. Ảnh: Kim Ngân
Những vấn đề đặt ra
Những việc làm hiệu quả trên đã giúp động viên, cổ vũ và góp phần thiết thực vào “lao động nghề” của văn nghệ sĩ. Tuy nhiên, việc đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động văn học, nghệ thuật dù thời gian qua được chú trọng nhưng chưa thật sự bao quát, rộng khắp được đến mọi lĩnh vực, đối tượng. Ngoài ra, vì ngân sách đầu tư có hạn và hoạt động hỗ trợ ngân sách cho tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật, đó là nhà nước chỉ hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp thực hiện nhiệm vụ do nhà nước giao còn kinh phí hoạt động do các Hội tự bảo đảm. Đây cũng là lý do sự hỗ trợ, tài trợ còn hạn chế chủ yếu mang tính động viên, nhất là trong bối cảnh giá cả đời sống xã hội không ngừng tăng cao, trong đó bao gồm cả những chi phí thiết yếu dành cho việc hoàn thành, “trình làng” tác phẩm như in sách, mua sắm họa phẩm, ghi âm ca khúc, dàn dựng tác phẩm trình diễn…
Văn học, nghệ thuật với khả năng tác động vào suy nghĩ, tình cảm, tâm hồn, nhận thức công chúng, sẽ tạo nên nguồn năng lượng dồi dào bồi đắp xã hội văn hóa, tư cách và phẩm chất văn hóa của con người, đề cao bản chất và mục tiêu nhân văn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Văn học, nghệ thuật, do vậy, xứng đáng được đề cao, trân trọng hơn cũng như cần được lan tỏa rộng rãi hơn vào cuộc sống. Dĩ nhiên, đó phải là những tác phẩm có giá trị đặc sắc, được tôn vinh thông qua sự thẩm định về chuyên môn. Và để góp phần vào hành trình tạo nên các tác phẩm mới đặc sắc, độc đáo, thì sự hỗ trợ thiết thực hơn, xứng đáng hơn từ chính sách đầu tư của Nhà nước, ngành văn hóa, hội nghề nghiệp là rất cần thiết.
Cụ thể, cần nâng cao các mức kinh phí hỗ trợ, tài trợ cho công việc thâm nhập thực tế, tham gia trại sáng tác, sáng tạo tác phẩm của các văn nghệ sĩ để người làm nghề yên tâm, tập trung cho các dự án sáng tạo lớn, cũng như các hoạt động sáng tác của mình; việc phân chia mức kinh phí hỗ trợ cho sáng tác không thể dàn đều giữa các lĩnh vực văn học, nghệ thuật khác nhau mà cần căn cứ vào đặc thù nghề nghiệp và những chi phí liên quan các hình thức sáng tác, trường hợp sáng tác cụ thể. Hình thức hỗ trợ, tài trợ nên được thay đổi theo hướng lựa chọn đầu tư tập trung, đầu tư có chiều sâu, đầu tư tương xứng với tài năng, tâm huyết, giá trị sáng tạo mà văn nghệ sĩ gửi gắm vào tác phẩm.
Phát biểu, trao đổi thêm tại Tọa đàm. Ảnh: Kim Ngân
Trong giai đoạn hiện nay với nhiều cơ hội và thách thức mới, việc huy động các nguồn lực góp phần giúp văn học, nghệ thuật phát triển và phát huy vai trò trong xã hội đang đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi mới, cần sự định hướng, giải pháp phù hợp. Quý II/2023, Tỉnh ủy Thái Nguyên sẽ tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW và khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW; tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy giá trị văn hóa Việt Nam với khát vọng xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc và thân thiện” kết hợp với trao giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021 - 2025” (đợt 1); gặp mặt văn nghệ sĩ tiêu biểu tỉnh Thái Nguyên.
Dự kiến, sau tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW và tổ chức Hội thảo khoa học, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng văn hóa, con người Thái Nguyên trong tiến trình phát triển của đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có những nội dung định hướng về cơ chế, chính sách của địa phương để phát triển văn học, nghệ thuật./.
TS. Hứa Thị Kiều Hoa
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên
Xem thêm:
Hoạt động quảng bá các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật trong thời gian qua
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...