Thứ bảy, ngày 18 tháng 05 năm 2024
22:58 (GMT +7)
NHÌN LẠI 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 23-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ KHOÁ X

Hoạt động quảng bá các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật trong thời gian qua

VNTN- Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới  đã khẳng định “Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam...”.

Đồng chí Lê Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tham luận tại cuộc Tọa đàm “Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW” do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức. Ảnh: Kim Ngân.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của Văn học nghệ thuật (VHNT) trong đời sống xã hội, cấp uỷ, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh nghiêm túc quán triệt, tuyên truyền, đưa Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị vào cuộc sống. Quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ luôn được bảo đảm; thực hiện tốt công tác định hướng tư tưởng, chính trị cho văn nghệ sĩ trước vấn đề phức tạp, nhạy cảm; đổi mới tư duy, phương pháp quản lý, tạo điều kiện cho VHNT phát triển mạnh mẽ, đa dạng về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tạo, sự tìm tòi, thể nghiệm.

Qua 15 năm triển khai thực hiện đã cho thấy, hoạt động văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Đặc biệt, việc phổ biến, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật được chú trọng, mỗi năm hàng ngàn tác phẩm được giới thiệu. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản, cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện, đẩy nhanh sự phát triển của văn học nghệ thuật. Các hoạt động quảng bá văn học, nghệ thuật qua đó có bước phát triển mới, hài hòa giữa nghệ thuật chuyên nghiệp và nghệ thuật quần chúng, đáp ứng đa dạng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân thông qua các sự kiện chính trị, văn hóa lớn tỉnh được tổ chức trang trọng, ý nghĩa, chất lượng chương trình nghệ thuật đặc sắc, gây ấn tượng đối với đại biểu và nhân dân.

Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã chú trọng triển khai nhiều chính sách, giải pháp phát triển văn học và hoạt động nghệ thuật trên địa bàn tỉnh, đảm bảo phát triển văn hóa hài hòa, đồng bộ với phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, đã ban hành các cơ chế, chính sách nhằm phát huy vai trò của văn học nghệ thuật nhằm khuyến khích văn nghệ sĩ của tỉnh nhà tiếp tục sáng tạo, tổ chức tốt các hoạt động văn học nghệ thuật, đưa văn học nghệ thuật đến với công chúng một cách sâu rộng.

Việc quảng bá, giới thiệu các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu triển khai sâu rộng trên địa bàn toàn tỉnh với các hình thức sinh động, phong phú, sáng tạo. Ngành đã tổ chức và chỉ đạo dàn dựng nhiều tác phẩm nghệ thuật có chất lượng, tham gia các Hội diễn, Liên hoan toàn quốc, khu vực đạt giải cao được công chúng đón nhận, ví dụ như vở chèo “Lưu Xá một thời hoa lửa” hay chương trình nghệ thuật “Về miền tiên cảnh”,…

Một tiết mục văn nghệ trong chương trình Liên hoan Văn nghệ quần chúng tỉnh Thái Nguyên năm 2022. Ảnh: Kim Thoa

Bên cạnh đó, Sở cũng thường xuyên phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh trong việc tổ chức các hoạt động triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, trao hàng trăm giải thưởng các loại cho các tác giả có các tác phẩm xuất sắc; quản lý hoạt động và nâng cao chất lượng sáng tạo của văn nghệ sĩ, lựa chọn các tác phẩm tiêu biểu để tôn vinh, động viên, khích lệ tinh thần lao động, sáng tạo nghệ thuật của văn nghệ sĩ, biểu dương kịp thời văn nghệ sĩ có tác phẩm tốt qua các cuộc phát động. Qua đó, đã góp phần quảng bá tốt các tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc đến với công chúng, tạo thêm không gian giao lưu nghệ thuật giữa các văn nghệ sĩ và giữa văn nghệ sĩ với công chúng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 300 CLB văn hoá, nghệ thuật truyền thống hoạt động có hiệu quả, thông qua đó góp phần gìn giữ, giới thiệu, quảng bá về các loại hình nghệ thuật độc đáo của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống được coi trọng. Tổ chức Liên hoan văn nghệ quần chúng cấp tỉnh, định kỳ 2 năm/lần, thu hút đông đảo các diễn viên, ca sĩ, tuyên truyền viên và nghệ nhân đến từ các huyện, thành phố trong tỉnh tham gia. Tổ chức biểu diễn nghệ thuật và tuyên truyền lưu động phục vụ nhân dân các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hoạt động sáng tác, quảng bá, biểu diễn nghệ thuật được triển khai tổ chức thường xuyên từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực động viên văn nghệ sĩ, người yêu thích văn học, nghệ thuật sáng tác, biểu diễn, tham gia giới thiệu tác phẩm văn học, nghệ thuật ở địa phương, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và nhu cầu sáng tạo, thưởng thức nghệ thuật cho công chúng.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các tác phẩm văn học nghệ thuật đến với công chúng thời gian qua, Ngành cũng nhận thấy còn những hạn chế cần khắc phục như: chất lượng tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao chưa nhiều, tác phẩm đạt giải còn ít, còn thiếu những tác phẩm có chiều sâu, có giá trị, tác phẩm về đề tài lịch sử, dân tộc còn hạn chế để giới thiệu rộng rãi với công chúng.

Trong thời gian tới, để có các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật có chất lượng cao, kịp thời quảng bá giới thiệu tới công chúng, theo chúng tôi, cần tập trung vào một số giải pháp.

Thứ nhất, cần đổi mới phương pháp tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, dễ gần, dễ tiếp cận, liên kết, phối hợp các ngành trong và ngoài tỉnh phải được thường xuyên được thực hiện. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng tuyên truyền, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động sáng tác nghệ thuật.

Thứ hai, cần có chế độ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với văn nghệ sĩ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; thực thi nghiêm túc quyền tác giả và quyền liên quan; xử lý kịp thời những vi phạm về chuyên môn và đạo đức trong lĩnh vực sáng tác; có cơ chế đặt hàng, hỗ trợ sáng tác đối với một số chủ đề, tác phẩm văn học, nghệ thuật cần thiết và xứng tầm; vinh danh, trao giải thưởng xứng đáng cho các tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, văn nghệ sĩ có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp văn học nghệ thuật.

Thứ ba, chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nhận thức chính trị cho đội ngũ văn nghệ sĩ, qua đó có những tác phẩm văn học nghệ thuật có quy mô về số lượng, đa đạng, phong phú về loại hình, đề tài. Quan tâm hỗ trợ các loại hình chuyên ngành khó có điều kiện quảng bá, giới thiệu tác phẩm đến với công chúng.

Bản sắc văn hoá dân tộc luôn được tỉnh Thái Nguyên coi trọng, gìn giữ và phát huy. Ảnh: Kim Thoa

Thứ tư, các đơn vị biểu diễn nghệ thuật cần nâng cao tính chuyên nghiệp, tạo ra những tác phẩm âm nhạc, sân khấu, chương trình nghệ thuật chất lượng mang đậm nét đặc trưng văn hóa, con người Thái Nguyên năng động, sáng tạo. Qua đó, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân và tăng cường giới thiệu, quảng bá, phổ biến, lan tỏa các tác phẩm âm nhạc, sân khấu, chương trình nghệ thuật của Thái Nguyên đến với công chúng.

Thứ năm, quan tâm phát huy nguồn lực xã hội hóa trong việc đầu tư sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng.

  Để Văn hóa được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, cần có sự tham gia sâu sắc, tạo động lực và là nguồn tài nguyên cho phát triển kinh tế, đặc biệt đối với một tỉnh nhiều di tích lịch sử, giàu truyền thống văn hóa, chúng ta càng phải quán triệt sâu sắc các quan điểm này, nhất là vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn học nghệ thuật trong sự phát triển bền vững của tỉnh.

Lê Thị Thu Hà

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Xem thêm:

Văn học Thái Nguyên, nhìn lại một hành trình sáng tạo

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy