Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
23:13 (GMT +7)
NHÌN LẠI 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 23-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ KHÓA X

Văn học Thái Nguyên, nhìn lại một hành trình sáng tạo

VNTN- Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) đã nhận định: “Trong thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phấn đấu sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển và cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, văn học, nghệ thuật nước nhà đứng trước những thời cơ, vận hội lớn, đồng thời cũng đứng trước những thách thức mới gay gắt”.

Văn học Thái Nguyên không nằm ngoài đánh giá chung ấy.

So với một số hội văn học nghệ thuật (VHNT) ở Miền Bắc, Hội VHNT Bắc Thái (sau là Thái Nguyên) ra đời hơi muộn. Nhưng Thái Nguyên lại có một truyền thống sáng tác văn học được kế thừa từ phong trào VHNT Việt Bắc nên sẵn có một đội ngũ khá hùng hậu với những nhà văn tên tuổi như Xuân Cang, Lê Minh, Vi Hồng, Nông Minh Châu, Nông Viết Toại, Nguyễn Đức Thiện, Trịnh Thanh Sơn, Chu Hồng Hải… Cho đến nay, trải qua nhiều thăng trầm, nhưng Thái Nguyên đã hình thành một nền văn học khá vững vàng với các cây bút của nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Có thể nói, kể từ năm 2008, là năm ra đời Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, văn học Thái Nguyên đã đạt được nhưng thành tựu đáng kể, đóng góp vào sự nghiệp văn chương chung của cả nước.

Nghị quyết 23 như một kim chỉ nam cho văn học trong thời kì hiện đại hóa, thời kì hòa nhập mạnh mẽ với toàn cầu.

Vào thế kỉ XXI, Thái Nguyên đã có sự phát triển khá rực rỡ của truyện ngắn và thơ, là hai thể loại chủ lực của phong trào văn chương ở bất kể vùng đất nào. Về thơ, sau nhiều năm trầm lắng, bước sang những năm đầu tiên của thập kỉ thứ nhất, sự hiện diện của các tập thơ cùng các giải thưởng ở trung ương của các nhà thơ Ma Trường Nguyên, Võ Sa Hà, Nguyễn Thúy Quỳnh, Lưu Thị Bạch Liễu, Thế Chính, Hồ Triệu Sơn, Phan Thái, Nguyễn Kiến Thọ… đã tạo dựng cho Thái Nguyên một thế đứng mới trong nền thơ toàn quốc.

Thái Nguyên vinh dự là nơi Hội Văn nghệ Việt Nam đứng chân trong thời kỳ Kháng chiến chống Pháp (xóm Chòi, xã Mỹ Trạng - nay là xã Mỹ Yên - huyện Đại Từ), đây là niềm tự hào, đồng thời cũng là động lực cho các văn nghệ sĩ Thái Nguyên trong sáng tạo tác phẩm. Trong ảnh, từ trái sang phải: Ngô Tất Tố, Nguyễn Xuân Sanh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân. Ảnh: Trần Văn Lưu

Các tập thơ như “Mưa mùa đông”, “Những tích tắc quanh tôi” của nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, “Lửa trắng” của nhà thơ Võ Sa Hà, “Khoảng lặng” của nhà thơ Nguyễn Đức Hạnh, “Cõi tôi” của nhà thơ Lưu Thị Bạch Liễu; “Thanh minh” của nhà thơ Nguyễn Kiến Thọ, “Mọc” của nhà thơ Phạm Văn Vũ… đã ít nhiều có tiếng vang trên văn đàn cả nước.

Truyện ngắn, vốn cũng là thế mạnh của các cây bút văn xuôi Thái Nguyên, vào thập kỉ này cũng bắt đầu nở rộ. Các truyện ngắn lẻ đăng tải trên các báo chí trung ương cùng các tập truyện ngắn đoạt giải trong các cuộc thi ở trung ương của nhà văn Bùi Thị Như Lan như “Vòng vía”, “Cọn nước đôi”, “Hoa dẻ trắng”; các tập truyện ngắn của các tác giả Lê Thế Thành, Phạm Đức, Phan Thái, Nguyễn Văn, Minh Hằng, Đào Nguyên Hải… được bạn đọc gần xa quan tâm, đã mang đến cho truyện ngắn Thái Nguyên một vị trí vững vàng.

 

 

Nhà Văn Hồ Thuỷ Giang phát biểu tham luận. Ảnh: Đ.T

Như một sự hòa điệu có tính tất yếu, sau sự ra đời của Nghị quyết 23, nhiều cây bút Thái Nguyên dường như đã có thay đổi về chất. Các tác giả thơ đã có nhiều đổi mới trong nội dung cũng như hình thức. Nhiều nhà thơ tự dứt bỏ các đề tài thuộc tâm trạng cá nhân vụn vặt, đã cho ra đời những bài thơ, những tập thơ mang tinh thần trách nhiệm xã hội sâu sắc.

Về văn xuôi, cũng bắt đầu từ thời gian này, người viết Thái Nguyên không chỉ dừng lại ở sáng tác truyện ngắn mà nhiều tác giả đã chuyển sang tiểu thuyết, một thể loại văn chương có tính bao quát thời cuộc. Năm 2011, tiểu thuyết “Bão rừng” của nhà văn Phạm Đức ra đời là một tác phẩm chống tiêu cực khá mạnh mẽ, đã gây tiếng vang trong giới văn chương và bạn đọc… Chân thực và mạnh dạn khai thác những điểm tối, mặt trái trong xã hội là một trong những lối viết của một số tác giả Thái Nguyên.

Tiểu thuyết “Danh gia đất mỏ”, “Lộ diện” của nhà văn Nguyễn Văn là những tác phẩm đi sâu vào đời sống của người công nhân, nông dân cùng những lý giải khá thẳng thắn, mạnh mẽ, sâu sắc về các vấn đề xã hội. Trong tiểu thuyết “Lửa khuất”, tác giả Phan Thái đã không hề ngần ngại khi đưa ngòi bút mổ xẻ nhưng vấn đề gai góc, được, mất của nền công nghiệp thép trong giai đoạn hội nhập. Các tiểu thuyết “Mắt rừng”, “Con đường cát bụi”, “Phố núi” của Hồ Thủy Giang cũng là những tác phẩm phản ánh cuộc sống của những người bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường hoặc những góc khuất của nền kinh tế thị trường.

Suốt trong thập kỉ thứ hai, bước sang những năm đầu của thập kỉ thứ ba, thế kỉ XXI, tiều thuyết lịch sử đã trở thành một đề tài có sức cuốn hút lớn với các nhà tiểu thuyết Thái Nguyên. Riêng nhà văn Phan Thái, người có duyên nợ với thể tài này, tính đến nay đã xuất bản 8 tiểu thuyết, trong đó có tới 5 cuốn là tiểu thuyết lịch sử (Linh Sơn tử chiến, Bình Minh máu, Thanh gươm và cây tính tẩu, Nắng phía sau mặt trời…). Tiếp theo là nhà văn Ma Trường Nguyên với các cuốn sách tái hiện hình ảnh Bác Hồ hoạt động, lãnh đạo quân và dân ta tại ATK Định Hóa qua các tiểu thuyết mang tính tư liệu như “Ông Ké thượng cấp”, “Ông Ké ở chiến khu”.

Đề tài lịch sử thời phong kiến, cận đại, thời kì chống Pháp, chống Mỹ ở tỉnh Thái Nguyên là một đề tài xuất hiện nhiều trong các tác phẩm của Hồ Thủy Giang với các tiểu thuyết “Tể tướng Lưu Nhân Chú”, “Thái Nguyên - 1917”, “Những người mở đường”, “Những bông hoa núi”. Cùng đề tài này, nhà văn Phan Thức có tiểu thuyết “Thượng Thư Đỗ Cận”, nhà văn Phạm Đức có “Đức thánh Đuổm Dương Tự Minh”. Phản ánh cuộc chiến tranh của người lính Việt Nam tình nguyện tại chiến trường K (Campuchia) mà nhân vật chính mang bóng dáng người Thái Nguyên, duy nhất có cuốn tiểu thuyết “Apsara dưới trăng” của Đào Nguyên Hải.

Về đề tài miền núi, bên cạnh Bùi Thị Như Lan, một nhà văn gửi trọn tâm hồn tình cảm cho các nhân vật là người dân tộc, một tác giả đi sâu vào văn hóa vùng miền các dân tộc thiểu số, đã có sự xuất hiện những cây bút hướng về đề tài này, như Hoàng Thị Hiền, Lã Thị Thông…

Một điều không thể không kể tới trong phong trào sáng tác của Thái Nguyên, đó là sự nối tiếp của các tác giả trẻ. Những năm gần đây, sự hiện diện của những cây bút như Hoàng Thị Hiền với tập truyện ngắn “Gửi trăng về núi”, Mai Linh Lan với tập truyện ngắn “Cuối mùa lá rụng”, Trần Thị Nhung, Hoàng Thao với tập truyện ngắn “Bình minh đêm và Giấc mơ màu nắng”, Nguyễn Nhật Huy với những giải thưởng trong nước và quốc tế cùng các tác giả đang viết khá đều đặn như Trinh Nguyên, Kim Ngân, Nguyễn Bích Hồng … như đã dự báo một đội ngũ sáng tác đầy triển vọng trong tương lai.

Đổi mới thi pháp vốn là một vấn đề khá nan giải không chỉ ở các địa phương mà còn là sự quan tâm từ các nhà văn ở trung ương. Trong đánh giá chung về thành tựu văn học, Nghị quyết 23 đã khẳng định: “Tiếp tục đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của văn học, nghệ thuật về đề tài, nội dung, loại hình, phương pháp sáng tác, sự tìm tòi thể nghiệm, nâng cao chất lượng toàn diện nền VHNT nước nhà”. Xuất phát từ quan điểm trên, trong những năm qua, đặc biệt là những năm gần đây, dù chưa thật nhiều và ổn định, nhưng chúng ta đã nhận thấy sự khởi sắc ở một vài tác giả trong sự tìm tòi, cách tân về phương pháp sáng tác. Các khuynh hướng sáng tác tiên tiến, hiện đại tiếp nhận từ phương Tây, Mỹ la tinh… đã được một số tác giả Thái Nguyên ứng dụng, thử nghiệm.

 

 

Quang cảnh buổi Toạ đàm. Ảnh: Đ.T

Về thơ, chúng ta đã bước đầu có một Võ Sa Hà, một Thế Chính, một Nguyễn Thúy Quỳnh, một Lưu Bạch Liễu, một Hồ Triệu Sơn với những vần thơ, bài thơ rất gần với thơ siêu thực. Một điều đáng mừng là các cây bút thơ Thái Nguyên không bị sa vào lối đổi mới hình thức, mù mờ, tắc tị mà thường lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian và nguồn mạch truyền thống để tạo ra những áng thơ cách tân rất Việt Nam.

Sự đổi mới thi pháp trong văn xuôi phải kể đến nhà văn Nguyễn Đức Hạnh. Tập truyện ngắn “Tiếng chuông chùa Tử Đằng” của anh không chỉ là các ý tưởng sâu sắc trong nội dung mà còn là hồi chuông lay động đến các cây bút văn xuôi Thái Nguyên về sự đổi mới trong phương pháp sáng tác. Cũng giống như các nhà thơ Thái Nguyên, Nguyễn Đức Hạnh đã mạnh dạn “Việt tính hóa” trong tiếp nhận khuynh hướng huyền ảo Mỹ la tinh, một khuynh hướng đã và đang được sự đón nhận của giới văn chương từ nhiều vùng đất trên toàn cầu. Tập truyện ngắn của Nguyễn Đức Hạnh đã bước đầu gây tiếng vang trong giới sáng tác và độc giả, đã có nhiều bài phê bình trên báo chí, kể cả tạp chí Lý luận phê bình trung ương, một tạp chí lý luận phê bình uy tín của cả nước.

Tiếp đến là tiểu thuyết “Tể tướng Lưu Nhân Chú” của Hồ Thủy Giang, viết về người anh hùng đất Vân Yên, Đại Từ, Thái Nguyên trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, một cuốn tiểu thuyết đã vượt ra ngoài lối viết “chân dung danh nhân” xưa cũ. Nội dung cuốn sách, các vấn đề lịch sử, chiến tranh, văn hóa, tôn giáo… đã có sự giải mã, giải thiêng theo hướng nhân văn, nhân bản. Một điều đáng mừng là gần đây, tiểu thuyết “Tể tướng Lưu Nhân Chú” đã được một nhóm nhà nghiên cứu ở Đại học Thành phố Hồ Chí Minh và Trường đại học Phật giáo Thái Lan chọn làm đối tượng nghiên cứu để thực thi phương pháp phê bình Phật học, một phương pháp phê bình còn mới mẻ ở Việt Nam. Như vậy cho thấy, một số tác phẩm của các nhà văn Thái Nguyên đã có tầm ảnh hưởng quốc gia, quốc tế chứ không chỉ dừng lại ở địa phương.

Mảng lý luận phê bình văn học cũng là một thế mạnh của văn học Thái Nguyên. Những công trình nghiên cứu, những cuốn sách của PGS - TS Trần Thị Việt Trung, PGS - TS Nguyễn Đức Hạnh, PGS - TS Nguyễn Huy Quát… đã đưa ra những tầm nhìn bao quát về văn học Thái Nguyên nói riêng và văn học các dân tộc thiểu số cả nước nói chung. Đặc biệt, gần đây, những công trình nghiên cứu của PGS - TS Cao Thị Hồng đã được giới nghiên cứu và bạn đọc hào hứng tiếp nhận bởi sự đi sâu vào các vấn đề lý luận chung về sự đổi mới trong lý luận phê bình. Nhiều cuốn sách, công trình nghiên cứu của các nhà lý luận, phê bình kể trên đã đoạt giải thưởng 5 năm về Văn học nghệ thuật của tỉnh Thái Nguyên; giải thưởng của Hội đồng Lý luận Phê bình trung ương…

Khoảng mười lăm năm qua, các tác giả văn học ở Thái Nguyên đã xuất bản hàng trăm cuốn sách được phát hành toàn quốc, đoạt vài chục các giải thưởng văn học ở trung ương. Với số lượng sách, số lượng giải thưởng nói trên thuộc nhiều đề tài, thể loại khác nhau, sự thành công khác nhau, đối với một vùng dân cư hơn một triệu người tuy chưa phải là một con số quá lớn lao nhưng hoàn toàn có thể trở thành một mốc son đánh dấu một thời kì sôi nổi và đầy hứa hẹn.

Một số đầu sách đã xuất bản trong thời gian gần đây của các tác giả Thái Nguyên

Cùng với những thành tựu đáng ghi nhận, văn học Thái Nguyên cũng còn những điểm yếu, điểm thiếu, những khoảng trống… Các nhà văn, nhà thơ Thái Nguyên, nhìn chung chưa có những tác phẩm dầy dặn cả về dung lượng lẫn nội dung phản ánh có thể bao quát được tầm vóc lịch sử những cuộc chống giặc ngoại xâm, còn thiếu những tác phẩm mang tầm vóc văn hóa dân tộc và thời đại, trong khi Thái Nguyên lâu nay vốn vẫn được coi là trung tâm vùng miền của các tỉnh phía Đông Bắc.

Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về VHNT trong giai đoạn mới, cuộc hành trình về phía trước chính là nhờ cậy vào các nhà sáng tác. Nhưng sự quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần của các cấp lãnh đạo từ địa phương đến trung ương lại là một yếu tố không thể thiếu.

Nhà văn Hồ Thủy Giang

Xem thêm:

https://vannghethainguyen.vn/2023/04/14/doi-moi-va-nang-cao-chat-luong-tap-chi-van-nghe-thai-nguyen/

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy