Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
23:12 (GMT +7)
NHÌN LẠI 15 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 23-NQ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ KHÓA X

Đổi mới và nâng cao chất lượng Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên

VNTN- Trong dòng chảy của đời sống xã hội hiện nay, báo chí vẫn chiếm giữ vai trò quan trọng, nhưng nó đã khác xưa rất nhiều, cả về hình thức và nội dung, cả về vai trò và vị trí xã hội.

“Đứng yên là tụt hậu”

Đó là quy luật của sự vận động và phát triển. Nếu thu hẹp vào lĩnh vực báo chí, thì ta sẽ thấy: Cũng như các ngành, lĩnh vực khác, báo chí đang vận động, phát triển, thậm chí phát triển mạnh mẽ dưới thời đại cách mạng 4.0. Một tòa soạn báo, vì vậy, nếu không muốn tụt hậu, thậm chí là bị “xóa sổ” khỏi sân chơi này, thì dĩ nhiên không thể “đứng yên”.

Các nhà báo của Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên cùng các đồng nghiệp có tác phẩm đoạt Giải C Cuộc thi viết “Đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 vào cuộc sống” năm 2022
Các nhà báo của Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên cùng các đồng nghiệp có tác phẩm đoạt Giải C Cuộc thi viết “Đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 vào cuộc sống” năm 2022

Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên được chuyển đổi từ Báo Văn nghệ Thái Nguyên theo giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông và đi vào hoạt động từ tháng 2/2021. Đây cũng là thời gian đời sống xã hội có nhiều biến động: dịch Covid hoành hành; thế giới có nhiều biến động, bất ổn… đặc biệt, cuộc cách mạng 4.0 đã hiện hữu, tác động mạnh mẽ đến từng cá nhân, gia đình, ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động của mọi ngành, mọi lĩnh vực.

Chưa cần nhìn quá xa ra thế giới, ngay ở trong nước, thậm chí trong tỉnh Thái Nguyên, đời sống báo chí đã đổi thay nhanh chóng. Báo Nhân Dân, Báo Thái Nguyên - hai cơ quan báo Đảng, một của Trung ương Đảng, một của Đảng bộ tỉnh - những tờ báo được “bao cấp từ A đến Z”, nghĩa là cứ nếp cũ mà làm thì cũng vẫn “sống”, nhưng họ đều đã có sự thay đổi mạnh mẽ, thậm chí mang tính bứt phá.

Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân từng nói với chính đội ngũ của mình rằng: Cần phải khắc phục lối làm báo “an phận”, ỳ trệ; thay thế bằng tác phong làm việc chuyên nghiệp cũng như sự tôn trọng cá tính của các cây bút, bằng sự “dân chủ trong nghiệp vụ, công bằng trong đánh giá”, bằng tình yêu và lòng tự trọng của người cầm bút; bằng bản lĩnh chính trị và sự tinh thông nghiệp vụ và trên hết là làm việc vì uy tín của ấn phẩm trong lòng bạn đọc…

Cán bộ, phóng viên Toà soạn Văn nghệ Thái Nguyên tham gia hành trình về nguồn tại ATK Định Hoá (ngày 14/3/2023) cùng Chi hội Nhiếp ảnh, Hội VHNT tỉnh (Ảnh: Việt Hùng)
Cán bộ, phóng viên Toà soạn Văn nghệ Thái Nguyên tham gia hành trình về nguồn tại ATK Định Hoá (ngày 14/3/2023) cùng Chi hội Nhiếp ảnh, Hội VHNT tỉnh (Ảnh: Việt Hùng)

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, Báo Nhân Dân đã trở thành điểm sáng về chuyển đổi số trong làng báo Việt Nam, được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng, các đồng nghiệp và độc giả, khán thính giả đánh giá rất cao.

Với Báo Thái Nguyên, để thực hiện mục tiêu tiên phong bắt nhịp thời đại số, Báo đã đổi mới toàn diện hệ thống và giao diện báo điện tử; đẩy mạnh tuyên truyền trực tuyến, sáng tạo các tác phẩm báo chí hiện đại, đa phương tiện; tăng cường chia sẻ tác phẩm báo chí trên các nền tảng mạng xã hội để lan tỏa và quảng bá hình ảnh, thành tựu và sức hút của tỉnh Thái Nguyên đến với đông đảo công chúng.

Trên đường đua giành độc giả, đã có nhiều tờ báo điện tử được công chúng đón nhận, như: Dân trí, Vnexpress, Vietnamnet, VTC News… Những người làm báo không thể không nhìn vào đó để học hỏi, cố gắng làm được như họ, để giữ chân độc giả của mình.

Với điều kiện, hoàn cảnh như vậy, như một lẽ tự nhiên, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên không thể đứng ngoài guồng quay. Tuy nhiên, làm thế nào để Tạp chí phát triển mạnh hơn, trong khi mọi điều kiện để hoạt động dường như khó hơn, là câu hỏi không dễ trả lời.

Giải pháp nào để “tiến lên”?

Có thể nói, trong kỷ nguyên số thì “Chuyển đổi số” chính là cứu cánh. Song song với việc chuyển đổi từ Báo sang Tạp chí, Văn nghệ Thái Nguyên đã “tính xa” một bước, xây dựng Đề án Thiết lập Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử và được Bộ Thông tin và Truyền thông chấp thuận, cấp phép.

Nếu như trang thông tin điện tử của báo trước đây chỉ được phép đăng tải lại tin, bài từ báo in, thì nay trên báo điện tử sẽ được đăng tải những tin bài mới, không đăng hoặc chưa đăng trên báo in. Đây là điểm khác biệt quan trọng, đồng nghĩa với việc phải xây dựng kế hoạch, tạo nguồn tin, bài mới để đăng tải. Bên cạnh đó, đối với tin tức, phải được cập nhật thường xuyên.

Dù đã được cấp phép, nhưng khó khăn lại cận kề khi phải vận hành 2 toà soạn, nhưng số lượng cán bộ, phóng viên, biên tập viên không thay đổi, thậm chí còn giảm đi (hiện Toà soạn chỉ có 5 biên chế và 2 cộng tác viên hợp đồng).

Trong suốt nhiều năm, Văn nghệ Thái Nguyên không có biên chế phóng viên, mà chỉ có các biên tập viên được phân công đi làm phóng viên (nay đã có 1 phóng viên). Để “nuôi” được ngần ấy chuyên mục phản ánh hơi thở cuộc sống (nhất là mảng chính trị, kinh tế, xã hội) đã khó, nay lại “kéo” thêm một loại hình mới là Tạp chí điện tử, quả là “sức ép ngàn cân” đang đè nặng.

Làm gì để tạo sự đột phá, giúp Văn nghệ Thái Nguyên lan toả mạnh mẽ? MEDIA chính là câu trả lời cho bài toán khó ấy.

Chuyển đổi số là tất yếu. Điều đó không có gì phải bàn cãi. Nhưng từng cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sẽ “chuyển đổi” như thế nào?, chọn nội dung gì để làm trọng tâm chuyển đổi? – đây mới là vấn đề khó.

Ekip làm chuyên mục “Muôn nẻo đường quê” thực hiện video “Trại ngựa Bá Vân - Thảo nguyên Mông Cổ giữa lòng Thái Nguyên”
Ekip làm chuyên mục “Muôn nẻo đường quê” thực hiện video “Trại ngựa Bá Vân - Thảo nguyên Mông Cổ giữa lòng Thái Nguyên”

Nhớ lại những ngày đầu năm 2021, trong tình cảnh Covid bủa vây, nhưng Hội VHNT tỉnh đã mạnh dạn và tổ chức thành công Cuộc thi thơ online “Tổ quốc và Mẹ”, để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng yêu thơ. Góp sức vào thành công của sự kiện này, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên cũng đã chính thức tiến sâu vào các ứng dụng số để chuyển tải nội dung của sự kiện. Loại hình Video đã được khai thác rất hiệu quả, từ việc xây dựng các clip minh họa đến việc kết nối trên Google Meet… đều do cán bộ, nhân viên của Tòa soạn mày mò thực hiện.

Liên tục các sự kiện sau đó, Tòa soạn Văn nghệ Thái Nguyên đã nối tiếp thành công để thực hiện hàng loạt chương trình: “Tập huấn nghiệp vụ báo chí online”; Cuộc thi “Đọc từ Trái tim”; Cuộc thi viết “Tôi và Thái Nguyên”... Chuyên mục Video được thiết lập để đăng tải các chương trình live stream, off line, các video, clip… giúp độc giả có thêm một kênh hình ảnh để theo dõi. Một dấu ấn đang ghi nhận nữa là Tòa soạn đã xây dựng thành công “Triển lãm mỹ thuật 3D” (triển lãm online), phục vụ Triển lãm Mỹ thuật khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc) năm 2022 do tỉnh Thái Nguyên đăng cai.

Một trong những dấu ấn quan trọng của quá trình sản xuất video của Toà soạn là việc xây dựng bộ phim tư liệu đầu tay “Văn nghệ Thái Nguyên 30 năm trên hành trình Chân – Thiện – Mỹ” phục vụ chương trình Kỷ niệm 30 năm Văn nghệ Thái Nguyên xuất bản số đầu tiên (6/1991 – 6/2021). Để đáp ứng nhân lực làm phim, Tòa soạn đã tự tổ chức “bồi dưỡng cấp tốc” cho một số kỹ thuật viên quay camera và dựng hình. Những kinh nghiệm được rút ra từ quá trình làm bộ phim đầu tay đã giúp anh em trưởng thành hơn, vững vàng trong thực hiện các video sau đó.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là những “vốn liếng” ban đầu, chủ yếu đáp ứng nhu cầu tuyên truyền bằng hình ảnh cho các hoạt động lớn của Hội. Để thu hút độc giả, chuyên mục Video phải có sản phẩm lên sóng định kỳ. Nhằm đáp ứng điều đó, Tòa soạn đã phối hợp với Chi hội Điện ảnh – Phát thanh truyền hình xây dựng chuyên mục video “Muôn nẻo đường quê” và phát sóng số đầu vào ngày 21/6/2022.

Bên cạnh đó, để góp phần đa dạng các loại hình trên báo điện tử, tiếp cận xu thế “thích nghe, thích xem hơn đọc chữ” của một lớp độc giả, nhất là giới trẻ hoặc những người mà môi trường làm việc không cho phép họ xem/ đọc thường xuyên, nhưng lại có thể nghe để thưởng thức, Tòa soạn đã thiết lập kênh podcast “Xóm Chòi kể” và đã thu được những kết quả khả quan.

Đọc truyện cũng đã có một vài kênh làm, Văn nghệ Thái Nguyên đi sau thì phải làm thế nào để được công chúng đón nhận. Cách làm của Văn nghệ Thái Nguyên là dẫn đề câu chuyện phải khác với việc giới thiệu tác phẩm thông thường. Mỗi chương trình đều cố gắng có sự chia sẻ của chính tác giả để người đọc được thấy những câu chuyện thú vị phía sau những gì họ được lắng nghe. Cùng với đó, nhạc nền cho mỗi tác phẩm cũng phải khác nhau, phù hợp với tiết tấu và nội dung câu chuyện. Hậu kì mỗi tác phẩm đòi hỏi sự tỉ mẩn, tinh ý.

Việc chọn tên kênh cũng là một câu chuyện thú vị ít người biết. Toàn bộ cơ quan Thường trực Hội được đề nghị đóng góp ý tưởng và cho ý kiến, lựa chọn. Nhiều tên gọi được đề xuất, nhưng làm sao phải “độc, lạ” nghĩa là nó vừa có ý nghĩa, vừa gợi cảm, gây sự tò mò. Cuối cùng “Xóm Chòi kể” là cái tên được chọn. Xóm Chòi (xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ - tỉnh Thái Nguyên) là nơi ra đời Hội Văn nghệ Việt Nam. “Xóm Chòi kể” với ý nghĩa sẽ mang đến những câu chuyện văn chương hấp dẫn cho thính giả trong cả nước.

Hình cover tác phẩm đoạt giải C của nhóm tác giả Văn nghệ Thái Nguyên
Hình cover tác phẩm đoạt giải C của nhóm tác giả Văn nghệ Thái Nguyên

“Xóm Chòi kể” chuyên đọc các tác phẩm văn học chọn lọc, chạy trên các nền tảng YouTube, Spotify. Kênh đã lên sóng số đầu vào ngày 18/9/2022 và giữ đều đặn mỗi tuần 1 số. Tính đến hết tháng 3/2022, có 25 chương trình podcast được sản xuất. Mặc dù, số lượt nghe còn khiêm tốn (khoảng trên 4.000 lượt) nhưng sự lan tỏa của nó đang ngày một rộng hơn, cho thấy thành công bước đầu trong việc đưa loại hình podcast vào Tạp chí.

Phải đổi mới nhiều hơn nữa

Không chỉ chú trọng video, podcast, Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên đã có chiến lược “tiến quân” vào các loại hình báo chí đặc thù của báo điện tử, thuộc loại hình khác của Media, như các bài Emagazine, Multimedia, Infographic…

Để có bài dạng này, phóng viên phải có kỹ thuật đồ họa và quay – dựng video. Từ khi chuyển đổi sang Tạp chí, Tòa soạn đã liên tục mở các lớp tập huấn cho cán bộ, phóng viên và các cộng tác viên; đồng thời nhiều lần cử cán bộ, phóng viên tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng do Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí tổ chức. Nhờ vậy, đến nay đã hình thành một số “kíp” làm các bài của thể loại này, với những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ.

Thời gian này, Tòa soạn đang tích cực phối hợp với đơn vị tư vấn, thiết kế website để hoàn thiện giao diện mới, hiện đại hơn, tương thích với một tạp chí điện tử, phấn đấu đưa vào hoạt động dịp 21/6 năm nay.

Theo hướng phát triển Media, tin bài trên Văn nghệ Thái Nguyên sẽ đa dạng hơn, với nhiều góc nhìn, hướng tiếp cận khác nhau, thực hiện nhiều hơn các bài Emagazine, Mulltimedia… Muốn vậy, các cán bộ, nhân viên của Tòa soạn sẽ phải nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thường xuyên trao đổi, lắng nghe để tích lũy thêm kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp báo chí...

Hy vọng rằng, những thay đổi và hướng đi mới của Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp như kỳ vọng. Văn nghệ Thái Nguyên sẽ không những vẫn trụ vững, mà sẽ tiến xa hơn, trong kỷ nguyên 4.0.

Trần Văn Thép

Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên

Xem thêm: 

 

Những dấu ấn nổi bật trên hành trình mười lăm năm 

Văn học Thái Nguyên, nhìn lại một hành trình sáng tạo

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy