Thứ sáu, ngày 23 tháng 05 năm 2025
17:05 (GMT +7)
Tọa đàm “Văn học, nghệ thuật tham gia xây dựng giá trị văn hóa, con người Thái Nguyên”

Những đóng góp thầm lặng của các nhà văn vào việc xây dựng giá trị văn hóa con người Thái Nguyên

Nhà văn Phạm Quý, Chi hội Văn xuôi, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên
Nhà văn Phạm Quý, Chi hội Văn xuôi, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên

Với nhan đề trên, tôi xin được đi sâu vào hai vấn đề. Đó là các tác phẩm của các tác giả Thái Nguyên đã phản ánh những vấn đề gì và những vấn đề ấy góp gì vào việc xây dựng giá trị văn hóa con người Thái Nguyên.

Vấn đề về tác phẩm

Năm mươi năm qua các thế hệ sáng tác tại Thái Nguyên đã nối tiếp nhau cho ra đời nhiều tác phẩm ở các mảng đề tài. Đây là sự tái hiện ở nhiều góc độ về đời sống tinh thần, vật chất cũng như khát vọng cuộc sống của nhiều tầng lớp lao động, thuộc nhiều thế hệ ở Thái Nguyên. Sự phong phú đa dạng về đề tài ấy nói lên sự lao động nghiêm túc, miệt mài, đầy trách nhiệm trong một giai đoạn nước nhà với nhiều chuyển biến, bộn bề công việc dựng xây và phát triển.

Tôi xin được điểm qua một số những tác giả tiêu biểu đã thể hiện trong các mảng đề tài:

Về đề tài chiến tranh có các tiểu thuyết của cố nhà văn Hà Đức Toàn viết về chống Pháp trên mảnh đất Đại Từ. Đỗ Dũng, Đào Nguyên Hải. Nguyễn Minh Sơn, Khánh Hạ, Ma Trường Nguyên viết về thời kỳ chống Mỹ. Đặc biệt các tác giả Ngọc Thị Kẹo, Phan Thái, Hồ Thủy Giang, Minh Hằng viết về đội ngũ thanh niên xung phong ngay trên mảnh đất Thái Nguyên quê mình. Còn rất nhiều tác giả có truyện ngắn và ký đã đăng tải trên các báo mà tôi không nêu hết được. Đây là những tác phẩm tái hiện lại bức tranh chân thực của chiến tranh.  Không phải các tác giả hối tiếc một quá khứ đầy gian khổ, đau thương của dân tộc mà là muốn lý giải vì sao chúng ta đã vượt qua và chiến thắng.

Về đề tài công nghiệp tiêu biểu gồm Nguyễn Văn viết về không khí lao động một mỏ than thời bao cấp. Phản ánh đời sống của công nhân lao động một thời đầy khó khăn trong lúc đất nước đang có chiến tranh. Các tiểu thuyết của Phan Thái lại phản ánh chân thực các hoạt động ở một nhà máy gang thép đầu tầu của cả nước trước yêu cầu mới cổ phần hóa doanh nghiệp.

Với đề tài nông nghiệp có sự góp mặt của cố nhà văn Trần Quang Toàn, Phạm Quý, Đào Nguyên Hải, Phạm Đức, Ngọc Thị Kẹo, Trần Nhung, Hoàng Thao, Kim Ngân, Ngọc Thị Lan Thái, Cồ Thị Thơm, cố nhà văn Ngọ Quang Tôn, Nguyễn Thịnh, Nguyễn Văn Bột. Các tác phẩm của các tác giả đều phản ánh đời sống nông thôn với nhiều góc nhìn. Ở nhiều khía cạnh của sản xuất, chuyển đổi cách nghĩ cách làm, các mối quan hệ và cả những trăn trở trước chọn lọc, giữ gìn văn hóa làng quê đang bị mai một.

Đề tài xã hội có các tác giả Phạm Đức, Nguyễn Đức Hạnh, Hồ Thủy Giang, Nguyễn Thưởng, Nguyễn Văn, Ngọc Thị Kẹo, Phạm Quý, Phan Thái, Minh Hằng, Tiết Minh Hà, Bùi Nhật Lai. Ở đề tài này các thể loại văn học với lối viết truyền thống và cả thử nghiêm bút pháp mới, các tác giả đã phản ánh một bức tranh muôn màu của cuộc sống. Đó là đấu tranh bảo vệ môi trường. Đấu tranh chống lợi ích nhóm, tham ô lãng phí. Đấu tranh với những cái ác đang hiện hữu ngay trong cộng đồng, trong gia đình và ngay trong mỗi con người. Có nhiều câu chuyện vui, nhưng không ít nỗi buồn. Nỗi buồn của sự tự vấn, tỉnh ngộ để hướng về điều tươi sáng hơn.

Có một đề tài mà khi quyết định dấn thân, tác giả phải đủ sự kiên trì, tìm tòi trong sáng tạo. Đó là đề tài lịch sử. Cái khó nhất là tìm được sự xác thực của tư liệu. Cái khó nữa là tiểu thuyết lịch sử có con đường đi chung cùng sự kiện, nhưng không phải tác giả viết lại lịch sử mà có góc nhìn riêng để tái hiện lịch sử bằng sự sáng tạo mới. Gần chục năm trở lại đây đáng mừng là tiểu thuyết lịch sử ở Thái Nguyên liên tục ra đời. Đó là nhà văn Phan Thái cho ra đời 5 cuốn tiểu tuyết liền. Hồ Thủy Giang 4 cuốn, Phan Thức 2 cuốn, Ma Trường Nguyên 2 cuốn và Phạm Đức 1 cuốn. Những tác phẩm trên đều tái hiện lại các sự kiện tại Thái Nguyên như ATK, Linh Sơn, Phấn Mễ, Đại Từ, Phổ Yên cùng các nhân vật đã đi vào lịch sử dân tộc.

Thái Nguyên có rất nhiều dân tộc sinh sống, sự pha trộn ấy mang về nhiều nét văn hóa phong phú, độc đáo. Đề tài miền núi được các tác giả thấm đẫm nét văn hóa dân tộc mình và thể hiện trên tác phẩm. Đó là các tác giả cố nhà văn Vi Hồng, Ma Trường Nguyên, Bùi Như Lan, Hoàng Thị Hiền. Họ đã phản ánh đủ các góc độ về cái ác, cái thiện giữa các dòng tộc với nhau. Những hủ tục giữ chân con người trước luồng ánh sáng văn hóa mới và cả những băn khoăn trước những bản sắc đang bị mai một dần.

Một mảng đề tài ta không thể bỏ quên, văn học thiếu nhi. Mảng này cũng kén người viết bởi phải am hiểu tâm lý, tính cách trẻ thơ. Phải hóa thân trong tác phẩm với độ dài có hạn và đặc biệt cách chuyển tải ý tưởng phải phù hợp lứa tuổi. Ở Thái Nguyên chưa có tác giả nào có sách in riêng. Nổi trội có Ngọc Thị Lan Thái đã có hơn bốn mươi truyện, tiểu phẩm đăng tải trên các báo và phát trên truyền hình. Ngoài ra có Minh Hằng, Trần Chín, Phạm Quý có các tác phẩm in chung. Các tác phẩm phần nào có sự riêng biệt trong những món ăn cho thế hệ măng non này.

Như vậy tôi đã đi qua vấn đề đặt ra ở phần một. Đã điểm qua nhiều mặt của cuộc sống được các tác giả thể hiện trên tác phẩm, với nhiều thông điệp cùng bạn đọc. Làm phong phú thêm đời sống văn hóa tại địa phương.

Những tác phẩm ấy đã góp phần xây dựng giá trị văn hóa, con người tại Thái Nguyên như thế nào?

Xin khẳng định luôn, những đóng góp ấy đều hướng về việc bồi đắp tâm hồn con người để cùng nhận biết yêu ghét rõ ràng, để mỗi người biết tự tin vào bản thân mình, sống có trách nhiệm hơn với gia đình, với cộng đồng, với Tổ quốc và rộng hơn nữa giữa đồng loại với nhau. Những câu chuyện đau thương mất mát về chiến tranh, không phải tác giả hối tiếc những điều đã lùi xa mà là để khơi dậy lòng tri ân với lớp cha anh, để thế hệ sau biết quý trọng mỗi giây phút hòa bình. Để mỗi người biết yêu, biết thương quê hương đất nước mình một thời lửa khói. Những điều đó đã tái hiện và âm thầm bồi đắp tâm hồn mỗi người qua tác phẩm.

Các đề tài khác cũng thế. Chúng ta đang sống trong thời đại công nghiệp, nông nghiệp phát triển. Cùng với sự phát triển ấy là bao nhiêu hệ lụy song hành. Một mặt phải tiến lên theo kịp thời đại. Một mặt phải giữ lại những gì tinh túy của bản làng, của dân tộc mình. Rất nhiều câu chuyện nói về việc đấu tranh với các mối quan hệ, lợi ích nhóm hay những lối sống lạc hâu, cổ hủ, ích kỷ kéo lùi sự tiến bộ xã hội luôn nằm trong thông điệp mà các tác giả gửi gắm. Ít nhiều nó cũng góp phần bồi đắp sự đoàn kết, sự trung thực, sống có nghĩa tình, làm việc có trách nhiêm, có sáng tạo để hướng tới điều đẹp đẽ hơn. Ngay trong lĩnh vực gia đình thì những vết nứt âm thầm cũng có các tác phẩm đã mổ xẻ nguyên nhân và cảnh báo. Rất nhiều tác phẩm đi vào các ngõ ngách nông thôn để tìm tòi phương cách làm ăn mới, cũng như các rào cản gây ra sự thiệt thòi từ địa lý, từ nhận thức để khơi dậy sự vượt lên, tự lưc, tự cường.

Xin nêu một vài thí dụ cụ thể sau:

Câu chuyện thứ nhất là những tác phẩm viết về Đại đội 915 thanh niên xung phong Bắc Thái của nhiều tác giả. Sự kiện ấy đã được đất nước ghi công. Nhưng khi cấp ủy, chính quyền và đội ngũ nhà văn, nhà báo vào cuộc thì trong nhân dân hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn lan tỏa một phong trào tri ân sâu sắc. Người giúp tìm lại các di ảnh, hiện vật. Người kể lại các câu chuyện nếu không có dịp ấy có thể sẽ mãi mãi lãng quên... Những cơ quan có thẩm quyền rà soát lại các trường hợp còn thiệt thòi chế độ. Nơi tưởng niệm được tu sửa khang trang. Đặc biệt là các đoàn thể, cá nhân đến dâng hương tưởng niệm ngày một đông. Một nét đẹp văn hóa xuất hiện ở nhiều địa phương trong tỉnh. Rồi dư âm ấy còn lan tỏa sang Đội 913 và toàn Đội thanh niên xung phong 91 Bắc Thái.

Câu chuyện thứ hai là từ một bài phóng sự về việc ngập úng ở xóm Lòng Thuyền, huyện Đồng Hỷ của tác giả Kim Ngân. Sự việc lặp lại nhiều lần qua các mùa mưa. Đã có những bài báo phản ánh tình trạng này nhưng chưa có gì chuyển biến. Khi có bài phóng sự mấy kỳ liên tục của Kim Ngân trên Văn Nghệ Thái Nguyên, đã thúc đẩy chính quyền cơ sở và nhân dân nỗ lực tìm ra giải pháp khả thi nhất trong hoàn cành hiện tại. Một sự tác động không nhỏ qua tác phẩm để làm nên một sự đoàn kết tạo nên sự yên ấm trong đời sống làng quê. Điều rút ra ở đây là, câu chữ chỉ là phương tiện chuyển tải thông tin, nhưng cái tình, cái tinh thần, cái tâm của tác giả trước sự việc mới thực sự lay động lòng người.

Câu chuyện thứ ba từ một vụ án. Tại Thái Nguyên cuối thế kỷ trước có một vụ án dai dẳng, phức tạp, tai tiếng về nạn phá rừng. Dư luận có bao câu chuyện truyền miệng lan đi từ nhiều góc độ. Ngay sau vụ án ấy tiểu thuyết “Bão rừng” của nhà văn Phạm Đức ra đời. Nhiều người đọc được giải tỏa tâm trạng, được hiểu cặn kẽ sự việc và tin yêu hơn vào những con người trung thực, dũng cảm dám đứng lên đấu tranh với những điều sai trái, đi ngược lại lợi ích cộng đồng, xã hội. Ngay ngành kiểm lâm cũng đặt mua sách để tăng nhận thức cho ngành mình.

Những dẫn chứng trên chỉ là những tác động nổi. Còn bao nhiêu tác phẩm khác ở mọi lĩnh vực cứ âm thầm thấm dần vào mỗi suy nghĩ, nhận thức, tâm hồn người đọc từ trẻ thơ đến người già để rồi nó trở thành nếp nghĩ, lối sống đầy tính văn hóa của mỗi người, của cộng đồng.

Vậy là tôi đã mạn đàm về hai vấn đề đã đặt ra. Chặng đường tiếp theo sẽ rất nhiều chuyển biến để các tác giả tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh nhà. Nhịp điệu cuộc sống đầy sôi động trong bề bộn dựng xây luôn song hành những điều tốt đẹp, tiến bộ và cả mặt trái của nó. Hiện thực cuộc sống vẫn ngồn ngộn diễn ra hàng ngày. Chất liệu để các tác giả khai thác, sáng tạo ở tất cả các mảng đề tài chưa bao giờ cạn. Những đề tài mà sự việc đã lùi xa chưa bao giờ cũ. Cái khó nhất của người viết là tìm ra cái mới trong cái đã cũ. Tìm ra cái cao cả trong cuộc sống bình thường của người lao động để làm nên các món ăn tinh thần đầy hương vị. Muốn có tác phẩm chất lượng trước hết tôi nghĩ người viết phải tự nhìn ra cái yếu của mình trong các tác phẩm đã qua. Và điều cốt lõi phải có tâm mình thật sáng mới có cái nhìn khách quan, bao dung để cắt nghĩa và giải quyết vấn đề một cách nhân văn, hướng thiện. Có tâm sáng, mới có sự trung thực, trách nhiệm với cộng đồng để thể hiện qua tác phẩm, để góp phần xây dựng giá trị văn hóa con người tại quê hương.

Nhà văn Phạm Quý

Chi hội Văn xuôi, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy