Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
08:32 (GMT +7)

Về một số lời tiểu dẫn, giải nghĩa từ phần văn học trung đại Việt Nam trong sách giáo khoa Ngữ Văn hiện hành

VNTN - Dạy phần văn học trung đại (thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng) là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Thứ nhất, hiện thực (cả hiện thực đời sống và hiện thực tâm linh) mà mảng văn học này phản ánh do khoảng cách thời gian đã có phần xa lạ đối với thời hiện đại. Thứ hai, văn học trung đại Việt Nam gắn bó hết sức chặt chẽ với văn hóa tinh thần thời Cổ - Trung đại, đặc biệt là văn hóa tinh thần của các quốc gia lân bang như Trung Hoa và Ấn Độ, với các tư tưởng triết học, tôn giáo trừu tượng, siêu huyền bí. Thứ ba, văn chương trung đại lại được viết bằng ngôn ngữ văn tự Hán Nôm, thứ văn tự mà ngày nay chỉ còn được dùng chủ yếu trong giới nghiên cứu chuyên ngành. Do vậy, văn học trung đại thực sự là một tập hợp những tín hiệu nghệ thuật trác tuyệt nhưng bí hiểm.

Những khó khăn phức tạp đặc thù của văn học cổ - trung đại đòi hỏi những người biên soạn sách giáo khoa phần này có những lời tiểu dẫn cho mỗi tác giả, tác phẩm chân xác, tỉ mỉ, giải nghĩa đúng các từ khó, chú thích đúng và đủ các điển cố, điển tích, lời văn ý thơ mờ nghĩa. Bộ sách giáo khoa Ngữ Văn hiện hành nhìn chung đã đáp ứng tương đối tốt những yêu cầu trên, tuy nhiên, còn một số những lời tiểu dẫn, giải nghĩa từ.v.v.. cần phải trao đổi thêm.

Phần chú giải hợp từ "Người thái thượng" và "Đông phong" trong SGK Ngữ Văn hiện hành.

1. Về phần tiểu dẫn 

Chúng tôi cho rằng phần tiểu dẫn cần đặc biệt chú ý giải thích nhan đề tác phẩm dưới góc độ thể loại. Vấn đề này trong các mục tiểu dẫn phần văn học trung đại Việt Nam trong sách Ngữ Văn chưa được chú ý đúng mức. Điều đó được thể hiện qua các phương diện sau:

Tiểu dẫn không hề giải thích tiêu đề thể loại của tác phẩm: 

Truyện Kiều của Nguyễn Du lúc đầu có tên gọi là Đoạn trường tân thanh. Mộng Liên Đường chủ nhân và các học giả Đào Nguyên Phổ, Kiều Oánh Mậu cùng gia phả họ Nguyễn Tiên Điền đều khẳng định như vậy. Về sau học giả Trần Trọng Kim mới đổi lại là Truyện Kiều. Khi nghiên cứu tác phẩm này, nhiều học giả vẫn để ý đến tiêu đề cũ nhưng lại phiên là “Tiếng kêu mới đứt ruột”. Sách Văn học 10 (tập 1), Nxb Giáo dục, 1999 cũng viết là “Tiếng kêu mới về nỗi đau thương đứt ruột”. Sách Ngữ văn 10 (tập 1), Nxb Giáo dục, Hà Nội 2006 (hiện đang dùng) thì không hề đả động gì đến Đoạn trường tân thanh mà chỉ nói đến Truyện Kiều. Vậy từ góc độ thể loại mà xem xét thì giữa Đoạn trường tân thanh và Kim Vân Kiều truyện có điểm gì khác nhau? Chúng tôi rất tâm đắc với ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na về vấn đề này. Ông cho rằng: “Tân thanh là một thể thơ sáng tác theo phương châm của Tân nhạc phủ, cũng gọi là thơ Tân nhạc phủ” [5.266]. Sau này Tân thanh được dùng để chỉ thơ ca nói chung. Trong Kim Vân Kiều truyện, Thanh Tâm tài nhân đã nhiều lần ca ngợi Thúy Kiều “Thạo hồ cầm giỏi Tân thanh”, tức thạo ngón đàn và giỏi làm thơ. Nguyễn Du đặt tên tác phẩm của mình là Đoạn trường tân thanh nhằm thể hiện ý đồ nghệ thuật mang tính sáng tạo của mình mặc dù ông đã dựa vào cốt truyện của Thanh Tâm tài nhân. Thứ nhất Nguyễn Du khẳng định tác phẩm của mình là thơ (Tân thanh được ông nói tới với ý nghĩa là thơ ca) chứ không phải văn xuôi như nguyên tác. Thứ hai, đó là tiếng thơ đứt ruột (Đoạn trường) phản ánh cuộc đời ba chìm bảy nổi sống đọa thác đày của một người con gái lương thiện tài sắc song toàn. Vậy là chính tên tác phẩm đã báo hiệu cho người đọc sự thay đổi không chỉ về mặt hình thức mà còn là nội dung, chủ đề của truyện so với nguyên tác. Đúng là cốt truyện tuy vay mượn của Trung Hoa nhưng nó đã được thẩm thấu qua từng thớ thịt, từng tia máu, từng hơi thở của một con người “có con mắt nhìn thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời” và từng chữ, từng chữ được viết ra “bằng máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy”. Do đó “nhan đề Đoạn trường tân thanh không chỉ là tấc lòng Nguyễn Du mà còn là lời khẳng định bản quyền tác phẩm của ông của dân tộc Việt Nam” [5.274]. Bỏ qua tiêu đề thể loại, không giải thích nó là một điều đáng tiếc.

Giải thích nhan đề chung chung ở cấp độ thể văn mà chưa giải thích nó ở cấp độ đặc trưng thể loại:

Tiểu dẫn về Truyền kì mạn lục trong sách giáo khoa Ngữ Văn 10 (tập 2), Nxb Giáo dục, 2006 mới chỉ nói tới thể văn truyền kì “là một thể văn xuôi tự sự thời trung đại, phản ánh hiện thực qua những yếu tố kì lạ hoang đường” [6.55] mà chưa chú ý giải thích đặc trưng thể loại của tác phẩm. Về cụm từ Truyền kì mạn lục trước đây người ta thường phiên là “ghi chép tản mạn những truyện truyền kì”. Soạn giả Ngữ Văn 9, tập 1 (sách in năm 2005) cũng viết “Truyền kì mạn lục là ghi chép tản mạn những truyện truyền kì được lưu truyền”. Vậy là Nguyễn Dữ chỉ ghi chép tản mạn những truyện truyền kì có sẵn vẫn được lưu truyền. Thế thì căn cứ vào đâu để khẳng định “tác phẩm thực sự là sáng tác văn học” [6.55] mang đậm cá tính sáng tạo của tác giả và vì sao nó được ca ngợi là áng “thiên cổ kì bút” (Lời Vũ Khâm Lân). Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na đã khảo cứu rất sâu, căn cứ vào các tài liệu nghiên cứu văn học cổ Trung Hoa để khẳng định “mạn lục” không phải là ghi chép tản mạn mà là thể văn cổ Trung Hoa: Thể mạn lục. Đó là một thể văn tự sự viết theo bút pháp tự do tùy hứng phụ thuộc vào ý đồ sáng tác của tác giả, không bị ràng buộc bởi bất cứ một lí do nào. Nếu Truyền kì đứng riêng thì là một thể văn của truyện ngắn trung đại chuyên viết về những cái kì lạ. Nhưng đứng trong cụm từ Truyền kì mạn lục thì truyền kì chỉ làm định ngữ chỉ tính chất của thể Mạn lục. Như vậy có thể hiểu Truyền kì mạn lục một cách ngắn gọn là thể loại truyện viết theo tùy hứng cá nhân (tác giả) về những cái lạ kì. Chính nhan đề mang tính đặc trưng thể loại của tác phẩm đã bao hàm sự khẳng định vai trò sáng tạo nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Dữ, tác phẩm không phải loại ghi chép lại những cái li kì có sẵn mà là một sáng tạo văn học thực sự.

Bìa sách giáo khoa Ngữ Văn 11 (tập 1) hiện hành.

2. Về giải nghĩa từ

Từ Hán Việt là loại từ gốc Hán được người Việt phát âm, do đó có thể xảy ra một hiện tượng: nhiều từ Hán khác tự dạng, khác nghĩa nhưng lại được người Việt phát âm đồng nhất. Điều đó đã tạo ra khá nhiều từ đồng âm, dị tự, dị nghĩa. Có khi cùng một chữ nhưng nó lại mang nhiều nghĩa. Vì thế người thẩm sách, dịch sách, làm sách phải căn cứ vào tự dạng, văn cảnh mà chọn lựa nghĩa để dịch cho phù hợp. Vấn đề phức tạp như vậy nên việc hiểu nghĩa của lớp từ Hán Việt để từ đó dạy tốt, học tốt phần văn học trung đại ở bậc THPT ngày nay là rất khó. Các soạn giả sách Ngữ Văn 10,11 (bộ đang dùng) đã rất chú trọng đến việc chú giải lớp từ Hán Việt trong các tác phẩm văn học trung đại. Nhìn chung, các chú giải đều đúng và phù hợp. Tuy nhiên ở một vài trường hợp, việc chú dịch vẫn còn cần phải trao đổi thêm.

Xin lấy ví dụ các lớp từ “Thái thượng” và “Đông phong” trong Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ.

Về hợp từ “Thái thượng”, sách chú “người thái thượng: ý nói cũng như người thượng cổ không quan tâm đến sự được mất” [7.38]. Lời giải này nghe chừng không thông thuận. Hợp từ “Thái thượng” bao gồm hai từ tố là Thái (太 ) và Thượng (上 ). Thái có nghĩa là “Rất”, “Đến chỗ tuyệt cao”, hoặc để chỉ người cao niên, người được tôn vinh [1.360]. Thượng có nghĩa là trên (cao), đối lập với Hạ có nghĩa là dưới (thấp), hoặc để chỉ những người tuổi tác hay có địa vị cao trong xã hội. Vậy hợp từ “Thái thượng” có nghĩa là nơi cao nhất (phạm trù không gian) hoặc người có địa vị cao nhất trong xã hội. Thời phong kiến thì đó là Vua [1.363]. Con là Hoàng đế (皇帝) thì vua cha sẽ là “Thái thượng hoàng” (太 上 皇), tức Hoàng đế cao nhất - Vua trên Vua. Như vậy, “Thái thượng” hoặc là mang nghĩa vị trí không gian, hoặc là chỉ địa vị con người trong xã hội, chứ chưa bao giờ dùng để chỉ phạm trù lịch sử. Để chỉ phạm trù này, văn hóa cổ Trung Hoa có các khái niệm: Cổ (古) (đời xưa), Kim (今 ) (ngày nay). Cổ lại chia thành các giai đoạn: Thái cổ (太古) (Đời xưa lắm - Hante Autiquite), ứng với thời Tam hoàng, Ngũ đế; Thượng cổ (上古 ) (Đời xưa - Autiquite), ứng với thời Hạ, Thương, Chu. Vậy thì sao lại chua nghĩa “Người thái thượng: ý nói cũng như người thượng cổ”? Hai khái niệm này mang nội hàm nghĩa hoàn toàn khác nhau. Nếu theo ý soạn giả thì câu này phải viết là “Được mất dương dương người thượng (hoặc thái) cổ” mới đúng. Lại nữa, nói người thượng cổ “không quan tâm đến sự được mất” liệu có chủ quan, võ đoán? Quan sát một số bức tranh trong các hang động mà người nguyên thủy miêu tả cảnh họ đi săn bắt thì thấy: Họ vui mừng như thế nào khi cuộc đi săn thắng lợi (được nhiều muông thú) và buồn như thế nào khi cuộc đi săn thất bại. Người ta thường chỉ nói người xưa chất phác, thật thà chứ chưa thấy nói họ “không quan tâm đến sự được mất”. Theo chúng tôi, nguyên văn câu này phải là “Được mất dương dương người tái thượng” mới đúng. Sách Văn học lớp 11 (tập 1), Nxb Giáo dục, 2000 (sách chỉnh lí hợp nhất) và cuốn Thơ văn Nguyễn Công Trứ (Nxb Văn học, 1983) cũng đều ghi như thế và giải thích rất rõ về điển “Tái ông thất mã” (ông già biên ải mất ngựa) mà Nguyễn Công Trứ đã vận dụng trong câu ca này. Theo chúng tôi, đây là trường hợp nhầm lẫn từ “Điển” sang “Từ”, và khi đã nhầm như thế thì việc giải nghĩa từ cũng lại thiếu chính xác và có phần suy luận chủ quan.

Về hợp từ “Đông phong”, sách giáo khoa Ngữ Văn 11 (tập 1), Nxb Giáo dục, 2006 chú là “Đông phong: Gió mùa xuân. Theo ngũ hành, phương Đông ứng với hành Mộc chủ về mùa xuân. Ý cả câu: chuyện khen chê bỏ ngoài tai, trước mọi lời khen chê cứ vui phơi phới như đi trong gió xuân ấm áp” [7.38]. Chú như thế, xét về mặt hình thức ngữ nghĩa của các cặp từ đã thấy không ổn. Bởi lẽ hai câu thơ này là một cặp đối rất chuẩn: Được mất >< Khen chê (đối loại động từ); Dương dương >< Phơi phới (đối loại tính từ); Ngọn >< Người (đối loại danh từ); Thái thượng (phải là Tái thượng) >< Đông phong (đối loại danh từ định ngữ). Vậy, câu trên chú là “Không quan tâm đến sự được mất như người Thái thượng” thì câu sau cũng phải chú là “Cứ phơi phới như ngọn gió xuân” mới chỉnh, chứ không thể chú “Như đi trong gió xuân ấp áp”. “Đi” và “Như” khác nhau nhiều lắm! Sách Văn học 11 (tập 1) chỉnh lí, Nxb Giáo dục, 2000 cũng chú là “phơi phới như ngọn gió xuân” nhưng đáng tiếc lại không giải thích vì sao lại “như ngọn gió xuân”. Do đâu mà có sự lảng tránh không giải thích nghĩa của “Đông phong” như sách Văn học 11 chỉnh lí và do đâu mà có sự giải thích bất hợp lí của sách Văn học 11 hiện hành?

Chúng tôi xin nói rõ thêm nghĩa của “Đông phong” trong đời sống văn hóa Trung Hoa. Vào mùa xuân, do sự chênh lệch về áp suất, nhiệt độ giữa đất liền và đại dương nên gió từ miền duyên hải phía Đông - Đông Nam bắt đầu thổi vào lục địa Trung Hoa. Đông phong vì vậy vừa để chỉ hướng gió (gió từ phía Đông thổi vào) và cũng là để chỉ thời gió (gió thổi vào mùa xuân). Đông phong hay xuân phong là một và cũng được coi là sinh phong vì đó là ngọn gió lành làm hồi sinh muôn vật sau mùa đông nghiệt ngã. Tuy nhiên ngọn gió lành đó có thổi vào tai con ngựa thì nó cũng chẳng cảm nhận được gì. Bởi vậy người Trung Hoa mới có câu thành ngữ “Đông phong suy mã nhĩ” (Gió đông thổi tai ngựa) hay “Đông phong xạ mã nhĩ” (Gió đông bắn vào tai ngựa) [3.192] mà nghĩa của nó cũng tựa như câu thành ngữ “đàn gảy tai trâu” của Việt Nam. Hai câu thành ngữ này đều bao hàm có ý chê bai những kẻ “thiểu năng trí tuệ”, “đui điếc tâm hồn” không cảm nhận được cái hay cái đẹp trên đời; nhưng mặt khác chúng cũng thể hiện một thái độ bất cần đời của con người khi dám bỏ ngoài tai tất cả những lời thị phi, khen chê: chẳng cần tri âm, đàn ta vẫn gảy; chẳng cần khen chê, mùa xuân đến, gió ta vẫn hồn nhiên phiêu lãng. Câu thành ngữ này chẳng những rất quen thuộc và phổ biến trong đời sống tinh thần của người Trung Hoa mà nó còn được các nhà văn nhà thơ vận dụng khá nhiều trong sáng tác của mình. Nhà thơ Lí Bạch (đời Đường) có câu: “Hữu như đông phong xạ mã nhĩ” (Tựa như gió đông bắn vào tai ngựa) [3.193]. Bồ Tùng Linh trong sách Liêu trai chí dị cũng có đoạn viết: “Lúc trước đây thực cũng yêu nhau mà chàng thì như gió đông thổi qua tai con ngựa nên chán ghét mà không thương nữa” [4.884]. Đối với trí thức văn nghệ sĩ Việt Nam thời trung đại, câu thành ngữ này có lẽ cũng không hề xa lạ. Vì thế chúng tôi tin tưởng rằng, Nguyễn Công Trứ đã vận dụng câu thành ngữ này để viết ra câu ca trên.

Vậy thì hai câu: “Được mất dương dương người tái thượng (chứ không phải thái thượng)/ Khen chê phơi phới ngọn đông phong” phải được hiểu là chuyện được mất (ta) cứ thản nhiên như ông già biên ải mất ngựa (chẳng bận lòng về chuyện mất ngựa, được ngựa); chuyện khen chê (ta) cứ hồn nhiên vô tư như ngọn gió đông (giống như loài ngựa) (chẳng cần biết ai đó có cảm xúc hay không có cảm xúc, khen hay chê). Có thể nói cặp lời ca này cùng một lúc đã thể hiện được ...hai cái Ngông, cái Ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ: Một cái ngông ở ngoài đời như đi lễ chùa vẫn dắt theo “đủng đỉnh một đôi dì” hay giai thoại dùng mo cau để che đít bò cái được phản ánh trong văn chương. Đó là thái độ phớt đời! Một cái ngông nữa là ngông trong làm văn chương bởi hai câu ca đối nhau chan chát lại được vận dụng từ những Điển những Ngữ đều có dính dáng đến chuyện ngựa.

Không ít những câu văn, lời thơ của văn học trung đại đã trở thành những lời thách đố với các nhà nghiên cứu, người giảng dạy và độc giả. Một thái độ khiêm tốn, cầu thị và thận trọng là hết sức cần thiết. Những ý kiến trao đổi của chúng tôi ở đây chỉ nên được xem như một hướng tiếp cận và cung cấp thêm tư liệu để giúp người biên soạn sách sau này và giáo viên làm tốt hơn công việc của mình.

 

Tài liệu tham khảo

1. Đào Duy Anh (1992), Hán Việt từ điển, NXB Khoa học Xã hội.

2. Bakhtin.M (1992), Lí luận và phương pháp tiểu thuyết, Phạm Vĩnh Cư dịch, Trường viết văn Nguyễn Du xuất bản.

3. 漢語大詞典Hán ngữ đại từ điển (1993), 湖北詞書出版社 Hồ Bắc từ thư xuất bản xã.

4. Bồ Tùng Linh (1996), Liêu trai chí dị (Quyển II, Truyện đảo thần tiên), Vọng Chi, Nguyễn Chí Viễn và Trần Văn Từ dịch, NXB Văn hóa thông tin.

5. Nguyễn Đăng Na (2007), Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam, NXB Giáo dục.

6. Ngữ văn 10 (tập 2) (2006), NXB Giáo dục.

7. Ngữ văn 11 (tập 1) (2006), NXB Giáo dục.

8. Thơ Tống (1968), NXB Văn học.

9. Thơ văn Nguyễn Công Trứ (1983), NXB Văn học.

Ngô Thị Thanh Nga

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy