Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
02:41 (GMT +7)

Về cuộc chiến chống lâm tặc trong Mắt rừng của Hồ Thủy Giang

VNTN - Nỗi đau “chảy máu tài nguyên” đất nước do “giặc rừng” gây nên đã thấm vào tâm trí người dân lương thiện, hòa vào giấy mực của nhiều nhà báo, nhà văn tâm huyết để tạo nên những phóng sự, truyện ngắn, tiểu thuyết về chống lâm tặc, bảo vệ rừng. Tiểu thuyết “Mắt rừng” của Hồ Thủy Giang (Nhà xuất bản Công an nhân dân, 2015) là tác phẩm thể hiện tầm nhìn xa, lâu dài, bền vững về cuộc chiến cam go, quyết liệt, dai dẳng này.

Mở đầu tiểu thuyết Mắt rừng là cuộc rượt đuổi của đội cơ động kiểm lâm do Trung dẫn đầu để truy bắt ba thanh niên chở gỗ bằng xe Minsk từ rừng Khuôn Lình ra. Trong số 3 thanh niên chở gỗ, thì hai là dân địa phương, thuộc bản Khuôn Lình, còn tên Khút được coi là “lâm tặc” đã trốn thoát. Từ hiện tượng này, Trung và  Chi cục trưởng Hòa bắt đầu xem xét lại cách nhìn, cách định nghĩa của mình về lâm tặc. Lâm tặc là ai? Cần phân biệt lâm tặcdân như thế nào để khỏi nhầm lẫn? Thực tế này khiến Chi cục trưởng Hòa, Đội trưởng kiểm lâm cơ động Trung càng kiên quyết triển khai thực hiện Đề án đổi mới quản lý rừng do họ nghiên cứu - soạn thảo, trong đó trọng tâm là giao rừng, giao đất trồng rừng cho các hộ dân ở địa phương tự quản lý, bảo vệ. Tất nhiên, kiểm lâm vẫn tồn tại như lực lượng nòng cốt, kết hợp với công an, chứ không khoán trắng cho dân như có người nghĩ: biến dân thành người giữ rừng thì sẽ không cần mở ra những cuộc truy quét lâm tặc nữa. Những trang mở đầu của Mắt rừng thể hiện quan niệm về lâm tặc, về đổi mới cách quản lý, bảo vệ rừng của những người có trách nhiệm trong ngành kiểm lâm. Có thể coi đây là một tầm nhìn mới về bảo vệ, phát triển rừng và chống lâm tặc.

Hòa về nhận chức Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm khi ông Sếnh là Chi cục Phó đã nhiều năm. Một Phó chi cục khác thì còn khoảng mười tháng nữa sẽ nghỉ hưu: đó là ông Nguyễn Huy Cựu. Điều hành lực lượng kiểm lâm cơ động chống lâm tặc hàng chục năm, ông Sếnh tỏ ra hăng hái, xông xáo với công việc này, nhưng kết quả thì chưa được thấy rõ. Ngược lại, có nhiều vụ lâm tặc chở gỗ qua trạm kiểm lâm mà ông cho “quân” canh giữ nhưng chúng vẫn đi trót lọt. Đội trưởng kiểm lâm cơ động Trung có lúc tỏ ra nghi ngờ Phó Chi cục Sếnh. Anh thắc mắc: vì sao ông ta lại bật đèn xanh để hạt Sơn Đông lẽ ra phải bị thi hành kỷ luật thì lại được biểu dương? Nhưng ông Sếnh lại vẫn có uy quyền và “tín nhiệm” trong ngành. Bề ngoài ông Sếnh vẫn tỏ vẻ phục tùng, ủng hộ chủ trương, kế hoạch công tác của Chi cục do Hòa đề xuất, nhưng bên trong, không ai biết ông có suy nghĩ, hành động gì khác, tức là ông che giấu rất khéo, kể cả việc hóa trang cách ăn mặc khi đi vào khách sạn của trùm lâm tặc Đắc. Đó là một “mắt xích ngầm” tạo nên khó khăn cho Chi cục trưởng Hòa và các cán bộ tích cực khác, như đội trưởng Trung...

Đối đầu không ra mặt với Chi cục kiểm lâm là Đắc, một trùm lâm tặc khéo ngụy trang, lắm mưu mẹo, có “tài” sử dụng tiền và gái để “mua” cán bộ kiểm lâm từ to đến nhỏ và trở thành một “đại ca” khét tiếng. Là chủ khách sạn Hương Lâm, Đắc thuê thanh niên người dân tộc làm tay chân đắc lực cho mình, bằng cách điều khiển chúng từ xa qua điện thoại di động. Đắc cho rằng, “mua” được ông Sếnh bằng tiền và gái thì cũng mua được cấp dưới của ông, như: Bính, hạt trưởng kiểm lâm huyện, Hạp - Đội trưởng kiểm lâm cơ động... cũng bằng loại vật chất ấy. Và thế là hắn có một “dây” Sếnh - Bính - Hạp làm tay trong, tạo ra hệ thống “lâm tặc cao cấp” giấu mặt, gọi theo kiểu dân dã là “bố lâm tặc” để khai thác trái phép rừng và buôn gỗ lậu dễ dàng. Còn một lực cản nữa mà Hòa, Trung và những cán bộ nhân viên tích cực ở Chi cục kiểm lâm bị ngáng đường là Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Hoàng Quân, bạn học của Trần Hòa ở Đại học Nông Lâm hai mươi năm trước. Quân “leo” từ  Hạt Trưởng kiểm lâm lên Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch huyện và khi Hòa đến Ủy ban tỉnh làm việc thì anh ta là Phó Chủ tịch thường trực tỉnh. Con đường “hoạn lộ” của Quân như thế là khá nhanh và “dễ dàng”. Với thói quen chỉ đạo ngành kiểm lâm theo lối cũ, không chấp nhận những cái bất thường, chỉ muốn yên vị, cộng với thói quan liêu nữa, Hoàng Quân không chỉ đắn đo khi duyệt Đề án đổi mới quản lý rừng của Trần Hòa, mà còn ngăn cản việc triển khai Đề án này vào thực tế. Có lúc Hòa đã nghĩ Đề án của mình khó mà tiến triển được. Nhưng với lòng tin vào dân, vào “cửa rừng lòng dân”, tin vào sự đúng đắn của Đề án, Hòa lại thầm nghĩ: “Ta sẽ cùng mọi người tiến lên phía trước và quyết không chịu ngã xuống”. Phối hợp cùng với đồng đội, khơi gợi được tinh thần hăng hái, ủng hộ của ông Cựu và nhân dân ở các bản làng xa xôi, Hòa đã “bí mật” tiến hành Đề án đó, như cách làm “chui” của ông Kim Ngọc trước đây trong nông nghiệp mà vẫn có ý thức thường trực canh phòng, truy quét lâm tặc khi phát hiện ra chúng khai thác rừng trái phép.

Từ lòng tin đến quyết tâm và nhờ quyết tâm cao mà kết quả bước đầu đã đến: việc thử nghiệm Đề án ở Nà Nặm, Nà Pheo tiến triển tốt, dân rất phấn khởi.  Biết ông Cựu sắp nghỉ hưu nhưng vẫn còn tâm huyết với nghề, với công việc mà ông đã làm ở Nà Nặm, Hòa “rủ” Cựu cùng đi lên vùng rừng núi này như người bạn chiến đấu chung lý tưởng để tìm hiểu, đánh giá tình hình giao đất rừng cho dân quản lý. Ở Nà Nặm có 5000 ha rừng, riêng ông Triệu Lường nhận quản lý, chăm sóc 47 ha (trong đó có 10 ha rừng nguyên sinh). Do được làm chủ đất rừng, người dân đã kết hợp trồng cây mây, cây thảo quả, nuôi gà trong diện tích được quản lý nên họ có tiền mua sắm nhiều thứ. Ông Triệu Lường ở Nà Nặm, nói: “Nếu lâm tặc đến chặt phá rừng của ông và người khác thì ông gọi kiểm lâm, công an huyện đến. Con trai ông cũng thường đi ngựa mang nỏ để bảo vệ rừng. Nhà nước hớ hênh mới chịu mất rừng chứ chúng tao giữ rừng thì bọn lâm tặc có ngồi mà khóc đấy vớ!”.

Ở Nà Pheo, ông Cựu gặp Ma Đình Huyên, Chủ tịch xã, vốn là tiểu đội phó A3 của  đơn vị bộ đội mà khi ấy ông là tiểu đội trưởng A2. Nghe xong Đề án đổi mới quản lý rừng do Cựu trình bày, Huyên đứng thẳng người lên reo: “Trời ơi! Một chủ trương đúng đến mức không có gì đúng hơn được nữa! Tôi ủng hộ. Tôi ủng hộ đến cùng!”. Biết có những khó khăn trở ngại sẽ đến từ cấp phê duyệt Đề án, Chủ tịch xã Huyên nói một cách dứt khoát với Cựu: “Được! Chúng ta sẽ ra tay vụ này. Mất chức cũng chơi!”.

Sau khi bị kỷ luật thải hồi, được Chi cục trưởng Hòa động viên, khuyến khích, Hạp đã về quê Nà Pheo để làm lại cuộc đời. Được giao đất trồng rừng, vốn là công nhân lâm nghiệp nên Hạp làm rất kết quả, lại còn hướng dẫn người khác làm theo. Dân Nà Pheo trồng và bảo vệ rừng rất tốt. Có hai người tên là Chếnh và Sính đến chặt gỗ do dân quản lý đã bị ba thanh niên cưỡi ngựa, cầm nỏ, dao quắm rượt đuổi bắt được. Cả hai tên lâm tặc và số gỗ khai thác lậu đã được bàn giao cho Ủy ban xã. Thực tế nói trên đã làm sáng tỏ nhiều điều về chủ trương giao đất rừng cho dân địa phương quản lý: “Xây dựng lòng dân cửa rừng”, “lấy dân làm gốc” trong công cuộc phát triển kinh tế rừng, diệt trừ bọn lâm tặc là chủ trương và hướng đi đúng đắn”.

Là người có trách nhiệm duyệt Đề án đổi mới quản lý rừng do Chi cục trưởng Hòa dự thảo, Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Hoàng Quân không tán thành. Vốn là những cựu chiến binh có bản lĩnh, ông Cựu và Huyên tuy chán nản, thất vọng trước sự ngăn trở của Quân, nhưng họ đã bình tĩnh và bàn cách trao đổi với Chi cục trưởng Trần Hòa để tiếp tục thực hiện Đề án, như đã hứa với nhau: “Phải chiến đấu đến cùng!”

Đó là niềm tin có cơ sở thực tiễn vững chắc từ tiếng nói của người dân Nà Nặm như ông Triệu Lường, như mấy chục người dân ở Nà Sáng, đặc biệt là quyết tâm của Chủ tịch xã Nà Pheo: dù mất chức cũng sẽ lãnh đạo người dân chiến đấu đến cùng! Là cán bộ lâu năm của ngành kiểm lâm, Phó Chi cục Cựu còn tin vào những cán bộ trung kiên chắc chắn, bản lĩnh, kiên quyết như Trần Hòa, năng nổ, dũng cảm như Trung, Hoàng, Đức..., tin ở sự phối hợp công tác có hiệu quả của ngành công an và kiểm lâm. Tất cả niềm tin đó sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp để làm nên thắng lợi!

Với cung cách quan liêu, tư tưởng bảo thủ, khảo sát thực tế thiếu khách quan, lấy nhầm ý kiến của lâm tặc làm ý kiến của dân, nên Phó Chủ tịch tỉnh Hoàng Quân đã ra quyết định tạm đình chỉ việc giao đất rừng cho dân quản lý. Biết tin này, dân xã Nà Pheo rất bức xúc, vì họ lo phải trả tiền vay ngân hàng khi chưa thu hoạch được gì từ những cây mới trồng, như: mây, thảo quả, quế... Chủ tịch xã Ma Đình Huyên và hạt trưởng Nguyễn Huy Cựu phải trấn an tinh thần dân chúng và tỏ thái độ không đồng tình về quyết định ấy của Hoàng Quân. Nhưng lòng dân vẫn không yên, vì đa số hộ được giao đất, rừng có ý định kéo nhau lên Huyện, Tỉnh, Trung ương để phản đối, như một cuộc biểu tình.

 “Tương kế tựu kế”, qua “vai” nhà báo Thọ, công an đã vào tận hang ổ của trùm lâm tặc Đắc để lừa được hắn bắt mối với một khách hàng quen biết. Toàn bộ kho gỗ lớn giấu trong rừng cùng với chuyến xe gỗ lậu của Đắc đã bị lực lượng kiểm lâm và công an tỉnh bắt quả tang, Đắc bị xử tù. Đây là “trận” hợp đồng tác chiến giữa công an và kiểm lâm có kết quả “ngoạn mục” nhất.

Chiến công trên đây là lời “phản bác” hùng hồn, đanh thép nhất đối với những điều mà ông Quân, Phó Chủ tịch tỉnh nói ở trụ sở Ủy ban xã Nà Pheo. Chiến công ấy cũng là cái “tát” vào miệng tên trùm lâm tặc Đắc khi hắn huyênh hoang nói: Cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền. Tiền và gái hắn tung ra đã làm cho một số cán bộ kiểm lâm mắc bẫy không giẫy ra được, như Sếnh, Bính, Hạp. Và khi trả lời bọn đàn em là làm thế nào đại ca nhốt được cả con hổ xám Hoàng Tiến Sếnh vào cũi, Đắc thản nhiên nói: Vì cũi của anh làm bằng vàng nên nhiều đứa thích chui vào. Bây giờ thì ngược lại, trùm lâm tặc Đắc phải từ cũi vàng chui ra để cho hai tay vào còng số tám!

Tiểu thuyết có phần Vĩ thanh, như là một đoạn kết:

Trung được đề bạt lên Phó chi cục kiểm lâm thay ông Sếnh bị kỷ luật thải hồi. Bộ, Bính, Hải, Tình - những cán bộ kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc đều bị cảnh cáo trở lên. Trần Hòa (nay là Phó Chủ tịch tỉnh) rủ ông Cựu (đã nghỉ hưu từ lâu) đi lên khu rừng Sơn Thượng để thăm một Công ty TNHH chế biến sản phẩm rừng, như tăm, đũa và chưng cất dầu quế. Giám đốc công ty là Đắc, trùm lâm tặc trước đây, bị án tù 9 năm, được giảm sớm 2 năm, hoàn lương và xin mở Công ty chế biến này. Hòa - Đắc, hai đối thủ trước đây, nay là khách - chủ gặp nhau nói chuyện làm ăn kinh tế vui vẻ. Gặp Hòa, Đắc tỏ ra hối hận khi nghĩ về hành vi của mình trước đây. Ánh mắt của anh ta hơi dữ dằn bỗng đỏ hoe và nhòe ướt. Còn Hạp nay là chủ một khu rừng rộng 1000 hec-ta và chính là người cung cấp nguyên liệu cho Đắc.

Nội dung tiểu thuyết có nhiều tình tiết đan xen, với những ý tứ được cài đặt qua mười bẩy chương, nhưng người đọc vẫn theo dõi được và không bị “rối”. Có nhiều tình tiết được miêu tả trong các trạng huống gay cấn, tạo nên sự hấp dẫn nhất định cho câu chuyện. Tính cách nhân vật được thể hiện qua ngôn ngữ, cử chỉ, hành động tương đối rõ nét, như: Sếnh, với giọng kẻ cả, ăn to nói lớn, ra oai với cấp dưới, cương nhu với những đối tượng khác nhau để có lợi cho mình. Đắc thì luôn thể hiện vị thế đứng trên lũ đàn em, dương dương tự đắc về khả năng điều hành con người và công việc, nhiều lúc quá tự tin, bốc đồng, ra oai... Quân thì vừa thể hiện quyền lực của kẻ hãnh tiến, vừa khéo lấy “phiếu tín nhiệm” cho mình từ những kẻ vừa sợ lại vừa hay nịnh cấp trên. Hòa, Cựu, Huyên đều có nét chung là tự tin, kiên quyết, bản lĩnh trong suy nghĩ và hành động, trong đó, tính điềm đạm, chân thành, gây được cảm tình của đồng nghiệp thì lại thể hiện rõ ở nhân vật Hòa. Những địa danh và tên người trong tiểu thuyết đã nói lên đặc trưng miền núi - dân tộc một cách tự nhiên. Chẳng hạn, về địa danh có: Sơn Thượng, Sơn Đông, Khuôn Lình, Nà Nặm, Nà Pheo, Nà Sáng, Nà Ngần, Sa Nu, Phìa Khao, Pắc Ngòi...; về tên người có: Khút, Lư, Khì, Páo, Nông Văn Thử, Triệu Lường... và những từ xưng hô cũng như giọng điệu trong giao tiếp của người miền núi.

Tuy nhiên, người đọc có thể nhận thấy “bàn tay sắp đặt” của tác giả trong các tình tiết, lớp lang ở tiểu thuyết, điều đó đã phần nào làm hạn chế nét tự nhiên, tinh tế của câu chuyện. Việc miêu tả ngoại hình, thói quen sinh hoạt... trong mối tương quan đến nội tâm để khắc họa tính cách nhân vật, nhất là nhân vật chính, chưa rõ nét, nếu không muốn nói là còn thiếu sự dụng công, ít được nhà văn sử dụng như một thủ pháp hữu hiệu. Phần Vĩ thanh  tuy giúp cho người đọc hiểu rõ kết cục tất yếu phải đến, phản ánh được thực tế cuộc sống xã hội nước ta khi phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng, nhưng từ nội dung đến cách thể hiện ở đây vẫn lộ ra “sự sắp đặt" của nhà văn.

Tóm lại, Mắt rừng có những thành công về nội dung và nghệ thuật, thể hiện vốn sống phong phú và kinh nghiệm sáng tác dầy dặn của nhà văn. Tầm nhìn trong Mắt rừng về cuộc chiến chống lâm tặc là một tầm nhìn mang tính chất chiến lược. Vì vậy, thông điệp của nó đến bạn đọc, nhất là với những cán bộ trong ngành kiểm lâm, là rất bổ ích. Kết chuyện có hậu, vừa phản ánh xu thế của thời đại, vừa mang tính nhân văn sâu sắc.

 

Nguyễn Huy Quát

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy