Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
08:02 (GMT +7)

Văn xuôi Thái Nguyên: Ngày ấy – Bây giờ

Cho đến ngày hôm nay, tôi không thể nhớ hết đã bao nhiêu lần Tòa soạn Báo Văn nghệ Thái Nguyên (nay là Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên) đặt tôi viết bài mang tính tổng kết cuối năm về các tác phẩm văn xuôi cho tờ báo. Bài viết năm nào cũng giống như một cuộc điểm danh về đội ngũ, về các tác phẩm xuất hiện trong năm trên tờ báo cùng sự đánh giá điểm mạnh, điểm yếu và những tương lai, triển vọng… Đó cũng là một trong những mục đích của bài viết.

Bước vào năm 2021, Văn Nghệ Thái Nguyên có một bước ngoặt vô cùng quan trọng. Những đổi thay ấy trước hết là sự đổi tên từ Báo Văn nghệ Thái Nguyên thành Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên. Chỉ là cái tên, tưởng như là cái bên ngoài, nhưng thực chất hoàn toàn không phải vậy. Cái tên Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên đã như một định hướng về tôn chỉ mục đích, như mở ra một con đường mới, một tinh thần mới, một xu thế mới… cho cả đội ngũ biên tập viên và cộng tác viên. Tất nhiên cũng không thể bỏ qua hình thức thiết kế trình bày tờ tạp chí… Vậy là Báo Văn nghệ Thái Nguyên đã có sự “trở mình” cho một hành trình mới. Nên chăng, trong bài viết cũng cần có đôi lời điểm lại những chặng đường đã qua như một sự ôn cố tri tân.

Đến nay, Tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên đã xuất bản hơn 20 số tạp chí in mầu bằng công nghệ ốp - sét (offset) sáng sủa, rõ nét. Cầm những cuốn tạp chí nền nã, sang trọng, hợp mắt trên tay, trong tôi bỗng tràn ngập một cảm xúc khó tả. Nhớ lại một chuyện cũ. Ấy là cái lúc mới nhận được thông tin Ban Biên tập quyết định khuôn khổ tờ báo sẽ là 29 x 36 nhiều anh em cộng tác viên đã không khỏi ngạc nhiên và có phần hơi băn khoăn. Cái khuôn khổ ấy, hầu như không xuất hiện trên các tờ tạp chí trong toàn quốc. Nhưng đến hôm nay ngắm nhìn mấy chục số tạp chí rạng rỡ, đã qua một năm thử thách, cùng “chung sống” thân thiện, vui vẻ với bạn đọc mới ngộ ra và tự hào rằng, tờ Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên mang khuôn khổ hơi “khác đời” nhưng cả về nội dung và hình thức đã hoàn toàn chinh phục được độc giả, dù một người khó tính nhất.

Chi hội Văn xuôi đi thực tế Tây Bắc. Ảnh: Phan Thái

Điều vui hơn là thấy sự tập hợp của đội ngũ hàng trăm tác giả văn xuôi trên hơn 20 số tạp chí với những cái tên quen thân như Bùi Như Lan, Phan Thái, Minh Hằng, Nguyễn Đức Hạnh, Nguyễn Kiến Thọ, Phạm Quý, Đào Nguyên Hải, Doãn Long, Kim Ngân, Hoàng Thị Hiền, Trần Thị Nhung… (trong tỉnh) và những nhà văn trên toàn quốc như: Nguyễn Quang Thiều, Cao Duy Sơn, Đỗ Tiến Thụy, Phạm Duy Nghĩa, Tống Ngọc Hân, Nguyệt Chu, Vũ Thị Huyền Trang… (các tác giả ngoài tỉnh) như một cuộc hội tụ đầm ấm, vui tươi. Nhưng không hiểu sao, chính trong giây phút ấy tôi bỗng lại nhớ về những người bạn văn xưa cũ, những cái tên trên những số báo đầu tiên khi tờ báo Văn nghệ Bắc Thái mới được hình thành.

Hoàn toàn không phải để so sánh về sự sang/thường, đẹp/xấu, cũ/mới, hay/dở mà chỉ như gợi lại những kí ức trong đời làm báo. Cầm tờ báo Văn nghệ Bắc Thái số 1 sờn mép, đã nhiều chỗ ố vàng, tâm trí tôi lẫn lộn bao nỗi buồn vui. Nhìn lướt những tên tác giả có mặt trong tờ báo cũ, tôi có cảm giác như được gặp lại những người bạn cố tri - những người anh, những người bạn cùng “cánh” văn xuôi một thời. Tác giả trong số báo ấy có những người đã mất, có những người vì sức khỏe không thể viết nữa, có những người đã chuyển công tác sang các tỉnh khác mà mấy chục năm tôi chưa một lần gặp lại. Tôi chợt hình dung, tờ báo giống như một ngôi nhà cũ, một gia đình cũ với bao hình ảnh đã khuất xa.

Vâng! Tờ báo đó chỉ như một ngôi nhà tranh tre nứa lá cùng những tiện nghi sơ sài, bày đặt ngổn ngang, thiếu con mắt thẩm mĩ… nhưng sao vẫn thấy ấm áp vô cùng. Từ những tờ báo đầu tiên ấy, tôi đã được “gặp” lại vài cái tên vô cùng thân thiết. Truyện ngắn “Cây khóc tình người” của nhà văn Vi Hồng (1936 - 1997), người được Giải thưởng Nhà nước năm 2012, là một truyện ngắn tôi đã từng đọc và biên tập, hôm nay nhìn lại nó, bỗng thấy Vi Hồng hiện lên cùng cái túi khoác thổ cẩm trên vai, dáng điệu mệt mỏi vì bệnh tật, bước từng bước khó khăn trên sân cơ quan Hội (lúc ấy còn nham nhở sỏi đá). Tôi cũng gặp lại một truyện ngắn của một nhà văn mà tên tuổi của anh lúc này không chỉ lưu danh ở trong nước. Đó là truyện ngắn “Lam chướng” của Nguyễn Bình Phương. Ngày ấy, chắc chưa ai có thể hình dung một cây bút “cây nhà lá vườn” mà nay đã trở thành tiếng tăm đến vậy. Và nếu như xác định được rằng “Lam chướng” chính là truyện ngắn đầu tiên Nguyễn Bình Phương đưa in trên Văn nghệ Bắc Thái, thì chẳng phải là một vinh dự cho tờ văn nghệ địa phương tỉnh nhà đó sao.

Trên số báo ấy có một bài viết chắc chắn không thể bỏ qua, đó là bài “Tâm hồn trong sáng bản sắc quê hương”. Một bài viết mang ý nghĩa chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Ngô Hai, năm ấy là đương kim Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Thái. Tôi gợi lại bài viết này của Bí thư Tỉnh ủy hoàn toàn không xuất phát từ một ý nghĩa chính trị mà từ sự đồng cảm sâu sắc. Xin trích một đoạn trong bài đã làm tôi phải nghĩ suy nhiều: “Tôi muốn nói một điều là: lực lượng văn nghệ sĩ trên địa bàn ta cũng không ít, có nhiều anh chị em cũng tài ba nhưng ta chưa tập hợp và phát huy tốt, ra tờ báo Văn nghệ có thể sẽ góp phần để phát huy tài năng của anh chị em chăng?”. Cách đây ba mươi năm, có lẽ chưa có một văn nghệ sĩ nào dám công khai trên diễn đàn, rằng sáng tác văn nghệ cũng là một tài năng. Không phải do khiêm tốn mà do cái “thời thế” nó vậy. Người ta chỉ nói chọn người có đức có tài trong các cuộc bầu cử thôi chứ bất cứ một ngành nghề nào cũng không có “suất” lạm dụng cái từ hoa mĩ ấy. Vậy mà vào năm 1991, Bí thư Nguyễn Ngô Hai đã nói vậy. Một sự trân trọng khá hiếm hoi. Và trên những số báo ấy còn lưu lại nhiều cái tên tác giả văn xuôi khác như Lê Thế Thành, Hà Đức Toàn, Đặng Vương Hạnh, Minh Hằng, Nguyễn Văn, Trần Quang Toàn, Vũ Phong, Ngọc Thị Kẹo, Thanh Hằng, Dương Quốc Hải,…

Điều làm chúng ta tự hào là nhiều tác giả có mặt trên những số báo văn nghệ đầu tiên đến hôm nay đã có không ít người thành danh hoặc những người vẫn tiếp tục bước đi trên con đường sáng tạo văn chương đầy vinh quang và vất vả. Và vui hơn nữa là nhiều anh chị vẫn có mặt trên các số Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên của năm 2021 này. Mới biết, đội ngũ văn xuôi Thái Nguyên mỗi người một con đường, một bản lĩnh, một nhiệt huyết nhưng đã như một dòng sông không ngừng chảy, đã góp phần làm nên sự sáng giá cho tờ Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên.

Nhưng đội ngũ văn xuôi năm nay, cũng lưu lại một chút buồn. Đó là sự vắng bóng của những tác giả vốn hết sức quen thân như các anh Lê Thế Thành, Nguyễn Minh Sơn, Ngọ Quang Tôn, Hữu Thịnh, Nguyễn Thưởng, Vũ Toàn… Do tuổi tác hoặc bệnh tật các anh không còn đủ sức để “ra sân”, nhưng chắc chắn, các tác phẩm của các anh đã và sẽ còn dư âm mãi mãi trong lòng bè bạn và độc giả.

Rất mừng là bước vào năm 2021, đội ngũ văn xuôi Thái Nguyên vẫn ra quân với những tác phẩm đa dạng về đề tài, đổi mới về thi pháp, bút pháp. Những tác giả thân quen của tờ Tạp chí như Bùi Như Lan vẫn tỏ ra hết sức vững vàng với những truyện ngắn viết về miền núi như “Tiếng gọi đêm cuối năm” (số 1), “Mùa nấm đỏ” (số 20) và Hoàng Thị Hiền với truyện ngắn “Về nhà” (số 4)… Một số đề tài, chủ đề khác trên tạp chí cũng đang được dần khai mở. Đơn cử như chủ đề về sự vượt khó, vươn dậy của tuổi trẻ trong nền kinh tế thị trường là một chủ đề mới, không dễ viết nhưng đã được Phan Thái khai thác khá triệt để trong truyện ngắn “Gặp lại mùa xuân” (số 2+3). Đặc biệt, xưa nay những truyện ngắn viết về nông thôn vốn luôn là những của hiếm đối với bất kể một tờ báo văn nghệ địa phương và trung ương nào, nhưng năm nay lại có sự “bùng nổ” trên Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên. Hơn 20 số tạp chí mà có đến 3 truyện ngắn rất đậm nét về đề tài này như: “Lảy cỏ à” (số 11) của Minh Hằng, “Chị dâu” (số 13) của Phạm Quý, “Ngày xưa cỏ chóc” (số 17) của Đào Nguyên Hải. Những cây bút trẻ cùng sự xuất hiện những tác phẩm đầy tươi mới cũng là điều đáng nói. Những truyện ngắn “Đúc tên” (số 7) của Trịnh Hiên, “Tổ ấm” (số 5) của Trần Thị Nhung, “Về nhà” (số 4) của Hoàng Thị Hiền đã như những điểm sáng của Tạp chí năm 2021.

Bên cạnh những tác giả trong tỉnh thì sự góp mặt của nhiều cây bút tỉnh ngoài đã làm nên một vẻ riêng cho tờ tạp chí. Sự hiện diện của các nhà văn nổi tiếng cả nước như Đỗ Tiến Thụy, Phạm Duy Nghĩa, Phùng Văn Khai, Tống Ngọc Hân… không chỉ như một sự giao lưu, học hỏi giữa các bạn viết mà còn là sự hội tụ của nhiều phong cách văn chương.

Ngoài ra, chuyên mục “Truyện ngắn đặc sắc” cũng là một điểm nhấn của Tạp chí. Chuyên mục đã như một sự khơi gợi, nhắc nhớ lại những tác phẩm hay, đoạt giải một thời của các nhà văn Xuân Cang, Vi Hồng, Tô Ngọc Hiến, Nguyễn Quang Thiều, Cao Duy Sơn, đồng thời với những tác phẩm mang màu sắc hiện đại của các tác giả Phạm Duy Nghĩa, Phan Đình Minh, Như Bình…

Mảng ký trên tạp chí năm 2021 có sự khởi sắc với những bài viết dự thi gây ấn tượng không chỉ ở những giá trị thông tin thuần túy mà đã tiến đến những giá trị thẩm mỹ của thể ký văn học… Hơn nữa, ở một vài bài ký đã có sự đổi mới khá rõ nét trong bút pháp. Ví như “Mặt đất này, bầu trời này” (số 21) của Minh Hằng đã chiếm được tình cảm của độc giả nhờ lối hành văn linh hoạt, khác lạ và yếu tố huyền ảo thấp thoáng nhưng đầy hấp dẫn trong bài viết. Cũng có thể điểm đến những tác phẩm như “Nón Tày thấp thoáng nơi đâu” (số 17) của Doãn Long, “Ở nơi ước mơ chỉ là một con đường cạn” (số 19) của Kim Ngân, “Bản Tèn một lần trở lại” (số 22) của Nguyễn Kiến Thọ… Một điểm khá đặc biệt ở mảng ký trên tạp chí năm nay là sự xuất hiện khá bất ngờ của các tác giả mới. Nguyễn Kiến Thọ và Doãn Long là hai hội viên ngành thơ nhưng cả hai đều ra quân với hai bài ký rất chững chạc. “Nón Tày thấp thoáng nơi đâu” của Doãn Long đậm màu sắc Tày, như một tiếng nói góp phần vào công cuộc bảo tồn vốn truyền thống quý báu của dân tộc. Tác phẩm “Bản Tèn một lần trở lại” của Nguyễn Kiến Thọ là một bút ký nghiêng hẳn về thể loại ký văn học, một sự hiếm hoi trong làng viết ký ở Thái Nguyên xưa nay. Bằng ngôn ngữ giàu hình tượng, lấy giá trị thẩm mỹ làm căn cốt, Nguyễn Kiến Thọ đã tái hiện một bản Tèn bằng nghệ thuật chứ không phải những giá trị thông tin như thói quen của nhiều tác giả viết ký. “Ở nơi ước mơ chỉ là một con đường cạn” của Kim Ngân cũng là một tác phẩm đáng quan tâm nhờ sự phát hiện mới lạ, khác thường trong đời sống thực tế: “Ở nơi đường xấu thì mong được tốt hơn, đường nhỏ thì mong đường được mở rộng hơn. Còn với người dân ở Tân Kim, bao đời nay, bà con vẫn chỉ mơ một giấc mơ “được đi trên đường cạn”. Chúng ta đều biết, phát hiện, chính là năng lực đồng thời cũng là một thế mạnh của người viết ký.

Một nét khá đặc biệt của Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên năm nay là việc phối hợp cùng Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử đã giới thiệu nhiều bài viết xuất sắc trong loạt bài đoạt giải ở Cuộc thi “Tôi & Thái Nguyên”. Sự xuất hiện của các tác giả văn xuôi “mới toanh” như Lã Thị Thông, Võ Thị Thu Hằng, Tiết Thị Minh Hà, Cồ Thị Thơm, Hồ Quỳnh Châu, Dương Châu Giang, Đỗ Thành Đồng… giống như sự hé nở của những nụ hoa xuân đầu vụ.

Tuy nhiên, trong niềm vui chung của văn xuôi năm 2021 trên tạp chí, cũng nên trao đổi cùng bạn viết, bạn đọc về một vài hạn chế. Đó là chuyện bước sang năm 2021 hình như đã có sự “mệt mỏi” của đội ngũ sáng tác văn xuôi. Ta dễ dàng nhìn thấy sự mất hẳn của hàng chục cây bút cao tuổi, sự đuối dần của một vài cây bút vốn sung sức. Điều đáng ngại hơn, nếu không lầm thì đang có cả những dấu hiệu của sự cạn dần nhiệt huyết ở một vài cây bút trẻ. Đương nhiên, tài năng và năng lực sáng tạo là ở mỗi người, nhưng sự vơi cạn ấy không phải không gây ra một sự lo lắng cho phong trào. Tờ tạp chí của chúng ta lâu nay dù khá mạnh về việc khai thác bản thảo từ các tác giả trên toàn quốc, nhưng chắc chắn vẫn không thể thiếu những cây bút địa phương để làm nên một nền móng văn chương mạnh mẽ cho Hội và cho Tạp chí. Vẫn biết hằng năm, Hội và Tạp chí luôn có những tổ chức trại viết hoặc các lớp bồi dưỡng ngắn hạn. Nhưng cũng đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận về những hạn chế của các kiểu trại viết này, kể cả các trại của trung ương. Những điều ấy, liệu có đáng để chúng ta lưu tâm?

Thái Nguyên còn nhiều, rất nhiều những khoảng trống, những “vùng đất hoang” của đề tài văn học đang rất cần đến trái tim và khối óc của người sáng tác. Sẽ có lỗi với đồng bào các dân tộc trong tỉnh biết bao, nếu chúng ta bỏ quên sứ mệnh ấy. Không ai khác, đó chính là nhiệm vụ và trách nhiệm của mỗi người cầm bút, đặc biệt là của Hội Văn học nghệ thuật và tờ Văn nghệ Thái Nguyên.

Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên trong đời sống dân sinh, dù hết sức bé nhỏ nhưng đã như những giọt mưa ấm áp thấm dần vào tâm hồn người Thái Nguyên, xin mở ngoặc - có người đã từng tâm sự rất đơn giản và mộc mạc, rằng: “Nếu bây giờ thiếu tờ Văn nghệ Thái Nguyên chắc là sẽ buồn lắm”.

Nhưng để cho tờ tạp chí ngày một phát triển và đi đúng hướng, thực sự trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân Thái Nguyên, thiết nghĩ, đó không chỉ là công việc của các cán bộ, nhân viên trong Tòa soạn, mà còn là sự quyết tâm của tất cả hội viên trong Hội cùng các cộng tác viên gần xa.

Nhân đầu xuân, xin điểm qua về những điểm mạnh và điểm còn hạn chế của phong trào sáng tác văn xuôi nói chung và văn xuôi trên Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên nói riêng. Chúc các bạn viết có nhiều năng lượng và niềm vui sáng tạo.

Hồ Thủy Giang

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy