Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
02:40 (GMT +7)

Văn học hải ngoại – một Việt Nam khác nhìn từ thế giới

VNTN - Trong suốt hơn 40 năm qua, “văn học hải ngoại” là một thuật ngữ được sử dụng thận trọng trong đời sống văn nghệ trong nước. Điều này xuất phát từ những nguyên nhân lịch sử, hơn là nảy sinh từ trong bản chất của đời sống văn học. Cho đến thời điểm này, có thể nói với thành tựu của hơn 30 năm tiến hành đổi mới đất nước (từ 1986 đến nay), những khoảng cách, sự ngăn biệt đã được nối liền trong một thế giới phẳng đang toàn cầu hóa mạnh mẽ. Thế giới ngày nay mang bản chất đa trung tâm, thay cho một (vài) trung tâm duy nhất có tính đại tự sự ở giai đoạn trước. Những mâu thuẫn, đối đầu đã được thay bằng đối thoại và hòa giải. Tôi mạn phép xin tạm dùng thuật ngữ không chính xác “văn học hải ngoại” trong tiểu luận này, không phải bởi tính khoa học của nó, mà do sự phổ biến trong nghiên cứu văn học Việt Nam cả ở trong và ngoài nước.

“Văn học hải ngoại” là thuật ngữ được sử dụng trước tiên ở nước ngoài, bởi những nhà nghiên cứu văn học Việt Nam “lưu vong” như Đặng Tiến ngay sau điểm mốc lịch sử 1975, từ những năm 1985 trở đi thì trở nên phổ biến ở nước ngoài(1). Đến năm 1994, Nguyễn Huệ Chi là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ này ở giới nghiên cứu văn học trong nước, trong tiểu luận “Vài cảm nhận Văn học Việt Nam hải ngoại” đăng trên tạp chí Văn học (số 2/1994). Về cơ bản, văn học hải ngoại đặt ra một khuôn khổ khá hạn hẹp, khi chủ yếu khảo sát những nhà văn ra đi từ sau 1975, xuất phát từ các tầng lớp nhà văn của chế độ miền Nam Việt Nam. Phạm vi định cư của bộ phận văn học này cũng chủ yếu là ở phương Tây, mà cụ thể là khu vực Tây Âu và Hoa Kỳ. Theo Đặng Tiến, tiến trình phát triển của văn học hải ngoại có thể chia làm giai đoạn. Giai đoạn 1: từ 1975 đến đầu thập niên 80 thế kỉ XX, với thành phần di cư là các văn sĩ của chế độ Sài Gòn đi theo bước chân của chính quyền cũ lưu vong ra nước ngoài, đích đến chủ yếu là Hoa Kỳ. Giai đoạn 2: từ thập niên 1980 trở đi, với thế hệ các nhà văn là những thuyền nhân (Boat People) vượt biên, hoặc đi theo dạng bảo lãnh H.O. Văn học hải ngoại trong giai đoạn 2 đạt đến đỉnh cao từ những năm 1985 - 1987, rồi sau đó chìm lắng dần. Giai đoạn 3: từ 1987 cho đến nay, với những thế hệ nhà văn mới di cư ra nước ngoài, không liên quan nhiều đến cuộc chiến giữa hai miền Nam - Bắc, mà có thể là đi làm ăn, du học. Nguyễn Vy Khanh cũng có cùng quan điểm này khi định danh ba giai đoạn là: sơ khởi lưu vong; tị nạn chính trị và hoài niệm(2).

Nhìn chung, thuật ngữ “văn học hải ngoại” vừa không đủ sức bao gộp cả một cộng đồng văn học Việt Nam rộng lớn ở nước ngoài, lại vừa gắn với những đối tượng, thời điểm, quan điểm chính trị cụ thể. Thuật ngữ ấy chủ yếu nhằm chỉ những thế hệ nhà văn có gốc gác hoặc dính dáng đến chế độ miền Nam trước 1975, ra đi trên những tàu viễn dương, vượt biên hay dạng H.O. Đích đến và không gian sống/viết mới của họ cũng chỉ gói gọn ở (Tây) Âu và (Bắc) Mỹ. Trên thực tế, cộng đồng văn học Việt Nam ở nước ngoài rộng lớn, phong phú, phức tạp hơn rất nhiều. Ta có thể dễ dàng nhận ra cộng đồng người Việt cũng hết sức đông đảo ở Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước Đông Âu, Đài Loan, Trung Đông, Mỹ Latin, Đông Nam Á, hay thậm chí tận châu Phi xa xôi. Cuộc khủng hoảng nhân đạo xuất phát từ phong trào cách mạng mùa xuân Arab gần đây, lại cho chúng ta nhận ra số lượng người Việt di cư, định cư hay xuất khẩu lao động ở châu Phi, Trung Đông cũng là rất lớn. Tôi từng có dịp sang Đài Loan và Hàn Quốc, cứ đi bất cứ con phố, ngõ hẻm nào ở các đô thị lớn cũng sẽ gặp đồng bào mình hoặc hậu duệ của họ. Những nước gần hơn, có tính chất láng giềng như Trung Quốc (đặc biệt những tỉnh phía Nam) hay Lào thì cộng đồng Việt Kiều lại càng rộng lớn hơn. Do đó, đã đến lúc thuật ngữ “văn học (Việt Nam) hải ngoại” đã cần trở thành một phạm trù lịch sử, cần được thay thế bởi thuật ngữ mới/khác là “văn học (Việt Nam) ở nước ngoài”. Bởi vì, những cộng đồng Việt Kiều mới sinh sống ở khắp nơi trên thế giới, họ ra đi không còn vì hậu quả chiến tranh nữa, mà chủ yếu vì mưu sinh, lập nghiệp, kết hôn, hoặc thông qua con đường du học. Con đường ra đi ngày nay cũng không còn lênh đênh trên biển như các thuyền nhân hồi thập niên 80, ngày nay chủ yếu người ta đi máy bay, cho dù khoảng cách có rất gần đi nữa. Lí do sử dụng từ “hải ngoại” (bên-ngoài biển) cũng đã mất đi cơ sở thực tại của nó. Những chấn thương tinh thần, những mặc cảm và trạng huống của người Việt đương đại ở nước ngoài cũng không còn là những chấn thương mặc cảm hậu chiến, mà là mặc thức mất gốc, mặc cảm lạc loài, cô đơn không quê hương.

Thuật ngữ “văn học hải ngoại” hiện nay không cần/nên sử dụng nữa là bởi lịch sử đã sang trang, đất nước đã hòa hợp, những điều Tổng bí thư Đỗ Mười hay cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng hứa hẹn về “đoàn kết, hòa hợp trong và ngoài nước, xóa bỏ mặc cảm, hận thù” thì nay đã được thực hiện gần như toàn vẹn. Tổng thống Mỹ Obama từng được phát biểu trực tiếp trên truyền hình, vào khung giờ vàng của Đài truyền hình quốc gia Việt Nam, được người dân Việt Nam và chính phủ đón chào nồng nhiệt. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của Việt Nam cũng từng đến thăm chính thức Mỹ năm 2015, với phát biểu nổi tiếng: “40 năm sau chiến tranh, 20 năm bình thường hóa quan hệ, từ chỗ là “cựu thù”, Việt Nam và Mỹ đã trở thành “bạn” và từ năm 2013 đến nay là “đối tác toàn diện”. Những điều Đặng Tiến mong muốn hơn 20 năm trước, về việc nhạc sĩ Phạm Duy về thăm quê hương, thắp hương cho cha rồi định cư đều thành hiện thực. Có nhiều điều diễn ra mà có lẽ ngay Đặng Tiến cũng không hình dung được ở thời điểm trả lời phỏng vấn Thụy Khuê năm 1994, như việc tái bản hàng loạt trước tác của các nhà văn/triết gia/lí thuyết gia miền Nam như Phạm Công Thiện, Nguyễn Văn Trung, Dương Nghiễm Mậu, Kim Định... hay thậm chí là của chính Thụy Khuê và Đặng Tiến.

Nhìn nhận một cách công tâm, sự nghi kị hay rào cản đặt ra đối với “văn học hải ngoại” thời kì đầu cũng không hẳn xuất phát từ tâm lý bài ngoại, nặng nề phân biệt chính trị ở trong nước. Trong giai đoạn từ sau 1975 đến 1980, văn học hải ngoại chủ yếu được viết với tâm thức lưu vong, hằn học dân tộc, bởi chủ thể viết là những quan chức, nhà văn miền Nam đang ân hưởng bổng lộc từ chế độ cũ. Sự chống phá, bôi nhọ cách mạng, xuyên tạc đường lối xây dựng đất nước là hiện trạng đã xảy ra, chúng ta không thể phủ nhận dẫu từ quan điểm nào chăng nữa. Tuy vậy, từ sau 1986 đến nay, tâm thế của lực lượng sáng tác mới ở hải ngoại đã khác trước rất nhiều, điều này cũng đòi hỏi những chính sách, quan niệm văn học khác về khu vực này từ phía các cấp quản lí và các nhà nghiên cứu văn học. Nhờ đường lối hội nhập cởi mở, hòa hợp dân tộc, Đảng và Nhà nước đã dần thu phục nhân tâm, hòa/hóa giải đối địch cũ, lấy đại đoàn kết dân tộc làm trọng, đã làm cho hai khu vực văn học trong và ngoài nước xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Thậm chí, mối quan hệ biện chứng hữu cơ giữa hai khu vực văn học trong-ngoài nước đã dần xóa nhòa những đường biên giới hữu hình. Dưới sự ảnh hưởng của quá trình toàn cầu hóa, sự ra đời của internet, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đa phương tiện, các không gian địa lý, chính trị, quốc gia đã dần được nhất thể hóa. Từ đó, theo tôi đang thực sự hình thành một nền văn học liên-thực thể Việt.

Ngày nay, tác phẩm hay công trình nghiên cứu của Linda Le, Thuận, Đoàn Minh Phượng, Thụy Khuê, Đặng Tiến, Hoàng-Ngọc Tuấn, Đỗ Kh., Khế Iêm, Nguyễn Đức Tùng... dễ dàng xuất bản trong nước như bất kì một tác giả Việt Nam bình thường nào khác. Thậm chí, nhiều khi những tác phẩm của họ còn phổ biến và tạo ra nhiều ảnh hưởng trên văn đàn hơn những nhà văn trong nước. Sự kiện tác phẩm Người tị nạn (The Refugees) của Viet Thanh Nguyen (nhà văn gốc Việt đoạt giải Pulitzer 2016) được xuất bản gần đây và được đón nhận nồng nhiệt là một minh chứng. Hội Nhà văn Việt Nam thậm chí còn tổ chức những sự kiện gặp mặt thân tình với các nhà văn nước ngoài (đến từ 12 quốc gia) với chủ đề “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc” vào 20 tháng 10 năm 2017. Tuy có thể cuộc gặp gỡ này còn nhiều điều chưa đạt như tôn chỉ, hay việc tổ chức còn chưa thật sự cởi mở, nhưng nó là một bước tiến lớn hướng đến sự nhất thể hóa nền văn học dân tộc, cả trong và/với ngoài nước.

Nhiều nhà văn đương đại hiện nay của Việt Nam cũng được dịch, giới thiệu, nghiên cứu, xuất bản phổ biến trên thế giới như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư, Trương Đăng Dung, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Việt Hà, Võ Thị Hảo... Qua quá trình dịch văn học và môi giới văn chương, quá trình nghiên cứu văn học ở trong nước với ngoài nước, hay ngược lại, từ ngoài nước hướng về trong nước, đã thực sự tạo ra một hình hài văn học liên-thực thể Việt. Nhiều trào lưu, thể loại do các nhà văn ở nước ngoài đề xuất đã động vọng và ảnh hưởng lớn đến sự vận động và phát triển của văn học trong nước. Thể thơ Tân hình thức do nhà thơ Khế Iêm đề xuất có thể là một ví dụ tiêu biểu.

Câu hỏi đặt ra với giới nghiên cứu văn học Việt Nam lúc này đó là định vị vị thế, vai trò và chức năng của nền văn học Việt Nam ở nước ngoài như thế nào? Hẳn rằng văn học Việt Nam ở nước ngoài là một khu vực văn học lớn, với nhiều tác gia mà trình độ của họ đã đạt tầm thế giới. Trường hợp nhà văn Nguyễn Thanh Việt (Viet Thanh Nguyen) với giải thưởng Pulitzer 2016 dành cho tiểu thuyết hậu chiến The Sympathizer (Cảm tình viên) là một ví dụ tiêu biểu. Tuy nhiên, xét từ góc độ phạm vi một nền văn học dân tộc, theo quan điểm của bộ môn văn học so sánh (Comparative Literature), chỉ những nhà văn sinh sống tại một quốc gia nhất định, hoặc chí ít phải có quốc tịch của quốc gia đó mới được xếp vào thành tố của một nền văn học dân tộc. Từ dân tộc trong văn học so sánh đồng nghĩa với thuật ngữ quốc gia (nation). Trên thực tế, Ban tổ chức giải Nobel Văn học đã định danh quốc gia các tác gia có gốc gác nước ngoài như Cao Hành Kiện, Kazuo Ishiguro ở đất nước mà họ sống, viết và mang quốc tịch (Pháp, Anh), chứ không phải ở quê hương gốc gác là Trung Quốc và Nhật Bản. Nhưng nếu chỉ căn cứ vào quốc tịch, nơi sinh sống hay thậm chí là ngôn ngữ, chúng ta có đặt ra một phạm vi quá hạn hẹp cho một nền văn học dân tộc?

Ngày nay trên thế giới, nhiều quốc gia như Canada, Trung Quốc vẫn xem mọi nhà văn có nguồn gốc bản xứ, dẫu sống ở đâu, sử dụng ngôn ngữ gì, quốc tịch gì đều thuộc về nền văn học quốc gia/dân tộc họ. Nếu thế giới đã có quan điểm cởi mở như vậy, tại sao chúng ta lại hẹp lòng khép kín với các khu vực văn học Việt Nam ở nước ngoài? Dẫu có quốc tịch khác, hay thậm chí được viết bằng thứ ngôn ngữ khác, như trường hợp của Đinh Linh, Kim Lefèvre, Linda Lê, Barbara Tran, Viet Thanh Nguyen… văn chương và tâm hồn của họ vẫn là của người Việt Nam. Số phận của họ, tâm thức và chủ đề trong tác phẩm văn học của họ vẫn hướng về đất nước, mang bản sắc của dân tộc. Nếu như bài hát Hello Viet Nam (Bonjour Viet Nam) được viết và hát bằng tiếng Việt, ý nghĩa, dư âm và sức lan tỏa của nó sẽ không lớn như thế trên thế giới. Ngược lại, chẳng ai xem bài hát ấy không phải là bài hát Việt Nam, không mang bản sắc Việt Nam, chỉ bởi lí do vì nó có lời được viết bằng ngoại ngữ.

Văn học Việt Nam ở nước ngoài như vậy, là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời của văn học dân tộc Việt Nam. Một mặt, chúng ta cần khuyến khích tiếp nhận, đổi mới thái độ tiếp cận văn học, bởi dù là văn học Việt Nam, nhưng đó là lại là một Việt Nam khác nhìn từ bên ngoài, mang tầm vóc và trình đột thế giới. Chính nhờ được sống và viết trong những nền văn minh/hóa khác nhau, thường hiện đại hơn trong nước nhiều lần (trên phương diện kinh tế, cơ sở hạ tầng), nên văn học Việt Nam ở nước ngoài chứa đựng nhiều cách tân mới mẻ, bắt kịp với trào lưu, xu hướng mới. Khu vực văn học ấy vừa nằm ở ngoại biên nền văn học dân tộc, lại cũng đồng thời nằm ở ngoại biên nền văn học của chính quốc gia mà nhà văn Việt Nam di cư sang, nên sức sáng tạo, phản biện/tư của nó là rất mạnh mẽ. Những khu vực văn học ngoại biên luôn tiềm chứa khả năng cách tân, chiết trung và dung hợp tối ưu với mọi giá trị, tạo ra một khu vực văn học đầy tính đa thanh và đối thoại. Nhưng mặt khác, cũng rất cần thái độ “gạn đục khơi trong” trong tiếp nhận văn học, bởi không phải cái gì từ bên ngoài cũng đều là giá trị. Văn học Việt Nam trong nước sau hơn 30 năm tiến hành “Đổi mới”, cũng đủ sức đối thoại với bên ngoài và thế giới, với nhiều tác gia trải đều trên các lĩnh vực, thể loại, như lí luận phê bình, biên dịch, tiểu thuyết, thơ ca, truyện ngắn, kịch. Chúng ta cũng cần thiết giới thiệu với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài những thành tựu văn học trong nước, điều này cũng quan trọng xứng tầm với quá trình tiếp nhận văn học Việt Nam ở nước ngoài. Sự liên kết giữa văn học (Việt Nam) trong và ngoài nước, đó là con đường kết hợp cái chung với cái riêng, cái dân tộc với cái quốc tế, cái hiện đại với cái truyền thống, nhằm tạo ra một sinh thể văn học Việt Nam mới mang sức mạnh tổng thể từ quá trình xây dựng đại đoàn kết dân tộc, đủ sức đối thoại với nền văn học thế giới đương đại và tương lai.

Tài liệu tham khảo:

1.https://www.diendan.org/tai-lieu/bao-cu/so-031/van-hoc-hai-ngoai

2.https://sites.google.com/site/nguyenvykhanhca/tuyen-tap/nhin-lai-30-nam-van-hoc-hai-ngoai

Anh Nga

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy