Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
04:39 (GMT +7)

Văn học đi về đâu với tình hình xuất bản hiện nay?

LTS: Tình hình xuất bản nói chung và xuất bản ấn phẩm văn học nói riêng hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm, suy nghĩ. Bày tỏ quan điểm của mình, tác giả Lê Thị Hạnh Liên có bài viết “Văn học đi về đâu với tình hình xuất bản hiện nay?”, góp một góc nhìn xung quanh vấn đề này. VNTN trân trọng giới thiệu đến độc giả.

VNTN - Sản phẩm của ngành xuất bản rất nhiều, bài viết này chỉ giới hạn trong phạm vi ấn phẩm các chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn mà đại diện là ấn phẩm văn học.

1. Ngành xuất bản mà cụ thể là các nhà xuất bản có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nền văn học nước nhà, tạo cơ sở cho tương lai của nền văn học.

Ấn phẩm văn học là những tác phẩm văn chương, bao gồm tất cả các thể loại văn xuôi và văn vần, hư cấu (fiction) và không hư cấu (non-fiction), các tác phẩm nghiên cứu văn học, phê bình văn học, lý luận văn học và văn học sử. Bất kỳ một nền văn học nào, đúng nghĩa của nó đều phải có những bộ môn này. Nó chỉ được phát triển khi được đưa vào giảng dạy (ở phổ thông và đại học chuyên ngành) và được sự hợp tác tích cực của truyền thông (radio, đài phát thanh, đài truyền hình, báo chí, mạng thông tin…).

Trong hệ thống này thì xuất bản là yếu tố đầu tiên.

Ở nước ta hiện nay có đến 60 nhà xuất bản (gồm các nhà xuất bản Trung ương, nhà xuất bản của các Bộ và của các địa phương (tỉnh, thành phố)). Chúng ta không có nhà xuất bản tư nhân. Nhiệm vụ chuyên môn song song với nhiệm vụ kinh tế để tồn tại đang đè nặng lên hoạt động của các nhà xuất bản.

Chỉ tính riêng năm 2016, theo thống kê của Cục xuất bản, Việt Nam đã xuất bản được 29.000 đầu sách với 320 triệu bản. Trong số 29.000 đầu sách được phát hành năm 2016, có bao nhiêu là sách văn học, một yếu tố làm nên đời sống văn học Việt Nam đương đại?

Một thực tế đặt ra là, một phía là nhà xuất bản và các công ty phát hành sách - sản xuất và lưu thông hàng hóa, một bên là người viết sách (các nhà văn, nhà thơ và các nhà nghiên cứu lý luận, phê bình, giảng dạy văn học) - người sản xuất. Như vậy các nhà xuất bản có hai vai trò, vừa là nhà sản xuất (cùng với các tác giả), vừa là nhà phân phối (cùng với các công ty phát hành với các phương tiện truyền thông quảng bá và quảng cáo sản phẩm là các cuốn sách). Nguồn hàng để các nhà xuất bản sản xuất là các bản thảo, do các tác giả đưa đến (có thể là sáng tác, sưu tầm, biên soạn hoặc công trình nghiên cứu khoa học). Công việc của nhà xuất bản là: đọc duyệt bản thảo; đọc biên tập chỉnh sửa bản thảo; trình bày; thiết kế bìa; sửa bản in và đưa in. Công việc của phát hành là vận chuyển và bán sản phẩm (các cuốn sách đã được phép phát hành ra xã hội).

Để hoàn thành những công đoạn này ta thấy người làm nên bản thảo là người quyết định cho sự ra đời một cuốn sách, ấy là tác giả (người viết). Nhưng thực tế ở nước ta, tác giả là người chịu thiệt thòi và bị động nhất. Ở đây là thiệt thòi và bị động đối với những nhà văn, nhà thơ đúng nghĩa với chức danh, là đối với những nhà khoa học nghiên cứu văn học (viết nghiên cứu, phê bình, lý luận và lịch sử văn học). Có tình trạng phổ biến này xảy ra bởi do chính sách, quy chế của Nhà nước. Đáng chú ý, nó còn do một phần từ chính sách giáo dục lạc hậu ở nước ta.

2. Có 2 nguồn bản thảo sách văn học đưa đến các nhà xuất bản. Thứ nhất - bản thảo sách sáng tác của những người viết văn. Thứ hai - bản thảo của những người nghiên cứu văn học.

Sách văn học cũng là hàng hóa, dù là hàng hóa đặc biệt. Đã là hàng hóa thì có hàng thật và hàng giả, phải chịu sự cạnh tranh và quảng cáo. Nghĩa là nếu ai có tiền và quyền đầu tư cho nó thì nó ra đời và bán chạy (đầu tư cho in ấn, bao bì, bìa, ảnh, và đặc biệt là quảng cáo). Ai làm được điều đó? Phải chăng là một số quan chức nhà nước (những người có chức có quyền ở các tỉnh, thành phố, các trường đại học, Viện Hàn lâm và các Bộ), sau đó là những người có tiền, những doanh nhân thành đạt...? Nhiều vị thích oai, thích danh bằng con đường văn chương, bằng một tấm thẻ hội viên một/nhiều Hội Văn học nghệ thuật, nhất là Hội Nhà văn. Họ bỏ tiền in sách với số lượng bản in lớn, in xong thì cho quảng cáo và lăng-xê rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, đó là cách để họ bước chân vào các hội văn học nghệ thuật một cách “chính danh”, nhưng sách của họ thật giả thế nào thì độc giả chỉ khi cầm sách đọc mới hiểu.

Với các bản thảo của nghiên cứu văn học thì có 2 nguồn chính. Nguồn thứ nhất là đề tài nghiên cứu khoa học của những người công tác ở các Viện nghiên cứu và các Trường đại học. Nguồn thứ hai là các luận án tiến sỹ của các nghiên cứu sinh ở các cơ sở đào tạo trên đại học.

Để có các công trình nghiên cứu văn học, các nhà khoa học phải trải qua những bước sàng lọc tưởng chừng rất chặt chẽ và khoa học, nhưng trong thực tế, nhiều khi lại hết sức lỏng lẻo. Trước hết là chọn đề tài (phải có yêu cầu cấp thiết, có đóng góp khoa học, có ý nghĩa thực tiễn, đáp ứng tính hiện đại…). Sau khi được Ban (Vụ) quản lý khoa học chấp nhận sẽ thành lập hội đồng xét chọn (tuyển) đề tài. Hội đồng xét duyệt (Sau này hội đồng nghiệm thu cũng có tổ chức như vậy) gồm 7 hoặc 9 vị (có học vị, học hàm và các lãnh đạo cơ quan, trưởng hoặc phó ban (vụ) quản lý khoa học). Trong hội đồng thực tế chỉ có 1, 2 người là có chuyên môn văn học, phù hợp với đề tài, còn nữa là ngoại đạo, nhưng tất cả có quyền bỏ phiếu như nhau. Ví dụ một Viện Hàn lâm, một Trường đại học có rất nhiều chuyên ngành, nhiều bộ môn giảng dạy. Văn học chỉ là một trong số đó nhưng hội đồng thì có cả các vị thuộc các viện nghiên cứu, các bộ môn khác nhau. Một hội đồng như vậy, (nhất là đề tài lại là của lãnh đạo) cho nên dễ dàng thông qua. Những thành viên hội đồng nào có chuyên môn góp ý, phản biện, yêu cầu bổ sung, sửa chữa thì thường sẽ không được mời tham gia ở các hội đồng tuyển chọn và nghiệm thu khác. Với thành phần tham gia hội đồng không có chuyên môn sâu, lại cả nể, thường thì tuyển chọn đề tài rất dễ thông qua và nghiệm thu dễ đạt điểm khá hoặc xuất sắc (khá 8 điểm, xuất sắc từ 9-10 điểm). Nhà nước quy định, đề tài nghiệm thu thuộc loại khá, xuất sắc thì được xuất bản bằng kinh phí nhà nước. Những tác giả (nhà khoa học) có lòng tự trọng, xét thấy sách mình viết chưa tốt, dù đạt điểm khá, xuất sắc của hội đồng nghiệm thu, thì họ xếp vào ngăn kéo, không in (tuy nhiên cũng đã nhận vài trăm triệu kinh phí nghiên cứu khoa học). Không ít nhà nghiên cứu, sau khi đề tài được nghiệm thu đạt khá trở lên cũng tặc lưỡi đưa in thành sách, có để tặng bạn bè, để làm kỷ niệm, chứ thật lòng họ biết sách chẳng có chút gì là khoa học là văn chương. Nhưng là theo quy định mà.

Cũng vì do cách tổ chức và hoạt động khoa học như vậy nên nhiều đề tài (sau này là bản thảo) bị “chết oan”. Ấy là sản phẩm nghiên cứu khoa học của những người tâm huyết và có trình độ, kiến thức về khoa học văn học. Họ say mê cống hiến cho chuyên môn, không giữ vai trò quan chức trong các cơ quan nghiên cứu văn học. Họ nghiên cứu và đưa ra những luận điểm khoa học mới. Hội đồng nghiệm thu với đa số là không thuộc chuyên môn, không có khả năng tiếp nhận và đánh giá đúng đề tài khoa học và tác giả lại không có địa vị, không có mối quan hệ, thì cho qua (đạt) đã là quý lắm rồi.

Dù đề tài nghiệm thu đạt 7,99 điểm có khi cũng không được nhà xuất bản nhận in. Ngay cả sau vài năm tác giả bổ sung, sửa chữa, mang đến nhà xuất bản vẫn bị từ chối vì không phải loại khá, xuất sắc, không nằm trong quy định của Nhà nước. Nhưng cũng tác giả đó, nội dung bản thảo y nguyên (thậm chí cả những bản thảo chất lượng nội dung kém hơn) chỉ cần đổi tên bản thảo, nộp tiền cho nhà xuất bản là được in ngay.

Theo quy định, chỉ cần hai cuốn sách được xuất bản ở nhà xuất bản Trung ương là đủ tiêu chuẩn cần cho việc xét duyệt phong học hàm phó giáo sư (ngoài bài tạp chí giờ dạy ở trường đại học). Cứ như vậy, một số giáo sư, phó giáo sư, nhà nghiên cứu, nhà lý luận văn học, chuyên gia văn học - những người làm nên đời sống văn học rất đông đảo ở nước ta ra đời như vậy đấy.

Nguồn thứ hai là luận án tiến sỹ được xuất bản. Nghiên cứu sinh hiện nay ngoài các vị có vị trí, có chức quyền muốn có học vị cho oai hoặc để đáp ứng nhu cầu bổ nhiệm đề bạt mà làm tiến sỹ, phần đông còn lại là cán bộ nghiên cứu trẻ, giáo viên các cơ sở đào tạo từ phổ thông trung học (ít thôi) và các trường đại học và cao đẳng. Đội ngũ này học có mục đích là trang bị thêm kiến thức, chuyên môn, trang bị thêm phương pháp luận nghiên cứu khoa học và vươn lên thành phó giáo sư, giáo sư, tiến sỹ khoa học trong tương lai (kể cả điều kiện để làm lãnh đạo). Họ học 4 năm ở khoa văn của các trường đại học với rất nhiều môn học. Thời lượng dành cho văn học (văn học thế giới và văn học Việt Nam) không nhiều. Ra trường vài năm chưa đủ thời gian trang bị kiến thức tối thiểu, lại làm luận văn thạc sỹ, sau đó là luận án tiến sỹ. Luận án tiến sỹ thường là một vấn đề cụ thể của văn học. Nghĩa là đã và sẽ có nhiều tác giả luận án thiếu kiến thức cơ bản và “phông” văn học. Vì vậy nhiều luận án tiến sỹ thực chất chỉ là một mớ kiến thức hời hợt, chắp vá sao chép mà không phải là những vấn đề của khoa học văn học. Luận án được bảo vệ trong các hội đồng chấm luận án méo mó bởi các mã số được quy định. Văn học nước ngoài - nhưng văn học nước ngoài là văn học nào? Ai mà có đủ chuyên môn của tất cả các nền văn học nước ngoài: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, châu Mỹ Latinh, Mỹ, Nga, Mông Cổ… để hướng dẫn và ngồi hội đồng thẩm định và nghiệm thu luận án? Văn học Việt Nam có một mã số nhưng lại có nhiều ngành khác nhau như Văn học sử, Văn học dân gian, Văn học trung đại, Văn học cổ đại, Văn học hiện đại, Văn học đương đại… Ai có trình độ chuyên môn của từng ấy chuyên ngành? Lại tình trạng cả nể, tiêu cực của hệ thống giáo dục mà đẻ ra các luận án tiến sỹ văn học. Cả những luận án kém chất lượng cũng qua được kỳ bảo vệ. Tác giả luận án chỉ cần nộp tiền thì nhiều nhà xuất bản sẵn sàng nhận in. Theo quy định, tác giả chỉ cần có 2 "công trình" được xuất bản, sau một thời gian theo quy định là đủ yêu cầu lọt vào xét phong tặng học hàm phó giáo sư ( ngoài các yêu cầu về bài tạp chí).

Thực chất, khá nhiều các nhà xuất bản chỉ là đơn vị bán giấy phép. Chính vì vậy nhiều cuốn sách in ra đã bị thu hồi hoặc đình bản (vì vi phạm nội dung chính trị, chứ chưa có trường hợp nào vi phạm nội dung chất lượng khoa học).

3. Trong cái mớ bát nháo của đời sống xuất bản sách văn học ấy, còn có một mạch ngầm, dù nhỏ nhoi nhưng đầy sức sống và phải chịu bầm dập. Ấy là sách của những nhà văn, nhà nghiên cứu văn học nghiêm túc đứng đắn, lấy công việc của văn học làm cái nghiệp sống của đời mình. Họ là những nhà nghiên cứu văn học, nhà văn, nhà thơ không có quyền có chức, không có tiền để nộp cho các nhà xuất bản. Họ chỉ có kiến thức khoa học văn học và một tình cảm viết sách để phục vụ nhân dân. Một cuốn sách nghiên cứu văn học, tác giả phải vật vã trong 3-4 năm trời hoặc lâu hơn), đọc hàng trăm tài liệu tham khảo, viết ra chừng 350-400 trang, nhưng đến nhà xuất bản nào cũng bị từ chối. Đã là sách nghiên cứu thì đối tượng độc giả không nhiều, nghĩa là ít khách hàng (mấy ai trong chúng ta đọc và đọc được sách của nhà khoa học Trần Đức Thảo). Với văn chương sáng tác cũng có nhiều bản thảo có giá trị cao nhưng ít nhà xuất bản nào nhận đọc, ít nơi nào chịu nhận in cho dù giá rẻ mạt. Số lượng sách in ra và phát hành chỉ khoảng 300 cuốn. Nếu là có công ty phát hành nào hợp tác thì cũng chỉ 500 bản (hiện nay đang phổ biến). Nhuận bút mỗi cuốn sách được khoảng 5 triệu đồng (ai mà sống nổi). Nhiều trường hợp tác giả phải hợp tác phát hành, tức là bán sách của mình cho sinh viên mình dạy - một việc làm mà có lẽ chẳng có thầy giáo nào muốn làm. Hoặc các nhà văn, nhà thơ thì phải đi nói chuyện, quảng cáo sách của mình, nếu không thì không được nhận nhuận bút bằng tiền, mà bằng sách của mình.

Phải thừa nhận, thường những cuốn sách ở dạng này lại mới là sách có giá trị, bởi người viết là những nhà nghiên cứu khoa học văn học và các nhà văn, nhà thơ không vụ lợi (họ không vì tiền) không vụ danh, họ chỉ vì khoa học văn học, văn chương mà viết. Nhưng rất tiếc, sách loại này ở các nhà xuất bản hiện nay không có nhiều.

Với thực tế xuất bản như hiện nay thì Văn học Việt Nam sẽ về đâu? Cứ ngồi đó mà đòi hỏi, ao ước một nền văn học phát triển với giải thưởng Nobel là điều không tưởng.

Lê Thị Hạnh Liên

Tháng 10/2017

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy