Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
08:48 (GMT +7)

Vài nét về đồng dao dân tộc Tày

VNTN - Đồng dao là “Lời hát dân gian truyền miệng của trẻ em, thường kèm theo một trò chơi nhất định” (theo Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, Nxb. Khoa học Xã hội, 1988, tr. 364).

Dân tộc Tày, cũng như nhiều dân tộc khác, có số lượng các bài đồng dao rất phong phú. Vì là văn học truyền miệng, nên các bài đồng dao có nhiều dị bản. Có thể ở địa phương này có bài nói về đề tài X nhưng địa phương kia không có. Ngay cả những bài hát về cùng một đề tài, mỗi địa phương lại có những lời hát khác nhau. Thậm chí cùng một bài đồng dao, nhưng từ địa phương này sang địa phương khác, lời ca cũng có sự thay đổi ít nhiều. Bài này chỉ đề cập đến đồng dao của dân tộc Tày được sưu tầm ở các địa phương thuộc hai tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn. (Các bài đồng dao được nhắc tới ở đây vốn bằng tiếng Tày, nhưng do khuôn khổ của bài báo, chúng tôi chỉ sử dụng lời dịch tiếng Việt).

Là những lời hát của trẻ em, cho trẻ em, đồng dao dân tộc Tày có hình thức thơ theo thể tự do, lời thơ mộc mạc dễ hiểu. Mỗi lời hát đồng dao gắn với các trò chơi dân gian, nên đồng dao giàu âm điệu, vần và nhịp phù hợp với động tác của trò chơi và phù hợp với tâm - sinh lý của trẻ em. Nội dung các ý, các phần trong nhiều bài đồng dao ít tính logic mà chủ yếu liên kết với nhau bằng vần điệu.

Ví như bài Cưỡi ngựa:

Í hè, í hè hè

Ta qua sông qua bè

Ra đường ngồi xe, cưỡi ngựa

Cưỡi ngựa có yên

Quan viên phi ngựa

Í hè, í hè hè!

Ta có thể hình dung: hai, ba trẻ cùng chơi ở trên sân; mỗi trẻ cầm một chiếc gậy và cưỡi lên chiếc gậy đó, tượng trưng cho việc cưỡi ngựa. Trẻ vừa đi vừa hát. “Í hè hè” - tiếng trẻ hát thay cho tiếng ngựa kêu. Đây là một trò chơi, vừa chơi vừa hát. Nó có tác dụng đem lại sự vui vẻ, luyện tập đôi chân và phát triển ngôn ngữ.

Qua các bài đồng dao đã sưu tầm được, ta thấy hiện lên bức tranh thiên nhiên, cuộc sống của đồng bào miền núi, thể hiện qua tâm hồn của trẻ rất thơ mộng. Ẩn chứa trong những bài đồng dao đậm đà bản sắc truyền thống là những bài học đơn giản dành cho trẻ.

Đồng dao dân tộc Tày cho thấy tâm hồn trẻ thơ gắn với muôn mặt đời thường nơi rừng núi điệp trùng, tươi đẹp.

Trước hết, đồng dao Tày phản ánh tâm hồn của trẻ luôn hướng tới các hiện tượng tự nhiên. Một loạt các bài hát Gọi mưa, Gọi nắng, Gọi gió, Nói với trăng, Nói với sao, Nói với dải ngân hà, Mong mưa, Mong nắng…  Không chỉ phản ánh, cung cấp những hiểu biết về các hiện tượng tự nhiên vẫn thường xảy ra trong cuộc sống thường ngày, đồng dao Tày còn thể hiện những mong muốn, sao cho các hiện tượng tự nhiên ấy ít tác động xấu, đem lại nhiều điều tốt đẹp cho con người. Qua tâm hồn ngây thơ, trẻ giao tiếp với thế giới tự nhiên:

Gọi gió:

Gió bay, gió giật

Gió vượt đèo về đây

Để nhà nông đốt rẫy

Để thầy dạy văn chương

Để con thuyền xuống thác

Để bồ kết quả nặng cành xa

Gọi mưa:

Trời hãy mưa

Nước hãy lũ

Cho cá coòng ngoi lên rãnh kho thóc

Cho cá trê bò lên thềm nhà

Cho lúa trổ hoa (bông) ngoài đồng ruộng.

Từ các hiện tượng tự nhiên, đồng dao giúp các em làm quen với mối liên hệ giữa thiên nhiên và mùa màng:

Ngân hà vắt cuối sàn

Cháu con ăn cơm trắng

Ngân hà vắt qua nóc

Cháu con ăn gạo mới

Ngân hà vắt qua trái (nhà)

Cháu con chán cơm nguội.

Buổi tối trời đầy sao. Người lớn và trẻ em cùng ngồi ở sàn phơi hóng mát. Trẻ em nhìn lên trời và hát bài đồng dao trên. Người lớn sẽ giải thích cho trẻ đâu là dải ngân hà và ý nghĩa của các câu hát. Như vậy là trẻ đã vừa học vừa chơi. Những hiểu biết có được từ những buổi vừa học vừa chơi ấy sẽ lắng đọng mãi trong tâm trí của trẻ. Đó cũng là giá trị nhận thức của đồng dao.

Ảnh: Đào Tuấn

Thế giới động vật được phản ánh trong đồng dao Tày phong phú hơn cả. Từ những vật nuôi gần gũi trong nhà như con gà, con vịt, con lợn, con chó, con mèo, con trâu đến các con thú ở trong rừng như con hươu, con nai, con khỉ; từ những con côn trùng bé nhỏ như con kiến, con dế, con đom đóm đến những con thú to lớn như con gấu, con hổ… đều trở thành đề tài cho các bài đồng dao và là cái cớ để trẻ bày tỏ tình cảm, cảm xúc. Các con vật đôi khi xuất hiện như những người bạn nhỏ bé để trẻ tâm tình, sẻ chia tình cảm. Cũng có khi những con vật lại như là những đối tượng để phê phán.

Với trò chơi nhử kiến, trẻ em bắt được con chuồn chuồn, tìm chỗ có kiến bò, các em đặt con chuồn chuồn vào đó và hát:

Kiến ơi, kiến à

Ta có mồi ngon

Mày hãy đi mời cả đàn ong

Mời cả cha mẹ trọc đầu

Hãy lên đây

Ăn thịt con chuồn chuồn

Ăn đuôi mụ phù thủy

Ăn miếng thịt trâu

Ăn cơm mừng nhà mới…

Kiến ơi

Mày hãy lên ăn cỗ.

Qua những lời hát này, trong trí tưởng tượng hồn nhiên của trẻ em, kiến, ong được coi như những người bạn thân thuộc. Ý thức cộng đồng, chia sẻ vui  buồn trong cuộc sống được hình thành.

Nhìn trời xuân cao xanh vời vợi, những con én chao liệng trên bầu trời, các em hát và thả tâm hồn bay bổng cùng chim:

Chim én ơi chim én

Vỗ cánh én bay cao

Dang cánh én bay cao

Cánh én bay vào mây vào gió

Én vỗ cánh bay lọt mường trời

Én nhớ về quê hương mình nhé

Chim én ơi, chim én!

Cũng có nhiều con vật gây hại cho con người. Đối với những loài vật ấy, đồng dao dân tộc Tày tỏ thái độ căm ghét, muốn đuổi chúng đi. Chẳng hạn: khi theo cha mẹ lên nương hoặc ra đồng làm việc, trông thấy con quạ đang ăn ngô hoặc chuẩn bị sà xuống bắt vịt con, các em vừa đuổi quạ vừa hát:

Quà quà quà

Mẹ mày chết đêm qua

Cha mày chết đêm trước

Lấy đất đỏ về che

Lấy gắp tranh về đắp

Quà! Quà…!

Đối với những vật vô tri cũng thế. Tâm hồn trẻ thơ cũng coi như những vật vô tri hiểu được người và các em bày tỏ lòng mong muốn những vật đó tồn tại sao cho có ích. Trong cuộc sống có biết bao điều bất lợi với con người. Đồng dao dạy cho trẻ lòng mong muốn điều xấu thì “bay đi” chỗ khác, điều tốt đẹp thì đến với con người:

Khói hỡi, khói hời

Khói về như mây đen che phủ

Hãy bay đi, dù đi đâu

Khói chớ về đây, có phân trâu, phân ngựa

Phía bên kia có thịt cá thơm lừng

Khói bay về phía ấy!

Đồng dao dân tộc Tày còn hướng các em vào nhận thức những đồ vật tiếp xúc hằng ngày.

Các đồ vật trong sinh hoạt, trong lao động sản xuất cũng trở thành những đề tài của đồng dao và qua đó đồng dao truyền dạy cho các em những hiểu biết. Bánh chưng là món ăn quen thuộc. Người Tày gói bánh chưng thành những hình dạng khác nhau, mỗi hình dạng có tên gọi (bằng tiếng Tày) riêng. Bằng lời hát đồng dao, trẻ em nhận biết các loại bánh chưng ấy:

Bánh chưng bốn góc (vuông)

Bánh toóc lưng còng

Bánh sừng bò đít nhọn.

Rất độc đáo là những bài nói về công việc. Cuộc sống thường nhật của người nông dân dân tộc Tày có biết bao hoạt động, việc làm. Đồng dao giúp các em nhận thức về các công việc đó một cách đơn giản hóa và bất ngờ, phù hợp với tâm lí trẻ: đi đường, đánh bẫy, học rèn, gặt lúa, làm nhà, nấu rượu, xay thóc… Các bài đồng dao vừa như đúc kết kinh nghiệm, vừa như gợi tả động tác lao động, vừa thể hiện niềm vui trong công việc. Nhịp điệu lời hát phù hợp với hoạt động của con người. Bài Xay thóc là một ví dụ:

Rù rì

Út ít

Xay thóc

Nấu rượu, đi bán

Mua trâu, hai nái

Mua dê, hai con

Nuôi lợn, bốn lứa

Nấu cám, chúng ăn.

Một số nghề thủ công trong làng bản cũng trở thành đề tài của đồng dao. Qua những bài đồng dao ấy, trẻ có thể hình dung công việc sản xuất của người lớn. Hai em cùng chơi tập rèn, nhịp điệu bài hát và động tác khi chơi có tác dụng mô phỏng công việc của thợ rèn:

Mày lên tao xuống

Tao xuống mày lên

Hai ta cùng rèn

Bốn ta cùng đập

Rèn cho sắt mỏng

Thành con dao thái

Băm rau sớm tối

Đập cho sắt mềm

Được con dao quắm

Mỏ cong như diều

Dùng để trồng cây

Cây mọc thành rừng…

Các bài  Đặt bẫy, Làm nhà, Bán hàng, Nấu rượu… mỗi bài giới thiệu và mô phỏng một công việc. Qua các bài đồng dao ấy, trẻ em vừa chơi vừa học và thu nhận nhiều tri thức về cuộc sống lao động.

Cuối cùng, không thể không nói tới một giá trị nữa của đồng dao Tày là cổ vũ động viên sự cố gắng phát huy sức mạnh vốn có của mình, Chọi trâu, Chọi gà là những bài như thế. Vẫn là những câu hát đi kèm theo các trò chơi, nhưng nội dung của nó ca ngợi động viên sức mạnh vốn có.

Chọi trâu

Ú lểu… ú lểu... tùm

Sừng mày sừng cây trúc

Thân mày thân cây nghiến

Cây nghiến trên núi đá

Mày khỏe mày cứ húc

Mày cứ húc tao xem

Mày gãy chân tao chữa

Mày què chân tao nuôi.

Ú lều tùm!

Trong xã hội hiên đại, trẻ em có nhiều trò chơi khác nhau. Bên cạnh các trò chơi hiện đại, game online…các em vẫn cần được kế thừa và hướng dẫn hát và chơi các lời đồng dao. Đồng dao Tày phong phú về số lượng, đa dạng về nội dung, tất cả toát lên bức tranh thiên nhiên và đời sống muôn mặt của đồng bào miền núi. Nếu được hướng dẫn hát và chơi các bài đồng dao, trẻ em sẽ được tiếp thu, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần hình thành nhân cách con người Việt Nam mới.

Lương Nguyên Phúc

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy