Tuy rằng vui chữ “vu quy”?
Chúng ta đã biết, nghĩa của hai chữ “vu quy” lâu nay vẫn được hiểu khá thống nhất. Theo Đào Duy Anh trong “Từ điển Truyện Kiều”, “vu quy” “là chỉ người con gái về nhà chồng, lễ rước dâu”. Trong “Truyện Kiều tập chú” của nhóm tác giả Trần Văn Chánh, Trần Phước Thuận, Phạm Văn Hòa biên soạn có dẫn lời chú của Đào Duy Anh về “nạp thái vu quy” là “hai tiết trong hôn lễ, cũng gọi là lễ dẫn của và lễ rước dâu”. Còn Nguyễn Văn Anh giảng “vu quy” là “về nhà chồng”. Trong “Kinh Thi” viết: “Chi tử vu quy” (之 子 于 歸), nghĩa là “người con gái ấy về nhà chồng”.
Trong các bản Truyện Kiều đang lưu hành và cả “Từ điển Truyện Kiều” lẫn bản Kiều do Đào Duy Anh khảo đính đều chép và giải thích khá giống nhau về hai chữ “vu quy” ở các câu 651; 957; 2264; 2843. Tuy vậy, “vu quy” là gì, thực chất nó có đồng nhất trong bốn trường hợp xảy ra trong văn bản Truyện Kiều như trên đã nói hay không, đặc biệt là trường hợp ở câu 2843? Đây là những câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ lâu nay.
Trước hết xin nói về ba trường hợp đầu. Ở câu 651 - 652: “Định ngày nạp thái vu quy/ Tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong”. Đây là lời của Mã Giám Sinh khi y mua Kiều. Hành động con buôn của họ Mã đã được ngụy trang bởi hai chữ “vu quy”. Câu “Tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong” như một minh chứng cho bản chất của họ Mã vậy. Chữ “vu quy” ở câu này là sự đánh dấu bước đầu tiên mười lăm năm lưu lạc của cuộc đời Kiều. Ở câu 957 - 958: “Đủ điều nạp thái vu quy/ Đã khi chung chạ, lại khi đứng ngồi” là lời của Kiều nói với Tú Bà. Rằng, nàng và họ Mã có lễ cưới, có rước dâu hẳn hoi chứ nàng đâu phải là gái làng chơi, làm vậy là bất hợp pháp. Ở câu 2263 - 2264: “Cung nga thể nữ nối sau/ Rằng vâng lệnh chỉ rước chầu vu quy”. Câu thơ tả cảnh giáp binh, quân tướng của Từ Hải đến đón Kiều về làm phu nhân. Trường hợp này, chữ “vu quy” được dùng đúng tính chất ý nghĩa của nó nhất. Kiều lấy Từ Hải, nàng có một hạnh phúc thực sự.
Như vậy, ba trường hợp trên tuy văn cảnh có khác, nhưng ý nghĩa của từ “vu quy” là dùng rất hợp lý, đúng với ý nghĩa vốn có của nó.
Nhưng còn hai chữ “vu quy” ở câu 2843 thì sao? Xin chép lại đoạn thơ để tiện bề xem xét văn bản.
“Sinh càng thảm thiết khát khao
Như nung gan sắt như bào lòng son
Ruột tằm ngày một héo hon
Tuyết sương ngày một hao mòn mình ve
Thẩn thơ lúc tỉnh lúc mê
Máu theo nước mắt hồn lìa chiêm bao
Xuân huyên lo sợ xiết bao
Quá ra khi đến thế nào mà hay
Vội vàng sắm sửa chọn ngày
Duyên Vân sớm đã se dây cho chàng
Người yểu điệu, kẻ văn chương
Trai tài gái sắc xuân đương vừa thì
Tuy rằng vui chữ vu quy
Vui này đã cất sầu kia được nào
Khi ăn ở, lúc ra vào
Càng âu duyên mới càng dào tình xưa”
(Kim Vân Kiều tân truyện - Thành Thái Bính ngọ trọng hạ - Thời hiền thi tự - Quan Văn Đường tàng bản)
Theo tôi, hai chữ “vu quy” trong đoạn thơ trên hoàn toàn lạc lõng. Đoạn thơ này, mạch văn này là đang miêu tả duy nhất tâm trạng của Kim Trọng. Vậy hai chữ “vu quy” trong câu 2843 phải trực tiếp liên quan đến Kim Trọng chứ không phải là ai khác. Xét về mạch văn, ta cũng không thấy một dấu hiệu chuyển ý hoặc thông báo nào cả. Vấn đề này, trong sách “Truyện Kiều chú giải”, trang 661, Vân Hạc - Lê Văn Hòe cũng đã lên tiếng “Chữ vu quy trỏ việc về nhà chồng. Vu quy mượn chữ trong Đào Yêu - Kinh Thi, nói người con gái về nhà chồng. Đây tác giả dùng để nói sự vui mừng về việc cưới vợ của Kim Trọng, thì không hợp, vì Kim Trọng có làm dâu đâu mà Vu quy? Giá dùng cho Thúy Vân thì hợp”.
Từ những vấn đề đã bàn ở trên, ta thấy hai chữ “vu quy” dùng trong câu Kiều 2843 là hoàn toàn không phù hợp. Nếu thật sự là chữ của Nguyễn Du, thì rõ ràng đây là chuyện “vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh”. Nhưng không lẽ một đại thi hào, một người được mệnh danh là “Đại Việt thiên thu tuyệt diệu từ” mà lại dùng chữ khiên cưỡng thậm chí là sai đến như thế! Vậy nguồn cơn cớ sự là do đâu? Sau đây, chúng tôi xin đưa ra năm vấn đề xung quanh việc khắc in và luận giải các bản Kiều Nôm xưa nay.
Thứ nhất, như chúng ta đã biết, cho đến hiện nay chưa ai tìm ra bản Kiều nào được xem là bản gốc. Những bản ấn hành ban đầu cũng không còn, đến các phường bản cũng khó tìm ra được. Đa phần các bản Kiều lưu hành hiện nay là do các nhà nghệ sỹ đời sau cho khắc in và phiên âm quốc ngữ. Có nhiều chữ bị đổi, sửa chữa không đúng, thậm chí vu vơ vô nghĩa, chữ nọ xọ chữ kia, dẫn đến cả câu sai nghĩa, tối nghĩa. Thứ hai, nguồn điển tích trong câu chữ Truyện Kiều là nhiều vô kể, cả trong sử sách Trung Hoa, lẫn ca dao của làng quê Việt Nam. Nhưng vấn đề này lại không được các bậc túc nho, nhiều kinh nghiệm đời trước chú giải một cách tường tận. Người đời sau làm việc này thiếu sự thống nhất và tỉ cẩn, nên sinh ra việc hiểu nhầm câu chữ là điều tất nhiên. Thứ ba, do Truyện Kiều có quá nhiều bản Nôm khắc in khác nhau, sinh ra tam sao thất bổn, chữ này lầm qua chữ kia. Người đời sau đọc những chữ lầm đó, thấy tối nghĩa nhưng lại không thể truy được chữ lầm đó đúng ra phải là chữ nào, có khi lại thay đổi một chữ lầm này bằng một chữ lầm khác, sinh ra xa dần với nguyên tác, làm mất đi cái hay cái đẹp vốn có ban đầu. Thứ tư, có rất nhiều chỗ trong các bản Kiều Nôm khắc vụng, in nhòe, người đọc không nhận rõ, sinh ra đoán sai chữ, từ đoán sai tất đi đến giải thích gượng gạo… Nhưng không may là những cách hiểu và làm sai ấy lại được lưu truyền trong các sách Kiều. Các nhà xuất bản vô tình phổ biến cái sai ấy một cách rộng rãi. Thứ năm, chữ Nôm vốn không có quy tắc “Nôm” nhất định, một âm có đến vài ba cách viết, một chữ lại có vài ba âm. Chính điều này gây nhiều khó khăn và phức tạp cho người phiên âm ra chữ Quốc ngữ. Người đọc không có điều kiện để suy nghĩ cho xác đáng về câu chữ, nên việc ngộ nhận câu chữ cũng là điều hiển nhiên.
Từ năm vấn đề ở trên, ta thấy hai chữ “vu quy” ở câu Kiều 2843 hoàn toàn có thể là hai chữ sai. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng kết quả “vu quy” ở văn cảnh này, ứng với nhân vật này - Kim Trọng - là không thể chấp nhận được. Vậy thực ra đó là hai chữ gì?
Theo tôi, đó phải là hai chữ “vu phi”, phải là “Tuy rằng vui chữ vu phi”. Ở chỗ này, “phi” và “quy” là cùng âm, nhưng “vu phi” ít được dùng, có thể thợ khắc in không hiểu chính xác nghĩa của nó là gì, mới đổi khắc thành “vu quy” cho quen thuộc. Nhưng khổ nỗi, đưa hai chữ vô thưởng vô phạt này vào, thành ra câu Kiều mới trở thành tối nghĩa và hoàn toàn sai về việc dùng từ. “Vu phi” là hai chữ lấy từ Kinh Thi “Phượng hoàng vu phi, hối hối kì vũ” (鳳 皇 于 飛,翽 翽 其 羽), nghĩa là chim phượng và chim hoàng bay đi, vù vù lông cánh, ý nói vợ chồng hòa hợp, sống vui vẻ hạnh phúc. Sách “Tả Truyện” cũng có chép: Trần Kính Trọng chạy sang nước Tề, được vua nước ấy cho coi việc công chính; quan Đại phu nước Tề muốn gả con gái cho Kính Trọng, vợ quan Đại phu bói quẻ bảo việc đó rất nên vì quẻ bói nói “Phượng hoàng vu phi, Hòa minh tương tương”, nghĩa là chim phượng chim hoàng cùng bay cùng hót vang, cũng có nghĩa là vợ chồng vui vẻ, tương thích, hòa hợp với nhau.
Nói tóm lại, từ những vấn đề đã nêu ở trên, tôi cho rằng, hai chữ “vu quy” trong câu Kiều 2843 “Tuy rằng vui chữ vu quy” là hai chữ hoàn toàn lạc lõng. Hai chữ này dù xét với góc độ nào đi nữa cũng không phù hợp với văn cảnh và nhân vật trực tiếp có hành vi ứng xử với nó. Tuy nhiên, nếu cho rằng tác giả Truyện Kiều dùng chữ không chuẩn thì cũng hoàn toàn không phải. Hai chữ “vu phi” bị lầm thành “vu quy” chỉ là tai nạn của chuyện “tác đánh tộ ngộ đánh quá” mà thôi. Từ “vu quy” đến “vu phi” chỉ là một bước ngắn của việc khắc chữ và hiểu nhầm, nhưng lại là một câu chuyện dài của ngữ nghĩa.
Hơn hai trăm năm Truyện Kiều được nghiên cứu, Nguyễn Du bị hiểu lầm cũng không hề ít. Âu đó cũng là chuyện rất thường của việc nghiên cứu văn bản Truyện Kiều xưa nay.
Tài liệu tham khảo:
Hai trăm năm nghiên cứu bàn luận truyện Kiều (Lê Xuân Lít)
Tìm hiểu chữ nghĩa Truyện Kiều (Lê Xuân Lít)
Truyện Kiều tập chú (Trần Văn Chánh, Trần Phước Thuận, Phạm Văn Hòa)
Truyện Kiều đối chiếu (Phạm Đan Quế)
Truyện Kiều chú giải (Lê Văn Hòe)
Kim Vân Kiều giảo đính tường giải (Hương Ngạn Đào Tử, Đàm Duy Tạo)
Từ điển Truyện Kiều (Đào Duy Anh)
Chữ nghĩa Truyện Kiều (Nguyễn Quảng Tuân)
Và các tài liệu khác.
Đào Thái Sơn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...