Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
01:13 (GMT +7)

Tục thờ Mẻ Bjoóc trong tín ngưỡng dân gian người Tày

Trong tín ngưỡng dân gian của người Tày, Mẻ Bjoóc là vị nữ thần bảo hộ cho con người trong giai đoạn đầu tiên của cuộc đời. Hình tượng Mẻ Bjoóc trong văn hóa Tày cũng chính là bà mụ trong văn hóa người Việt. Theo quan niệm của đồng bào Tày thì Mẻ Bjoóc ở trên cung trời xa xôi và được giao nhiệm vụ trông coi cây sinh mệnh của loài người. Trên cây sinh mệnh đó có hoa vàng và hoa bạc. Hàng ngày, Mẻ Bjoóc đều ban hoa xuống cho các đôi vợ chồng ở trần gian, đôi vợ chồng nào được nữ thần ban cho hoa vàng (bjoóc lương/ bjoóc kim) thì sinh con trai và được ban cho hoa bạc (bjoóc khao/ bjoóc ngần) thì sinh con gái. Dù là con trai hay là con gái nhưng đều là hoa mọc lên từ đất mẹ nên đều cao quý cả. Từ những quan niệm này, cộng đồng người Tày đã hình thành và bảo lưu một tục thờ độc đáo gắn với nhiều thực hành nghi lễ đặc sắc - Tục thờ Mẻ Bjoóc

Những thực hành nghi lễ gắn với tục thờ Mẻ Bjoóc

Do tục thờ Mẻ Bjoóc gắn với chặng đường đầu tiên trong vòng đời của người Tày nên được đồng bào rất coi trọng và có nhiều thực hành nghi lễ đặc sắc. Trong đó, có những nghi lễ tiêu biểu sau:

Tục thờ Mẻ Bjoóc trong tín ngưỡng dân gian người Tày
Lễ “trao va” trong nghi lễ then đầy tháng của người Tày. Ảnh: Phan Huy

Lễ cầu bjoóc (xin hoa, cầu tự): Lễ này còn được đồng bào Tày gọi là “bắc cầu xin hoa”. Nghi lễ cầu bjoóc được tổ chức trong trường hợp đôi vợ chồng kết hôn đã lâu nhưng chưa sinh được con. Đồng bào cho rằng sự việc này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng nguyên nhân chính là do gia đình phạm lỗi với Mẻ Bjoóc, khiến bà giận và không “ban hoa” (con cái) cho. Do vậy, cần phải làm lễ cầu bjoóc để mong Mẻ Bjoóc thương tình mà ban cho con cái. Thực hiện nghi lễ là các thầy cúng như mo, then, tào, bụt. Trong lễ cầu bjoóc, thầy cúng dâng lễ lên cửa Mẻ Bjoóc để cầu xin bà xá tội và ban cho gia đình con cái để cửa nhà thêm vui vẻ. Bên cạnh đó, thầy còn dâng lễ lên các bậc gia tiên để xin độ trì và làm cầu nối dẫn “hoa” xuống cho con cháu. Nghi lễ bắc cầu xin hoa là trọng tâm của lễ cầu bjoóc. Theo đó, thầy cúng sẽ sử dụng 01 dải vải đỏ dài khoảng 3 - 5m, khổ rộng 40cm, một phía đầu vải đặt cố định trên bàn thờ tổ tiên và phía đầu còn lại được đội lên đầu đôi vợ chồng đang xin hoa. Dải vải này tượng trưng cho chiếc cầu để “đón hoa” từ trên thiên giới xuống trần gian. Tiếp đó, thầy cúng đọc bài cúng xin hoa rồi ném lên chiếc cầu những bông hoa, hình nhân nhỏ được cắt bằng giấy màu và rung cho chiếc cầu chuyển động nhịp nhàng. Sau khi kết thúc bài cúng, nếu hình nhân và bông hoa bay từ trên cầu xuống rồi rơi vào lòng hai vợ chồng trẻ thì nghi lễ coi như hoàn thành.

Lễ an va (cầu mong sự bình an cho thai nhi): Do trong thời kỳ đầu của thai kỳ, người phụ nữ rất dễ bị xúc động và dẫn đến những ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Vì vậy gia đình thường mời các thầy cúng đến để làm lễ an va nhằm mục đích xin Mẻ Bjoóc giữ cho thai nhi được khỏe khoắn trong bụng người mẹ. Nếu bỏ qua những quan niệm tín ngưỡng thì ta thấy rằng, đây là một nghi lễ mang tính nhân văn rất lớn, thể hiện sự quan tâm của gia đình đối với thai phụ. Từ đó, thai phụ sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn vì được mọi người quan tâm.

Tục thờ Mẻ Bjoóc trong tín ngưỡng dân gian người Tày
Nghi lễ then đầy tháng của người Tày

Lễ lảu bươn, oóc bươn (lễ đầy tháng): Lễ đầy tháng được tổ chức sau khi em bé được tròn 01 tháng tuổi. Lễ này đánh dấu thời kỳ sản phụ đã kết thúc những kiêng cữ sau sinh nở và trở lại với cộng đồng. Đồng thời, đây cũng là lời thông báo đến gia đình và bản làng về sự có mặt của thành viên mới. Theo phong tục truyền thống thì lễ đầy tháng của người Tày phải do bên ngoại đứng ra tổ chức. Trước ngày lễ, ông bà ngoại sẽ đem lương thực, thực phẩm, địu, nôi, lễ vật, bàn thờ mụ,… sang nhà thông gia để làm lễ đầy tháng cho cháu. Khác với người Việt, việc cúng lễ đầy tháng của người Tày cũng phải do các thầy cúng thực hiện. Khi đứa trẻ ra đời, gia đình sẽ ghi lại cẩn thận ngày giờ sinh vào trong một tờ giấy hồng gọi là “bâư mình” (tờ mệnh). Ông, bà ngoại sẽ đem tờ giấy mệnh này đến gặp thầy Tào để thầy lập bát tự. Trong bát tự sẽ ghi đầy đủ các lễ vật cần thiết để dâng Mẻ Bjoóc. Những lễ vật này thường không có tính cố định mà phụ thuộc vào thời điểm đứa trẻ ra đời và căn cứ theo sách chữ Nho.

Trong lễ đầy tháng, thầy cúng dâng lễ vật lên các bậc gia tiên và Mẻ Bjóoc để tạ ơn và cầu cho em bé hay ăn chóng lớn. Tiếp theo, thầy lập bàn thờ Mẻ Bjoóc ở trong buồng hoặc ở cửa buồng của em bé. Bàn thờ này thường có cắm cây hoa bằng giấy và được dâng lên các lễ vật như chiếc đùi gà, bánh kẹo, hoa quả. Kể từ lúc lập bàn thờ Mẻ Bjoóc, nếu gia đình có thịt gà hoặc vịt thì sau khi cúng tại bàn thờ gia tiên, phải chặt chiếc đùi đưa lên thắp hương tại bàn thờ này. Bàn thờ Mẻ Bjoóc được thờ cho đến khi đứa trẻ đã trưởng thành (13 hoặc 18 tuổi) thì sẽ bỏ đi.

Tục thờ Mẻ Bjoóc trong tín ngưỡng dân gian người Tày
Bàn thờ Mẻ Bjoóc trong lễ đầy tháng. Ảnh: Thanh Bình

Điểm nhấn trong lễ đầy tháng là nghi thức trao va (trao lại hoa/ em bé cho bên nội). Theo đó, bà ngoại sẽ bế đứa trẻ và hát những câu hát ru nhẹ nhàng, da diết rồi trao lại đứa trẻ cho bà nội. Nếu không còn bà ngoại hoặc vì lý do nào đó mà bà ngoại không tham dự lễ này được thì có thể nhờ những bà, những chị ở trong làng bản thông thạo nghi thức trao va thực hiện thay. Khi nhận cháu, bà nội rất vui mừng và hát để đáp lại ân tình của bà ngoại. Sau đó, đứa trẻ được đặt xuống nôi và chìm dần vào giấc ngủ ngon trong câu hát của bà, của mẹ. Kể từ lúc này, đứa trẻ chính thức trở thành thành viên trong gia đình.

Đến buổi chiều ngày lễ, anh hay chị sẽ cõng em bé trên lưng và ra chợ để mua bán một số vật dụng như bút, sách (nếu em bé là con trai) hoặc gương, lược, kim chỉ (nếu là con gái). Thủ tục này thể hiện sự hòa nhập của em bé trong cuộc sống mới và cũng là báo hiệu cho cộng đồng về sự có mặt của thành viên mới. Ở một số vùng, người Tày còn có tục tặng bánh chưng tam giác (bánh coóc mò) cho các gia đình trong bản để lấy may mắn.

Lễ hất bjoóc/ pủ bjoóc (vun hoa, làm hoa): Lễ hất bjoóc được tổ chức liên tục 03 năm kể từ khi em bé ra đời. Lễ này thường được tổ chức vào mùa xuân và kèm với lễ cầu an, giải hạn của gia đình. Đồng bào quan niệm, trong 03 năm đầu đời, đứa trẻ thường hay bị ốm yếu do “bông hoa mệnh” còn non yếu. Do đó, phải mời thầy về để vun cho gốc cây hoa thêm mạnh khỏe, vững chãi. Nếu gia đình mời thầy then đến làm lễ thì điểm nhấn quan trọng của lễ hất bjoóc là múa chầu xung quanh gốc cây hoa. Cây hoa được cắt dán bằng các loại giấy màu, dán trên 01 chiếc khung tre, cắm vào ống bơ to có đựng gạo để cố định và đặt vào 01 mâm gạo lớn. Trên mâm gạo có bánh kẹo, tiền và 07 (nếu là bé trai) hoặc 09 (nếu là bé gái) chiếc chén đựng rượu. Thầy then cùng với các thành viên trong gia đình và dân bản sẽ múa xung quanh cây hoa với động tác vun xới để mong cây mệnh lớn lên vững trãi, khỏe mạnh và không bệnh tật. Hình thức múa này được gọi là “mủa chầu luổm cốc bjoóc” và chỉ có trong nghi lễ then.

Lễ pjá Mẻ Bjoóc/ pjá mụ (trả ơn Mẻ Bjoóc/ trả ơn bà mụ): Lễ này được tổ chức khi đứa trẻ đã bước sang tuổi vị thành niên (khoảng 13 đến 18 tuổi). Lúc này trẻ đã lớn khôn, mạnh mẽ và nhiệm vụ của Mẻ Bjoóc cũng đã hoàn thành, gia đình sẽ làm lễ để trả ơn Mẻ Bjoóc. Việc trả ơn Mẻ Bjoóc khá quan trọng vì đồng bào cho rằng, nếu chưa trả lễ thì dù đã lớn nhưng con người vẫn còn tính cách trẻ con và đặc biệt là khó lấy chồng, lấy vợ. Đây cũng có thể coi như là nghi lễ đánh dấu sự trưởng thành của người Tày.

Lễ quét bjoóc héo (quét hoa tàn): Bjoóc héo (hoa tàn) là từ ám chỉ những đứa trẻ bị chết yếu. Trong trường hợp này, đồng bào thường mời thầy cúng đến để làm lễ quét bjoóc héo với ý nghĩa trả lại hoa héo, hoa tàn về cho Mẻ Bjoóc và cầu xin nữ thần ban cho hoa mới đẹp đẽ, khỏe khoắn hơn. Lễ quét bjoóc héo có ý nghĩa quan trọng vì nó giúp cha, mẹ nguôi ngoai nỗi thương xót đối với đứa con thơ.

Những mã văn hóa gắn với tục thờ Mẻ Bjoóc

Tục thờ Mẻ Bjoóc phản ánh chế độ mẫu hệ trong cộng đồng Tày

Cũng như các tộc người khác, các chế độ xã hội của người Tày diễn biến, phát triển theo từng thời kỳ khác nhau, từ chế độ mẫu hệ cho đến phụ hệ và ngày nay là song hệ. Sự hiện diện của tục thờ Mẻ Bjoóc trong tín ngưỡng dân gian người Tày là dấu ấn rõ rệt nhất cho chế độ xã hội mẫu hệ vốn đã tồn tại từ buổi đầu sơ khai của lịch sử tộc người. Việc tôn thờ người mẹ không chỉ tồn tại trong tín ngưỡng dân gian Tày mà còn có cả ở một số tộc người khác như người Việt, người Chăm,… Điều này phần nào phản ánh bề dày lịch sử phát triển lâu dài của người Tày trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam và với các cộng đồng khác trên thế giới. Ở đây, vai trò của người phụ nữ rất được đề cao, tôn trọng. Sự đề cao này được thể hiện thông qua việc trao cho Mẻ Bjoóc quyền năng ban phát và quản lý số mệnh của con người.

Tục thờ Mẻ Bjoóc gắn với tục thờ đất

Đất có vai trò rất quan trọng trong đời sống con người, đất là nơi con người tồn tại, phát triển. Do đó, tục thờ đất được coi trọng và phát triển thành những hình thái tín ngưỡng khác nhau. Ở cộng đồng người Tày, việc thờ đất được thể hiện rõ nhất qua 02 tục thờ khá phổ biến là tục thờ Thổ Công/ Thổ Địa (thó tỷ) và thờ Mẻ Bjoóc.

Tục thờ Mẻ Bjoóc trong tín ngưỡng dân gian người Tày
Múa chầu “luổm cốc bjoóc” trong nghi lễ then đầy tháng của người Tày do NNND Nông Thị Lìm thực hiện. Ảnh: Tiến Dũng

Cả Thổ Công và Mẻ Bjoóc đều là hiện thân của linh hồn đất. Tuy nhiên, nếu Thổ Công là hình tượng được gán cho trách nhiệm coi sóc gia đình, làng bản thì Mẻ Bjoóc lại là vị thần hoàn toàn chịu trách nhiệm tạo ra và nuôi nấng thể xác, linh hồn. Con người ta sinh ra ở trên cõi hồng trần nhưng về số mệnh đều là những bông hoa được trổ ra từ cây sinh mệnh nhân loại do Mẻ Bjoóc chăm sóc([1]).  Như vậy thì theo quan niệm người Tày, con người là bông hoa đẹp nhất được mọc lên từ đất mẹ và cũng chính là phản ánh của người mẹ vĩ đại – nữ thần đất. Do đó, hình tượng nữ thần Mẻ Bjoóc về bản chất cũng chính nữ thần đất.

***

Tục thờ Mẻ Bjoóc của người Tày mang nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, nó thể hiện sự nhìn nhận về thế giới (thế giới quan) của người Tày. Trong đó, phản ánh khá sâu sắc về những ý niệm, tín ngưỡng nguyên thủy như tín ngưỡng thờ đất, tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng thờ cây cối… Tục thờ Mẻ Bjoóc có thực hành là những nghi lễ ban đầu gắn với vòng đời người và đặc biệt, tục này còn có thể chính là tàn dư của lễ trưởng thành trong cộng đồng người Tày. Ngoài ra, sự hiện diện của tục thờ Mẻ Bjoóc còn là sợi dây nối dài các thế hệ và các mối quan hệ máu mủ, ruột thịt trong cộng đồng Tày qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau. Đến nay, đồng bào Tày vẫn nâng niu, trân trọng gìn giữ và bảo lưu những thực hành tín ngưỡng tốt đẹp trong tục thờ này.

([1]) PGS.TS Nguyễn Thị Yên (2009), Tín ngưỡng dân gian Tày, Nùng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. Sđd tr66,67

Nguyễn Văn Bách

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy