Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
16:18 (GMT +7)

Từ việc dạy bài thơ “Sóng” nghĩ đến bệnh thoát li văn bản trong dạy học văn hiện nay

VNTN - Cho đến nay, kể từ khi bài thơ Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh được đưa vào SGK ngữ văn lớp 12 THPT, thì trên diễn đàn văn học nhà trường đã có rất nhiều các chuyên gia văn học viết lời giảng bình để cung cấp văn mẫu cho học sinh. Xét về nội dung bài thơ, thì hầu hết các bạn viết ai cũng cho rằng, Sóng là lời bộc bạch giãi bày tâm trạng của người con gái khi đến với tình yêu. Song, khi đi vào tìm hiểu tác phẩm thì lại chẳng mấy ai khám phá đến tận cùng những diễn biến tâm trạng thực của nhân vật trữ tình. Và do đó đã dẫn đến tình trạng có rất nhiều bạn viết khi giảng bình đã không hề quan tâm đến tình ý chân thật của những câu thơ, mà chỉ coi chúng như một thứ tư liệu để minh họa cho những ý tưởng và quan niệm chủ quan. Ở đây, chúng tôi xin viện dẫn một vài văn bản đối chứng nhằm làm sáng tỏ nhận xét của mình.

Về khổ thơ đầu:     

Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể

Khi nói về nội dung và ý nghĩa khái quát của nó, một tác giả thuộc nhóm chuyên gia biên soạn cuốn Sách giáo viên ngữ văn lớp 12 THPT (hệ cơ bản, NXB Giáo dục, 2008) đã giới thiệu như sau: “Mở đầu bài thơ là trạng thái đặc biệt của một tâm hồn khao khát yêu đương đang tìm đến một tình yêu rộng lớn hơn”.

Chỉ riêng ở nhận định này cũng thấy rõ rằng, tác giả đã không để ý đến tâm trạng thật của người con gái khi đến với tình yêu. Và cũng vì vậy, khi giảng khổ thơ, tác giả đã không có được một câu, một chữ nào gọi đúng tên các trạng thái tình cảm của nhân vật trữ tình, cũng như không biết người con gái này có bao nhiêu nỗi niềm sâu kín muốn được giãi bày.

Theo chúng tôi, chỉ riêng ở khổ thơ này, nhà thơ đã cho ta thấy hai biểu hiện tâm trạng của người con gái khi đến với tình yêu.

Một là, ngay từ đầu, người con gái đã vô tư thú nhận cái rạo rực của trái tim mình, một trái tim đang thao thức và cháy bỏng niềm khao khát yêu đương. Cứ như tình ý của cô, thì khi đến với tình yêu, con sóng lòng trong ai mà chẳng giống như nhịp vỗ của những con sóng ngoài biển khơi kia: Dữ dội và dịu êm/ Ồn ào và lặng lẽ.

Cái nhịp vỗ của những con sóng ngoài biển khơi vốn dĩ luôn đầy biến hóa. Khi thì nó vẫy vùng gào thét, lúc nó lại dìu dặt hát ca; khi thì dữ dội, lúc lại dịu êm; khi ồn ào, lúc lại lặng lẽ. Đó có phải cũng là cái nhịp vỗ bấn loạn của con sóng trong lòng người con gái, mà ở đó, ta nhận ra cả cái thất thường tính khí, cái trái tính, trái nết của kẻ đang yêu. Tâm tính của người con gái ấy trong những phút giây rạo rực, khi thì cồn cào như bốc lửa, lúc lại thâm trầm như mặt hồ lặng sóng. Khi chợt nóng, lúc lại chợt lạnh; Thoắt buồn, thoắt vui, tươi héo từng giờ; Đang yêu đấy lại giận hờn ngay đấy. Nhưng đó là một tâm hồn yêu chân thành và tha thiết. Bởi lẽ, dù có dữ dội cũng trở lại dịu êm, dù có ồn ào cũng trở lại lặng lẽ. Sau mọi giận hờn, oán trách, hoài nghi vẫn là một niềm tin yêu, thương nhớ và hy vong.

Hai là, sau những phút giây rạo rực, người con gái với bản lĩnh cứng cỏi của mình, đã ngay lập tức bày tỏ niềm khao khát được tháo cũi xổ lồng, được giải thoát mình khỏi cái không gian chật hẹp của những quan niệm lỗi thời về tình yêu: Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể.

Chả là, vào cái thời của Xuân Quỳnh, tàn dư của nếp sống và nếp nghĩ cũ, của thói quen và tập quán cũ vẫn tồn tại như những vật cản ngăn cấm quyền tự do của người phụ nữ. Bởi lẽ trong thực tế, không ít chị em, vì bị trói buộc trong cái không gian chật hẹp ấy mà phải chấp nhận thứ tình yêu sắp đặt, gả bán để rồi chôn chặt tuổi xuân của mình trong xó cửa.

Là một phụ nữ vừa giàu khát vọng, lại vừa có bản lĩnh, Xuân Quỳnh không chịu giam mình trong cái không gian chật hẹp ấy. Có phải vậy, mà lời giãi bày của chị lại vang ngân như một lời tuyên cáo: Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể.

Trong quy luật tự nhiên của nó, những con sóng dù ẩn mình ở nơi đâu, bất kể là ao đầm, khe suối hay sông hồ, thì cuối cùng cũng xuôi về biển cả. Chỉ có điều, dưới cái nhìn của nhà thơ, thì những con sóng vô tri ấy lại được miêu tả như những chủ thể có ý thức muốn được bung phá thoát ly. Chúng không chỉ thầm khao khát mà còn tuyên bố giã từ lòng sông chật hẹp để ra nơi biển lớn. Bởi lẽ chỉ có không gian trùng dương bát ngát ngoài kia mới hiểu được niềm khao khát của sóng, mới cho phép nó được thỏa sức vẫy vùng. Và cũng chỉ ở nơi không gian bát ngát ấy, sóng mới được tự do gào thét, được sống với những phút giây cuồng nộ của nó.

Người con gái trong Xuân Quỳnh cũng vậy thôi. Một khi đã tuyên bố “sóng tìm ra tận bể” là lúc người con gái ấy quyết giã từ khỏi cái nơi mà ngay cả đến cha mẹ, dòng tộc, họ hàng, xóm mạc, cho đến cả một tổ chức hay đoàn thể nào đó của một thời ấu trĩ cũng không hiểu được niềm khao khát của mình. Nếu những con sóng quyết ra với trùng dương bao la để được thỏa sức vẫy vùng, thì người con gái cũng quyết ra với biển đời rộng lớn để tìm kiếm một tình yêu cao đẹp gắn liền với quyền sống chính đáng của người phụ nữ trong thời đại mới. Thứ tình yêu mà ở đó, người ta yêu nhau để được thỏa mãn mọi sở thích, được thực hiện ước mơ và hoài bão, được cống hiến và sáng tạo, được sống cho hết mình, sống cho đã đầy, sống “cho no nê thanh sắc của thời tươi” (Xuân Diệu).

Ở một khổ thơ tiếp theo:

Sóng bắt đầu từ gió

Gió bắt đầu từ đâu

Em cũng không biết nữa

Khi nào ta yêu nhau

Cũng tác giả nói trên đã giới thiệu khái quát về nội dung và ý nghĩa của nó như sau: “Khi tình yêu đến, như một tâm lý tự nhiên và thường tình, người ta luôn có nhu cầu tìm hiểu và phân tích”.

Có thể nói ngay rằng, trên đây là những nhận định mơ hồ của bạn về một điều không có thật trong thế giới tình cảm của con người. Bởi lẽ trong cuộc đời này, chẳng có chàng trai cô gái nào khi yêu nhau lại có nhu cầu phân tích về tình yêu cả. Nhất là khi chỉ có hai người bên nhau, họ chỉ biết yêu nhau và say đắm nhau mà thôi. Huống hồ thơ ca đâu có phải là một ngành khoa học để làm công việc lý giải hiện tượng này. Có chăng nó chỉ làm chức năng tái hiện những khoảnh khắc rung động của lòng người trước tình yêu. Vì vậy không nên cho rằng, Xuân Diệu đã từng định nghĩa về tình yêu. Chẳng qua là, vào những khoảnh khắc hưng phấn nhất của cảm xúc do tình yêu mang lại, Xuân Diệu đã biết cách tô điểm để làm duyên cho thơ mình bằng những câu thơ nhuốm màu triết lý mà thôi (Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!/ Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều/ Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,/ Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu...).

Và tất nhiên Xuân Quỳnh thì cũng vậy. Thành ra nếu bạn cho rằng những câu ở khổ thơ trên là cách cắt nghĩa về tình yêu rất Xuân Quỳnh, một cách cắt nghĩa nữ tính và trực cảm…thì nhận định của bạn phải chăng chỉ là một nhận định mang tính ngộ nhận giống như của rất nhiều người thích chạy theo cái mà gần đây thuật ngữ tiếng Việt gọi là “hội chứng đám đông”?

Theo chúng tôi thì, có thể hiểu nội dung và ý nghĩa của khổ thơ trên như sau: Khi hai trái tim đã hòa làm một, thể nào người con gái chẳng có lúc sống lại những khoảnh khắc riêng tư của hai kẻ yêu nhau. Ở đó, khi được nép mình vào vòng tay âu yếm của người bạn đời, biết đâu người con gái chẳng cất lên những lời thỏ thẻ, ví như: Anh ơi, tình yêu là gì anh nhỉ? Nó từ đâu đến hả anh? Chúng mình yêu nhau từ khi nào, anh có biết không? Còn em, em cũng không biết nữa. Em chỉ biết, lúc này chúng mình đang là của nhau, phải không anh?

Rõ ràng những lời tình tự thỏ thẻ ấy chỉ là những tiếng yêu của một tâm hồn đang say đắm. Mà khi cất lên những lời tình tự ấy, người con gái chỉ muốn được ru mình trong cái điệp khúc ngất ngây của hạnh phúc tình yêu, chứ không cần nghe một lời đáp lại. Và càng không có ý định đi tìm ngọn nguồn bí ẩn hoặc cắt nghĩa cái huyền diệu của tình yêu. Chẳng qua những lời tình tự ấy vốn ủ sẵn mầm thơ, để rồi khi đứng trước cái mênh mang của biển rộng và gió trời, vào cái khoảnh khắc gặp gỡ và hòa điệu giữa cảnh vật và lòng người, nhà thơ đã mượn cảnh để kích hoạt cho cái mầm  ấy thăng hoa thành những vần thơ đẹp ngân vọng giữa lòng đời đó thôi.

Về khổ thơ tiếp theo:

Cuộc đời tuy dài thế

Năm tháng vẫn đi qua

Như biển kia dẫu rộng

Mây vẫn bay về xa

Một tác giả khác, trong cuốn Bộ đề kiểm tra kiến thức ngữ văn THPT (NXB Giáo dục, 2002) đã có nhận định khái quát như sau: “Đoạn trích trên đây diễn tả nỗi khắc khoải âu lo về sự trôi chảy của dòng thời gian, cái hữu hạn của đời người và khao khát hòa nhập cuộc đời”.

Nhận định trên đây của bạn chưa thuyết phục chúng tôi. Bởi lẽ ở khổ thơ vừa trích, chúng tôi không thấy bất kỳ một tín hiệu ngữ nghĩa minh bạch nào hiện ra từ các câu chữ cho phép bạn đọc nhận ra cái gọi là nỗi khắc khoải âu lo về sự trôi chảy của dòng thời gian, về cái hữu hạn của đời người. Vả càng không một tín hiệu nào thể hiện cái gọi là niềm khao khát hòa nhập cuộc đời như bạn nghĩ. Vậy nên, với nhận định ấy, thì kết quả sẽ đưa tới những lời giảng sau đây: Đứng trước biển vô hạn, nhà thơ không khỏi chạnh lòng nghĩ đến đời người mong manh, bé nhỏ. Các cặp từ đối lập: Cuộc đời (ngắn ngủi), năm tháng (vô biên), dài (vô hạn), đi qua (hữu hạn), cho thấy nỗi ám ảnh thời gian của người con gái đang khao khát tình yêu, khao khát nắm giữ tình yêu nhưng đồng thời lại ý thức rất rõ quy luật phôi pha của thời gian cuộc đời. Vì vậy nhà thơ băn khoăn đi tìm cách để nhập thế vào biển cả cuộc đời. Ta nhận thấy ý vị của một kẻ tu hành đang trở về với đạo, với đời chung. Khi yêu, người con gái thường thấy khó hiểu ngay chính bản thân mình nên có xu hướng vượt ra khỏi cái tôi hạn hẹp quen thuộc để đến với thế giới rộng mở diệu kỳ. Người con gái đối diện với biển cả bao la như đối diện với tình yêu. Đó là tâm thế cho nhân vật trữ tình bộc lộ dự cảm về thời gian trôi chảy của kiếp người.

Quả thực khi nghe những lời bạn giảng trên đây, chúng tôi đã muốn hỏi ngay bạn rằng: Bạn đang giảng thơ của Xuân Quỳnh hay giảng thơ của ai, mà trong chốc lát mọi bóng dáng và hồn cốt những câu thơ Xuân Quỳnh như biến đi đâu mất. Còn ở nội dung bài giảng của bạn, thay vì được biết đến thế giới tâm trạng và nỗi niềm đa đoan của người con gái khi đến với tình yêu, thì nay người ta chỉ còn thấy có mỗi bóng dáng của bạn trên văn bản. Bóng dáng của một người đang say sưa “tự hát” về mình. Vả lại, hình như chính bạn cũng không biết mình đã nói điều gì qua những lời giảng ấy.

Theo tôi thì, có thể hiểu khổ thơ trên như sau: Xuân Quỳnh viết bài thơ Sóng vào thời điểm khi nhà thơ đã từng một lần nếm trải sự đổ vỡ trong tình yêu. Dẫu sự đổ vỡ ấy không làm nguội tắt ngọn lửa khát vọng trong tâm hồn, nhưng Xuân Quỳnh đâu dễ đã dứt bỏ được nỗi ám ảnh về cái mong manh của tình yêu: Cuộc đời tuy dài thế/ Năm tháng vẫn đi qua/ Như biển kia dẫu rộng/ Mây vẫn bay về xa.

Xem ra những vần thơ tinh tế trên đây chỉ có thể được cất lên từ đáy lòng của một phụ nữ đã từng khổ đau vì sự đổ vỡ. Nó chứa đựng cái nhạy cảm của tâm hồn người con gái trước những gì là nhỏ bé mong manh. Rõ là, một khi đã mang nỗi ám ảnh về sự đổ vỡ, tàn phai thì nhìn vào bất kể vật thể nào nơi thế giới xung quanh, cho dù vật thể ấy to lớn rộng dài đến mấy, thì những người con gái đa cảm như Xuân Quỳnh, cũng chỉ thấy chúng rất nhỏ bé mong manh mà thôi. Ví như cuộc đời con người “tuy dài thế” (hữu hạn) nhưng so với năm tháng vĩnh hằng -“năm tháng vẫn đi qua” (vô hạn) thì quãng thời gian trăm năm của mỗi cuộc đời người cũng có đáng kể gì đâu. Cũng như “biển kia dẫu rộng” (hữu hạn) nhưng so với cái bao la của vũ trụ không cùng “mây vẫn bay về xa” (vô hạn) thì biển kia, chẳng qua cũng chỉ là một thực thể nhỏ bé mong manh như không hề tồn tại mà thôi. Vậy thử hỏi, tình yêu của những thân phận người bé nhỏ trên cõi nhân tình này có gì mà chẳng nhỏ bé mong manh, chẳng dễ phai tàn đổ vỡ.

Thật tội nghiệp cho những trái tim phụ nữ. Sở dĩ họ cứ phải mang nỗi ám ảnh về sự mong manh, phai tàn khi đến với tình yêu là bởi lẽ, xưa nay không thiếu gì những kiếp “hồng nhan bạc phận”, không thiếu gì những người phụ nữ tha thiết với tình yêu nhưng lại phải gánh chịu bao nỗi truân chuyên, trắc trở duyên tình. Vả lại giữa cuộc đời còn nhiều sóng gió này có thiếu gì duyên cớ đưa tới cái mong manh, phai tàn đổ vỡ của tình yêu. Chẳng vậy mà có ai đó đã từng viết: Anh vẫn biết một điều mong manh nhất/ Là tình yêu, là tình yêu ngát hương.

Trên đây, chúng tôi xin chỉ nêu ra ví dụ về cách giảng bài thơ “Sóng” ở một vài chi tiết. Còn nếu cần phải xem xét cách giảng cả bài thơ này cũng như của nhiều bài thơ có trong chương trình ngữ văn lớp 12 THPT, các bạn sẽ thấy ngay căn bệnh của văn học nhà trường như chúng tôi đã nêu ở trên. Và có phải chính căn bệnh này cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều học sinh trong các trường phổ thông hiện nay quay lưng, ngoảnh mặt với môn văn đó chăng?

 Hoàng Thạch Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy