Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
06:33 (GMT +7)

Từ “Về nhà đi con” nghĩ về phim Việt

Khoảng mười lăm năm về trước những bộ phim trên VTV về đề tài nông thôn luôn cuốn hút khán giả. Được vậy, bởi phim về đề tài này thường gần gũi với tâm hồn, văn hóa Việt (nhiều người dù đang sinh sống ở thành phố nhưng hầu hết đều có gốc gác từ nông thôn). Nhưng rồi một thời gian khá dài sau đó, phim truyền hình Việt Nam mất dần khán giả bởi không ít những bộ phim ở cấp độ thấp mà không hiểu vì sao vẫn xuất hiện đều đều trên màn ảnh nhỏ. Thể loại phim truyện truyền hình rất cần có sự gần gũi với đời sống. Những bộ phim nhạt nhẽo không được khán giả đón nhận đã đành, những bộ phim mang triết lý quá cao siêu hoặc xa lạ với con người, dù có ở tầm cao của nghệ thuật có khi cũng khó đi vào lòng đông đảo công chúng.

Từ “Về nhà đi con” nghĩ về phim Việt 1144
Phim “Về nhà đi con” đã thu hút nhiều sự quan tâm và để lại những ấn tượng khó phai mờ với khán giả

Nhiều năm gần đây, trên màn hình nhỏ của VTV có vẻ như đã bớt dần những bộ phim có phần nhảm nhí, gây cười một cách… không thể cười, thậm chí phản cảm. Chừng như đang có sự thế chỗ, lên ngôi của những bộ phim về đề tài gia đình. Những “Sống chung với mẹ chồng”, “Nàng dâu order”, “Gạo nếp, gạo tẻ”, “Hướng dương ngược nắng”, “Trở về giữa yêu thương”, “Hương vị tình thân”, “Nơi giấc mơ tìm về”,…  và đặc biệt là bộ phim “Về nhà đi con” 85 tập được khởi chiếu từ 2019, đến nay đã được phát đi phát lại khá nhiều lần trên các kênh từ trung ương đến địa phương nhưng vẫn được công chúng chờ đón một cách say mê, nhiệt tình, nhất là những người ở tầng lớp cao tuổi. Bộ phim rất xứng đáng nhận giải thưởng Cánh diều Vàng năm 2019 dành cho phim truyền hình. Phim còn mang lại nhiều giải thưởng cho đạo diễn, diễn viên… Rất nhiều năm sau đó, phim vẫn còn đi theo khán giả, nhắc đến cái tên “Về nhà đi con” hầu như từ già đến trẻ đều biết. Trên Google đã có tới nửa tỷ kết quả tìm kiếm. Đặc biệt nhất là có không ít lời thoại trong “về nhà đi con” đã trở thành câu cửa miệng lưu chuyển trong dân gian. Trong nghệ thuật mà đạt được điều này là cực hiếm. Bởi vậy, đặt vấn đề tiếp tục nhắc lại một bộ phim thành công như “Về nhà đi con” là một việc hết sức cần thiết.

Câu hỏi đặt ra là vì sao phim “Về nhà đi con” lại được nhiều người hâm mộ như vậy? Có lẽ, trước hết bởi nội dung phim rất gần với đời sống thường ngày. Ở thời điểm trước đây, lớp trẻ và không ít những người có tuổi thường tìm đến phim Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ. Xảy ra vấn đề này, thiết nghĩ, không phải người Việt sính ngoại hoặc đòi hỏi ở tầm cao nghệ thuật mà nguyên nhân chính là do phim của các nước này thường có nội dung hấp dẫn. Nội dung là “vua”, đúng như slogan của truyền hình, điện ảnh hôm nay.

Một phim hay, trước hết phải có kịch bản hay. Một kịch bản hay là một kịch bản có thể “chạm” vào trái tim con người. Những quan niệm sống, những cách hành xử của các nhân vật trong phim phải tạo được hiệu ứng đồng cảm với khán giả. Khi thưởng thức phim, khán giả phải “tìm thấy”, “nhìn thấy” mình trong đó. Nếu những nhà biên kịch (đặc biệt là những biên kịch trẻ) chỉ có một mớ lý thuyết và kỹ thuật điện ảnh mà thiếu vốn sống, thiếu tài năng sáng tạo văn chương thì khó thực hiện nổi việc này. Kinh nghiệm trên thế giới và cả ở Việt Nam nữa, những bộ phim nổi tiếng, kinh điển thường được các nhà văn am hiểu điện ảnh trực tiếp biên kịch hoặc được các nhà biên kịch tài năng chuyển thể từ văn chương.

Yếu tố giải trí trong phim là điều không thể thiếu, nó cũng là một trong những chức năng của văn học nghệ thuật, càng thể hiện rõ hơn ở phim truyện truyền hình. Nhưng bên cạnh đó, các chức năng quan trọng khác như thẩm mỹ, giáo dục (thực chất là tự giáo dục) không thể vắng bóng trong tác phẩm điện ảnh. Mà cốt lõi để làm nên việc này phần lớn chính nhờ ở giá trị nhân văn. “Về nhà đi con” đã mang đầy đủ các yếu tố nói trên, giá trị lớn nhất trong “về nhà đi con” chính là giá trị nhân văn. Bộ phim thành công là bởi các niềm vui, nỗi đau, niềm kiêu hãnh, sự ân hận, lòng nhân ái, tình yêu, sự căm ghét… của các nhân vật trong phim đều động đến tâm can của khán giả, mà lại ở những chỗ rất đời thường. Thêm nữa, chúng ta đều biết, phần lời thoại trong phim truyện truyền hình là một yếu tố hết sức quan trọng. Trong “Về nhà đi con” phần lời thoại khá nổi trội. Đặc biệt, cũng cần nói thêm, ở bộ phim này có nhiều phát ngôn (thông qua lời nhân vật) đôi khi có vẻ hơi “phá cách”, hơi xa lạ với truyền thống nhưng lại tạo ra một cái nhìn mới được sự đồng cảm của nhiều người. Ví dụ: “Người tử tế trên đời này thì nhiều lắm. Nhưng thà sống với một người xấu còn hơn với một người tốt vô tích sự”. Hoặc: “Tha thứ cho một kẻ không ra gì không phải là vị tha đâu mà là sự tột đỉnh của ngu dốt”. Vì vậy, phim không chỉ thu hút các khán giả lớn tuổi mà còn thuyết phục được nhiều khán giả trẻ vốn ưa sôi động, ưa phản biện và thường ít chú ý đến những chuyện tưởng như tĩnh lặng như vấn đề gia đình.

Cách xây dựng nhân vật trong “Về nhà đi con” cũng rất xuất sắc. Nhân vật có cá tính, mỗi người một vẻ trong tính cách, trong quan niệm sống. Niềm vui, nỗi buồn của nhân vật không chung chung, dễ dãi như nhiều bộ phim khác. Điều này thể hiện rất rõ qua các nhân vật ông Sơn, Huệ, Thư, Dương, Quốc, Bảo, bà Hạnh…

Ngoài ra cũng phải thừa nhận, dàn diễn viên của phim đã diễn xuất một cách đầy tài năng. Đặc biệt, ở một số trường đoạn, nhiều vai đã có diễn xuất bằng nét mặt rất thành công, tạo được sự đồng điệu, xem một biết hai, biết ba của khán giả. Sự đồng điệu và đồng sáng tạo này rất cần cho mỗi bộ phim, đặc biệt là phim truyền hình.

Sự thành công lớn của “Về nhà đi con” cùng vài bộ phim khác về đề tài gia đình trong thời gian vừa qua đã để lại những ấn tượng khó phai mờ trong lòng công chúng. Nhưng bên cạnh thành công ấy, phim truyền hình Việt Nam cần phải nghĩ đến việc khai thác những đề tài khác. Có vậy mới làm nên một diện mạo đa dạng, nhiều màu sắc trong đời sống muôn màu muôn vẻ của ngày hôm nay. Được đông đảo khán giả mến mộ cũng là một dấu hiệu tốt đẹp của nghệ thuật, nhưng không chỉ có vậy. Công bằng mà nói, “Về nhà đi con” tuy được gọi là xuất sắc nhưng mới chỉ tạo được sự đồng cảm, đồng điệu của khán giả về mặt thị hiếu, tâm lý thưởng thức. Có sự lấp lánh nhưng là sự lấp lánh mang nhiều yếu tố bình dân (ở đây không có ý hạ thấp cái bình dân). Ở một bình diện nào đó chúng ta cần phải có những tác phẩm điện ảnh, truyền hình có tầm cao nghệ thuật, không chỉ giúp độc giả, khán giả “nhìn thấy mình”, “tìm thấy mình” mà phải có tầm khơi gợi những gì khuất lấp, sâu thẳm nhất trong tâm hồn con người. Đây là một bài toán khó, không chỉ ngày một ngày hai mà có thể thực hiện nổi. Nhưng đã là nghệ thuật thì không được phép bỏ qua.

Trong giai đoạn Đổi mới, hiện đại hóa, không riêng gì điện ảnh, truyền hình mà tất cả các bộ môn nghệ thuật đều rất cần những tác phẩm mang ý nghĩa hướng dẫn, khai mở sự thưởng thức của khán giả.      

Đó là sự mong đợi và hy vọng của công chúng.

Hải Yến

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy