VNTN - Cách đây mươi năm, trong khi một số người cấp tiến đang mải mê với hình thức, với văn bản, với thi pháp trong nghiên cứu văn học, còn lại đa phần vẫn tôn sùng tác giả, thì Trương Đăng Dung cô đơn, âm thầm và nhẫn nại đứng về phía người đọc, giúp người đọc được phép có tiếng nói và hướng khoa học văn học nước nhà hiểu hơn về quá trình Từ văn bản đến tác phẩm văn học, và Tác phẩm văn học như là quá trình - hai chuyên luận thời danh của ông. Nói thế để thấy, trong tư tưởng và tình cảm của Trương Đăng Dung, luôn có một trạng huống thi ca. Sự ý thức về hữu hạn, sự ám ảnh về cái chết, sự cô đơn thường trực, sự bi quan về nhân sinh phi lý… đó đều là những cảm thức mà chúng ta nhận ra ở Trương Đăng Dung, dẫu ông đang diễn giải trên loại hình diễn ngôn gì: phê bình, lý thuyết, dịch thuật, diễn từ… thậm chí là viết thư hay tin nhắn. Điều chúng tôi muốn đề cập ở đây, tập thơ Những kỷ niệm tưởng tượng [Nxb Thế giới, 2011- mọi trích dẫn thơ trong bài nếu không có chú thích gì thêm thì đều từ nguồn này] thực ra chỉ là một loại diễn ngôn khác cho những đeo đuổi triết học và lý thuyết văn học mà Trương Đăng Dung đã trình bày trong những chuyên luận của mình.
Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2011 đã là “vật chứng” nhằm ghi nhận về chất lượng nghệ thuật của tác phẩm. Một cách nào đó, Trương Đăng Dung thông qua một hành vi sáng tạo, thật ngoạn mục, đã “minh họa” và “cụ thể hóa” những vấn đề triết mỹ của mình thành tác phẩm nghệ thuật mà chẳng cần cầu viện ai từ bên ngoài. Tức là, Những kỷ niệm tưởng tượng với tôi, đầu tiên cần được xét đến như một “vật chứng” cho các quan tâm triết mỹ mà Trương Đăng Dung đã từng phát biểu trong những loại hình diễn ngôn khác. Chúng tôi có thể rất dễ dàng tìm thấy trong tập thơ những vấn đề mà ông từng quan tâm trong diễn ngôn lý luận văn học. Ví dụ:
- Về những giới hạn trong lý luận văn học, Trương Đăng Dung đã tư duy các hệ hình lý thuyết, các bộ môn trong khoa học văn học đều dưới nhãn quan những khả thể cùng những hạn chế của chúng. Hàng loạt tiểu luận như: Những giới hạn của cộng đồng diễn giải, Những giới hạn của phê bình văn học, Những giới hạn của lịch sử văn học, Những giới hạn của lý luận văn học… được công bố trên tạp chí Nghiên cứu văn học đã xác lập một lối tư duy mới mẻ và đặc thù trong nghiên cứu văn học. Điều này được diễn đạt thành thế giới hình tượng thơ trong Những kỷ niệm tưởng tượng thành những bức tường: “Những bức tường, những bức tường,- những bức tường - có mặt khắp nơi - trong những lời vui đoàn tụ - trong những lời buồn chia tay - những bức tường ta không xây - những bức tường không thể phá” [Những bức tường]. Những bức tường ẩn dụ ấy, chính là những giới hạn mà Trương Đăng Dung đồng thời quan tâm trong lý luận văn học. Nhưng ở đây, diễn ngôn thi ca không sinh ra để minh họa máy móc cho lý thuyết, mà thực chất, chúng xuyên thấm vào nhau với cùng một ý hướng và trạng huống xúc cảm. Thi ca và lý thuyết, với Trương Đăng Dung chỉ là những diễn ngôn khác nhau nhằm biểu đạt một vấn đề triết học thống nhất và có chung cội nguồn tư tưởng.
- Về thời gian, Trương Đăng Dung là người yêu mến đặc biệt Martin Heidegger, bởi ông tìm thấy trong triết học của Heidegger mối quan tâm đến thứ thời gian hiện hữu bên trong bản thể, thứ thời gian chủ quan được con người tạo ra thông qua ý hướng của mình. Trương Đăng Dung từng dịch Heidegger [Trên đường đến với ngôn ngữ], và trong Tác phẩm văn học như là quá trình, ông viết: “Phạm trù chính của triết học Heidegger là tính thời gian. Ông cho rằng thời gian phải được phơi bày ra ánh sáng và lãnh hội trung thực như là chân trời của mọi am hiểu và cắt nghĩa hữu thể”[1]. Trong thơ ca, cảm thức thời gian của Trương Đăng Dung hoàn toàn theo cách hiểu của Heidegger, tức đề cao thứ thời gian bên trong và thời gian thân thể: “Anh không thấy thời gian trôi - thời gian ở trong máu, không lời - ẩn mình trong khóe mắt, làn môi - trong dáng em đi nghiêng nghiêng như đang viết lên mặt đất thành lời - về kiếp người ngắn ngủi” [Anh không thấy thời gian trôi].
Thơ Trương Đăng Dung đúng là “thơ thời gian” như cách nói tài hoa và chí lý của nhà phê bình Đỗ Lai Thúy, nhưng đặc trưng của thời gian trong thơ ông, ngoài việc đề cao tính chủ quan và bên trong thân thể, còn là xu hướng xóa nhòa đường biên của lịch sử, giãn nới các chiều kích thời đại và qua đó làm đồng đại hóa những thời đại khác nhau, với những suy tư tồn tại, trăn trở thân phận và nỗi đau truyền kiếp như những mẫu thức chung của nhân loại. “Có thể em quên rằng anh đã gặp em - hai mươi ba ngàn năm về trước - ở một bến sông… - hai mươi ba ngàn năm trong giọt nước mắt này, - giọt nước của ngày xưa còn lại đến hôm nay” [Có thể]. Lịch sử với Trương Đăng Dung là một trò chơi, thời gian được tái diễn qua lịch sử là thứ thời gian hư cấu, là loại thời gian của diễn ngôn chứ không phải thời gian của thực tại. Ngay tựa đề tập thơ đã thể hiện cái chủ ý quan trọng này của Trương Đăng Dung về thời gian. Kỷ niệm tức là quá khứ, là cái đã xảy ra, nhưng vẫn hoàn toàn có thể được hư cấu (tưởng tượng), thông qua quá trình tái diễn giải và cấp nghĩa mới. “Tôi không thể quên một ngày tháng Năm năm 1054 - tôi với anh đã nhìn thấy mặt trời” [Những kỷ niệm tưởng tượng]. Một quan điểm mà có lẽ, chúng ta rất dễ dàng tìm thấy trong các chuyên luận nghiên cứu của ông, nhất là những đoạn viết về triết học giải cấu trúc của Jacques Derrida hoặc tường giải học của Gadamer. Lý thuyết trò chơi của Derrida mà Trương Đăng Dung tâm đắc: “Derrida cố gắng lập luận để chúng ta tin rằng ở nơi sâu lắng của ngôn ngữ có một trò chơi liên tục di chuyển”[2]. Quan điểm này về thời gian và lịch sử đã được cụ thể hóa trong thi ca để trở thành: “đêm khép lại - đâu là lịch sử - đâu là trò chơi? - Mona Lisa mỉm cười - bí ẩn” [Đêm ở Roma].
Một đặc trưng khác trong thứ “thơ thời gian” của Trương Đăng Dung, đó là nhà thơ luôn có xu hướng “hồi cố”, nhưng quá trình “vọng cổ” của ông không nhằm lấy ngày xưa để diễn giải ý nghĩa cho ngày nay, lấy ngày xưa làm khuôn vàng thước ngọc, như lối tư duy truyền thống của thơ ca phương Đông, mà là dùng ngày nay cấp nghĩa cho quá khứ, ở đây chúng ta lại cần quay lại với Heidegger. Tư tưởng của Heidegger đã được hình tượng hóa thành xu hướng hồi cố thời gian và xóa nhòa thời đại trong thơ Trương Đăng Dung, khiến ông không ngừng đặt ra câu hỏi: “ba mươi năm hay ba triệu năm rồi” [Ba mươi năm hay ba mươi triệu năm rồi] hoặc đẩy đưa nhà thơ đến chỗ cần vật chứng cho thứ thời gian bất định, chủ quan.
- Về ngôn ngữ, tác giả là người thực sự quan tâm đến triết học ngôn ngữ, lấy đó làm cơ sở nhằm phân chia hệ hình văn học, đi tìm bản chất văn học cũng như đưa ra quan niệm mới về giá trị và sự thông hiểu tác phẩm văn học. Chúng tôi có cảm giác, văn chương chỉ là phương tiện giúp Trương Đăng Dung thể hiện ý hướng và quan niệm của mình, cái ông quan tâm thực sự, nằm bên ngoài và ở bên trên văn học, đó chính là tồn tại, nhưng đó là thứ tồn tại qua thời gian và nhờ ngôn ngữ. Thơ ca của Trương Đăng Dung theo nghĩa đó, cũng không phải thuần túy là một cuộc phiêu lưu của cảm xúc, mà là một quá trình chiêm nghiệm nhân sinh, mà ở đây là chiêm nghiệm về tồn tại qua ngôn ngữ. “Các sự vật muốn được gọi tên - các sự việc muốn có đời sống mới - Ngôn từ kết nối - phân chia” [Thỏa thuận].
Trương Đăng Dung không quan tâm thuần túy đến thứ ngôn ngữ bên ngoài của ngôn ngữ học, mà hướng sự chú ý của mình đến bản chất của ngôn ngữ, thông qua việc nghiên cứu một cách có hệ thống, bài bản và tìm hiểu đến tận nguồn triết học ngôn ngữ. Với Trương Đăng Dung, muốn hiểu bản chất của văn học cũng như ý nghĩa của văn bản, không có con đường nào khác phải đi nghiên cứu triết học ngôn ngữ. Hai chuyên luận lớn nhất của ông và gần như mọi tiểu luận đều trực tiếp, hoặc liên đới nghiên cứu đến triết học ngôn ngữ. Ông viết: “Và ngôn ngữ với bước đi này (sự xuất hiện của giải cấu trúc của Derrida - PTA) không phải đơn giản chỉ là cái diễn đạt những ý nghĩ, mà trở thành hình thức cơ bản, thành bản chất của những ý nghĩ. Triết học trở thành triết học ngôn ngữ”[3]. Trực tiếp đi sâu vào diễn ngôn thi ca, chúng ta hoàn toàn có thể nhận thấy những vấn đề của triết học ngôn ngữ đã được tác giả quan tâm và đồng cảm. Thứ ngôn ngữ mà Trương Đăng Dung tâm đắc không phải thứ ngôn ngữ của Husserl hay của Ferdinand de Saussure, tức ý hướng của ngôn ngữ không phải do tác giả cấp cho, hoặc có một sự tương ứng tiên nghiệm, chính xác nào giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt, mà ông là môn đệ của Heidegger và Derrida trên phương diện triết học ngôn ngữ. Ngôn ngữ theo những nhà giải cấu trúc là một trò chơi, bên dưới ngôn ngữ là sự bấp bênh, di chuyển của nghĩa, tùy theo người đọc thông diễn. Theo đó, nghĩa của từ là một sự thỏa thuận giữa người đọc và người viết, là vật hai lần có ý thức theo cách nói của Roman Ingarden: “Thế giới không thuần nhất - bấp bênh - những ý nghĩa thỏa thuận” [Thỏa thuận]. Tính trò chơi trong đoạn cuối của bài Đêm ở Roma cũng chính là một biểu hiện khác của quan niệm trò chơi ngôn ngữ mà Derrida đề xuất. Thế giới quan giải cấu trúc, quan niệm thế giới như một liên văn bản, thông qua diễn ngôn thơ Trương Đăng Dung đã trình bày thế này: “Một người nói một người nghe - một người nói nhiều người nghe - nhiều người nói một người nghe - nhiều người nói nhiều người nghe” [Thỏa thuận].
- Về ảo ảnh, Trương Đăng Dung vốn đánh giá cao quan niệm của Caudwell về đặc trưng phản ánh của nghệ thuật, nếu so sánh với quan niệm của Lukács - nhà mỹ học Mác xít hàng đầu thế giới. Trong Ảo ảnh và hiện thực, Caudwell tin rằng cái hiện thực cần phản ánh của nghệ thuật là thứ hiện thực bên trong, còn nhiệm vụ của khoa học là phản ánh hiện thực bên ngoài. Từ đó, nghệ thuật chẳng qua là ảo ảnh về hiện thực, chứ không phản ánh chính xác và trực tiếp hiện thực như niềm tin của Lukács. Trương Đăng Dung nhận định về quan điểm của Caudwell: “Ông không bao giờ xem tác phẩm nghệ thuật đơn giản là một sự biểu hiện, một bản sao hiện thực, mà xem đó là sự gợi nhớ và suy tư về hiện thực” [4]. Chính quan điểm ấy giúp chúng ta hiểu tại sao trong bài thơ Những kỷ niệm tưởng tượng đề tặng nhà thơ Hollo Andras, lại có câu: “em tôi nằm mặt cau có đầy nhăn - giữa ngày sinh của chúng ta lần thứ một ngàn”, và trong bài thơ này tồn tại hệ thống hình tượng phi lý, huyền ảo, siêu thực: “quạ bay về mang theo xương ống cho em tôi chơi, đánh trống”, “chuột ăn cắp tã làm áo choàng, “hôn lên mặt trẻ sơ sinh”, “các bác sĩ lấy nhau làm đồ nhắm rượu”, “kinh nguyệt các y tá chảy chùi vội bằng bông”. Tất cả những yếu tố phi lý, siêu thực, huyền ảo ấy đều là hiện thực, nhưng là thứ hiện thực đã được khúc xạ thành ảo ảnh, tức đã được hình tượng hóa thông qua cái tôi bên trong. Tôi từng nghe Trương Đăng Dung kể về những kí ức và kỉ niệm của đời ông, và hầu hết những hình tượng kỳ dị nói trên đều có thật, dĩ nhiên, dưới một góc độ khác, thời điểm khác, chủ thể khác. Tôi biết, hình tượng nhân vật trữ tình trên đồi Vọng cảnh là ai, biết câu chuyện về quán Piano diễn ra như thế nào, sự kiện chảy máu kinh không có băng bông phải chùi vội là hoàn cảnh gì… nhưng có lẽ, lối phê bình tiểu sử học là không cần thiết ở đây, và cũng không giúp ích gì cho người đọc nhằm thông hiểu văn bản, nên tôi sẽ giữ riêng những tâm sự của Trương Đăng Dung như một kỷ niệm, một vật chứng tâm hồn.
Như vậy, từ quan điểm về hiện thực như là ảo ảnh, vai trò của nghệ thuật là phản ánh thế giới bên trong, ta đã thấy phương thức tư duy xây dựng hình tượng trong thơ Trương Đăng Dung thật đặc biệt. Cũng có khi ông trực tiếp đề cập đến những hình tượng của thực tại như nó vẫn thế, như bài Ghi chép hè 2009, nhưng chủ yếu, hiện thực trong thơ Trương Đăng Dung đã được khúc xạ thành ảo ảnh, mà ảo ảnh thì vốn huyền ảo, siêu thực và phi lý. Bài thơ Giấc mơ của Kafka - một trong những bài thơ hay nhất của tập thơ này là một ví dụ điển hình cho lối tư duy ảo ảnh về hiện thực trong thơ Trương Đăng Dung. Ở đó, những con voi nhảy từ tầng 11 xuống cứu những con chim sẻ, trâu thì xếp hàng mua cỏ, thiếu phụ da vàng chơi với hổ, nữ phát thanh viên không có miệng, đôi mắt người dính trên cổ người không có mặt, những người không có cổ… Không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi thường nhấn mạnh đến hai bài thơ Giấc mơ của Kafka cùng bài Những kỷ niệm tưởng tượng. Hai bài thơ viết cách nhau đến 27 năm (1983 - 2010), một bài tại trời Âu (Budapest) lúc nhà thơ 29 tuổi, bài sau tại Hà Nội, khi ông 56 tuổi. Lối tư duy ảo ảnh ấy, xuất hiện sớm trong cuộc đời nhà thơ, và vẫn là thế giới quan cho đến tận ngày nay khi ông ngẫm suy về thực tại. Một bài lấy Kafka làm cảm hứng và là mã nghệ thuật, Kafka là tác gia văn học mà Trương Đăng Dung yêu mến nhất và đã kỳ công dịch thuật, giới thiệu, phê bình nhiều tác phẩm, bài kia thì tên của nó được dùng để đặt cho cả tập thơ, thì cả hai bài đều tư duy theo lối ảo ảnh, ám ảnh, có biên độ nghĩa rộng rãi đến vô biên. Thật khó để tìm một nghĩa thuần nhất, chính xác, một nguyên bản hiện thực cho những hình tượng này. Nhưng không sao cả, chẳng phải mỗi bài thơ và ý nghĩa của nó đều là sự thỏa thuận giữa văn bản với người đọc hay sao? Mỗi người đọc với những kinh lịch, trải nghiệm và ý hướng, đều có thể tìm thấy cho riêng họ một ý nghĩa, một nguyên mẫu hiện thực từ những ảo ảnh đó.
Tôi một lần nữa nhấn mạnh rằng, thơ ca hay lý luận của Trương Đăng Dung chỉ là những loại hình diễn ngôn khác nhau, cùng viết về một mối quan tâm triết mỹ của tác giả. Những bài thơ của ông được viết từ rất sớm, hơn một nửa những bài trong tập thơ được viết từ trước thời điểm tác giả công bố các chuyên luận, tiểu luận. Điều cốt lõi, dẫu hoạt động trên phạm vi diễn ngôn nào, mối quan tâm tư tưởng và cách tư duy, suy nghiệm của Trương Đăng Dung cũng đậm chất thơ. Những triết gia ông yêu mến đa phần đều là những nhà văn, thứ triết học của họ thường được viết như tác phẩm nghệ thuật, và mối quan tâm của họ đều dựa trên ngôn ngữ, nghệ thuật và con người.
Trương Đăng Dung | Sinh năm 1954 tại Nghệ An Tốt nghiệp khoa Ngữ văn - Đại học Eotvos Loránd Budapest (1978) Bảo vệ Luận án Tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Khoa học Hungary (1984) Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam Nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học. Ông là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu văn học cùng những tác phẩm dịch thuật về mỹ học và lý luận văn học Những kỷ niệm tưởng tượng là tập thơ đầu tiên, tập hợp những sáng tác chọn lọc trong suốt chặng đường dài trải nghiệm của tác giả. | |
[1], [2], [3] Trương Đăng Dung (1998), Từ văn bản đến tác phẩm văn học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.112, tr.160. tr.158.
[4] Trương Đăng Dung (2004), Tác phẩm văn học như là quá trình, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.161.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...