Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
14:49 (GMT +7)

Trách nhiệm mới của báo chí

Umberto Eco (Italy)

VNTN - Umberto Eco sinh năm 1932 tại Italy, được coi là bộ óc đồ sộ của châu Âu - một triết gia, nhà ký hiệu học, nhà sử học, nhà văn, nhà phê bình, giáo sư của Đại học Cộng hòa San Marino, Đại học Bologna, viện sĩ của Viện Hàn lâm quốc gia Italy (Accademia Nazionale dei Lincei) và là thành viên danh dự của Đại học Oxford. Riêng về sáng tác, ông lừng danh với những cuốn tiểu thuyết Tên của đóa hồng (1980), Quả lắc của Foucault (1988), Hòn đảo ngày xưa (1994), Baudolino (2000), Ngọn lửa bí ẩn của nữ hoàng Loana (2004) và Nghĩa địa Praha (2010) cùng những cuốn sách viết cho trẻ em và nhiều văn bản học thuật khác.


Tại sao hàng ngày ta không giới thiệu những trang web tử tế và không điểm mặt những kẻ tung lên mạng chuyện nhảm nhí? Công chúng đang rất cần có dịch vụ đó.

Tôi thấy nực cười câu chuyện về những kẻ ngu ngốc trên internet. Trên mạng và một vài tờ báo bỗng xuất hiện thông tin dường như trong một cuộc thuyết trình tôi có nói rằng internet đầy rẫy những thằng ngốc. Thế là bịa tạc. Bài thuyết trình của tôi về một đề tài hoàn toàn khác, nhưng kiểu đưa tin đó tự thân đã phô bày rất trực quan là trong những ấn phẩm và báo chí trên mạng internet, tin tức được lan truyền và bị xuyên tạc như thế nào.

Kể ra, câu chuyện về những thằng ngốc cũng có chỗ trong buổi thuyết trình ấy: khi trả lời một câu hỏi mà tôi không còn nhớ cụ thể, tôi có chia sẻ một quan sát hoàn toàn lành mạnh. Sau khi xác nhận rằng trong bảy tỉ cư dân của hành tinh chúng ta tất phải có một bộ phận nào đấy những người ngu ngốc, tôi nhấn mạnh: Trước đây, phần lớn trong số họ chỉ chia sẻ những ý tưởng mê sảng của mình cho những người thân cận tại quán rượu - bằng cách ấy, những bộ óc tù hãm của họ không vượt quá một phạm vi hẹp người nghe. Bây giờ, khá đông những kẻ như thế có cơ hội phát biểu ý kiến của mình trên mạng xã hội, mà những luận bàn của họ thì phổ biến cực kỳ rộng rãi và trà trộn vào ý kiến của những người có đầu óc.

Xin lưu ý: tôi không có ý khinh miệt gì khi dùng thuật ngữ “kẻ ngu ngốc”. Không có kẻ ngu ngốc theo những biểu hiện nghề nghiệp (kể ra cũng có một số trường hợp ngoại lệ), song, một người bán hàng tạp hóa, một bác sĩ phẫu thuật hay một nhân viên nhà băng cừ khôi đôi lúc cũng có thể buột miệng nói ra những câu ngớ ngẩn về một sự vật mình không rành rẽ hoặc chưa kịp nhận biết. Thế mà trên mạng, người ta thường dám tung ngay những phát ngôn nóng, chưa có đủ thời gian để mà suy ngẫm.

Kể cũng đúng thôi, internet trao quyền phát ngôn cho cả những kẻ đầu óc thì thiếu lành mạnh, nhưng độ ngu ngốc thì dư thừa quá mức cho phép. Nhiều lời bình không đáng có mà tôi thấy trên mạng chỉ minh họa rõ cho quan điểm hoàn toàn có cơ sở của tôi. Ví dụ, có kẻ viết rằng, theo ý kiến dường như của tôi, thì phát biểu của một thằng ngốc với phát biểu của một người được giải Nobel cũng có mức độ thuyết phục như nhau. Thế là, nhanh như phản ứng dây chuyền, nổi lên cuộc tranh luận vô nghĩa xem tôi đã nhận giải Nobel hay chưa, thậm chí chẳng ai buồn tính đến chuyện thử kiểm tra thông tin trong Wikipedia nữa. Sự việc này góp thêm một bằng chứng là chúng ta quá dễ bị lôi cuốn vào những câu chuyện tầm phào vô bổ. Một người biết sử dụng mạng cần phải biết phân biệt những phát biểu vô căn cứ với những ý kiến đã được nghĩ chín muồi, nhưng than ôi - đâu phải lúc nào cũng được như vậy.

Đến đây, xuất hiện vấn đề chọn lọc, nó đụng chạm đến không chỉ những hồi âm trong blog hay trong twitter. Ngược lại - vấn đề này cực kỳ quan trọng đối với tất cả các trang mạng thường xuyên đưa cả những tin tức nóng sốt có kiểm chứng, cả những trò nhảm nhí các kiểu - như phanh phui một tội phạm không hề có, phủ nhận những sự việc đã rõ rành rành, phân biệt sắc tộc cũng như những tin tức rởm, không xác thực, những dữ liệu đáng ngờ... Lọc thông tin như thế nào đây? Mỗi người chúng ta đều có khả năng nhận biết đồ giả. Như tôi chẳng hạn, khi bàn đến những trang mạng cập nhật đề tài trong tầm hiểu biết của mình, hễ thấy gờn gợn là tôi phải kiểm tra ngay tính xác thực của nó. Nhà trường cũng không thể dạy bạn kỹ năng lọc, bởi chính các thày cô cũng sống trong những điều kiện như tôi: một thày giáo dạy tiếng Hy Lạp thì cũng vô phương tự vệ trước những trang mạng kể về học thuyết các thảm họa hay cuộc chiến tranh 13 năm.

Chỉ còn mỗi một giải pháp. Các tờ báo thường chịu sự ảnh hưởng của mạng, bởi vì chính từ đó thường đẻ ra những tư liệu, và các huyền thoại nữa. Các báo đang nhường cương vị cho đối thủ chủ yếu của mình, và bằng cách đó thường không tránh khỏi tụt hậu so với đối thủ. Nên chăng, chí ít là hàng ngày, mỗi tờ báo phải dành trang để điểm qua tất cả các trang mạng (như việc vẫn làm là giới thiệu sách hay giới thiệu phim), để lọc ra những gì đáng tin cậy, để bóc trần những kẻ tung tin tầm bậy hoặc không chính xác. Những ấn phẩm đáng kính trọng sẽ dành cho bạn đọc của mình sự hỗ trợ lớn lao và cùng lúc, sẽ thu hút về phía mình cả những người sử dụng mạng đang định “bĩu môi” với báo chí. Một chuyên trang kiểu đó hẳn sẽ được nhiều người đọc hàng ngày.

Để thực hiện một dự án như thế, đương nhiên là báo chí cần có một tập thể các nhà phân tích, cần mời nhiều cộng tác viên ngoài tòa soạn cùng tham gia. Tất nhiên, biện pháp này đòi hỏi phải được đầu tư không ít, nhưng xét theo giác độ văn hóa, chắc chắn sẽ rất có giá trị và gọi về một chức năng mới cho báo chí thời nay.

(Đăng Bẩy giới thiệu và dịch theo L'Espresso (Italy))

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy