Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
16:19 (GMT +7)

Tìm hiểu về lịch sử và chiến tranh qua những lá thư thời chiến Việt Nam

VNTN - Tuyển tập Những lá thư thời chiến Việt Nam (Nhà xuất bản Công an nhân dân, 2015) được đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng tuyển chọn giới thiệu, gồm gần 300 lá thư của 127 tác giả, với rất nhiều loại như thư của bố mẹ và con cái, vợ chồng, anh em, người yêu viết cho nhau; thư của thầy trò, bạn bè; có cả thư của những người ở hai bên chiến tuyến. Trong xa cách, chiến tranh khốc liệt, ranh giới sự sống và cái chết nhiều lúc cận kề, tâm trạng con người càng bộc lộ những điều thật nhất, người họ nghĩ đến cũng là những người đặc biệt nhất, người viết thư dường như không giấu những cảm xúc chân thật của mình. Những lá thư được viết bởi nhiều người ở nhiều cương vị, lứa tuổi, giới tính, công việc, thời điểm khác nhau, nên ngoài những cung bậc cảm xúc, tâm tư tình cảm, còn xen vào thêm thông tin về mức độ, diễn biến của cuộc chiến tranh mà họ đã và đang trải qua. Vì vậy, những lá thư càng có giá trị lịch sử và nhân văn cao. Chúng ta có thêm những tư liệu quí báu về những gì đã xảy ra trong lịch sử, về chiến tranh và con người thời chiến.

Sự gian khó, thiếu thốn

Những lá thư cho thấy sự thiếu thốn về vật chất, hoàn cảnh khó khăn gian khổ ở cả tiền tuyến và hậu phương mà nhân dân trên cả hai miền Nam - Bắc đã phải trải qua trong thời kỳ chiến tranh. Những thứ đồ dùng ít ỏi, hiếm hoi cũng được dành gửi về làm quà cho gia đình như mảnh vải, cái đồng hồ, cái hòm đựng đồ, cái cặp sách… Nhưng việc kể qua thư thường ngắn gọn để người thân đỡ lo lắng. Nhiều thư nói đến sự tàn phá của hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, nhất là trận ném bom B52 kinh hoàng vào phố Khâm Thiên (Hà Nội); về tinh thần kiên cường và sự sáng tạo đến kinh ngạc của người dân để tìm mọi cách đối phó với địch “Hầm của gia đình rất kiên cố, hầm chữ A, khung sắt lát tôn và đổ đất nhiều lớp, mắc màn ngủ được, sâu dưới mặt đất… độ rung được triệt tiêu” [tr441].

Càng vào sâu trong chiến trường, chiến sự càng ác liệt qua lời kể của họ, ranh giới giữa cái sống và cái chết luôn cận kề và thường trực. Từng mảnh ghép trong lời kể ở thư của các anh đã cho chúng ta hình dung về thế trận giằng co giữa ta và địch ở khắp các vùng chiến sự, cùng tinh thần dũng cảm của nhân dân các địa phương “9 năm chống Pháp bị giặc đốt 3 lần nhà. 20 năm chống Mỹ bị giặc đốt 4 lần nhà” [tr467]. Nỗi đau chồng chất khi nhận tin mất người thân trong chiến tranh “Mẹ tôi ngồi im lặng không khóc, không nói câu gì. Nước mắt mẹ đã chảy vào trong… vài năm, phải chịu mấy cái tang liền, mẹ tôi suy sụp, tiều tụy và già đi trông thấy” [tr453]. Nhiều lá thư được viết trong những khoảnh khắc yên tĩnh hiếm hoi giữa các trận đánh, mang theo cả hơi thở chiến tranh với tiếng bom đạn, tiếng máy bay, song vẫn ẩn chứa sự kiên cường và lạc quan của người lính.

Cuộc sống vất vả của người lính

Người lính trẻ vừa rời ghế nhà trường và gia đình đã phải cố gắng tột bậc để giữ vững ý chí và tinh thần trên đường ra trận “Mang trên mình hơn 20kg, đi gần 50km, vượt qua bao nhiêu núi đồi sông suối… Nhiều lúc chỉ muốn gục ngay xuống” [tr508]; đến nơi vẫn còn lo dựng lán, đào bếp “Hoàng Cầm để nấu nướng… cơm đang sôi thì quân xanh họ ném mấy quả thủ pháo vào vị trí đóng quân, thế là vừa chạy, vừa nấu và phải di chuyển đến vị trí khác, và lại tiếp tục” [tr512]. Họ đã ước ao “bao giờ được giải phóng trở về, phải ăn vài tháng rau cho sướng” [tr101]. Họ đều hiểu thử thách gian nan trong huấn luyện về thể lực, kỹ năng và tư tưởng, những thiếu thốn khó khăn trên đường hành quân là giúp bộ đội rèn luyện bản lĩnh vững vàng, khả năng xử trí mọi tình huống khi giáp mặt quân thù trên chiến trường. Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, dù chỉ hiếm hoi nhưng cũng vẫn có người nhụt chí, trốn tránh nhiệm vụ hoặc đào ngũ.

Ra trận, dù biết người thân đang dõi theo bước chân của mình, mong ngóng từng tin tức từ chiến trường, song người lính luôn thể hiện trách nhiệm với Tổ quốc, ý thức tổ chức kỷ luật quân đội, kỷ luật thời chiến, tự giác thực hiện nội qui bảo mật ở chiến trường, dù các bức thư đều rất riêng tư không hề bị kiểm duyệt. Các anh không chỉ tôn trọng kỷ luật chung về bảo mật thông tin; mà còn nhắc nhở người thân “lần sau đừng tranh thủ viết thư cho anh vào giờ trực”. Sau này, người lính có lúc còn phải giữ mình tránh xa những cám dỗ ở những thành phố mới giải phóng. Một thế hệ thanh niên đã ra chiến trường với tinh thần như vậy, luôn nghĩ đến trách nhiệm với đất nước, có niềm tin vào ngày chiến thắng, tự tìm ra những niềm vui và sự mới mẻ, ý nghĩa trong hành trình của mình, để vượt qua những gian nan.

Hầu như trong các bức thư thời chiến viết cho gia đình đều có những chuyện kể về đồng đội. Trong chiến trường, sự gắn bó, chia sẻ quan tâm động viên lẫn nhau là chất keo gắn bó những người lính với nhau, giúp họ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hi sinh, và thấm hết ý nghĩa thiêng liêng của hai từ “đồng đội”. Thật xót xa khi họ gọi tên những người đã ngã xuống trong ngày chiến thắng 30.4.1975: “Xương ơi, Nhật ơi! Đồng đội của tôi ơi… Giải phóng rồi!”[tr475].

Theo nội dung các lá thư, chúng ta biết được sự yêu quí giúp đỡ của nhân dân ở các địa phương từ Bắc vào Nam dành cho bộ đội trên từng chặng đường hành quân và cả ở nơi tuyến lửa. Tình quân dân keo sơn gắn bó, sẻ chia đùm bọc là nguồn động viên to lớn giúp cho bộ đội vượt qua những thử thách khó khăn cả về vật chất và tinh thần “Tuy rằng chúng con đi xa ba và u nhưng còn biết bao nhiêu bà mẹ khác cũng rất yêu thương giúp đỡ chúng con” [tr644]. Càng vào phía Nam, chiến trường càng ác liệt, quân dân miền Nam dù đời sống còn khó khăn nhưng luôn sẵn lòng, vừa ủng hộ giúp đỡ cho bộ đội vừa tham gia chiến đấu với tinh thần ý chí kiên cường và rất tin tưởng vào cách mạng.

Tình cảm gia đình, tình yêu lứa đôi

Trong điều kiện đặc thù thời chiến, tình cảm gia đình, tình yêu lứa đôi luôn hòa quyện trong tình yêu và trách nhiệm với gia đình, với Tổ quốc. Nỗi nhớ thấm trong từng dòng chữ “Ước gì con có cánh chim không mỏi, bay về quê hương trong khoảnh khắc để được một chút, chỉ một chút thôi” [tr503]. Các thành viên trong gia đình kể cho nhau nghe từng việc nhỏ nhặt về cuộc sống xung quanh như muốn bù đắp tình cảm của người đi xa và luôn an ủi nhau “Đại đội con nhiều đứa trốn về, con nhất định chẳng một lần làm thế. Trốn về chẳng những bôi nhọ danh dự bản thân mà còn cả danh dự gia đình... nhiều gian khổ, nhưng con sẽ vượt qua một cách chắc chắn”[tr 256]. Anh Trỗi ở nhà giam Chí Hòa vẫn động viên ba má “con trong này vẫn bình an, ba má cứ yên tâm”. Người anh căn dặn em nhớ luôn động viên mẹ; “mùa hè này em đi tắm cũng phải nhớ cẩn thận” [tr526]. Người chồng rất chu đáo dặn vợ “nhắc các con đội mũ rơm đi học”. Cháu trai động viên ông bà “những đứa em út của con, nó đủ sức đánh thì ông bà cứ vui lòng cho nó đi bộ đội [tr188].

Cảm động nhất là những lá thư của người mẹ gửi con ngoài mặt trận. Mẹ thương nhớ các con, mẹ kể đủ thứ chuyện như muốn để cho vơi nỗi nhớ “Nhìn vào, đụng vào bất cứ một vật gì trong nhà cũng gợi nhớ đến con và anh con. Mẹ như thấy hơi ấm, thấy bóng dáng của các con in lên, thấm đẫm vào mọi vật trong nhà” [tr552-553]. Nhưng mẹ không hề cản trở bước chân các con, nhớ thương nhưng luôn dặn dò con cố gắng hoàn thành nhiệm vụ “không được làm "thằng Bê quay" nha con!” [tr553]. Thật tự hào và ngưỡng mộ những bà mẹ Việt Nam anh hùng, đã sinh thành, nuôi dưỡng tinh thần và nhân cách các con bằng chính tấm gương của mình. Các mẹ đã tạo ra sức mạnh Việt Nam, để rồi con cháu anh em trong gia đình lại tiếp tục bảo ban dìu dắt nhau làm tròn trách nhiệm đối với gia đình và Tổ quốc.

Trong xa cách, những lứa đôi đã trải qua nỗi nhớ thương thầm lặng “Bất cứ hình ảnh nào cũng làm anh gợi nhớ đến em… Anh chỉ muốn hét lên cho thỏa, tiếc là gió núi Trường Sơn chẳng mang tiếng vang của anh về cho em được” [tr85]. Nhưng, họ vẫn đặt tình cảm riêng bên cạnh trách nhiệm với Tổ quốc, không kêu ca bi lụy, không ích kỉ, mà biết đem lại niềm tin, sự lạc quan cho nhau để vượt qua nỗi nhớ. Trước khi mất ở thành cổ Quảng Trị, liệt sĩ Lê Văn Huỳnh đã viết cho vợ “Nếu có điều kiện, hãy cứ đi bước nữa, vì em còn trẻ lắm”. Anh dặn mẹ “Nếu ai người ta thông cảm, thì mẹ động viên em nó nên đi thêm bước nữa”. Kỳ diệu thay, trong cuộc chiến tranh này, mỗi thành viên đều ý thức về trách nhiệm của mình đối với gia đình và Tổ quốc, và tạo nên sức mạnh để cùng nhau đợi ngày sum họp.

Người lính dù luôn can trường gan góc, sẵn sàng đương đầu với hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc, nhưng vẫn rất hiền lành, lãng mạn. Trước những vẻ đẹp bình dị của quê hương đất nước, họ bỗng như những nhà văn ghi lại cảm xúc bay bổng lãng mạn ấy dọc đường ra trận bằng những lá thư. Cảm xúc ấy xuất phát từ tình yêu quê hương đất nước, yêu gia đình sâu đậm. Khi đi xa, mọi thứ giản dị đều trở thành thân thương trong ký ức. Họ nghĩ đến ngày đoàn tụ, sum họp gia đình và bạn bè với mơ ước bình dị để đi quán gió ăn bánh tôm, đi xem phim; thậm chí “ao ước được về Hà Nội một tý thôi, mỗi tin tức, mỗi bài hát, mỗi cuốn truyện ở đây đều quí giá vô cùng” [tr512].

Những câu chuyện lịch sử

Qua những câu chuyện kể trong thư, người viết đã phản ánh khách quan, trung thực một số thông tin về diễn biến của những thời khắc quan trọng của lịch sử qua những góc nhìn và thời điểm khác nhau mà họ được chứng kiến. Những lá thư trở thành những tư liệu lịch sử đáng tin cậy về diễn biến tâm lý con người và về cuộc chiến tranh. Họ mô tả tinh thần và ý chí chiến đấu kiên cường, phấn khởi lạc quan vào thắng lợi của quân dân nơi tuyến lửa dọc đường vào Nam “Hôm xuống ga Vinh, tận mắt con đã chứng kiến sự đông vui, náo nhiệt, một sự họp mặt hiếm có của đông đủ mọi tầng lớp, đủ mọi binh chủng… biểu hiện của sức mạnh cả dân tộc” [tr394]; sự ác liệt, khẩn trương, rộn rã ở các chiến trường trong thời điểm gần kết thúc chiến tranh.

Hình ảnh xã hội miền Nam được kể lại qua góc nhìn của cả những người lính từ miền Bắc vào và những người đang sống ở miền Nam: Từ những éo le của bao gia đình ở Nam Bộ trong chiến tranh, vừa có người theo cách mạng vừa có người theo chính quyền miền Nam; đến việc Mỹ - Ngụy thực hiện chương trình bình định, dùng bọn đầu sỏ tay sai kìm kẹp, dồn dân lập “vành đai trắng không người”, liên tục bắn phá, càn quét khủng bố nhân dân. Một số lá thư trong tuyển tập là của những lính “phía bên kia” còn cho chúng ta hình dung được phần nào tâm tư của người lính chế độ Sài Gòn đang tham gia cuộc chiến tranh với sự mệt mỏi, chán nản, bế tắc, bi quan và lo sợ… nhưng không tìm ra lối thoát, không có sự chọn lựa, phải quay về thực tại và chấp nhận nó một cách an phận “Anh thấy mình mệt mỏi tột cùng [tr237]; “càng nghĩ càng chỉ thấy lòng lo sợ và chán nản thêm mà thôi” [tr240]. Trong khi đó, người lính Cụ Hồ ra trận vì xác định được trách nhiệm với Tổ quốc, có lý tưởng cách mạng, nên tâm thế nhẹ nhàng, sẵn sàng hi sinh, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng; tin tưởng lạc quan vào thắng lợi:“Muốn hòa bình chỉ còn con đường đánh đuổi chúng đi…Vì thế con đã tình nguyện lên đường” [tr587]; “con nghĩ rằng cần phải sống, nhưng không thể từ bỏ hay trốn tránh những hi sinh cần thiết! [tr78]; “Mỗi trận chiến đấu đều có người ngã xuống, tại sao mình có quyền nghĩ rằng chỉ có người khác ngã xuống chứ không phải là mình? [tr273]. Cảm xúc thiêng liêng trước giờ ra trận được người lính ghi lại “Nếu có hy sinh thì cũng đã làm xong mọi việc đối với Tổ quốc, dân tộc” [tr437]. Anh trai dặn dò người em du học “phải để cho mọi người thấy các em là những thanh niên Việt Nam anh hùng. Có phong cách Việt Nam trong cách sống, có ý chí Việt Nam trong công việc” [tr64]. Đất nước mạnh lên vì có những thanh niên như thế. Liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc trong thư đã kể lại cảm xúc khi điệu nhạc quốc ca nổi lên: “T đã khóc và tất cả 300 con người sắp vào bộ đội đã khóc” [tr161].

Có những lá thư mô tả về thời khắc giải phóng Sài Gòn tháng 4 năm 1975, với tâm trạng vui sướng đến tột độ nghe đài báo tin chiến thắng “mà nước mắt trào ra”. Thư viết 24.4.1975, về không khí Sài Gòn trước ngày giải phóng:“Mấy ngày qua, quân Ngụy vô cùng lúng túng, như gà mắc tóc. Thiệu từ chức, chính phủ bất lực… Cả Sài Gòn xôn xao. Các nhà báo ngoại quốc đều xin chụp ảnh với anh em ta, để đề phòng khi cần thì chứng minh là có liên hệ với cách mạng. Những người Việt Nam làm cho chính quyền Ngụy tìm cách chứng minh là họ có thiện cảm với cách mạng. Bọn lính dù vốn ngông nghênh, ác ôn, nhưng gần đây qua trụ sở đoàn đều có cử chỉ chào, vẫy tay tỏ thái độ lễ độ với hai đoàn của ta” [tr231]. Và những ngày sau đó: “Trật tự và sinh hoạt bình thường trở lại nhanh. Địch kìm kẹp, tuyên truyền nhiễu sự nhiều năm nhưng nhân dân Sài Gòn hàng triệu người nổi dậy phối hợp với bộ đội. Nhiều khu phố quần chúng cách mạng đã làm chủ trước khi bộ đội vào. Mọi người kể cả sĩ quan, binh lính, nhân viên ngụy quyền qua thực tế tiếp xúc với ta đều phục và tin cách mạng. Đón bộ đội ta với cả cờ hoa và niềm tự hào dân tộc” [tr233].

Lời kết

Đã có cả một thế hệ mà những lá thư đã mang đến cho họ sức mạnh, niềm tin để sống, chiến đấu và chiến thắng. Chính vì những lá thư có thông tin đa dạng về người gửi, về không gian và thời gian, nên giúp chúng ta có cái nhìn đa chiều về cuộc chiến, góp phần lý giải thêm vì sao Việt Nam chiến thắng trong cuộc chiến tranh này, hiểu thêm về khí phách Việt Nam trong quá khứ, trong những con người bình dị mà vĩ đại đã góp phần làm rạng rỡ Việt Nam. Những lá thư không chỉ là tài sản duy nhất của người đã khuất để lại, những lời tâm tình của một người con trước lúc đi xa đối với gia đình, tiếng nói của cả một thế hệ, một thời điểm lịch sử của dân tộc; mà còn là giá trị tinh thần vô cùng to lớn với những người thân đang sống, giúp cho họ vượt qua những bóng đêm của nghèo đói và gian khó; để luôn tự rèn mình vượt qua những cám dỗ, những lầm lạc trong cuộc sống.

Để tri ân những người lính đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân và cả máu xương cho độc lập dân tộc, chúng ta không chỉ cần hiểu đúng về những điều các anh đã làm, mà còn cần giáo dục các thế hệ sau “đừng làm hoen ố máu của những người đi trước”, như lời liệt sĩ Vũ Xuân. Những lá thư thời chiến rất có giá trị cho công tác giáo dục thế hệ sau về những khó khăn gian khổ, mất mát hi sinh và cách thức mà thế hệ trước đã vượt qua; về giá trị của những điều ta đang có. Là những người nghiên cứu - giảng dạy lịch sử, chúng tôi thực sự trân trọng và cảm ơn đại tá - nhà văn Đặng Vương Hưng đã thực hiện công việc cao quí, cần thiết này, để chúng tôi được tiếp cận những tư liệu gốc giàu giá trị cả về ý nghĩa khoa học và ý nghĩa giáo dục thực tiễn.

Ths Lê Thị Thu Hương (Giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm  - Đại học Thái Nguyên) 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy