Thứ bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024
12:30 (GMT +7)

Tiếng mõ của Vương Triều

Cốc, cốc, cốc… Tiếng mõ làm Hoàng nửa mê nửa tỉnh, cố ngồi dậy nhưng không thể. Ngoài trời trăng thượng tuần ướt rượt. Ánh trăng len lỏi bên những cổ tháp trầm mặc kì ảo. Cốc, cốc, cốc… Xen giữa tiếng mõ văng vẳng câu kinh kệ. Hình như tiếng mõ vọng lại từ một nơi xa lắm. Cơn buồn ngủ lại sầm sập kéo tới. Thôi kệ. Biết cũng chẳng để làm gì. Hoàng trùm chăn kín đầu gạt đi mọi sự. Tiếng mõ càng lúc càng dồn dập và chợt biến thành những viên sỏi nhẵn bóng. Trong chiếc rổ chất đầy trăng, những viên sỏi nhảy nhót phát ra thứ ánh sáng ma mị lúc tím sẫm, lúc đỏ quạch như bã trầu. Hồi lâu chúng lần lượt xâu chuỗi thành vòng ngoằn ngoèo trên mặt đất. Đột nhiên những câu kinh kệ bay lên kéo theo một đầu chuỗi sỏi bay về miền xa thẳm.

                                   ***

Trước mặt Hoàng là người đàn ông gầy guộc, gương mặt khắc khổ, tóc bạc trắng như cước, ăn vận không khác lão nông tri điền. Hoàng ngạc nhiên: “Ông là ai?”. “Ta Lê Quýnh, phế quan nhà Lê”. “Sao lại gọi là phế quan?”. “Vương triều sụp đổ, quan chế còn gì đâu”. “Triều đình hậu Lê chỉ có một tụng quân tên là Lê Quýnh. Mặc dù bị giam cầm, lưu lạc trên đất Trung Hoa 16 năm, nhưng ông là người đứng đầu trong số 25 người không chịu khuất phục. Thì ra người đó là ông”. “Ngươi cũng am tường chính sử?”. “Không, tôi vô tình đọc một cuốn sách viết về Nguyễn Du. Thời kì biến loạn này, Nguyễn Du là Chánh thủ Hiệu quân sứ Thái Nguyên kiêm quyền Trấn thủ Thái Nguyên. Chính vì vậy tôi có tìm hiểu thêm về nhà Lê”. “Ngươi còn biết những gì về Lê Quýnh?”. “Ông là người hết mực trung thành với nhà Lê, chính xác là thời của vua Lê Chiêu Thống. Khi quân Tây Sơn tiến ra Bắc, Thái hậu, Nguyên phi Nguyễn Thị Kim và con đầu lòng là Lê Duy Thuyên đang ở Thái Nguyên, nhà vua sai Lê Quýnh và Phượng Thái hầu Nguyễn Quốc Ðống sang làm tả hữu hộ vệ sứ để bảo vệ gia quyến. Quân Tây Sơn đuổi tới, ông cùng các đốc đồng, phiên thần, bảo vệ Thái hậu và con trai của vua chạy sang Long Châu cầu viện nhà Thanh. Khi qua đời ông được vua Gia Long đặt tên thuỵ là Trung Nghị và được thờ trong đền ở Hà Nội. Xin lỗi vì thời gian quá xa, chính sử ghi chép không đầy đủ, tôi chỉ biết sơ lược như vậy!”. “Đa tạ ngươi đã quan tâm. Phàm ở đời, không phải ai cũng còn được biết đến. Kẻ đã chết dù lưu lại một lời cũng quá đủ. Huống hồ… Lẽ dĩ nhiên sử sách không bao giờ ghi được những góc khuất”. Hoàng nhanh miệng: “Cũng bởi còn những góc khuất, tôi mới lần tìm…”. “Lịch sử như một dòng sông chảy. Nhiều khúc gấp không phải ai cũng rành rẽ. Một khi nhắm mắt xuôi tay, các bí ẩn chôn theo ba tấc đất, đào xới lên cũng vô dụng. Người đời có nhiều cách lý giải. Bề tôi bọn ta cũng thế”.

2
Minh họa: Dương Văn Chung

Khoảng trời bỗng sáng bừng. Bên cạnh Hoàng là cây cầu dài tít tắp nối với nhau bằng những viên sỏi. “Đi theo ta”. Hoàng loạng choạng bước như kẻ mộng du, lòng đầy trắc ẩn. Mây vần vũ bao quanh đặc sánh như có thể cầm nắm được. Dọc theo cây cầu mây rẽ túa ra từng chặp. Trong màn mây tiếng quân reo, ngựa hí, tiếng gươm khua hỗn độn sặc sụa mùi chết chóc. “Ta đi đâu đây ông?”. “Tới gặp Tham tri chính sự Lê Duy Đản, người chép gia phả của dòng họ Lê. Đêm nay ông ấy cũng đợi ta”.

Lê Duy Đản dáng người cao lớn vạm vỡ, gương mặt già nua ánh lên màu đồng. Ông đang ngồi ngất ngư bên bầu rượu. Nghe Lê Quýnh giới thiệu về Hoàng, Lê Duy Đản rót đầy ba chén rượu, mặt lạnh tanh: “Uống đi, đừng khách sáo. Đêm nay ta không thể vui. Ta thấy mùi máu, rất nhiều máu nên lấy rượu giải sầu. Cổ nhân dạy “Trung quân báo quốc. Phạm thượng khi quân tội chu di tam tộc”. Ta tận trung với vua, người đời cho là bán nước…”. Nói rồi ông úp mặt vào tay mình nấc khan. Lê Quýnh hắng giọng: “Huynh có thể cho chú em đây biết thêm đôi điều về thời hậu Lê”. Hoàng và Lê Quýnh lặng lẽ nhấp từng ngụm rượu nhỏ. Chén rượu cay nồng chan ánh trăng chợt đỏ như máu. Hồi lâu, Lê Duy Đản chậm rãi:

- Chắc ngươi cũng đã biết vua Lê Hiển Tông đã gả con gái là công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ để tạo mối thâm giao.

- Vâng! Điều đó sử sách đã ghi.

        Lê Duy Đản không còn vẻ buồn nản ban đầu, buông giọng cảm khái:

        - Tháng 7 năm Bính Ngọ (1786) Nguyễn Huệ với chiêu bài phù Lê diệt Trịnh đã mang quân tràn chiếm Bắc Hà đánh đổ Trịnh Khải. Quyền bính khi đó ở cả trong tay Nguyễn Huệ. Vua Hiển Tông phong cho Nguyễn Huệ là Nguyên soái Phù chính Dực vận Uy quốc công. Khi đó Bắc Hà rối loạn, lòng người tản mát. Nguyễn Huệ thấy chưa thể củng cố được quyền lực của mình ở Bắc Hà, nên không xưng đế mà để nhà Lê tiếp tục giữ ngôi vua, nhưng quyền phế lập ở trong tay Nguyễn Huệ.

Hoàng chiêu ngụm rượu nhỏ, ngập ngừng chen ngang:

- Vua Lê Hiển Tông băng hà, Nguyễn Huệ đồng ý đưa Duy Khiêm năm đó 21 tuổi lên ngôi. Vua đổi tên là Duy Kỳ, đặt niên hiệu là Chiêu Thống. Hà cớ gì nhà vua đối nghịch?

- Việc này Lê Quýnh am tường hơn ta chăng? - Lê Duy Đản trầm ngâm.

- Không ai có thể hiểu các bậc quân vương. Ta và bách tính có lý giải cũng chỉ là cách để tự huyễn hoặc. Có điều cần thông tỏ muôn sự thời biến loạn.

Lê Quýnh ngậm ngùi: Cha của Lê Duy Khiêm là Hoàng thái tử Lê Duy Vỹ, con của vua Lê Hiển Tông. Thế tử Trịnh Sâm có hiềm khích sâu nặng với Duy Vỹ. Sau khi lên nối ngôi chúa, Sâm bày mưu hãm hại và giết Duy Vỹ trong ngục. Lê Duy Khiêm cùng hai em là Lê Duy Trù và Lê Duy Chi đều bị bắt đem giam cầm ở ngục Đề Lãnh. Năm đó, Duy Khiêm mới 6 tuổi. Chú của Duy Khiêm (em Duy Vỹ) là Duy Cận được lập làm Thái tử do sự can thiệp của Trịnh Thái phi (mẹ Trịnh Sâm). Trịnh Sâm mất, binh lính tam phủ làm loạn, truất thế tử Trịnh Cán lập thế tử Trịnh Khải. Quân lính cũng mở ngục rước ba con của Lê Duy Vỹ về cung. Năm đó Lê Duy Khiêm 17 tuổi, ở trong ngục tổng cộng 11 năm.

Lê Duy Khiêm trở về cung, ngôi Thái tử của Duy Cận bị đe dọa. Trịnh Thái phi vốn ủng hộ Duy Cận, sợ Duy Cận mất ngôi Thái tử, bèn toan bí mật giết. Vụ việc bai lộ, Duy Khiêm thoát nạn. Trịnh Khải biết việc này là do Thái phi gây ra, bèn dụ quân sĩ thôi làm huyên náo, rồi hạ lệnh cho bầy tôi trong triều xin vua Hiển Tông lập Duy Khiêm làm Hoàng thái tôn, lại bắt Duy Cận làm tờ biểu nhường ngôi Thái tử. Duy Khiêm với cương vị là cháu trưởng, được ông nội lập làm Hoàng thái tôn, còn chú Duy Cận bị truất làm Sùng Nhượng công.

Lên ngôi vua nhưng Duy Kỳ không đủ uy tín và tài năng để khôi phục lại vương quyền, điều đó ai cũng rõ. Hào mục các nơi chiếm giữ châu, huyện, chiêu tập binh mã, đều mượn danh nghĩa "bảo vệ” triều đình. Những hạng vô lại đánh giết lẫn nhau thành ra rối loạn. Thêm vào đó, dư đảng của họ Trịnh lại nổi lên, lấn át quyền hành của vua. Trước áp lực từ triều thần cùng lực lượng quân đội, Lê Duy Kỳ buộc phải nhượng bộ và phong cho Trịnh Bồng là Nguyên soái Tổng quốc chính Yến Đô vương. Tuy nhiên, Trịnh Bồng cũng không nắm được thực quyền, việc quyết đoán nằm cả ở trong tay người thực sự nắm giữ quân đội là Đinh Tích Nhưỡng. Tích Nhưỡng vốn là tướng võ biền, dẫn đến việc cai trị càng rối loạn. Các tàn dư của chúa Trịnh kết bè phái gây áp lực buộc nhà vua phải trở lại hệ thống cai trị cũ trước kia với quyền hành thực sự nằm cả trong tay phủ chúa Trịnh. Nhà vua tức giận nhưng bất lực. Trong triều rối beng không biết thế nào là chuẩn định.

Mâu thuẫn giữa cung vua và phủ chúa lên đến đỉnh điểm và bùng phát thành bạo lực. Nhà vua buộc lòng gửi chiếu thư cho Nguyễn Hữu Chỉnh kêu gọi đem quân cần vương. Chỉnh vốn là tay gian hùng, bỏ nhà Lê theo Tây Sơn, dẫn Tây Sơn ra Bắc Hà, nhưng không được Tây Sơn tin dùng. Khi Nguyễn Huệ rời Thăng Long vào Nam Chỉnh chạy theo trấn đóng tại Nghệ An. Chỉnh tiếp mật chỉ, thấy là cơ hội không thể bỏ qua, lập tức lấy danh nghĩa nhà Lê mộ quân tiến ra Bắc, nhanh chóng đập tan mọi kháng cự của Trịnh Bồng và Đinh Tích Nhưỡng.

Nhà vua bổ dụng Nguyễn Hữu Chỉnh là Đại Tư đồ, phong tước Bằng Trung công và dựa tất vào Chỉnh. Chỉnh nắm binh quyền, dần dần ép nhà vua cả trong việc bổ nhiệm quan chức, sắp đặt chính sự. Uy quyền lừng lẫy, Chỉnh kéo bè đảng, cắt đặt chia giữ các chức ở trong kinh đô và ngoài các trấn, việc gì cũng tự Chỉnh quyết định. Chỉnh kiêu ngạo lấn lướt, làm nhà vua căm hận, lại tìm cách giết Chỉnh, nhưng được can gián. Chỉnh phong thanh biết chuyện, bỏ luôn cả lễ triều yết. Tuy nhiên, Chỉnh vẫn giữ danh nghĩa tôn phù vua Lê, nhưng lại tìm kế ly gián nhà Lê và Tây Sơn. Sau đó ra tay diệt các thế lực chống đối nhà Lê ở Bắc Hà. Tháng 11 năm Đinh Mùi (1787) quân Tây Sơn do Vũ Văn Nhậm chỉ huy tấn công Bắc Hà. Nhà vua nghe lời Nguyễn Hữu Chỉnh, bỏ Thăng Long chạy về Kinh Bắc và từng bước khôi phục lại lực lượng ở Thái Nguyên, Cao Bằng. Quân lính Tây Sơn đuổi tới, nhà vua thân chinh cầm quân ngự chiến nhưng thua trận, Nguyễn Hữu Chỉnh bị bắt giải về kinh, rồi bị xử tử, quân nhà vua tan vỡ. Lê Duy Kỳ nương nhờ quân các trấn Thái Nguyên, Kinh Bắc lẩn trốn. Các bầy tôi khác đều tan tác hết.

2
Minh họa: Dương Văn Chung

Vũ Văn Nhậm đánh bại nhà vua, hắn lại kiêu ngạo, tiếm quyền, có ý đồ phản Tây Sơn. Tháng Tư năm Mậu Thân (1788) Nguyễn Huệ ra Bắc, vào thành Thăng Long, bắt giết Vũ Văn Nhậm, cho Ngô Văn Sở  cai quản binh quyền, đặt Lê Duy Cận làm giám quốc coi việc thờ cúng tôn miếu nhà Lê.

Lúc đó Thái hậu đưa con trai vua Lê đến yết kiến Tổng đốc Lưỡng quảng Tôn Sĩ Nghị xin cứu viện. Nghị tâu với vua Thanh rằng tự hoàng nhà Lê đương phải bôn ba, đối với đại nghĩa, ta nên cứu viện. Sau khi khôi phục nhà Lê, nhân đó đặt lính thú để đóng giữ. Thế là vừa làm cho nhà Lê được tồn tại, vừa chiếm lấy được An Nam.

Tháng 10 năm Mậu Thân (1788), quân Thanh tiến sang, quân Tây Sơn không đón đánh mà bỏ Thăng Long lui về giữ Tam Điệp. Tôn Sĩ Nghị đưa Lê Duy Kỳ về Thăng Long và được nhà Thanh phong làm An Nam quốc vương. Dù trở lại ngôi vua Lê Duy Kỳ thực sự chỉ là bù nhìn của quân Thanh. Việc chủ yếu của vua lúc đó là luận công những người hộ giá và trị tội những người theo Tây Sơn.

Tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789) Quang Trung kéo quân ra Bắc Hà, chỉ một trận quét sạch 29 vạn quân Thanh, nhà vua lại phải theo bại quân nhà Thanh  chạy sang Trung Quốc.

Lê Chiêu Thống tiếp tục xin nhà Thanh cho quân cứu viện. Nhà Thanh phần sợ Quang Trung, phần vua Càn Long đã già yếu, ngán ngẩm việc chinh chiến, chỉ hứa hão mà không cho quân. Thế nhưng Lê Chiêu Thống vẫn chưa thôi mộng phục quốc. Căm giận vì bị người Thanh lừa gạt, Lê Chiêu Thống cùng bầy tôi làm bài biểu đưa lên vua Thanh xin can thiệp giành đất hai trấn Tuyên Quang, Thái Nguyên quay về giữ việc thờ cúng tổ tiên. Lê Chiêu Thống cũng bàn định hoặc là lén về nương nhờ triều ta (triều Nguyễn) để dần dà toan tính việc khôi phục, quyết không chịu sống thừa ở đất Bắc. Để cho vua tôi nhà Lê không còn lẽ tụ tập, nhà Thanh phát vãng mỗi người một nơi.

- Tôi hiểu rồi, hơn mười năm bị giam cầm trong ngục, Lê Chiêu Thống u minh nhưng lại ngộ nhận uy quyền. Thảm cảnh huyết nhục tương tàn, tan họ diệt dòng cũng từ hư vị. 

Lê Quýnh thở dài:

- Bối cảnh lúc đó thật khó để lường định. Đàng trong chúa Nguyễn và nhà Tây Sơn dấy binh. Thế lực dư đảng chúa Trịnh còn mạnh. Khi ngồi lên ngai vàng, Lê Duy Kỳ chỉ tin kẻ có thế lực và đại thần xiểm nịnh, không ưa các bậc trung quân. Việc chính sự không hề có sách lược chiêu an. Vì vậy, triều thần phân tâm, lòng người ly tán. Võ tướng các nơi nổi lên, tiếng là phò vua nhưng thực chất chờ thời.

- Ông là tụng thần, chẳng lẽ không hề can gián?

- Can gián! Ngươi nghĩ bề tôi tỏ ra khôn hơn vua còn giữ được mạng sao? Bản tấu của các trung thần cũng may nhà vua không ngó ngàng. Nếu vua hiền tôi sáng, kết cục của nhà Lê không thảm hại như vậy. Xây dựng vương triều đã khó, giữ vương triều lại càng khó hơn. Mất lòng người là mất hết. Khi Hoàng Đế Quang Trung ban “Chiếu cầu hiền” bổ dụng các nhân tài từng phục vụ nhà Lê, đốm lửa cuối cùng của vương triều cũng tắt. Hoàng liếc nhìn hai người đàn ông bày tỏ thẳng thắn:

- Tôi thật tiếc cho các trung thần của cựu vương. Khi nhà Thanh muốn dập tắt mọi toan tính phục quốc, bắt hoàng tộc và bầy tôi nhà Lê phải từ bỏ luật tục Đại Việt để gióc tóc, Lê Quýnh đã khảng khái: “Đầu chúng tôi có thể chặt được, chứ tóc chúng tôi không thể gióc được”. Nếu nhà vua là một đấng minh quân, có thể muôn sự đã khác.

Chợt nhớ mình vừa đi trên cây cầu nối bằng những viên sỏi qua biển mây, Hoàng ý tứ:

- Tôi đã hiểu thêm về thời hậu Lê. Đương nhiên chừng đó vẫn chưa là tất cả.

- Đúng thế! - Lê Duy Đán gật đầu - Vậy nên ngươi mới đi trên tiếng mõ.

- Tiếng mõ! Nó là những viên sỏi trên cây cầu?

- Ngươi quả là sáng ý. Sau khi Nguyễn Ánh  lên ngôi Hoàng Đế, nhà Nguyễn cho sứ giả sang thông hiếu và quy phục nhà Thanh. Năm 1804 vua Gia Khánh  nhà Thanh cho bầy tôi tòng vong, đưa tàn cốt vua Lê, Thái hậu và con trai nhà vua về nước. Theo luật tục, đám bề tôi phải dừng bước ba ngày làm lễ qui cố hương. Ngôi chùa An Pháp ngươi nghỉ lại chính là nơi tế tự, chiêm bái tiên tổ. Hoàng tộc và đám bề tôi nguyền rằng: Mỗi năm một lần, gióng tiếng mõ bái vọng về vương triều đã mất.

- Tại sao lại là những tiếng mõ? – Hoàng không giấu nổi ngạc nhiên.

- Hàng ngàn năm phục quốc, giang sơn này xây đắp bằng máu của bách tính. Ngươi thấy còn bao nhiêu phần mộ? Hồn cốt của họ đã hòa vào đất đai. Một triều đại đã mất, chỉ tiếng mõ âu cũng quá đủ. Nỗi đau của nhà Lê cũng là nỗi buồn của nhân thế. Sức mạnh của vương triều phải là sức mạnh của dân tộc được hội tụ từ bách tính. Mù quáng tin phỉnh dụ của ngoại bang hậu họa sẽ khôn lường. Tiếng mõ cất lên cũng vì lẽ ấy.

                                         ***

“Trời ơi! Sao anh lại ra đây?”. Tiếng nói giật giọng của người thủ nhang làm Hoàng bừng tỉnh. Trời đã tang tảng sáng, anh thấy mình tựa vào ngôi cổ tháp, người ướt đẫm sương. Chiều qua sau khi tìm hiểu về văn hóa làng xã, không rõ điều gì xui khiến, lẽ ra phải đi thẳng lên đường lớn bắt xe về thành phố, Hoàng lại rẽ trái đi lạc sang ngôi chùa mãi cuối làng. Người thủ nhang nghe anh hỏi đường, ái ngại mời anh nghỉ lại, bởi trời đã tối, chùa có căn phòng dành cho phật tử xa. Trong bữa cơm đạm bạc, ông kể từ lâu chùa làng không có sư trụ trì. Ông là người được giao hương khói. Nửa đêm ông phải làm phận sự theo tục truyền…

Lúc này Hoàng mới để ý trước ngôi chùa nơi tiếng mõ vọng tới là một cây bồ đề cổ thụ bên cánh đồng rộng mênh mông. Nhớ lại những gì diễn ra trong đêm, Hoàng không giẩu nổi bàng hoàng:

- Ông là người đánh mõ?

- Đúng vậy! Cổ nhân truyền lại cứ vào đêm giữa tháng chạp, người chủ nhang gõ mõ tới khi gà gáy sáng. Tiếng mõ ấy thay những giọt nước mắt cho một vương triều đã suy vy. Con người ai cũng có thể lầm lạc, không vì thế mà mặc nhiên tiêu vong.

Hoàng lại càng cảm thấy lạ:

- Ông không gõ mõ trong chùa, lại phải ra bên cánh đồng?

- Lệ chùa làng bao đời là vậy. Có thể bên cánh đồng, những oan khiên dễ dàng được gột rửa và thanh tịnh hơn.

Hoàng ngước lên ngôi cổ tháp, cố tìm một dòng chữ nào đó. Người thủ nhang thấy vậy nhỏ nhẹ:

- Các cổ tháp vô danh này ta nghe nói của những bậc tiền nhân không muốn lộ danh tính. Ngôi cổ tháp anh ngồi là của một vị quan thời Lê. Thời mạt vận cuối đời ông ấy xõa tóc, đi lang thang khắp các đền chùa như người khất thực.

Một cơn gió ùa tới làm Hoàng lạnh gai người. Bên tai anh lại vẳng lên tiếng mõ…

Truyện ngắn. Phan Thái

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đón bạn về quê

Thơ 1 giờ trước

Tháng Bảy về…

Văn xuôi 6 giờ trước

Gieo mầm cho sự sống

Xem tin nổi bật 16 giờ trước

Ba Đình nắng lên

Thơ 16 giờ trước

Mưa từ Ba Đình

Thơ 1 ngày trước

Người thành vô biên

Thơ 1 ngày trước