Thưa lại với ông Hồ Thủy Giang
LTS: Sau khi bài báo Trao đổi lại với ông Nguyễn Kiến Thọ về bài Tản mạn về văn xuôi Thái Nguyên thời kì “hậu Việt Bắc” của tác giả Hồ Thủy Giang được đăng tải trên VNTN số 10 ra ngày 6/3/2018, các vấn đề xung quanh cuộc tranh luận văn học này đã nhận được sự quan tâm của nhiều độc giả.
Tiếp tục tinh thần cởi mở, khách quan, tôn trọng tự do ngôn luận và tự do học thuật, kì này Tòa soạn đăng tải (nguyên văn) bài trao đổi lại của tác giả Nguyễn Kiến Thọ.
1.Nguyên tắc của phản biện là sự thông hiểu
Nguyên tắc quan trọng của phản biện là sự thông hiểu, thông hiểu người khác và thông hiểu vấn đề cần tranh luận. Không thể có được sự tranh luận sòng phẳng và cầu thị khi người phản biện không hiểu (hoặc cố tình không hiểu) ý của người khác; không hiểu luận điểm căn cốt trong bài viết của người mình đối thoại, dẫn đến tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt”, hoặc “áp đặt”, “vu khống”, gán cho người khác cả những điều người ta chưa/không hề phát ngôn. Trong nhiều trường hợp, khái niệm “tranh luận học thuật” mà người phản biện đưa ra chẳng qua chỉ là một “giấy thông hành” hợp lệ cho sự lăng mạ người khác. Đó không phải là biểu hiện của văn hóa tranh luận, càng không phải là một biểu hiện của người tranh luận có văn hóa.
Trong bài viết “Trao đổi lại với ông Nguyễn Kiến Thọ về bài “tản mạn về văn xuôi Thái Nguyên thời kì “hậu Việt Bắc”, mặc dù ông Hồ Thủy Giang đã tự nhận là có những hạn chế “của một người xưa nay chủ yếu chỉ sáng tác chứ không quen với các kiến thức hàn lâm”, song ông vẫn tuyên ngôn: “Hãy bỏ qua những gì thuộc về cá nhân, ở bài viết này tôi muốn hướng vào chuyện học thuật”. Điều này đã làm cho tôi nghi ngờ động cơ viết bài của ông, dường như ông cũng không bận tâm lắm đến “vấn đề học thuật” mà chỉ chăm chắm vào việc lên án hành vi - hành vi của người viết bài và hành vi của người đăng bài, mà ông cho là đã động chạm tới lương tri của những người viết văn xuôi Thái Nguyên. Mặc dù “chỉ bàn về học thuật” nhưng ông không mấy quan tâm đến những luận điểm chính trong bài viết của tôi mà chỉ chăm chăm để “bắt lỗi”, để “phạt đền” mà thôi!
Thực ra, ông Giang không hiểu (hoặc cố tình không hiểu?) điều mà tôi muốn nói trong bài báo “tản mạn…” đó là gì. Vậy nên ông mới chú tâm phản biện theo kiểu “vạch lá tìm sâu”, “quét nhà ra rác”. Có lẽ cũng nên nhắc lại để cho ông Giang (và cho bạn đọc theo dõi cuộc tranh luận này) rõ về tinh thần bài viết của tôi. Thưa ông Giang! Điều mà tôi muốn nói đến trong bài viết của mình, chính là mấy dòng kết luận mà ông đã bỏ qua, nay tôi xin trích lại nguyên văn cho ông nhớ: “Nếu có một kết luận nhỏ cho bài viết này, tôi muốn nói rằng, văn xuôi Thái Nguyên đương đại, nhìn chung, có những biểu hiện của sự phát triển. Đó là một tín hiệu đáng mừng. Nhưng nếu để thật sự có những đóng góp, những dấu ấn riêng của từng tác giả, thì dường như chúng ta vẫn chưa vượt qua được, chưa tương xứng được, với những gương mặt văn xuôi Thái Nguyên trong từng thời điểm, trên suốt một hành trình từ Văn nghệ Việt Bắc cho đến nay”. Thiết nghĩ, bất kì ai biết tiếng Việt, khi đọc những dòng trên, đều có thể hoàn toàn hiểu rõ tinh thần bài viết của tôi.
Tranh luận về học thuật mà không hiểu rõ người ta viết gì, nói gì, thì thử hỏi ông Giang tranh luận cái nỗi gì?
2.Không được tranh luận theo lối “Đoạn chương thủ nghĩa”
Trong tranh luận văn chương, đáng lên án nhất là hành vi “đoạn chương thủ nghĩa”, nghĩa là đem chặt rời từng ý của người ta ra khỏi chỉnh thể, ra khỏi các mối liên hệ ý nghĩa, để áp đặt theo cách hiểu chủ quan của mình, để dễ “hạ gục” đối thủ. Chính vì bài viết của ông Giang không có tinh thần, không có luận điểm, chí ít là những vấn đề liên quan đến kết luận trích dẫn ở trên của tôi (tôi hiểu là không biết phản biện bằng cách nào một sự thật hiển nhiên mà bất cứ ai tôn trọng sự khách quan trong nghiên cứu, tìm hiểu về văn chương Thái Nguyên đều không thể phủ nhận), nên ông buộc phải áp dụng chiến thuật “bắn tỉa”, nghĩa là tách ý, tách lời của tôi ra mà phê phán. Tôn trọng cách tranh luận đó của ông Giang, tôi cũng mạo muội thử áp dụng cách đó của ông để “trao đổi lại” với ông, xem nó thế nào.
Mở đầu bài “trao đổi lại”, ông Giang viết: “Sau khi bài Tản mạn về văn xuôi Thái Nguyên thời kì “hậu Việt Bắc” của tác giả Nguyễn Kiến Thọ đăng trên số báo xuân Mậu Tuất 2018 báo Văn nghệ Thái Nguyên, có một số bạn văn tỏ ra không hài lòng”. Ô hay! Việc hài lòng hay không hài lòng của các bạn văn ấy hà cớ gì đến tôi? Xưa nay, có ai viết phê bình mà phải hỏi dò ý tứ những người liên quan xem người ta có bằng lòng không rồi mới viết, mới đăng đâu. Chính ông cũng cho rằng “âu đó cũng là lẽ thường trong sinh hoạt văn chương” cơ mà. Có thể những người đó, họ không hài lòng vì bài viết của tôi đụng chạm đến họ, đánh giá không chính xác, không khách quan về họ? Hoặc giả họ không hài lòng vì bài viết của tôi có vấn đề về học thuật, và họ phản ứng với tư cách của những độc giả chân chính? Tôi chỉ không hiểu vì sao họ phàn nàn mà họ không viết. Nếu họ là những tên tuổi văn chương, họ phải tự biết cách mà phản biện, một cách đàng hoàng, trên báo, để tranh luận với tôi như những người lớn thực thụ chứ không phải như đứa trẻ con bị người ta trêu chọc/ bắt nạt, chỉ biết ấm ức rồi “chạy về nhà mách bố”. Nếu họ không bằng lòng vì những gì tôi viết (có thể) sai về những vấn đề mang tính học thuật và họ phải cần nhờ đến một chuyên gia để tranh luận thì đó là điều đáng trân trọng, vì suy cho cùng, những người không hài lòng đó họ nghĩ đến cái chung (văn chương Thái Nguyên) nhiều hơn là đến bản thân họ (được/bị ai đó khen chê không đúng tầm), thì đó là lí do để họ than phiền, bức xúc, và họ tha thiết đề nghị ông Giang “mở lòng nghĩa hiệp”. Cho nên, ông Giang mới đọc bài tôi và viết bài trao đổi lại, như ông nói. Có lẽ vì thế mà ngay từ đầu, ông Giang đã kẻ cả: “Thực ra, bài viết của ông Thọ chỉ là loại bài “đến hẹn lại lên”, nghĩa là thường trong dịp lễ tết, viết theo đặt hàng của tòa soạn. Loại bài này nếu được viết một cách công tâm, chính xác thì nó giống như một cánh én báo tin vui mỗi độ xuân về. Anh em viết lách được một dịp điểm quân, được động viên, được góp ý về những điểm mạnh, yếu để có thể tiếp tục cầm bút trong một niềm vui sáng tạo”. Quả thật, nếu ông không nói kẻ hậu sinh này cũng không hân hạnh được biết rằng, cái “công thức văn chương” mà ông nói đến, cái mà người ta vẫn đùa vui là thứ “văn chương cúng cụ”, lại quan trọng đối với người viết như thế. Bởi thế mà ông Giang khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng, nếu viết một cách công tâm, chính xác thì phải giống như “cánh én báo tin vui mỗi độ xuân về”. Theo tôi hiểu, nghĩa là ông muốn nói về những bài tụng ca theo tinh thần “vui, khỏe, có ích” và nếu có muốn “góp ý về những điểm mạnh yếu” thì phải làm sao để người ta có thể tiếp tục “cầm bút trong niềm vui sáng tạo”! Thưa ông Giang, ông và những người như ông có quyền viết thế, song ông lấy tư cách gì mà bắt bẻ người khác phải viết theo ý mà ông cho rằng như thế mới “công tâm, chính xác”?
Tiếp tục với quan điểm cho người khác là “đi ngược truyền thống”, là sai, ông Giang viết: “Tản mạn về văn xuôi Thái Nguyên thời kì “hậu Việt Bắc”, tuy mang tính truyền thông, nhưng nó thuộc loại phê bình một giai đoạn văn học. Loại bài này, nếu không phải là một nhà phê bình được chứng kiến giai đoạn văn học mà mình định viết thì cũng phải là người có kiến thức sâu sắc, người nghiên cứu có trách nhiệm”. Loại tôi ra khỏi cuộc chơi bằng cách viết này, hình như với ông Giang là chưa đủ, vì thế ông tiếp tục cảnh báo: “Những nhận định, đánh giá của một người chưa đủ sức nghĩ, sức hiểu cả về chiều rộng lẫn chiều sâu thường gây hại cho cộng đồng”. Ông Giang cho mình là người có “đủ sức nghĩ, đủ sức hiểu cả về bề rộng lẫn chiều sâu” để rồi rắp tâm hạ nốc ao tôi bằng một mớ lí luận/phản lí luận về “hậu Việt Bắc”. Ông Giang không biết rằng chính ông mới là người đang phán bừa. Bằng cái cách trao đổi lại của ông, tôi hiểu là ông đã “thiến” đi của tôi hai chữ “tản mạn” và cả cái dấu ngoặc kép trong cụm từ “hậu Việt Bắc” của tôi nữa, mặc dù ông vẫn để nó trong “nháy nháy”. Nếu ông hiểu thế nào là tản mạn, hoặc hiểu rõ ý nghĩa của một từ mà người dùng đặt nó trong “nháy nháy”, thì tôi tin rằng ông không mất thời gian trao đổi lại như vậy.
Thưa ông! Bài của tôi thực ra cũng không đến nỗi được hân hạnh gọi là “phê bình một giai đoạn văn học” như ông nói. Phê bình là sản phẩm của tiếp nhận văn chương mang tính khoa học, nó chủ yếu là sản phẩm của nhận thức lí trí. Còn bài của tôi chỉ là “tản mạn”, nghĩa là nghĩ gì viết nấy, không bàn đến tận cùng và không cần sắp đặt rạch ròi, nó mang đậm tính cảm nhận chủ quan của người viết. Nếu phê bình cố hướng về phía công tâm khách quan thì cảm nhận, trong khuôn khổ nào đó, cho phép người viết hoàn toàn đưa ra quan niệm, cách bình giá của chính mình. Tất nhiên phải trên tinh thần trung thực và có tính xây dựng. Lại nữa, cụm từ “hậu Việt Bắc” tôi đặt trong ngoặc kép, bằng cách đó, nó hoàn toàn trở thành một cách định danh của cá nhân tôi, và nó chỉ có ý nghĩa (tu từ) nhất định trong khuôn khổ của bài viết. Nói nôm na, nó giống như cách tôi gọi “lớp đại học văn xuôi Thái Nguyên”. Chẳng lẽ ông lại đi bắt bẻ rằng: “cái lớp tôi chỉ là cái nhóm quây quần nhau lại, đóng tiền để được chia sẻ kinh nghiệm viết văn thôi chứ, sao gọi là “đại học” được?!” Ấy vậy mà ông cứ tràng giang đại hải thuyết trình về đủ kiểu của chữ “hậu” ấy, giống như anh chàng Đông Ki hăm hở chọi nhau với cối xay gió, để rồi hân hoan với niềm vui chiến thắng của riêng mình.
Xin thưa với ông Giang, nếu ông không hiểu ngọn ngành tên bài của tôi (chứ không cần cả bài viết) thì tôi buộc phải dừng lại cuộc tranh luận này. Còn nếu ông hiểu mà vẫn cố tình không đoái hoài đến, thì tôi buộc phải hiểu, ông viết bài với một động cơ cá nhân nào đó. Trong trường hợp này, tôi hy vọng ông đủ sức khỏe để tiếp tục tranh luận.
Như trên tôi đã nói, ông Giang có tài “đoạn chương thủ nghĩa” nên ông đã chặt xé câu văn của tôi một cách không thương tiếc. Chẳng hạn, hãy xem ông bàn luận và trích dẫn của tôi như thế nào. Ông viết “…Vậy mà ông nhận xét về Nguyễn Minh Sơn cứ như một trò đùa: “Nguyễn Minh Sơn là một người lính đã đi qua những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Anh là một thày giáo dạy văn có năng khiếu văn chương và trong một phạm vi nhất định của sáng tạo nghệ thuật”. Lạ thật! Một đời văn của người ta mà lại quăng ra vài câu hời hợt như vậy sao? Có khác nào như khen một tác phẩm văn học lại đi khen cái bìa đẹp”. Và đây là nguyên văn của tôi: “Nguyễn Minh Sơn là một người lính đã đi qua những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Anh là một thầy giáo dạy văn có năng khiếu văn chương và trong một phạm vi nhất định của sáng tạo nghệ thuật,anh cũng như một người lính đã hoàn thành nhiệm vụ của mình”. Tôi buộc phải nhấn mạnh một vế câu mà ông Giang đã tùy tiện ngắt đi một cách có dụng ý, chứ không thể nào một người đã từng là thầy giáo dạy văn, một người sáng tác văn chương mà lại không nhận ra được một câu văn đúng/ sai ngữ pháp.
Bằng cách đó, ông Giang tiếp tục công cuộc đi tìm những đồng minh và lên án tôi chưa công bằng với họ. Nào là chuyện nhắc tới Bùi Thị Như Lan chỉ có một câu, nào là chuyện sao lại dành phần lớn bài viết chỉ để nói về Phan Thái và Minh Hằng. Thưa ông Giang, chỉ có cách ông đọc nhảy cóc thì mới không thấy chỗ tôi giới thuyết rằng sao lại dành phần cuối bài viết để nhắc tới Phan Thái và Minh Hằng. Có hai lí do tôi đưa ra, kì lạ là sao ông không đọc được. Còn việc tôi chỉ nhắc đến nhà văn Bùi Thị Như Lan có một câu:“…Trong số họ, Bùi Thị Như Lan được nhắc đến ở khu vực văn xuôi các dân tộc thiểu số” thì như thế là đủ, vì tôi đâu có tập trung bàn đến nhà văn Bùi Thị Như Lan trong bài “tản mạn..” của tôi. Và cũng phải thú thực với ông, đó chính là một lời khen đấy. Tiện đây, tôi cũng không ngần ngại mà thưa với ông rằng, nói đến văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam đương đại, người ta ít nhiều phải nhắc đến Bùi Thị Như Lan. Còn những cái tên được coi là “đồ sộ” của văn học Thái Nguyên như đài báo tỉnh nhà vẫn hay ngợi ca, tôi lại không thấy các nhà nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam nói đến. Họ thiếu sót chăng?!
3.Muốn tìm ra chân lí trong tranh luận học thuật, cần phải cầu thị
Có một vài đoạn trong bài viết của tôi mà ông Giang tỏ ra hết sức “tâm đắc”, khi ông bám lấy để chê bai tôi là không hiểu gì về thời kì “hậu Việt Bắc”. Trước nhất là đoạn tôi bàn luận về hai nhà văn Hà Đức Toàn và Ma Trường Nguyên. Tôi viết: “Trước hết, phải kể đến các lão tướng có thể coi là đã hoàn thành xuất sắc vai trò, sứ mạng của họ đối với văn xuôi Thái Nguyên như Hà Đức Toàn, Ma Trường Nguyên… Họ đã đi qua một thời trai tráng, một thời thanh niên sôi nổi và dẫu họ có ngừng viết thì lịch sử văn học Thái Nguyên không thể không nhắc đến tên tuổi của họ như những cây bút mở đầu cho văn xuôi Thái Nguyên thời kì hậu Việt Bắc”. Nhờ ông Giang đeo kính soi giùm tôi xem tôi sai ở chữ nào. Tôi hỏi ông Giang: có khi nào, ai đó viết về văn xuôi Thái Nguyên mà lại không điểm đến hai ông ấy không? Còn một loạt tác giả mà ông viện ra để chứng minh là tôi biết không đến đầu đến đũa như Nông Minh Châu, Xuân Cang, Vi Hồng, Vũ Duy Thông, Trịnh Thanh Sơn… và nhiều, nhiều người nữa mà ông kể, trong số họ, người đã mất, người đã xa Thái Nguyên mấy chục năm rồi. Liệu bây giờ có ai bảo những người như Xuân Cang, Trịnh Thanh Sơn, Vũ Duy Thông… là nhà văn của Thái Nguyên? Hay ông vơ cả Bắc Thái, cả Việt Bắc vào Thái Nguyên cho nó thêm sang? Ông không hiểu tôi nói “hậu Việt Bắc” là với ý nghĩa như thế nào thì làm sao mà ông bàn luận được? Vậy mà ông cao giọng: “Trời ơi! Liệu ông Thọ có biết…”, “Vậy, không phải ai khác, mà chính loạt tác giả tôi vừa nêu tên ở trên mới là những người mở đầu và làm nên một thời kì sáng tạo hoàng kim của văn xuôi “hậu Việt Bắc” ở Thái Nguyên. Một sự lầm lẫn “khủng” mà một nhà phê bình có kiến thức và chân chính không thể mắc”. Chưa kể đến chuyện ông nhân đó mà “bêu xấu” luôn cả hai bậc lão làng đáng kính là Ma Trường Nguyên và Hà Đức Toàn, mặc dù hai ông ấy không liên quan đến ông và không tham gia vào cuộc tranh luận này.
Còn nữa, đoạn tôi viết về Nông Minh Châu và Vi Hồng mà ông coi là “xúc phạm vong linh người đã khuất”, tôi cũng xin trình làng lại: “Nông Minh Châu là người công bố truyện ngắn đầu tiên, tiểu thuyết đầu tiên của văn xuôi các dân tộc thiểu số. Nhưng từ đó cho đến hết cuộc đời, ông hoàn toàn không có một dấu ấn nào nữa. Vì sao vậy, đơn giản là vì ông không bắt kịp sự phát triển của văn chương đương thời”; “Vi Hồng cũng vậy, nếu ông còn sống và còn sáng tác ở thời điểm hiện tại, tôi cam đoan rằng ông sẽ chỉ là cái bóng của chính mình, cái bóng bị chính thời gian làm mờ nhòe và không thoát ra được. Vi Hồng sẽ không thể vượt qua được cây cầu truyền thống để đến với văn xuôi hiện đại đang sải những bước dài mạnh mẽ từ sau Đổi mới”. Thưa ông Giang, đến bây giờ tôi vẫn thấy cảm nhận của tôi là có lí, và không phải chỉ tôi, nhiều nhà nghiên cứu hàng đầu về văn học dân tộc thiểu số, nếu ông đến hỏi, tôi tin là họ cũng sẽ trả lời như vậy. Nhắc đến Nông Minh Châu là nhắc đến một nhà văn có ý nghĩa mở đầu nhiều hơn là một nhà văn gặt hái được nhiều thành công trong sáng tác. Nó giống như người ta nhắc về Phan Khôi với bài Tình già mở đầu Thơ Mới, Hoàng Ngọc Phách với Tố Tâm mở đầu cho tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Chứ thực ra, Tố Tâm với Tình già, so với ngay những tác phẩm đương thời, đã là không mấy hay, thậm chí là dở nữa. Mặt khác, không có dấu ấn nó khác hoàn toàn với không sáng tác nữa, ông ạ.
Còn nhận xét của tôi về nhà văn Vi Hồng, tôi cho rằng mình vẫn chừng mực. Không ai có thể phủ nhận được vị trí của Vi Hồng trong văn xuôi các dân tộc thiểu số, nhưng căn cứ vào mười lăm tiểu thuyết của nhà văn quá cố đó, tôi tin ông ấy không thể thay đổi được lối viết. Tản Đà là một nhà Nho, ông thông hiểu và cổ súy cho cái mới, nhưng ông không thể nào làm mới mình để chan hòa với những Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư…được. Vì thế mà Hoài Thanh mới gọi ông là “người của hai thế kỷ”. Ông không thể viện dẫn cái chuyện “Vi Hồng đã nhiều dịp trao đổi với bạn văn Thái Nguyên về phương pháp hiện thực huyền ảo của Châu Mỹ La tinh, trong khi nhiều người viết trẻ chúng tôi còn rất mù mờ. Nói vậy để thấy Vi Hồng không phải không có ý thức đổi mới trong sáng tạo” để minh chứng là nếu còn sống, Vi Hồng sẽ đổi mới cách viết. Thưa ông, chính ông cũng đã tiếp xúc với “phương pháp hiện thực huyền ảo châu Mỹ La tinh” đấy, vậy mà văn của ông nói theo cách của giới văn chương Thái Nguyên - cũng có “vượt qua cầu Đa Phúc” được bao xa đâu!
Có thể thấy rằng từ đầu chí cuối, ông Giang chưa bàn một chút nào đến tinh thần bài viết của tôi, mà chỉ chặt khúc ra để tranh luận theo kiểu “nói lấy được”, nên hy vọng sau bài viết này, ông sẽ bình tĩnh hơn mà tiếp tục “trao đổi lại” cho trúng vấn đề. Có điều, xin nhắn lại với ông Giang, rằng nếu ông còn muốn tranh luận một cách nghiêm túc thì đề nghị ông:
- Cần đọc nghiêm túc, hiểu rõ tinh thần bài viết của người khác, trước khi tranh luận. (Phần kết luận bài viết của tôi, tôi đã trích dẫn lại, nếu ông thấy không đúng, thì mời ông tranh luận).
- Tuyết đối không được trao đổi theo cách “đoạn chương thủ nghĩa” như tôi đã nói ở trên.
- Khi tranh luận, cần một thái độ thẳng thắn và cầu thị, tuyệt đối không được miệt thị người khác, chỉ tranh luận đúng/sai về những vấn đề mang tính học thuật.
Nhân đây, tôi cũng đề nghị quý Báo, quý Ban biên tập và Tổng biên tập, cũng đừng nên quá tin vào tên tuổi “những nhà lí luận phê bình chuyên nghiệp” để cho một số người, mượn tờ báo làm sân khấu để ca tụng lẫn nhau, làm sai lệch sự thật, lừa dối bạn đọc.
Và tôi cũng muốn nói tới những người đang lăm le bước vào con đường văn chương chuyên nghiệp, rằng tên tuổi của mỗi người có được là do tài năng và sự nỗ lực chân chính, chứ không chờ ai đánh bóng để mà lớn lên. Cả những người đã có chút ít thành công, cũng thế. Sáng tạo nghệ thuật, nhiều khi, như một trò đùa của thượng đế. Ta muốn mình thành công, thì mình thất bại. Ta muốn mình đến được đỉnh cao, thì ta lại tự mình tuột dốc. Cho nên, đừng có khư khư ôm lấy một chút ánh hào quang của quá khứ để nghĩ rằng mình đang tỏa sáng. Xin nhớ rằng: Tự huyễn hoặc không bao giờ nâng cao được mình!
Nguyễn Kiến Thọ
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...