Thủ lĩnh xóm Nam Tiến
Bút ký. Lê Thế Thành
Lâu lâu được một lời chào như thế ở làng, bỗng thấy lòng mình như dịu lại.
Thực ra tôi và chị chẳng mấy khi gặp nhau, tuy thế tôi vẫn cảm nhận được chị rất gần gũi với tôi. Có lẽ sợi dây tình cảm vô hình ấy được truyền từ người cha của chị là liệt sỹ Trần Thanh Thủy. Tôi và liệt sỹ Trần Thanh Thủy đã một thời cùng sinh hoạt trong một phân đoàn, một tổ Đảng. Đã từng chia nhau những củ sắn, củ khoai luộc trên bờ ruộng hợp tác xã thời kỳ chỉ có 2,4 lạng thóc một công lao động.
Huệ nói: Nhiều năm nay đã được phép thắp hương rồi chú ạ.
Ở bức tường phía sau bàn thờ, phía trên cùng treo ảnh Bác Hồ, ở giữa là ảnh bà nội của Huệ cùng với tấm bằng “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và dưới là ảnh của liệt sỹ Trần Thanh Thủy.
Trước hình ảnh ấy, tôi nghĩ ngay đến sự hòa quyện của các nền văn hóa và các tôn giáo trong dòng chảy lịch sử dân tộc Việt. Chẳng phải đâu xa, ngay trong căn nhà của Huệ, ta có thể hít thở sự thanh tao, nồng ấm của các dòng văn hóa ấy.
- Làm Bí thư chi bộ có bận lắm không?
- Khi nào mệt quá thì nghỉ thôi, Huệ nói, còn thực ra rất nhiều việc không tên chú ạ. Chị giải thích thêm, lâu nay, trong cuộc sống hàng ngày, dân xóm mình đã quen có Đảng rồi. Từ những việc lớn như xây dựng nông thôn mới, thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, chăm sóc gia đình có công đến việc ma chay, cưới xin, ốm đau, tai nạn... Cho đến mất con gà con chó người ta cũng chạy đến với mình. Hình như đã thành một nếp quen, nhà nào có công có việc nảy sinh mình không đến được thì không yên tâm, với lại người dân lúc ấy họ mong sự có mặt của người cán bộ vì mình vừa là chỗ dựa tinh thần vừa là nguồn động viên của họ mà. Cháu nghĩ rồi, thực ra đó là điều may mắn cho chi bộ, chỉ sợ họ chả cần đến mình nữa như thế mới là điều đáng sợ.
Tôi nói vui: Theo lý luận thì cháu đang chống tham nhũng, thực hiện Nghị quyết 4 của Trung ương rồi đấy.
Huệ cười, rồi tâm sự: cháu coi đồng tiền là một thứ gì đó rất linh thiêng. Bố cháu hy sinh lúc cháu mới được 7 tháng, cháu không biết mặt bố. Khi lớn lên, nghe mẹ cháu kể lại, trên đường dẫn đơn vị vào chiến trường miền Nam, bố cháu bị sốt rét nặng nhưng bố cháu không chịu rời đơn vị. Lúc dừng chân ở một trạm giao liên, bố cháu gặp ông Phạm Viết Diễm, người cùng xóm, đang hành quân ngược đường ra Bắc. Bố cháu đã gửi ông Diễm mang về cho mẹ cháu năm đồng hai hào được gói kỹ trong một tờ giấy bóng... Cho đến bây giờ, mỗi khi cầm đồng tiền trong tay, cháu lại hình dung bố cháu đang run rẩy trong cơn sốt gửi về cho mẹ con cháu năm đồng hai hào. Đồng tiền quý như thế, nên cháu đặt cho mình một lời hứa không được bớt xén của ai hay của nhà nước dù chỉ một đồng.
Nam Tiến là một trong những xóm trung tâm của xã Tân Cương, nguồn sống chủ yếu là làm chè và làm ruộng. Xã có một môi trường văn hóa cách mạng truyền thống mà mỗi người dân đều ghi nhớ tự hào. Đây là chiếc nôi đầu tiên của trường Trung học phổ thông Lương Ngọc Quyến, một trường có bề dày lịch sử trên đất Thái Nguyên. Tân Cương cũng là xã đầu tiên thành lập trường cấp II, tức là trường Trung học cơ sở, bằng sức dân theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhiều thế hệ trong các gia đình đều được học trong nhà trường các cấp. Hiện nay, cứ 4 nhà thì có một sinh viên hay một học sinh cao đẳng, trung cấp đang theo học. Cứ bốn hộ đã có một nhà làm thêm các dịch vụ kinh tế khác. Mối quan hệ của dân trong xóm với xã hội bên ngoài khá phong phú, tầm hiểu biết luôn được mở rộng.
Với một mặt bằng dân trí như vậy, Trần Thị Huệ tự thấy phải cố gắng nâng cao năng lực mới có đủ trình độ đảm đương công việc. Về văn hóa, chị đã học hết lớp 12 và chị đã học xong chương trình Trung cấp lý luận chính trị. Đó là nguồn tri thức cần thiết cho một Bí thư như chị.
Dấu ấn đầu tiên khi giữ chức Bí thư chi bộ (năm 2007) đó là Nghị quyết thu đủ các loại phí trong năm và thanh toán dứt điểm các khoản nợ năm trước còn đọng trong toàn xóm.
Thực ra, các khoản đóng góp cũng không nhiều, mỗi năm một hộ chỉ đóng trên dưới 100 ngàn đồng nhưng nhà nọ nhìn nhà kia, nhiều hộ thực hiện nghĩa vụ không đến nơi đến chốn, chậm nộp, thiếu nhiệt tình. Thế là sinh ra so bì, mất đoàn kết. Nghị quyết chi bộ đề ra rồi, họp xóm dân biểu quyết nhất trí rồi, nhưng khi bắt tay vào việc, Bí thư chi bộ vẫn phải cùng Trưởng xóm và các cán bộ đầu ngành đến từng gia đình để tiếp tục thuyết phục và vận động.
Từ đó trở đi, các khoản lệ phí và đóng góp như đóng góp xây dựng nông thôn mới cũng được thu một cách thông đồng bén giọt. Đây cũng là một nội dung thi đua của xã đề ra, nhờ vậy ở chỉ tiêu này Nam Tiến luôn đứng ở tốp đầu của xã.
Trao phần thưởng khuyến học xóm Nam Tiến - một việc làm thường xuyên được cấp ủy và chính quyền quan tâm. Ảnh: TL
Làm bí thư, có lúc cũng phải “liều mạng” chú ạ, như cái việc làm cầu treo bắc qua suối. Chiếc cầu cũ đã nát, hai mố cầu bị sạt lở chỉ còn cái khung. Họp trên xã, xã tuyên bố không còn kinh phí, nếu xóm tự lực làm được, xã hỗ trợ 1 tấn xi măng. Cháu nhận ngay.
Nỗi lo là ở chỗ chưa có Nghị quyết chi bộ, chưa có ý kiến dân trong lúc chỉ có hai bàn tay trắng. Bây giờ phải làm một quy trình ngược so với mọi công tác đã làm trước đây. Nhưng cháu nghĩ, mỗi lần nước dâng cao bao nhiêu người phải ngưng công việc vì không qua được con suối, ảnh hưởng đến sản xuất. Xưa rồi cũng có trẻ chăn trâu chết đuối trên dòng suối đó, cho nên cháu mạnh dạn nhận. Mọi người ai cũng thấy ích lợi của cây cầu nhưng ngặt vì dân cũng không dư dả gì, lấy đâu ra tiền mua vật liệu. Được cái may mắn là cháu với chị Thu trưởng xóm tâm đầu ý hợp, vượt đèo lội suối theo đúng nghĩa đen đến tìm các mạnh thường quân, huy động nguồn vốn cho xóm. Trong những ngày đi vận động cũng có lúc nản chí. Đó là khi vào trang trại nuôi lợn của một đại gia. Trại lợn này mỗi lần xuất chuồng cả ngàn con lợn. Người nhà chủ trang trại ngày ngày phải qua cầu chăn lợn. Vậy mà sau khi nghe cháu nói hết ích lợi việc làm cầu và khó khăn của xóm, bà chủ trang trại than thở rằng, bà đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên không thể giúp gì cho xóm được. Giá họ chỉ cho mình một tờ 50 ngàn đồng thôi cũng đỡ tủi, đằng này chẳng có lấy một đồng nào “làm thuốc”... Thế nhưng cũng lại có những hình ảnh rất xúc động, như ở gia đình có hai ông bà già phải nuôi một người con dở điên dở dại, vậy mà bà ủng hộ 500 ngàn đồng. Chúng cháu lưỡng lự không muốn nhận, bà cụ khẩn khoản đây là tấm lòng của ông bà với xóm làng.
Nghe xong chuyện làm cầu, tôi bình luận, trên xã đánh giá việc làm của Huệ là có tính “quyết đoán” đấy. Huệ phân trần, cháu chả biết quyết đoán là gì, cháu chỉ thấy mình hơi “bị liều”. Rất nhiều việc tưởng thông thường mà vẫn phải đau đầu, chú ạ.
Chị lớn lên ở quê nên trên con đường ấy chị biết rõ chỗ nào là đất liền, chỗ nào là đất mượn. Theo thiết kế kỹ thuật, đoạn nào có đất mượn, nhà thầu phải hót sạch và thay bằng đá xanh để chống lún. Nhưng khi thi công, nhà thầu không biết vô tình hay cố ý đã bỏ qua công đoạn này, muốn đúc bê tông ngay cho kịp tiến độ.
Chị là thành viên của ban giám sát công trình, chị yêu cầu nhà thầu phải thay đá mới được đúc bê tông. Họ đã phản ứng lại khá gay gắt, cho rằng việc họ làm không hề ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Trước sự trái ngược ấy làm chị trăn trở làm sao ứng xử cho hợp lý. Đêm khuya, với một ý nghĩ dứt khoát nếu nhà thầu khăng khăng giữ cách làm ấy, chị sẽ động viên dân xóm yêu cầu dừng thi công. 2 giờ khuya, chị vẫn gọi điện cho cán bộ phụ trách làm đường toàn xã xin chỉ đạo. Ý kiến và phát hiện của chị được cán bộ phụ trách của xã đồng tình ngay.
Chị nghĩ, dân mình sẽ đi trên con đường ấy từ đời này qua đời khác, còn nhà thầu cứ xong việc là họ nhận tiền rồi “cao chạy xa bay”. Nhìn con đường phẳng phiu, ít ai tính toán được sức chịu tải của nó. Bằng một cách xử lý rất dân dã và khôn ngoan, Huệ nhờ một xe tải lăn bánh trên mặt đường đang chờ đúc bê tông.
Thì ra, việc gì cũng không thể đơn giản, dù lớn hay nhỏ vẫn phải đòi hỏi một sự cố gắng hết mức mới làm tốt được. Huệ tự rút ra bài học ấy cho mình.
Năm 2001, khi được kết nạp vào Đảng, vợ chồng Huệ đã bàn bạc thống nhất để Huệ tham gia công tác ở xóm và xã. Hình ảnh người chồng ngày ngày chăm lo công việc đồng áng bờ bãi để vợ đi họp hành, giao lưu là điều chưa mấy hợp mắt với nhiều người, nhất là khi Huệ là người công giáo.
Không thiếu những lời bình phẩm của cả người tốt và người vô tình nhiều khi cũng làm cho vợ chồng Huệ ít nhiều phải phân vân. Tuy không nặng nề, quyết liệt nhưng cũng có lúc nó như một khúc mắc trong tâm trạng của một con người bình thường. Nhưng nhờ sự cảm thông chia sẻ với nhau mà họ đã can đảm “bước qua lời nguyền” để cả hai người đều thảnh thơi trong công việc của mình.
Theo Huệ, thế hệ của chị khác thế hệ chúng tôi cũng là thế hệ liệt sỹ Trần Thanh Thủy, người cha của chị, một thế hệ lấy sự hy sinh quên mình vì sự nghiệp của Đảng là thước đo mẫu mực cả về lý tưởng và đạo đức cách mạng. Thời đại bây giờ thoát ly gia đình đi làm cán bộ không phải là đi “công tác” như trước nữa mà thực chất cũng là cuộc mưu sinh, có khi tìm cách làm giàu. Mình thiếu thốn mà vận động dân xóa đói giảm nghèo và làm giàu thì ai tin mình.
Quan tâm đến áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất nên chỉ với 6 sào ruộng và đồi chè mà mỗi năm vợ chồng anh thu được trên dưới trăm triệu. Nhờ vậy, cơ sở vật chất của gia đình Huệ được xây dựng khang trang, rộng rãi, các tiện nghi phục vụ sinh hoạt như xe máy, tủ lạnh, máy giặt, tivi, điện thoại... đều sắm sửa khá đầy đủ, đáp ứng các nhu cầu sinh sống của gia đình. Mức sống của vợ chồng Huệ tuy chưa thật giàu có nhưng cũng đạt loại khá giả. Huệ cảm thấy hài lòng vì mấy năm trở lại đây các hộ ở xóm Nam Tiến có mức sống khá, tương đối đồng đều, chi bộ với 9 đảng viên luôn đạt tiêu chuẩn Chi bộ trong sạch vững mạnh.
Với tôi, Trần Thị Huệ chưa phải là một Bí thư chi bộ điển hình, nổi trội trong công tác nhưng chị đã cho tôi phác thảo về chân dung của một bí thư bình dị và sáng tạo.
Chị là một con người như thế.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...