Thứ năm, ngày 09 tháng 05 năm 2024
10:26 (GMT +7)

Thơ Vũ Đình Toàn và “những dấu hỏi trước nhân loại thương đau”

Trong tập thơ tuyển chọn “Đôi bờ thế kỷ” của nhà thơ Vũ Đình Toàn, tôi đặc biệt ấn tượng với những bài viết về vấn đề mang tính thời sự: Chiến tranh, biến đổi khí hậu, thành tựu khoa học công nghệ, y học, giáo dục, chênh lệch giàu nghèo,… Những bài thơ viết từ thập kỷ 90 mà nay đọc lại như vẫn còn nguyên giá trị.

1.Thế giới đa góc nhìn

Những ngày này, nếu ai theo dõi cụ thể cuộc xung đột Nga - Ucraina và gần đây nhất là cuộc xung đột ở dải Gaza có lẽ đều chung cảm nhận như tôi khi đọc lại những câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Toàn. Chiến tranh, xung đột, dù ở thời nào đi chăng nữa đều đáng lên án. Bởi suy cho cùng, thiệt thòi lớn nhất vẫn là những người dân thường. Hàng trăm người dân vô tội nằm xuống, trong đó đáng thương nhất là những đứa trẻ. Rất nhiều ông bố bà mẹ lo lắng giữa thời loạn lạc đã phải buộc vòng tay khắc ghi tên con mình. Cẩn thận hơn, nhiều người lấy bút lông viết tên con mình vào bụng, vào chân, vào tay những đứa trẻ để nhỡ có xảy ra chuyện xấu biết đường nhận ra con mình giữa khói lửa chiến tranh.

Cách nay đúng 30 năm, tháng 5/1993, nhà thơ Vũ Đình Toàn có những câu thơ buốt tận tim gan khi chứng kiến nỗi đau chiến tranh Nam Tư qua màn hình ti vi: Tôi đã từng nghe tiếng gào thét đến tận cùng tim phổi/ Đất rạn vỡ dưới khung trời bức bối/ Tôi đã từng nghe tiếng gào rú đến tận cùng tội lỗi/ Thần sấm bổ nhào, bơm tuôn máu xối/ Tôi đã từng nghe tiếng nức nở đến tận cùng nhức nhối/ Đến tận cùng nông nổi, tận cùng đêm!/ Sao giờ đây tôi phải nghe thêm/ Những tiếng ấy, giữa êm đềm sự sống?/ Tiếng thảm thiết người đàn bà Nam Tư lăn xả vào đống thi thể chồng con, giữa tận cùng ác mộng! (Trước màn hình vô tuyến).

Những câu thơ dài ngắn khác nhau như sợi dây thắt chặt trái tim bạn đọc, khắc hoạ hình ảnh không còn gì đau đớn hơn trước hậu quả của chiến tranh. Từ hình ảnh chiếc ti vi, tác giả cũng liên tưởng đến thế sự. Chiếc ti vi đen trắng chuyển sang ti vi màu giúp tác giả nhận rõ hơn muôn màu cuộc sống: Ti vi đen trắng đổi sang màu/ Đời đen bạc hiện muôn hình sặc sỡ/ Hoa rực đỏ và máu người loang đỏ/ Đồng tươi xanh và da người đói bủng xanh. Và lá cờ xanh của sứ giả hòa bình/ Thì xanh tái giữa bao màu chết chóc (Xem ti vi màu). Dễ nhận thấy trong mỗi câu thơ có sự đối sánh giữa các màu sắc khác nhau. Cùng một sắc màu nhưng sắc thái lại khác nhau. Giữa màu đỏ rực rỡ của sắc hoa với màu máu đỏ chiến tranh. Màu xanh hòa bình, hi vọng đối sánh màu làn da xanh xao vì đói. Để từ đó, tác giả muốn nói đến những vấn đề lớn lao hơn, trăn trở thành một câu hỏi lớn: Duy chẳng có sắc màu nào có thể điểm tô cho tiếng khóc/ Của những bà mẹ Nam Tư bên xác chồng con (Trước màn hình vô tuyến). Cách đặt vấn đề, giải quyết và kết thúc vấn đề trong thơ Vũ Đình Toàn luôn khiến người đọc bất ngờ. Ẩn trong mỗi câu thơ sinh động luôn ngầm chứa những thông điệp sâu xa.

Để đi tìm câu trả lời tội ác chiến tranh, tác giả cũng đã nhiều lần tự đặt ra câu hỏi và tự trả lời: Con người tự hào đã xây lên những ngôi nhà “chọc Trời”/ Con người kiêu hãnh đã dựng lên những tòa tháp “chọc Trời”/ Và phải chăng Trời bị chọc đau nên Trời nổi giận? Để rồi dẫn tới những hậu quả kinh hoàng: Lửa giận của Trời thiêu nóng trái đất/ Bão giông lụt hạn tàn phá hành tinh?/ Trời còn sai quỷ giữ hóa phép tàng hình/ Quật đổ sập tháp trăm tầng trong cuồng điên thịnh nộ?/ Khiến hàng ngàn con chiên lành của Chúa/ Phải chết oan chết khổ/ Chết đột ngột kinh hoàng không rửa tội nghe kinh/ Chết thảm khốc như Hi-rô-si-ma, Na-ga-sa-ki/ Hàng chục vạn sinh linh đã phải chết năm lăm năm về trước/ Chết thảm khốc như Sơn Mỹ, Chu Lai, Vĩnh Trình, Chợ Được…/ Như cầu Gia Bẩy, như phố Khâm Thiên/ Đã chết bao người dân vô tội lành hiền/ Những em thơ đang tìm vú mẹ/ Những cụ già tóc trắng phơ phơ/ Những chàng trai cô gái đang mơ… (Những dấu hỏi trước nhân loại thương đau).

Chiến tranh luôn rình rập mang khổ đau đến với nhân loại khiến tác giả không khỏi trăn trở lo lắng: Nhưng còn đó tiếng gầm gừ bom nhiệt hạch/ Mơ mấy ngàn năm giáp binh chưa tẩy sạch/ Nước sông Ngân khô trong lửa chiến trường! (Thập kỷ giã từ).

Trước thời khắc chuyển giao giữa hai thế kỷ, cũng như nhiều người, nhà thơ chất chứa nhiều tâm trạng: Chín mươi năm thế kỷ Hai mươi/ Hùng dũng đi qua trong vinh quang quằn quại/ Thao thức tàn đêm đón thập kỷ sau cùng, tôi hỏi: Sáng mai đây ấm nắng hay sầu đông? (Thập kỷ giã từ).

Bên cạnh đề tài về chiến tranh, rất nhiều vấn đề trong cuộc sống thường ngày đã và đang diễn ra trên thế giới, trong nước được tác giả đặt ra với nhiều suy ngẫm như: Thành tựu trên các lĩnh vực của con người, môi trường, lẽ sống, chênh lệch giàu nghèo, mối quan hệ ứng xử giữa con người với con người,... Nhà thơ Vũ Đình Toàn khẳng định những thành tựu của nhân loại với cách nói dí dỏm và rất thơ: Ừ nhân loại có xoàng đâu/ Khi đi dạo cùng cung trăng/ Và khi cấy phôi người trong ống nghiệm…/ Khi người máy biết hát, biết đàn, biết chơi cờ tiếp khách…/ Và cháu con mình làm toán ở Béc-lin, Luân-đôn/ Chẳng chịu nhường con cháu nhà ai vốn nòi thông thái (Những dấu hỏi trước nhân loại thương đau).

Nhà thơ Vũ Đình Toàn không chỉ tư duy bằng ngôn ngữ mà còn tư duy bởi những ám ảnh của biểu tượng, nỗi ưu tư về thân phận con người. Chính điều này tạo nên chiều sâu mỹ cảm trong thế giới nghệ thuật thơ ông. Cái tôi trữ tình với nỗi suy tư trăn trở, chiêm nghiệm trở thành mạch nguồn chủ đạo xuyên suốt trong thơ của ông. Để rồi từ chính những chiêm nghiệm về hiện thực có vẻ như xô bồ, bất an đó, nhà thơ thức nhận sâu sắc hơn về lẽ sống, niềm tin ở cuộc đời này: Nhưng sau lưng con người bằng xương bằng thịt/ Những con người xương thịt vẫn chìa dao…/ Những Ma-phi-a và Si-đa và cả Đô-la/ Vẫn lơ lửng trên đầu gieo sợ hãi/ Rừng vẫn trụi, phổi càng dày khí thải/ Vẫn tay người chọc thủng mái ô-zôn/ Hai phần ba đói rét khôn cùng/… (Những dấu hỏi trước nhân loại thương đau).

2.Những ngẫm ngợi trước thời cuộc

Thế giới chuyển động không ngừng nghỉ và nhà thơ Vũ Đình Toàn đã luôn cập nhật ghi lại từng khoảnh khắc vào thơ để rồi ngẫm ngợi suy tư, trăn trở. Rất nhiều câu hỏi được tác giả đặt ra. Và trước màn hình ti vi, tác giả chỉ biết đau đớn trước những thông tin về những cuộc chiến tranh khiến nhiều người dân rơi vào cảnh vợ mất chồng, con cái mất cha mẹ: Tôi giật mình/ tay nắm bàn tay của chính mình và của chính hôm nay (Trước màn hình vô tuyến). Tâm trạng ấy lặp đi lặp lại, cháy bùng trong tác giả mỗi khi ông cập nhật được thông tin mới về cuộc chiến trên thế giới: Đêm nay, ngồi lọt giữa sa-lông chăm chú màn hình/ Hưởng bữa tiệc no nê của sắc màu diễm ảo/ Nhấp ngụm rượu của đời thơm thảo/ mà nghe gai nổi khắp thân mình (Xem Ti vi màu).

Đôi khi tác giả chọn vấn đề giàu, nghèo để bàn luận về con người: À ra thế người giàu cũng khóc/ Nước mắt người giàu cũng xót tận tim gan…/ Thế giới người giàu nơi châu lục xa xôi/ Cũng tươi đỏ trái tim người nức nở/ Cũng tím ruột bầm gan trước loại quỷ dữ/ Cũng day dứt lương tri khoan thứ lỗi lầm… Dẫn giải ý tứ để rồi tác giả làm sáng tỏ điều bấy lâu nay nhiều người suy nghĩ chưa đúng: Vậy mà sao ta cứ trộn nhầm/ Sự giàu có lẫn với điều độc ác? Cái nhơ nhuốc gắn riêng cho tiền bạc/ Cái thanh cao chỉ thấy dưới lều tranh?... (Người giàu cũng khóc).

Đặt ra câu hỏi rồi tác giả lại tự trả lời: Có phải vì đời còn lũ hôi tanh/ Gom rác rưởi để xây nền phú quý/ Cướp giật giàu sang bằng hư danh lừa mị/ Bằng giả nghĩa, giả nhân, giả khóc, giả cười(Người giàu cũng khóc). Đưa ra nhiều vấn đề, thắc mắc, tự trả lời rồi tác giả bày tỏ rõ quan điểm mong muốn hướng tới những điều tốt đẹp hơn: Hỡi Đức Mẹ nhân từ và thánh A-la cao cả hiền minh/ Hỡi những sở chứng khoán và những ngân hàng ở Man-hát-tan/ Sao thịnh vượng không xua tàn thù hận/ Để văn minh khỏi thấy cảnh điêu tàn? Sao những tín đồ phải vung gươm tàn nhẫn/ vùi những tín đồ xuống vực thẩm lầm than? Ôi những hồn tháp chọc trời còn quanh quẩn phố Uôn/ Tiếc thương các người là tấm lòng nhân loại/ Nhưng nếu vì trời giận, trời đau, trời không cho tồn tại/ Thì bay đi, đừng ngoái lại thêm buồn/ Quanh đống hoang tàn, máu lệ trào tuôn/ Còn nhức buốt cả trăm ngàn dấu hỏi! (Những dấu hỏi trước nhân loại thương đau).

Những câu hỏi day dứt ấy đến nay nhân loại vẫn mải miết đi tìm câu trả lời. Những vấn đề chiến tranh, môi trường, cách ứng xử con người vẫn còn nguyên tính thời sự, khiến mỗi người cảm thấy chạnh buồn suy ngẫm: Không tự hào sao khi vinh quang trên ngực chói chang/ Cũng chẳng đáng buồn sao khi bia đá nạm vàng/ phải ngoi ngóp giữa đại dương bia miệng! (Thập kỷ giã từ).

Đọc thơ Vũ Đình Toàn dễ gặp rất nhiều bài thể hiện quan điểm của tác giả về Thơ và người làm thơ. Giữa bao nhiêu nỗi lo chồng chéo trước thời cuộc, ông nhắc tới vai trò của người cầm bút: Chẳng đáng buồn sao khi ngòi bút mình lạm phát thứ văn chương rập rờn bay liệng/ rồi bỗng chốc lại điêu toa ngoa ngoắt/ trăm dấu khuyên son một đường sổ toẹt/ Mà nhân danh cái đẹp với tình thương/ Mà ngang nhiên phun độc tố tinh thần/ Làm hoen bẩn những hồn thơ vô tội/ mà ngang nhiên tàn phá lạnh lùng những kho tàng câm lặng của quê hương (Thập kỷ giã từ).

 Trong những bài thơ của Vũ Đình Toàn viết về đề tài này, chúng ta luôn thấy song hành giữa buồn vui, sướng khổ, tốt xấu, thực tại và tương lai. Tất cả được thể hiện trong từng câu hỏi: Tôi đợi chờ gì, thập kỷ Chín mươi, Người có biết/ Phải chăng những tháng ngày lu bù yến tiệc? Hay mơ màng bay giữa trăng sao/ Hay há miệng chờ quả rơi xuống miệng (Thập kỷ giã từ). Rất nhiều câu hỏi được tác giả đưa vào thơ từ cách đây hơn 30 năm. Dù đã hơn 30 năm, có lẽ những trăn trở, lo lắng này giờ đây vẫn còn phù hợp. Nó thể hiện niềm hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn của nhà thơ. Xã hội đã thay đổi không ngừng nghỉ, thế nhưng nhiều bất cập, tồn tại như những câu thơ hơn 30 năm trước trong thơ Vũ Đình Toàn nhắc đến vẫn còn. Đó là tội ác chiến tranh, môi trường, tham nhũng, cách ứng xử của con người với nhau…

Trước thời khắc giao thừa thế kỷ, nhà thơ ước vọng, kỳ vọng thế giới hướng tới những điều tốt đẹp: Tôi đợi chờ gì, thập kỷ chín mươi, Người có biết?/ Những bức thiết và bao điều tha thiết để thanh thản giã từ thế kỷ hai mươi/ Thập kỷ Chín mươi ơi, tôi kỳ vọng nơi người! (Thập kỷ giã từ). Bên cạnh những câu thơ tự do phóng khoáng, chứa chan nhiều tâm sự: Ơi lời yêu đừng cạn/ Ơi tim yêu chớ mòn/ Xin hôn nụ hôn nồng/ Môi hồng em thế kỷ/ Xin thấm khô ngấn lệ/ mắt biếc em - thời gian (Giao thừa thế kỷ), tác giả Vũ Đình Toàn cũng có những câu thơ lục bát thật mềm mại nói về khoảnh khắc giao thừa: Giao thừa rạo rực sang canh/ Đất trời tàn lẫn bồng bềnh khói sương (Tình xuân 2000). Những câu thơ cất lên tiếng nói tâm trạng của nhân vật trữ tình, mang những thông điệp có ý nghĩa đối với cuộc sống. Tôi cho rằng đây chính là những câu thơ đẹp, mang giá trị nhân văn, bởi nó được viết ra như chính con tim nhà thơ mách bảo.

Thơ Vũ Đình Toàn như một thước phim quay chậm, dù thời gian có phủ lớp bụi mờ nhưng nội dung cốt lõi vẫn còn nguyên giá trị. Rất nhiều vấn đề lớn lao của thế giới được tác giả thể hiện rõ nét qua những góc nhìn khác nhau. Có một điểm dễ nhận thấy là những bài thơ viết về thế sự của Vũ Đình Toàn thường dài hơn so với những bài thơ trữ tình và có rất nhiều câu hỏi. Điều đó thể hiện rõ tác giả luôn quan tâm trăn trở với thời cuộc. Và mỗi bài thơ của ông đã vượt qua quan điểm của một cá nhân trở thành tiếng nói chung của mọi người hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn.

Dương Văn Mưu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy