Thứ năm, ngày 28 tháng 11 năm 2024
14:53 (GMT +7)

Thơ Tố Hữu trong chúng tôi

VNTN - Trong đời sống xã hội, mỗi một người tham gia vào đời sống, dù muốn hay không đều là người viết lịch sử. Lịch sử chỉ có một, là sự thật chân lý, nhưng thực tế không ai đạt đến mà cùng lắm chỉ tiếp cận được, tùy thuộc vào khả năng và góc nhìn của mỗi người. Vì vậy không ai có quyền phán xét lịch sử theo ý muốn của mình. Bởi mỗi người ai cũng sống trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể, bị hoàn cảnh chi phối, thậm chí là quyết định thế giới quan, nhân sinh quan của mình. Lịch sử là cái đã qua, càng không thể lấy cái hôm nay để phán xét.

Rất lâu rồi, hàng trăm nghiên cứu sinh, tiến sĩ, thạc sĩ Văn học Việt Nam không có luận án nào về thơ Tố Hữu. Cũng lâu lắm rồi, sau Hà Minh Đức, Trần Đình Sử với các chuyên luận khoa học về thơ Tố Hữu, có rất ít người viết về thơ ông.

Nhưng với chúng tôi, thơ Tố Hữu vẫn là một nguồn suối trong tươi mát, một mạch ngầm sống động trong đời sống tinh thần. "Chúng tôi" mà tôi dùng ở đây là thế hệ những người ở lứa tuổi 70. Chúng tôi sống trọn vẹn thời gian cuối cuộc kháng chiến chống Pháp (1954) vắt qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, chống bọn bành trướng xâm lược Trung Quốc đến hôm nay - 70 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Trong quãng thời gian 70 năm của một đời người thì ít nhất có 30 năm (1954 - 1975) chúng tôi đã được sống với thơ Tố Hữu.

Chúng tôi đã được sống những ngày tốt đẹp nhất của xã hội. Cả nước triệu người như một đoàn kết xung quanh Bác Hồ và Đảng Lao động Việt Nam, hy sinh cả xương máu của mình để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ai cũng phải sống trong chiến tranh ác liệt, chết chóc và tàn phá của bọm đạn nhưng ai cũng rạng rỡ nụ cười, ai cũng dành phần khó khăn gian khổ hy sinh về phần mình. Xã hội thanh bình, không có trộm cắp, đĩ điếm, tham nhũng…

Thơ Tố Hữu đã cùng chúng tôi đi suốt đường dài gian khổ, hy sinh. Tôi chỉ muốn nói đến thơ Tố Hữu thời kỳ này. Từ ấy (1937-1946) chúng tôi chưa sinh, cũng không được chứng kiến cảnh lầm than nô lệ của "Hai đứa bé", "Đi đi em", "Vú em", "Tiếng hát sông Hương"… nhưng chúng tôi đã được biết đến Việt Bắc (1946-1954) dù còn chưa nhiều nhưng cuối của Việt Bắc chúng tôi đã có "Ta đi tới", "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên". Và nhất là "Việt Bắc" để làm hành trang vào đời.

Trong điều kiện đất nước còn nghèo sau cuộc kháng chiến 9 năm gian khổ chống Pháp. Chúng tôi đến trường không có sách báo và điều kiện để học hành. Bài học về Tổ quốc, bài học địa lý từ đầu đời của chúng tôi là "Ta đi tới". Hơn nửa thế kỷ đã qua nhưng những địa danh của đất nước vẫn in sâu đậm trong mỗi người của thế hệ chúng tôi.

Ai đi Nam Bộ

Tiền Giang, Hậu Giang

Ai về thành phố

Hồ Chí Minh

Rực rỡ tên vàng.

 

Ai đi Nam, Ngãi, Bình Phú, 

Khánh Hoà

(Quảng Nam, Quảng Ngãi,  Bình Định,  Phú Yên bây giờ)

Ai vô Phan Rang, Phan Thiết

Ai lên Tây Nguyên, Công Tum, 

                                     Đắc Lắc

Khu Năm dằng dặc khúc ruột 

                                   miền Trung

Tôi dám chắc nhiều học sinh phổ thông trung học bây giờ khi được hỏi địa danh các tỉnh thành Việt Nam sẽ không kể lại được như chúng tôi, bởi chúng tôi được học thơ Tố Hữu qua bài thơ "Ta đi tới".

Bây giờ, nhờ công cuộc Đổi mới (1986) nền kinh tế thị trường nở rộ với những thành quả đáng khuyến khích, có người nhìn lại phong trào hợp tác xã như là một sự kiện hài hước, buồn cười. Có người chế giễu "Dân có ruộng dập dìu hợp tác. Lúa mượt đồng ấm áp làng quê. Chiêm mùa cờ đỏ ven đê. Sớm trưa tiếng trống đi về trong thôn". Nhưng cái gì của con người ra đời và mất đi đều có lý do của nó. Đó là khách quan. Nhưng nếu không có Hợp tác xã thì cả thế hệ chúng tôi đã thất học. Hợp tác xã đã lo cho tất cả mọi gia đình chúng tôi từ cái ăn, cái mặc (dù là ít ỏi) để chúng tôi ra trận. Chúng tôi đã được Hợp tác xã nuôi cho ăn học từ cấp I đến cấp III, không phải đóng học phí, lại còn được cung cấp sách vở, bút mực đến trường. Chúng tôi trở thành người lính có đủ bản lĩnh và lòng dũng cảm, trở thành lính pháo binh, tên lửa, phi công, bác sĩ trong chiến tranh đủ trình độ và năng lực để đánh bại đối phương là những người có học hành của quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn với đầy đủ vũ khí và trang bị tối tân khoa học. Và bây giờ chúng tôi là công nhân, nông dân, những giáo sư, tiến sĩ, nhà văn, doanh nhân thành đạt… là bằng cơm ăn, áo mặc của Hợp tác xã đấy chứ. Mô hình hợp tác xã đã trở nên lỗi thời, lạc hậu với hiện nay thì phải thay thế, nhưng không thể dè bỉu. Bởi nói cho cùng những cái gì đã có trong ta, làm nên ta dù hay, dù dở cũng là của ta. Vì vậy dè bỉu Hợp tác xã là bất nhẫn, càng không thể phê phán những câu thơ trên của Tố Hữu đã ăn sâu trong tình cảm của chúng tôi.

Bây giờ có những ông quan đã từng được nhân dân che chở, hy sinh để bảo vệ cho mạng sống, đã nhanh chóng quên đi tình nghĩa ấy. Thậm chí còn trở lại áp bức nhân dân. Họ đã quên đi bài thơ "Việt Bắc" xúc động lòng người, về tình quân dân, tình cá - nước của cuộc kháng chiến chống Pháp. Ngay trong bom đạn Mỹ tàn khốc, những ngày cuối chiến tranh, sắp đến ngày chiến thắng, chúng tôi vẫn nhớ nằm lòng câu thơ của Tố Hữu, như là nhắc nhở, lời tri ân.

Mình về thành phố xa xôi

Nhà cao còn thấy núi đồi nữa chăng?

                                        ( Việt Bắc)

"Sông có khúc người có lúc". Cuộc đời mỗi người ai cũng có khúc quanh, may mắn, hanh thông, vui vẻ nhưng cũng nhiều khi gặp bất trắc thất bại nhưng còn sống ai cũng cần hy vọng và niềm tin ở tương lai.

Em ơi em mùa xuân đến rồi

Như đời ta, hôm nay dù có đầy đủ, hạnh phúc mãn nguyện thì ai dám bảo là cái hôm nay đang có không còn gì liên hệ với quá khứ, chắc chắn quá khứ của mọi người đâu chỉ có niềm vui.

Dù đêm qua chút tuyết còn rơi.

Nhưng là "mùa xuân đến rồi". Đời vẫn đẹp, vẫn vui và tràn trề hạnh phúc đang đến dù phải sống, phải cố gắng mà giành lấy, phải giữ gìn.

Hỡi người chị trên đường quét tuyết

Xuân đã đến rồi nắng ửng đôi môi.

                                  (Em ơi Ba Lan)

Cuộc sống của chúng tôi, học tập, chiến đấu và lao động làm nên hạnh phúc. Thơ Tố Hữu là tiếng hát động viên, thôi thúc chúng tôi. Không khí lao động xây dựng đất nước cũng là tiếng gọi tinh thần là sức mạnh của mỗi thanh niên, mỗi cá nhân chúng tôi lên đường:

Đi ta đi! Khai phá rừng hoang

Hỏi núi non cao đâu sắt đâu vàng?

Hỏi biển khơi xa đâu luồng cá chạy?

Sông Đà, sông Lô, sông Hồng, 

                                         sông Chảy

Hỏi đâu thác nhảy cho điện 

                                      quay chiều?

Hỡi những người trai 

                          những cô gái yêu

Trên những đèo mây trên tầng núi đá

Bàn tay ta làm nên tất cả

Xuân đã đến rồi, hối hả tương lai

                    (Bài ca mùa xuân 1961)

Những vần thơ này thấm đẫm trong tâm hồn chúng tôi, tăng thêm nghị lực, sức mạnh và tình cảm cho chúng tôi, ngay cả bây giờ chúng tôi không còn là "những người trai những cô gái yêu" nữa nhưng vẫn sống, vẫn muốn đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng Tổ quốc Việt Nam yêu quý. Dù hôm nay đời sống vật chất của mỗi người, mỗi gia đình đã khá hơn trước nhiều, nhưng vẫn còn đó những gia đình thiếu ăn, thiếu mặc. Các cháu nhỏ, nhất là ở biên giới, hải đảo còn thiếu trường, thiếu lớp học, còn đói rét. Nhiều người dân đau ốm không có tiền chữa bệnh. Nhìn chung đất nước còn nghèo, so với thế giới, với những nước xung quanh, đất nước ta vẫn là nước chậm phát triển, còn nghèo thì ý thức trách nhiệm công dân và đạo lý làm người của chúng tôi vẫn tâm niệm điều mà cha ông ta từ xưa đã dạy: Tiết kiệm, cần cù lao động mà tự mình xây dựng cuộc sống của mình.

Dọn tí phân rơi, nhặt từng ngọn lá

Mỗi hòn than mẩu sắt cân ngô

Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ.

                     (Bài ca mùa xuân 1961)

Ba mươi năm chiến tranh ác liệt (1954-1975) Mỹ đã "cút", chính quyền Việt Nam cộng hòa đã "nhào". Đất nước thống nhất về một mối. Nhưng hy vọng và cả ảo tưởng tới những ngày thanh bình của đất nước trong tương lai đã bị thực tế phũ phàng chặn lại. Tố Hữu đã sớm, rất sớm cho chúng tôi một cách nhìn (cũng có thể ngoài ý muốn của ông). Đó là thế giới đảo điên.

"Chợ trời thật giả đâu chân lý

Hàng hóa lương tâm vẫn thiếu thừa"

Có lẽ Tố Hữu là nhà thơ đương đại sớm nhất cảnh báo về sự xâm lược của bọn bành trướng đại Hán :

"Trái tim lầm chỗ để trên đầu

Nỏ thần vô ý trao tay giặc

Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”

                                          (Tâm sự)

Chúng tôi đã được thơ ông cảnh báo và nhắc nhở chúng tôi cảnh giác hôm nay.

Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo. Đói ăn thiếu mặc. Từ năm 1966 đã phải cầm súng. Máy bay Mỹ ném bom dữ dội thành phố Vinh, dù đang học cấp III chúng tôi đã phải trực chiến, bắn máy bay Mỹ. Và những năm tiếp theo lần lượt bạn bè đi bộ đội và ra trận với tinh thần "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai", bởi ai cũng tâm niệm "Trường Sơn Đông nắng Tây mưa. Ai chưa đến đó như chưa rõ mình". Bây giờ, chiến tranh đã kết thúc, đã lùi xa 40 năm. Có người đặt vấn đề xem xét lại cuộc chiến tranh này. Xin tùy ý. "Sau chiến tranh ai cũng anh hùng" (ngạn ngữ Rumani). Thậm chí có người bảo chúng tôi bị lừa dối, cũng tùy ý. Nhưng chúng tôi không ân hận, không hối tiếc với những hy sinh của tuổi trẻ. Chúng tôi đã sống thật đẹp, thật ý nghĩa với những năm tháng đó cùng với thơ Tố Hữu "Ra trận", với "Máu và hoa".

Rồi tôi đã được sống một thời gian ở nước ngoài trước khi về nước, lại lần nữa ra trận. Quả thật là rất đỗi tự hào là người Việt Nam. ở đâu, đi đâu cũng được nhân dân bạn chào đón nồng nhiệt. Chúng tôi là sinh viên được thầy quý, bạn yêu, nhân dân chăm sóc. Họ nhường nhịn sẻ chia cho chúng tôi tất cả mọi thứ. ở rạp chiếu phim, ở cửa hàng rau quả, chúng tôi xếp hàng thì các bà mẹ, bà chị đều nhường chỗ vì chúng tôi là người Việt Nam. Tất nhiên chúng tôi biết từ chối sự nhường nhịn ấy của mọi người. Bạn bè thế giới yêu quý Việt Nam bởi nhân dân Việt Nam đang kháng chiến chống Mỹ, đang chịu nhiều bom đạn và mất mát hy sinh. Nhưng Việt Nam thì ở xa tận đẩu tận đâu ít ai biết mà cụ thể là chúng tôi, những con em của nhân dân Việt Nam thì ở gần họ, hàng ngày sống và ăn ở với họ, tiếp xúc với họ bằng cuộc sống giản dị, hiếu học, có văn hóa. Làm gì có chuyện buôn gian bán lận, có người Việt ăn cắp, đâm chém nhau, trồng cần sa hay làm điếm như bây giờ, ấy là cuối những năm 60 đầu 70 của thế kỷ trước! Mà người Việt Nam ở nước ngoài - chủ yếu là các nước xã hội chủ nghĩa đã có đến hàng chục ngàn người. Và ngay những năm tháng huy hoàng ấy chúng tôi đã được nhắc nhở cảnh báo của nhà thơ Tố Hữu.

Việt Nam ơi máu và hoa ấy

Có đủ mai sau, thắm những ngày?

                   (Việt Nam máu và hoa)

Ấy là năm 1973! Lời cảnh báo này giờ đây vẫn nguyên giá trị. Con người Việt Nam đi xa, sống, lao động học tập ở nước ngoài nhiều hơn và những tệ nạn làm cho hình ảnh Tổ quốc nhem nhuốc đi, Máu và hoa có đủ thắm nữa không?  Đó là chưa nói đến nạn tham nhũng hoành hành, giáo dục xuống cấp, đạo đức và văn hóa xã hội khủng hoảng trầm trọng... chẳng đã được thơ Tố Hữu cảnh báo đó sao?

Chúng tôi đã từng  với nhân dân cả nước cùng với Tố Hữu khóc Bác ơi khi Bác qua đời (1969).

Ôi Bác Hồ ơi, những xế chiều

Nghìn thu nhớ Bác biết bao nhiêu.

                                        ( Bác ơi)

"Theo chân Bác", "Bác ơi" là những bài thơ hay nhất viết về Bác Hồ của Tố Hữu, khi ông viết:

Mong manh áo vải hồn muôn trượng

Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.

                                            ( Bác ơi)

 Tố Hữu không chỉ ca ngợi vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, và sau này ông viết:

Thơ để cho đời, tro bón đất

Sống là cho mà chết cũng là cho.

Chúng tôi còn nhận được ở đó một lối sống ở đời, mọi thứ danh vọng, chức tước, của cải trên đời... đều hão huyền tất cả, chỉ còn lại tình người là có ý nghĩa mà thôi.

Tôi không viết phê bình nghiên cứu thơ Tố Hữu. Cũng không biết ông là nhà chính trị, có đóng góp hay làm hại gì ai. Ông làm được gì hay những gì không làm được (giá, lương, tiền, vụ Nhân văn giai phẩm chẳng hạn) thì cũng không phải trách nhiệm của riêng ông. "Lỗi cơ chế" là mọi nguyên nhân của lịch sử đương đại ở nước ta. Tôi chỉ biết thơ ông là một phần quan trọng hun đúc nên tâm hồn và cuộc sống tươi đẹp của chúng tôi. Cả một đời người, có ai ở thế hệ này không có trong mình một vài bài thơ, vài câu thơ của Tố Hữu trên đường ra trận, trên đường lao động xây dựng Tổ quốc cho đến hôm nay?

Văn hóa là dòng chảy vô tận. Thơ Tố Hữu nằm trong dòng chảy đó. Không ai có thể chủ quan ngăn dòng chảy đó mà phán xét, vùi dập được. Về sau chúng tôi có thêm Màu tím hoa sim (Hữu Loan), Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm), Tây Tiến (Quang Dũng)… nhưng chính thơ Tố Hữu là quan trọng của đời sống tinh thần của chúng tôi. Thì người ta cứ việc bàn nhiều đến thơ ca, cách tân, hiện đại, siêu thực, ấn tượng… nhưng với mấy trăm nhà thơ hiện nay, trong số đó có xấp xỉ mấy trăm, không có lấy một câu thơ cho người đời nhớ thì chúng tôi vẫn cứ yêu và nhớ thơ Tố Hữu.

Lê Đình Cúc

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy