Tâm hồn Việt – Danh họa Trần Văn Cẩn
Tôi đang mải vẽ, linh cảm như có một tia sáng chiếu đằng sau. Quay lại, sửng sốt, tôi thấy họa sĩ Trần Văn Cẩn, điếu thuốc trên tay, khoác chiếc áo kaki trắng, nhìn tôi mỉm cười nói: Lân cứ vẽ tiếp đi. Trước mặt tôi là biển và ông - họa sĩ danh tiếng. Tôi vui có cuộc gặp kỳ diệu này, lúc đó, năm 1972.
Ngoài biển, thấp thoáng một bóng hồng đang đùa với sóng nước. Sau này, họa sĩ Trần Văn Cẩn đã vẽ rất nhiều chân dung bóng hồng ấy - người bạn đời - kỷ niệm tuyệt vời của ông một buổi chiều trên biển, dưới chân núi Bài thơ.
Cũng chính Vùng mỏ, Vịnh Hạ Long thần tiên nơi đây, trong đợt hướng dẫn sinh viên đi thực tế, ông đã vẽ bức sơn dầu “Nữ dân quân vùng biển” năm 1960. Súng trường khoác vai trên thân hình thắt đáy lưng ong, má rám nắng, nhếch mép mỉm cười duyên. Dáng cô gái khỏe mạnh, in trên nền trời sáng chói, vài chiếc thuyền làm xáo động mây nước.
Ông sảng khoái với những nét bút lớn để diễn đạt cái ý giặc đến nhà đàn bà cũng đánh!
Tiếng sóng biển làm ông vơi đi nỗi buồn, cách đây gần chục năm, khi biết những tác phẩm chân dung sơn dầu tuyệt kỹ của mình bị gia đình cô gái mà ông yêu quý đã mang đốt sạch.
Tâm hồn ông như những tác phẩm bị thiêu cháy. Nhưng cô gái vẫn thổn thức yêu ông. Cô hiểu ông tha thiết vì cái đẹp hiện hữu trên đời và ông đã gửi vào những tác phẩm biết bao nhiêu là tình cảm.
Hiện nay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn lưu giữ bức sơn dầu duy nhất tuyệt đẹp màu thiên thanh của ông, “Thiếu nữ áo xanh” với một nụ cười như cánh hoa đào mùa Xuân đã làm xôn xao một thời về mối tình của người Họa sĩ tài danh...
***
Tôi vẫn bị thu hút bởi đôi mắt của ông trong buổi chiều ở chân núi Bài thơ năm ấy- đôi mắt trìu mến của ông đã truyền vào đôi mắt “Em Thúy”, bức sơn dầu làm bao người xúc động trước gương mặt thánh thiện của em.
Người ta hồi ức lại sự trong sáng hồn nhiên, hi vọng nhiều trong cái nhìn của một cô gái nhỏ Việt Nam cách đây gần một thế kỷ.
Chiếc vòng trên cổ tay, đặt nhẹ trên đùi, đôi vai gầy trong chiếc áo trắng lành trong hòa sắc ấm áp nâu vàng...
Mọi người tin rằng ở đất nước này còn có nhiều em bé đẹp như thế.
Ông đã vượt qua hạn chế của kinh viện hàn lâm để tạo nên một kiệt tác xứng đáng với những bậc họa sĩ tài danh cùng thế hệ ông như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Tô Ngọc Vân...
Nhạc sĩ Paul Zetter, Chủ tịch Hội đồng Anh, đã sáng tác nhạc phẩm Little Thuy's Minuet để ca ngợi vẻ đẹp của em bé trong tranh “Em Thúy”. Bà Roveline Fry, một chuyên gia uy tín về phục chế tranh của Australia, đã cảm động nhận xét tranh “Em Thúy” như là Mona Lisa của Việt Nam.
Ít nói về tác phẩm của mình, ông dành những lời trân trọng nhận định về những họa sĩ mà ông kính mến.
Có lần tôi mạnh dạn hỏi về tranh “Em Thúy”.
Ông đã tâm sự - Chúng ta phải tin yêu cuộc sống, từ đó mới có sự sáng tạo. Ông đã rất công sức để có những nhát bút mạnh mà vẫn diễn tả được thần thái dịu hiền của “Em Thúy” - người cháu thân yêu của ông. Lúc đó ông hơn 30 tuổi, sau 8 năm tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông đương.
***
Thời thế, cuộc đời thay đổi nhưng với cái nhìn trong sáng của “Em Thúy” chính là cách nhìn của ông với cuộc sống. Từ cuộc Kháng chiến đến Hòa bình lập lại, ông về làm Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam để thay họa sĩ Tô Ngọc Vân, hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Ông đã để tâm vào việc xây dựng nhà trường và đào tạo nhiều lớp nghệ sĩ tạo hình trưởng thành, danh tiếng. Và ông vẫn miệt mài sáng tác.
***
Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1958, họa sĩ Trần Văn Cẩn trưng bày tranh sơn mài lớn “Tát nước đồng Chiêm” vẽ cảnh nông dân miền Bắc trong phong trào Đổi công của Hợp tác xã, thi đua vui sản xuất, làm vụ chiêm.
Sáu cặp đôi gầu giai, chạy dải theo đường chân trời phía xa, sát mép tranh. Một cặp đôi gầu giai phía trước. Hai cặp đôi nữa, bốn tay gầu giữa tranh. Cô gái đang cúi nghiêng mình, thả gầu múc nước, có người ngả ra phía sau, căng đôi dây gầu, nâng gầu để đổ nước.
Chín cô gái và một chàng trai với động tác vừa múc nước vừa đổ nước… Tất cả như một điệu múa trên cánh đồng bên dòng sông.
Những thửa ruộng xanh mạ, lúa non phơi phới thẳng hàng, đang ngậm những dòng nước mát mới được tát lên.
Khóm tre ngả theo chiều gió, một chú cò dang cánh tìm chỗ đậu trên cành. Bờ vùng, bờ thửa, những hàng bắp cải, su hào... Ánh mặt trời chiếu hắt xuống một thửa ruộng xa còn ụ đất mả.
Nước ùa đổ ra từ những chiếc gầu như những bông hoa… Màu áo cánh trắng duyên dáng đang oằn nghiêng lưng thả gầu múc nước. Những lá khoai như vang động cảnh tát nước, ven ruộng nhánh hoa cải đang nở.
Hòa sắc sơn mài nâu ấm, tượng trưng ước lệ - màu sơn then diễn tả nước tạo ra sự chắc chắn sâu thẳm của không gian.
Cảnh như múa, như hát, như ru vang động sao xuyến lòng người. “Tát nước đồng Chiêm”, thật lạc quan và yêu đời.
Cấu trúc với chiều ngang: chân trời, bờ ruộng. Đối chọi là chiều dọc: bờ ruộng, thân cành tre, hàng mạ non song song chạy dọc, những dáng người thẳng, nghiêng nghiêng xiên chéo.
Nghệ thuật diễn tả phong phú đã làm tác phẩm trở nên thân thuộc và độc đáo.
Trước và sau những năm 1960, họa sĩ Trần Văn Cẩn đã để tâm nghiên cứu, sáng tác tác phẩm “Mùa Đông sắp đến”.
Vẻ đẹp của những thôn nữ không làm ông quên đi dáng vẻ kiêu sa, kiều diễm của những thiếu nữ Hà thành trong hương sắc mùa Thu qua và mùa Đông sắp đến.
Trong gian nhà cửa vòm, nền gạch đá hoa, ngoài vườn một góc cây già đang trổ hoa, chuồng chim câu nhỏ, chú gà bộ cánh đẹp… Chất vỏ trứng, vàng dát cạnh màu son trai đỏ thắm, màu cánh gián âm âm, gây cảm giác nồng hậu ấm cúng trong ngôi nhà.
Chiếc nón trên tay, cô gái bước vào phòng, tà áo nhẹ bay như cơn gió chớm Đông. Những người đẹp đang đan len, dạy bé học, ngoài vườn hai cô đan áo, tâm sự.
Hình ảnh được chọn lọc, cách điệu trang nhã, quý phái. Hình tượng nhẹ nhàng màu sắc ngọt ngào trong sáng. Ông biết mùa Đông sắp đến rồi mùa Xuân hy vọng sẽ tới.
Mùa Xuân của Trần Văn Cẩn là biểu tượng vẻ đẹp của những thiếu nữ trong sáng tươi đẹp vô cùng.
Vài sợi tóc bay trước trán, sống mũi cao, Trần Văn Cẩn có dáng như nhà văn Hemingway, vẫn đôi mắt ấy, trái tim ông luôn rung động đang ấp ủ những điều gì đó lớn lao - một tâm hồn lãng mạn.
Càng hiểu thêm về nội tâm của ông tôi càng thấy yêu quý ông nhiều lần hơn.
Tác phẩm “Những cô gái trước bình phong” là một trong những tranh lụa hiếm hoi về vẻ đẹp người thiếu nữ quý phái của họa sĩ Trần Văn Cẩn.
Tranh lụa “Con đọc bầm nghe”, vẽ anh thương binh cụt một chân, ngồi bên chiếc nạng, cạnh bà mẹ đang bế cháu, nghe anh đọc báo Nhân Dân, dưới mái nhà tranh có treo ảnh Bác Hồ. Cạnh anh thương bình là một em bé gái tay cầm nhành hoa, hồn nhiên cười.
Hòa sắc nâu ấm và có chút hy vọng bởi màu xanh chuối non.
Người xem - có lúc nghĩ - nước mắt chúng ta đã chảy vào trong tim mình, xúc động vì sự mất mát cũng như sự cống hiến của người lính. Vẽ em bé này, Trần Văn Cẩn hy vọng gì khác với ước ao của “Em Thúy” ngày xưa! Ông đã thức tỉnh cho chúng ta một tình cảm mênh mông về người mẹ quê ấy.
Họa sĩ Trần Văn Cẩn thật tài tình khi kiến giải về cuộc đời. Ông chọn hình tượng nhẹ nhàng, xúc động, cụ thể dễ liên tưởng. Ông thân yêu với nhân vật của mình. Đó là cách nghĩ, cách nhìn dưới con mắt của Trần Văn Cẩn mà tôi luôn ấn tượng, không thể quên.
“Việt Nam for Vietnameses”, “Lớp học i tờ” là những tranh đồ họa nổi tiếng, xác định tâm thế và tình cảm của Họa sĩ Trần Văn Cẩn trong những ngày sau Cách mạng Tháng Tám.
Ông nhìn cuộc đời chân thành và tha thiết.
Trong sáng tác cũng như trong giảng dạy ông luôn khai thác sử dụng sự phong phú, sống động của cuộc sống thực tế.
Hòa mình vào hai cuộc kháng chiến của dân tộc, ông cùng các văn nghệ sĩ yêu nước đã sáng tác nhiều tác phẩm có một không hai trong lịch sử nghệ thuật như “Phố Huống”, “Bắc Giang”, tài liệu cho tranh “Xây dựng cầu”, “Xưởng Quân giới”, “Đúc lưỡi cày ở chiến khu”...
Đợt đi xe đạp vẽ thực tế ở Thanh Hóa, khu 4, đã để lại rất nhiều tác phẩm tầm cỡ cho Mỹ thuật thời chống Mỹ: “Lão dân quân Hoằng Trường Thanh Hóa”, “Nữ dân quân bắn máy bay”...
Ông đã ghi chép, nghiên cứu rất nhiều cảnh tát nước, sinh họat của các thiếu nữ Hà Nội và vẽ rất nhiều ký họa về nông thôn Việt Nam.
Ông lừng danh cùng các tác giả nổi bật của Mỹ thuật Việt Nam thời cận hiện đại. Tác phẩm để đời của ông là niềm tự hào cho thế hệ trẻ.
***
Cuối năm 1994, tôi gặp Họa sĩ Trần Văn Cẩn vài lần tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Ông đeo kính đen chậm rãi nhìn tôi với ánh mắt chứa chan bao tình nghĩa - Tôi nhớ và biết ơn ông. Ông bảo: Trường muốn giữ Lân lại, Lân về trường chứ!
Khi ông không còn, mới thấy tiếc thương, không gì bù đắp được. Tôi nhớ buổi gặp ông - đẹp đẽ biết nhường nào nơi bờ biển sóng gió...
***
Trần Văn Cẩn (1910 - 1994), đã đóng góp xuất sắc cho nền nghệ thuật hiện đại Việt Nam. Làm rạng danh Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Minh chứng rằng Việt Nam có những họa sĩ kiệt xuất.
Ông giỏi về màu dầu, bình dị trong phép tắc hàn lâm. Suốt một đời cầm bút, ông khiêm nhường trong cách ứng xử trước xã hội, với đồng nghiệp, với sinh viên và với bản thân.
Thật thiếu sót nếu không nói đến công lao đóng góp của ông vào sự phát triển của nghệ thuật sơn mài Việt Nam. Ông cùng họa sĩ Trần Quang Trân (Ngym), Nguyễn Khang, Phạm Hậu, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân... đã nghiên cứu sử dụng thế mạnh của sơn ta, đưa quan niệm màu ước lệ, tượng trưng của then, son, cánh gián, vỏ trứng và vàng, bạc, tạo ra sự sâu xa, mênh mang của màu then, rực rỡ của màu son, vàng, bạc. Từ nay nghệ thuật sơn mài của Việt Nam hiện đại xứng đáng đối thoại với nghệ thuật thế giới.
Trần Văn Cẩn là họa sĩ bậc thầy của những bậc thầy hội họa Việt Nam. Những kiệt tác của ông đóng góp quan trọng trong nền mỹ thuật hiện đại. Hội họa Trần Văn Cẩn đại diện cho tâm hồn và niềm tự hào của người Việt.
Ông sống tế nhị như những tranh thiếu nữ Việt Nam khả ái, hồn hậu vô cùng.
Hội họa của ông phong phú đa dạng, vượt qua tính chất nghiêm luật trở thành những báu vật Quốc gia.
Sinh thời, họa sỹ Trần Văn Cẩn từng giữ nhiều trọng trách và được tặng nhiều giải thưởng danh giá: Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam năm 1954 - 1969; Tổng thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam nhiều khóa; Viện sỹ danh dự của Viện Hàn lâm nghệ thuật cộng hòa Dân chủ Đức 1970- 1980; Chủ tịch Hội đồng chọn tranh và là Cố vấn cao cấp của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; Giải ngoại hạng triển lãm SADEAL 1935; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt 1.
Lê Trọng Lân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...