Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
03:13 (GMT +7)

Tạm biệt Hindia

VNTN - Iksaka Banu sinh năm 1964 tại Yougyakarta, Indonesia. Ông học chuyên ngành thiết kế mỹ thuật tại Học viện Khoa học Công nghệ Bandung và làm việc trong ngành quảng cáo tại Jakarta cho tới năm 2006. Iksaka đã viết văn từ hồi còn là thiếu niên, và sáng tác của Iksaka được in ở chuyên mục dành cho thiếu nhi của báo Harian Angkatan Bersenjata và Kompas và trên tạp chí Kawanku. Sau nhiều năm làm nghề quảng cáo gây trở ngại cho việc sáng tác của ông, ông đăng một truyện ngắn trên tạp chí Matra năm 2000 và từ đó ông viết lại, đăng các sáng tác trên các tạp chí Femina và Horison và Koran Tempo. Hai truyện ngắn của ông được chọn cho tập Hai mươi truyện ngắn hay nhất của Indonesia do nhà xuất bản Pena Kencana Prize ấn hành năm 2008 và 2009.

Truyện ngắn “Farewell to Hindia/Tạm biệt Hindia” dưới đây do Tjandra Kerton dịch từ tiếng Indonesia sang tiếng Anh.

Trước khi đọc truyện, mời bạn đọc đến với nhận định ngắn về truyện ngắn này của nhà phê bình Jyothi Natarajan và Margaret Scott:

Vào ngày 17 tháng tám năm 1945, ngay sau khi người Nhật đầu hàng trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, người Indonesia bắt đầu một cuộc chiến tranh khác - cuộc chiến giành độc lập. Vào ngày đó, những người đấu tranh cho tự do của Indonesia tuyên bố sự giải phóng của họ sau hơn 100 năm làm thuộc địa của Hà Lan, nhưng khi Hà Lan từ chối không chấp nhận yêu cầu của họ, bốn năm đẫm máu của họ để vùng lên tiếp theo sau.

Lịch sử của cuộc chiến đấu giành độc lập thì phức tạp, và phần nhiều đã bị mất hay bị quên đi, vì lịch sử ở Indonesia, như nhiều nơi khác, thường nhằm phục vụ cho mục đích của quốc gia. Dưới sự cai trị từ cách mạng chuyển sang độc đoán của Sukarno, và sau này, dưới sự cai trị giày ống của tướng Suharto, lịch sử bị kiểm soát và thường dùng để tuyên truyền. Về vấn đề đấu tranh giành độc lập, người Indonesia đã được dạy rằng các chiến sĩ dũng cảm đấu tranh cho tự do cuối cùng đã đánh bại được người Hà Lan. Trong nhiều thập kỷ, lịch sử dạy trong các trường học đã xóa bỏ những giai đoạn tăm tối hơn trong quá khứ của Indonesia.

Từ khi Suharto từ nhiệm năm 1998, nhiều nhà văn Indonesia xem những giai đoạn lịch sử bị bóp méo hay lãng quên này là một nguồn mạch của văn chương. Một thế hệ các nhà văn bắt đầu khai thác tình trạng bạo lực của năm 1965, là thời gian gần một triệu người bị cho là cộng sản bị thảm sát. Đồng thời, các nhà văn như Iksaka Banu đã đào sâu hơn vào quá khứ, tìm đến giai đoạn thực dân Hà Lan và cuộc chiến giành độc lập, để hình dung cuộc sống của người dân thường sống ở Đông Ấn và để kiên định rằng họ, cũng là một phần của lịch sử Indonesia.

Sáng tác có tính lịch sử của Iksaka phơi bày trần trụi. Các truyện của ông lật ngược những gì mà hàng triệu người Indonesia được biết. Như nhà phê bình Kendisan Kusumaatmadja đã viết trong Tempo, tác phẩm của Banu “tự nó quan tâm đến những chi tiết đặc biệt của lịch sử có khuynh hướng được tránh đề cập trong các sách lịch sử, những khoảng trống chỉ có thể phục hồi thông qua sáng tác.”.

Nhà văn Iksaka Banu

Trong “Farewell to Hindia/Tạm biệt Hindia”, được in trong tuyển tập truyện ngắn “A Shooting Star and other Stories/ Ngôi sao băng và những truyện khác” bởi nhà xuất bản BTW Books (2015) và được dịch bởi Tjandra Kerton, Banu trở về một thời điểm trong năm 1945, khi Indonesia bị đặt giữa hai cuộc chiến. Người Nhật đã đầu hàng và bị buộc phải chấm dứt sự chiếm đóng của họ những nơi khi ấy là của Đông Ấn Hà Lan. Banu đặt người Hà Lan, Indos (thuật ngữ này dùng để chỉ người lai hai dòng máu Hà Lan Indonesia), và người Trung Quốc vào dòng chảy của câu chuyện, và phơi bày những mẩu lịch sử thậm chí làm ngạc nhiên nhiều người Indonesia. Những người Nhật chiếm đóng nhốt những thường dân Hà Lan trong những trại giam trong thời gian chiến tranh; người Nhật trang bị vũ khí cho những chiến sĩ người Indonesia đấu tranh vì tự do chống lại thực dân Hà Lan chiếm nước họ; và người Hà Lan, trở lại sau chiến tranh, cầu cứu quân đội Anh - đó là những đội quân chủ yếu gồm những người Ấn Độ - giúp họ lấy lại quyền kiểm soát Indonesia. Tay của mọi người đều nhuốm máu, với sự giết chóc số đông bằng lòng căm thù trả đũa cho sự căm thù.

“Tạm biệt Hindia” tập trung vào nhân vật nhà báo người Hà Lan cố gắng hiểu rõ ý nghĩa của bạo lực, bao gồm cuộc giết chóc ít người biết đến được cho là do những chiến sĩ đấu tranh cho tự do gây ra cho những thường dân người Hà Lan mòn mỏi khi họ bị ném vào trại giam. Nhân vật chính nghi ngờ đâu là sự trung thành của anh khi chiến tranh kết thúc và định mệnh của Đông Ấn thì không biết thế nào. Với sự nghiên cứu sâu và tính nhân văn, tác phẩm của Banu làm sống lại lịch sử và loại bỏ sự tuyên truyền.

Jyothi Natarajan và Margaret Scott

Chiếc Chevrolet cũ tôi đang đi chạy chậm lại, rồi dừng hẳn trước thanh tre chắn ngang đoạn cuối đường Noordwijk. Ngay sau đó, như trong một ác mộng, từ bên trái của ngôi nhà xuất hiện nhiều người đàn ông để tóc dài quấn khăn rằn hai màu đỏ, trắng và mặc những bộ quân phục cũ xì, tay quơ vũ khí.

“Địa phương quân,” Dullah, người lái xe của tôi thì thào.

“Nói cho họ rõ tôi là nhà báo,” tôi thì thào.

Dullah chỉ vào tờ giấy đính trên kính xe. Một trong mấy người đàn ông nhìn qua cửa xe.

“Mấy người đi đâu?”, anh ta hỏi.

Anh ta đội mũ peci đặc trưng màu đen của người Indonesia.

Bộ ria rậm của anh ta chia mặt anh ta thành hai phần.

Anh ta nhìn chúng tôi với vẻ đe dọa.

“Merdeka, thưa ông! Chúng tôi đến Gunung Sahari. Ông này là nhà báo. Ông ấy là người tốt”, Dullah nói, cố giữ vẻ mặt bình tĩnh, chỉa ngón tay cái của anh vào tôi.

“Đù, ra khỏi xe rồi nói!”, anh Ria Rậm sủa, đập nắm tay lên ca pô xe. “Bảo tay ngoại quốc đó ra ngoài luôn!”.

Dullah và tôi vội làm theo lời anh ta. Được sự góp sức của mấy người bạn anh ta, tay Ria Mép lục soát chúng tôi kỹ lưỡng. Gói thuốc lá Davros tôi mới hút có một điếu lập tức chuyển chỗ sang túi áo của anh ta và mấy tờ tiền quân đội Nhật Bản trong túi tôi cũng dời chỗ như vậy. Một tay lính khác leo vào trong xe, lục soát ngăn đựng đồ lặt vặt rồi ngồi vào ghế lái xe, vặn tay lái như một đứa trẻ.

“Martinus Witkerk. Báo De Telegraaf”, anh Ria Mép đọc có ngữ điệu, đọc giấy xác nhận công tác của tôi, rồi nhìn tôi: “Anh người Hà Lan?”.

“Ông ấy không nói được tiếng Malay, ông ấy là người Hà Lan”, Dullah nói thay tôi.

Dĩ nhiên là anh ấy đang nói dối.

“Tao đang hỏi anh ta, không hỏi mày, đù!”, viên chỉ huy sủa thẳng vào mặt Dullah. “Những người bạn mày đã chết vì đạn của chúng, vậy mà mày làm bạn với bọn thực dân. Đi khỏi đây, về nhà!”, hắn trả ví cho tôi và châm một điếu thuốc từ gói thuốc hắn đã lấy.

“Cám ơn anh, Dullah,” tôi nói một lúc sau khi chúng tôi lại bắt đầu hành trình. “Anh có ổn không?”.

 

“Tôi ổn thưa ông. Một số người trong bọn họ là như vậy đó. Họ nói họ là chiến sĩ đấu tranh cho tự do, nhưng họ xâm nhập nhà của người dân, đòi thực phẩm hay đòi tiền. Họ cũng thường quấy rối phụ nữ”, Dullah đáp, “May thay tôi là người lái xe cho ông. Chứ nếu ông Schurck mà lái, tôi nghĩ không ai trong hai ông được an toàn. Họ có khuynh hướng giết những người châu Âu nóng tính, như ông Schurck. Dù các ông có là nhà báo họ cũng cóc cần”.

“Một điều chắc chắn, Jan Schurchk giỏi luồn lách trong các tình huống nguy hiểm,” tôi cười nói, “đó là lý do làm Life trả tiền hậu hĩnh cho ông ấy.

“Ông chắc chắn về địa chỉ của quý cô ấy chứ?”

“Chắc chắn, xéo bên kia đường đối diện với cơ quan Địa hình. Cô ấy không muốn ra đi. Cô Bướng Bỉnh.”

Ngang tàng.

Maria Geertruida Welwillend.

“Geertje”.

Phải, người ta gọi cô ấy như thế.

Tôi đã gặp người phụ nữ này ở trại giam Struiswijk, không lâu sau khi Nhật Bản thông báo chính thức đầu hàng lực lượng Đồng minh.

Vào thời gian đó, nhiều nhà báo đồng nghiệp và tôi đang bàn về sự thất bại của Nhật tác động lên xã hội Đông Ấn ở khách sạn Des Indes, đã được trả lại cho sự quản lý của Hà Lan.

“Sự tuyên bố độc lập và sự sụp đổ của nhà cầm quyền địa phương đã làm cho thanh niên bản xứ quên đi ranh giới giữa “chiến sĩ đấu tranh vì tự do” và “hành động như tội phạm”. Lòng căm thù nung nấu từ lâu nhắm vào những người da trắng và những người bị cho là cộng tác viên với kẻ thù có vẻ như đột ngột tìm được lối xả trên những con đường vắng, trong các khu vực cư trú của người Âu giáp ranh những ngôi làng,” Jan Schurck nói trong khi ném một bức ảnh lên bàn.

“Thượng đế toàn năng ơi. Những xác này giống như thịt băm” Hermnus Schrijven phóng viên tờ Utrechts Nieusblad nói, và làm dấu thánh giá sau khi nhìn bức ảnh, “Tôi nghe rằng những kẻ đồ tể này được gọi là những tay vô địch của các làng hay là những kẻ trộm đã được cho gia nhập quân đội. Một số chiến lợi phẩm đã được chia cho cộng đồng. Nhưng bọn họ lấy nhiều.”

“Những tên cướp ái quốc,” Jan nhún vai nói, “Chuyện này xảy ra trong thời gian cách mạng Pháp, cách mạng Bolshevik, và nó đang xảy ra giữa những dân quân kháng chiến ở Yugoslavia hiện nay.”

“Những đứa con hoang của cuộc cách mạng,” tôi đáp.

“Tôi ghét chiến tranh,” Hermanus nói khi ném đầu thuốc lá của anh.

“Cộng đồng châu Âu không nhận ra các sự nguy hiểm,” tôi nói, “Sau khi chịu đựng một thời gian dài trong các trại, họ không muốn gì khác ngoài việc về nhà. Họ không biết rằng gia nhân của họ đã chuyển thành những chiến sĩ đấu tranh cho tự do.”

“Tôi nghĩ nhiều người trong số họ đã không nghe được thông điệp của ngài Mountbatten là hãy cứ ở trong các trại cho tới khi quân Đồng minh đến,” Eddy Taylor của tờ The Manchester Guardian nói.

“Bạn nói đúng. Và các sĩ quan người Nhật, là những người không muốn sống sau thất bại của họ, đang sẵn sàng phóng thích những người tù. Đáng lo đấy,” Jan nói và đốt một điếu thuốc khác.

“Sự việc có thể tệ hơn. Vào ngày 15 tháng chín, quân đội Anh đến vịnh Batavia,” tôi nói, tay chỉ vào tấm bản đồ trên bàn, “Một tàu tuần dương Hà Lan hộ tống cuộc đổ bộ đã gây ra sự ngạc nhiên lớn với các chiến sĩ. Sự kiện này dường như củng cố cho giả định của họ là Hà Lan sẽ trở lại Đông Ấn.”

“À, nói với nhau giữa bốn bức tường ở đây thôi, anh có nghĩ rằng Hà Lan định trở lại không?”

Eddy Taylor nhìn từ Jan qua tôi, rồi ngược lại.

Cuộc thảo luận đột ngột bị gián đoạn bởi tiếng reo của Andrew Waller, phóng viên của tờ Sydney Morning Herald là người theo sát các diễn biến trên rađiô.

“Hấp dẫn! Chuyện này hấp dẫn nè! Lính Hà Lan và Anh chuyển người ở trại Cideng và Struiswijk sáng nay.”

Không chần chừ gì nữa, tất cả chúng tôi lên đường. Jan và tôi chọn đến viếng trại giam Struiswijk.

Thiếu tá Adach, viên sĩ quan chỉ huy người Nhật mà chúng tôi gặp ở đó, hài lòng với sự chuyển người số lượng lớn này.

“Các đội tuần tra của chúng tôi thấy nhiều xác người Âu trốn trại. Họ bị phân thành nhiều mảnh bỏ trong các bao bố trên lề đường,” ông nói.

Tôi gật đầu trong khi ghi nhanh, nhưng mắt tôi cuối cùng bị hút về phía Geertje đang xách va li đi thong thả. Cô ta không đi về phía các xe tải, mà đi ra đường Drukkerijweg, sắp lên xe xích lô.

“Ê, Martin!” Jan Schruck gọi, “Cô nàng kia nhìn anh nãy giờ. Đừng lãng phí cơ hội. Theo nàng đi!”

Tôi theo nàng, và được cú ngạc nhiên chới với.

“Tôi sẽ không đi theo họ,” Geertje nhìn thẳng tôi nói. “Những chiếc xe tải này sẽ đến Bandung. Đến chỗ tạm trú ở nhà thờ Ursuline. Một số đến Tanjung Priok. Tôi phải về nhà tôi ở Gunung Sahari. Có nhiều việc tôi phải làm,” nàng nói.

“Cô muốn nói rằng trước khi người Nhật chiếm đóng nước này, cô sống ở Gunung Sahari, và bây giờ cô muốn về đó?” tôi hỏi.

“Như vậy thì có gì không đúng sao?” Geertje hỏi.

“Vâng, có đấy. Không đúng thời điểm và không đúng chỗ. Ngày càng nhiều những người da trắng, người Hoa và những ai bị cho là cộng tác viên của chế độ Hà Lan đang bị giết. Sao cô lại về đó?”

“Vì nhà tôi ở đó. Tôi xin lỗi,” Geertje nói, quay lưng lại phía tôi và một lần nữa xách va li lên.

(Còn nữa)

Truyện ngắn. Iksaka Banu

Võ Hoàng Minh (dịch)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bí mật về ông chủ Cornille

Văn học nước ngoài 1 ngày trước

Chiếc tù và

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Anh ở đâu, tình yêu của em?

Văn học nước ngoài 2 tuần trước

Con hổ nhà thơ

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Cái chết đến cùng với sự thừa kế

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Kỳ nghỉ trăng mật

Văn học nước ngoài 1 tháng trước

Nạn châu chấu ở vùng Sahel

Văn học nước ngoài 1 tháng trước