Những con ki gỗ trong trò chơi Bowling
Cho đến khoảng hai mươi năm trước, ngành ngư nghiệp của thành phố này vẫn rất phát đạt. Còn bây giờ ngoài vài du khách đến tham quan du lịch vào mùa hè thì hầu như chẳng còn ai ghé thăm. Con đường nhựa trải dài từ ga tàu lửa nằm trên mỏm đất cao nơi bán đảo vẽ một đường cong mềm mại. Vào mỗi mùa xuân, nơi những kẽ nứt nhựa đường, người ta có thể nhìn thấy những bụi hoa cúc đồng tiền và bồ công anh đua nhau khoe sắc.
Cứ mỗi một tiếng lại có ba lượt xe buýt khởi hành từ nhà ga xe lửa đi về phía nam. Những người đàn ông địa phương vốn trước đây là ngư dân đều lái những chiếc xe hơi kiểu cũ. Cho dù ở trên đất liền hay biển cả, bọn họ đều muốn tự mình nắm chắc tay lái hay mái chèo. Buổi sáng, đám đàn ông lái xe đi làm muôn nẻo (những xí nghiệp sơn hay sửa chữa đường ống nước hay ống gas) và đến buổi chiều khi làn khói trắng dâng cao như một tín hiệu, bọn họ tan làm, lái xe về trên con đường nơi mỏm đất cao.
Vào lúc mặt trời lặn, những người từng là ngư dân đó mới buông bỏ tay lái mái chèo. Hầu như mỗi tối, nơi quán bar bến cảng, bọn họ thi nhau nốc cạn ly như trong cuộc thi tài đến mức say bét nhè không ra thể thống gì nữa. Đám phụ nữ ở nhà thì đã đi ngủ sớm từ trước. Người pha chế quán bar thì cứ đúng mười hai giờ kém năm phút khuya lại gọi điện đến văn phòng của công ty taxi. Và đến một giờ mười phút sáng, tất cả đám đàn ông đều chui đầu vào băng ghế sau của những chiếc taxi như đám cá ngừ bị ném vào trong khoang thuyền. Vào lúc một giờ rưỡi khuya, người pha chế sau khi rửa ly chén và dọn dẹp xong xuôi, châm một điếu thuốc hút rồi tắt đèn biển hiệu. Biển hiệu quán vẽ một hình mỹ nhân ngư có mái tóc dài, gắn hai vỏ sò che ngực.
Khoảng chính giữa nhà ga và bến cảng là trụ sở chính của công ty taxi đó. Ngày xưa các tài xế chủ yếu chở những cô gái và những thủy thủ nước ngoài chạy vòng quanh tham quan bán đảo, đón gió biển khơi.
Những chiếc mui xe sơn đen toát lên vẻ lạnh lùng. Bông vải lòi ra ngoài chỗ những vết nứt nơi chiếc ghế da. Tuy vậy, trong xe luôn được giữ gìn sạch sẽ. Mỗi tối, những tài xế sau khi xong việc đều cẩn thận lau chùi chiếc xe của mình. Giám đốc công ty nổi tiếng là người ăn chơi điệu đà từ hồi trẻ. Hai mươi năm trước ông là người đầu tiên ở địa phương này thắt nơ con bướm. Lúc đó mọi người đều chê cười, xem ông như kẻ diễn trò trong các quán rượu. Nhưng bây giờ những chiếc nơ bướm được thắt cẩn thận nơi cổ áo những người tài xế được người dân nơi này xem như là chuyện đương nhiên. Không phải loại dùng kim băng để cài mà là loại cà vạt nơ thật sự phải tự mình thắt lấy. Những tài xế mới vào làm phải đứng trước gương tự mình tập thắt nơ cho thuần thục nhuần nhuyễn trước khi học nhớ địa hình và các cung đường.
Vào khoảng mười một giờ đêm, chuông điện thoại reo vang. Năm người tài xế đang chụm đầu cùng nhau xem ti vi.
“Sao mà sớm thế này nhỉ?”
Một người có hàm râu bạc cất tiếng. Anh ta trước đây vốn làm nghề đầu bếp.
“Chắc lại xảy ra ẩu đả hay ai đó bị ly vỡ cứa đứt tay chăng?”.
“Nếu vậy thì phải gọi xe cấp cứu mới phải chứ?”.
Một người trẻ tuổi có mái tóc ngắn húi cua bắt bẻ. Anh ta trước đây là giáo viên tiểu học.
Nhưng điện thoại không phải từ quán bar nơi bờ biển gọi đến mà là từ một bà lão nông dân sống nơi mỏm đất cao. Năm người lại đưa mắt nhìn nhau.
Một người thân hình cao lớn kiệm lời trong bọn đứng dậy, với tay lấy chiếc mũ đang treo trên giá.
“Cảm phiền anh nhé”.
Khi nghe những người khác nói thế, anh ta gật đầu rồi nhanh chóng bước ra bên ngoài. Những vị khách nơi quán bar nhiều khi ra vẻ còn boa cho tài xế taxi tiền gần gấp đôi giá cước phí chuyến đi. Giám đốc công ty cho tài xế giữ lại tất cả, xem như đó là một loại tiền thưởng cho công việc này vậy.
Chiếc xe đen bóng nằm ngay lối vào của garage sáng loáng trong ánh đèn đường như con chó nằm phủ phục chờ đợi chủ nhân cho ăn. Người đàn ông nhanh chóng kiểm tra qua một lượt, và trườn vào chiếc ghế lái, trong khi gió mùa xuân vi vút trên trời cao.
Anh ta là một tài xế chuyên nghiệp, đã có bảy năm kinh nghiệm dày dạn, quen thuộc nằm lòng tất cả mọi con đường nơi đây. Thuần thục điều khiển vô lăng, không một lần dừng chờ đèn đỏ, cho nên chưa đến năm phút, anh đã tiến vào con đường làng. Những căn nhà nằm rải rác trong bóng tối im lìm, căn nào cũng to lớn rộng rãi như thể những pháo đài đang bảo vệ những cánh đồng lúa trong đêm. Người tài xế giảm tốc độ. Anh cho xe chạy chậm chạp, vừa chạy vừa kiểm tra xác nhận số nhà. Cuối cùng đến căn nhà mái trệt nằm hơi khuất nẻo, anh nhận ra có một bóng người đang đứng với vẻ hiu quạnh cô độc hiện ra trước ánh đèn pha. Đó là một bà lão vô cùng thấp bé. Bà lão nắm chặt cái túi xách tay đang đeo trước bụng.
Sau khi bà lão bước đến và ngồi yên vị nơi ghế sau, anh ta mới hỏi là bà đi đến đâu. Trong một thoáng, vẻ mặt bà như kinh ngạc nhưng rồi bà thở nhẹ ra một tiếng và nói “Chỗ kia”.
“Chỗ kia là đâu?”.
“Là chỗ đó đó”.
Bà ta lặp lại, giọng nói như thể chiếc lưỡi đang liếm trong miệng với vẻ mãn nguyện. Cái nốt ruồi lớn trên mặt bà ta cử động nhẹ nhàng. Người tài xế kiệm lời im lặng chìm vào suy nghĩ. Nơi phía tây bến cảng, trên mỏm đá hướng ra biển có một nhà dưỡng lão mang tên là “Maria”. Nhưng giờ này chắc hẳn nơi đó đã đóng cửa rồi còn gì.
“Này bà, có phải nơi đó là nhà dưỡng lão Maria không?”, anh ta hỏi nhấn mạnh từng từ một.
“Đúng rồi”.
Bà lão trầm tĩnh đáp lời.
Càng đến gần ven biển, gió tây càng thổi mạnh. Dây điện kêu như dây cung dương lên, hàng cau kiểng nghiêng hẳn về phía đất liền. Chiếc xe lên dốc rồi lại xuống dốc. Ánh đèn từ những chiếc máy bán hàng tự động dần trôi tuột về phía sau.
Nơi căn nhà dưỡng lão Maria đó chỉ có duy nhất một ánh đèn le lói từ cửa sổ tầng hai. Khi người tài xế đề nghị dẫn bà vào, bà lão chỉ khẽ mỉm cười, lắc đầu từ chối. Bà trả tiền rồi bước ra khỏi xe. Gió biển thổi bay tung mái tóc rối của bà từ phía sau. Dáng vẻ bà càng lướt xa dần trong gương chiếu hậu. Bà cứ đứng yên lặng cúi đầu. Cuối cùng dáng vẻ của bà hoàn toàn biến mất vào bóng đêm. Người tài xế vừa gõ tay vào vô lăng vừa đạp ga tăng tốc. Bây giờ quay về chắc vẫn còn kịp đón những vị khách nơi quán bar đây.
Buổi chiều hai ngày sau, người tài xế được gọi lên văn phòng giám đốc. Giám đốc mặc chiếc áo blazer có cúc vàng phối với chiếc quần kẻ sọc carô. Ông thở dài rồi liếc nhìn xuống bàn làm việc, đọc tên một người phụ nữ với giọng lạnh lùng.
“Ngày hôm kia anh có chở người phụ nữ này nhỉ?”.
Người tài xế cảm thấy hoang mang nhưng nghe cái tên gợi lên vẻ cổ xưa khiến anh nghĩ rằng chính là bà lão đó.
“À, tôi có chở một bà lão từ khu vực nông trang đến nhà dưỡng lão Maria”.
“Vậy sao?”.
Vị giám đốc ngước mắt nhìn lên, trông ông có vẻ mệt mỏi hơn thường lệ.
“Thế có chuyện gì sao?”, người tài xế hỏi thăm.
“Bà ta đã tự trầm mình”, vị giám đốc trả lời.
“Nghe nói bà ta nhảy xuống từ mỏm đá phía tây và sáng nay thi thể bị sóng đánh vào khu biệt thự nơi bãi biển. Cái cặp bà ta mang theo có quyển sổ tay và cái ví, trong đó có kẹp cái hóa đơn của công ty chúng ta”.
Người tài xế im lặng không nói gì.
“Bên phía cảnh sát mới gọi đấy”.
Vị giám đốc thở dài rồi ngẩng mặt lên.
“Xin lỗi nhưng cảm phiền anh đến Sở cảnh sát nhé. Tôi sẽ cho người khác thay ca cho anh”.
Tại Sở Cảnh sát, người tài xế thuật lại câu chuyện đúng như mắt thấy tai nghe. Vị cảnh sát trưởng phụ trách việc điều tra có đôi mắt u buồn. Ông ta đưa cả bao thuốc lá ra mời và khi biết người tài xế không hút thuốc, ông ta đưa mời anh kẹo gừng cay, loại chuyên dành cho người muốn bỏ thuốc lá.
“Tôi thấy căn nhà bà ta cũng khang trang sạch sẽ và bà ta cũng có vẻ rất khỏe mạnh nữa. Thiệt tình tôi không hiểu lý do tại sao cả”.
“Thế gia đình bà ta thì sao?”.
“Họ đang trên đường đến đây. Nghe nói tháng trước cả gia đình mới tổ chức sinh nhật cho đứa cháu. Bà lão còn dạy cho đứa cháu chơi thắt dây nữa mà”.
Vị cảnh sát trưởng lắc đầu.
“Ma xui quỷ khiến hay sao chứ đúng là chúng ta không bao giờ có thể biết được đời người kết thúc ra sao, cho dù chỉ là một khoảnh khắc trước đó cũng vậy. Này, anh dùng thêm một viên kẹo nhé”.
Khi quay trở về văn phòng, người tài xế nhận ra có một nhân vật bất ngờ lẫn trong số đồng nghiệp. Đó là một tài xế cũ có tên thông tục là Quy Lão đã thôi việc ở đây từ ba năm trước để điều hành công việc kinh doanh riêng. Anh ta mặc một chiếc áo len màu nhạt, có dây đai quần cao su kéo qua vai. Cái đai cứ nảy lên bạch bạch nơi cái bụng tròn lẳn. Người tài xế kiệm lời nhờ anh ta giới thiệu mới có thể đến đây làm việc vào bảy năm trước. Không chỉ am hiểu máy móc xe hơi phi thường mà cả cái dáng vẻ anh ta nằm ngửa ra ngủ khi say rượu bét nhè trông y hệt như con rùa lật ngửa vì thế mà anh ta được mọi người gọi là Quy Lão.
“Sao vậy, mặt mũi rầu rĩ thế?”.
Quy Lão tặc lưỡi.
“Mặt mũi cậu trông như thể bị ai đó đổ xăng lên giường vậy”.
Người tài xế đến đúng lúc người đồng nghiệp râu bạc đang nói dở câu chuyện. Đó là chuyện anh ta nghe lại từ người tài xế thành phố sát bên. Khoảng đầu tháng trước có hai chị em là học sinh phổ thông đã đón xe taxi của người tài xế đó. Hai chị em nói bà bị bệnh nặng nguy kịch sắp mất và nói tên một bệnh viện nổi tiếng trong thành phố. Đường sá cao tốc vắng tanh. Hai chị em ngồi nơi băng ghế sau nắm tay nhau, người run cầm cập. Khi đến bệnh viện hai chị em nói người tài xế đợi để vào gặp bố lấy tiền ra trả rồi chạy bay biến vào phía cổng chính. Anh ta đợi một tiếng đồng hồ mà không thấy hai chị em quay trở ra. Sau này anh ta mới biết chỗ đó không phải chỉ có bệnh viện nổi tiếng mà còn là khu phố ăn chơi giới trẻ thường hay tụ tập nữa.
Cũng người tài xế đó vào tuần sau lại đón một quý phu nhân trang phục hoa lệ. Bây giờ thì tôi không có mang tiền theo, bà ta đường hoàng nói vậy. Tuy nhiên nếu cậu chịu chở tôi thì thành quả sẽ không đến nỗi nào đâu. Người tài xế do dự một lát nhưng rồi cuối cùng không báo cáo với công ty mà cho xe hướng thẳng về thành phố phía bắc cách đó ba trăm cây số. Sau hơn nửa ngày, chiếc xe đến một khu nhà kiến trúc như thể một ngôi chùa. Một đám người mặc đồ đen đứng sắp hàng ngay tường rào. Ngay khi xe vừa dừng nơi cổng chính, tất cả bọn họ cúi đầu chào. Một lão già tướng tá phong độ đứng đầu hàng đưa cho người tài xế một phong vải lụa qua cửa sổ xe. Khi mở ra xem anh ta thấy hai xấp tiền giấy mới cứng còn nguyên tem.
“Đúng là cuộc đời này loại khách nào cũng có hết cả nhỉ?”.
Người tài xế vừa xoa xoa chòm râu bạc của mình vừa nói.
“Biết đâu ngày mai các cậu cũng đón được vị khách nữ nhân thượng đẳng cực phẩm nào đó hay như vua của các nước phương nam chẳng hạn cũng không biết chừng đâu nhỉ. Rồi biết đâu nếu may mắn các cậu còn được ban cho một hòn đảo cũng nên”.
Cả đám tài xế phá ra cười nhưng nhận ra người xế kia vẫn im lặng thế là họ lập tức im bặt. Ai đó tắt tivi, còn một người nữa thì đến tắt bếp lửa ấm nước đang sôi trào.
Quy Lão ngồi thẳng dậy và cất tiếng.
“Cậu hiểu chứ, đối với cánh tài xế chúng ta thì không thể nào biết được những vị khách trước khi lên xe và sau khi xuống xe sẽ gặp chuyện gì cả đâu”.
Giọng nói của Quy Lão thô nhám như như một chiếc giũa lớn.
“Chúng ta là tài xế. Nhiệm vụ của chúng ta chỉ là đưa khách đến nơi an toàn. Chúng ta chỉ có thể chịu trách nhiệm cho việc đó thôi. Ngược lại, nếu chúng ta quá lo lắng cho sự tình của khách thì lại là vô lễ. Chúng ta không được phép làm vậy. Việc không phán đoán bừa bãi để gây phiền hà cho khách hàng cũng nằm trong phạm vi công việc thôi”.
Trái ngược với cách nói, vẻ mặt của Quy Lão lại có vẻ rất cô quạnh. Như thể một đứa trẻ bị bỏ rơi tại một nơi chốn nào xa lạ. Đám tài xế hiểu rằng Quy Lão đang nói với tất cả bọn họ.
“Tôi ấy mà…”.
Người tài xế kiệm lời cất tiếng nói.
“Tôi đã đưa bà lão đến mỏm đá. Cố tình đưa bà ta đến chỗ chết. Bà lão không hề nói địa điểm đến mà”.
“Bà ta không nói à?”.
“Ừ”.
Người tài xế khẽ gật đầu.
“Bà lão chỉ nói “chỗ đó” rồi thôi. Tôi cứ tùy tiện đưa bà ta đến nhà dưỡng lão Maria. Nếu tôi không chở có lẽ bà lão đã quay trở về nhà và đi ngủ một giấc bình thường cũng nên. Hoặc nếu tôi chở bà ta đến Sở cảnh sát thì việc này chắc chắn đã không xảy ra rồi”.
Đám tài xế kinh ngạc.
“Anh thực sự nghĩ thế à?”
Quy Lão hỏi thăm.
“Anh có thể từ chối chở khách sao? Anh có thể áp giải bà lão với tâm trí mơ màng đó đến Sở cảnh sát à?”.
Người tài xế im lặng không trả lời. Chuông điện thoại reng. Người nữ thư ký làm việc trong văn phòng khom lưng bước ra ngoài.
“Này, thật ra chúng tôi đều biết rõ cậu. Cậu là tài xế giỏi. Nếu tôi là khách hàng thì tôi cũng muốn lên xe của cậu mà. Cậu giữ chiếc xe sạch sẽ, gọn gàng, đạp thắng lại cẩn thận. Mặc dù cậu biết rõ mọi thứ lại không huyênh hoang. Cậu biết không hả? Tất cả mọi người ở đây đều nghĩ cậu là tài xế giỏi nhất đấy”.
Và những tiếng thì thào “À”, “Ừ”, “Đúng vậy đấy” vang lên từ xung quanh.
“Ít nhất thì đến phút cuối của cuộc đời, bà lão đó đã gặp được một người tốt, đã tận hưởng chuyến đi với niềm vui thích. Chắc hẳn bà ta lúc trên xe đã rất vui. Có lẽ bà ta thậm chí đã có thể quên đi hoàn cảnh của mình dù chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Cậu không đưa bà lão đó đến nhầm nơi đâu. Mỏm đá đó chắc chắn là đích đến đấy. Cậu đã nghe địa điểm đến rõ ràng rồi”.
Quy Lão ngừng lời. Đám tài xế xung quanh cũng đều im lặng.
Tất cả cứ lặng im như thế, nghĩ về bà lão xa lạ kia. Mỗi người có thể hình dung hình dáng bà mỗi khác nhưng đều giống nhau ở gương mặt nhăn nheo khẽ mỉm cười.
Rồi sau đó, đám tài xế không trong ca làm rủ nhau đi chơi bowling (1) ở một quán khuất xa thành phố. Đối với những tài xế chuyên làm đêm khuya, việc chơi bowling đến sáng là một trong những cách giải tỏa căng thẳng hiếm hoi. Vị giám đốc công ty taxi cũng đồng thời là phó giám đốc ở quán bowling này, và hồi còn trẻ ông đã giành giải quán quân trong cuộc thi bowling tại địa phương. Đám tài xế có thể chơi nguyên đêm với mức giá rất rẻ dành riêng cho hội viên câu lạc bộ. Sau khi cởi cái thắt nơ con bướm ra thì những tài xế lớn tuổi trông có vẻ già nua hơn mà những người trẻ tuổi ngược lại nhìn lại càng thơ trẻ.
“Cạch cạch cạch cạch… bang”.
Âm thanh của quả bóng lăn trên đường băng va vào con ki gỗ vang vọng khắp hội trường nghe thật vui tai. Kỹ năng của người tài xế kiệm lời dừng ở mức ghi được hai lần strike một ván game. Còn tài xế tóc ngắn húi cua mới vào nghề liên tục ném ra những cú bóng trầm ổn và mới chỉ đến game thứ hai, anh ta đã lập kỷ lục hai lần turkey làm cho tất thảy đồng nghiệp đều kinh ngạc. Quy Lão ngồi ở ghế ghi điểm, vừa uống bia vừa cười sảng khoái. Anh ta không thể chơi bowling được. Ngày còn trẻ, trong khi sửa xe, Quy Lão bị kẹt ngón tay cái của bàn tay phải vào chiếc kích nâng xe khiến nó bị dập nát.
“Cạch cạch cạch cạch… bang”.
Người tài xế gầy gò trước đây là ngư dân ghi được điểm spare.
“Cạch cạch cạch cạch… bang”.
Lần này đến lượt của người tài xế kiệm lời. Anh thọc những ngón tay nắm lấy quả bóng và ném một cách quả quyết. Quả bóng bị lệch đi nhắm đến phía góc xa rồi rơi xuống rãnh.
“Tại anh dùng lực mạnh quá đấy”.
Người tài xế trước đây là giáo viên tiểu học gào lên trong vui vẻ.
Lần ném thứ hai. Lần này thì bóng đi chính giữa nên mỗi bên trái phải còn sót lại ba con ki gỗ.
“Xem ra tôi chơi không giỏi bằng lái xe rồi”, anh ta cười khổ sở và nói với Quy Lão. Bảng điểm điện tử hiển thị phía trên đường băng. Những số thập phân hiện trên đó còn ít hơn là những con số hiển thị trên đồng hồ tính cước taxi.
Người tài xế kiệm lời tiến đến chiếc ghế nhựa, vừa ngồi nhâm nhi lon nước trái cây vừa xem đồng nghiệp ném bóng. Quả bóng nặng đen trùi trũi từ từ lăn đi rồi làm đổ hết các con ki gỗ được xếp ngay ngắn. Có những con ki văng tán loạn, rồi những con ki còn lại bị gạt xuống để những con ki mới lại được bày ra xếp thẳng hàng. Và quả bóng tiếp theo lại nhẹ nhàng lăn tới.
“Cạch cạch cạch cạch… bang”.
“Cạch cạch cạch cạch… bang”.
Người tài xế kiệm lời chợt cảm thấy nỗi lạnh lùng thê lương dâng lên tự đáy lòng. Anh có vợ và đứa con trai mới vào tiểu học. Dưới trời đêm tối tăm này nơi căn hộ tập thể đó, giờ chắc hai người đang tắm gội hay là xem ti vi đây. Đêm nay gió tây thổi về rất mạnh. Anh cảm thấy tiếng gió rít đập vào cửa sổ lùng bùng trong tai mình. Người tài xế liếm đôi môi khô khốc.
“Cạch cạch cạch cạch… bang”.
“Double rồi”.
Người đồng nghiệp râu bạc bẻ bẻ khớp ngón tay. Quy Lão vỗ tay tán thưởng xã giao. Bàn tay có ngón tay cái bị mất. Nụ cười cuối cùng của bà lão kia. Từ mỏm đá cao nhảy xuống mặt biển đen trong đêm khuya khoắt, bị sóng đánh dạt từ chỗ này đến chỗ khác. Cũng như con ki gỗ màu trắng đó bị hút vào phía tối đen kia, rồi từ chỗ tối tăm đó lại xuất hiện mười con ki trắng, sắp thẳng hàng không chút phòng bị gì.
“Cạch cạch cạch cạch… bang”.
“Sao vậy?”.
Quy Lão hỏi người tài xế chợt đứng dậy khỏi chiếc ghế ngồi.
“Đi vệ sinh à?”.
“Không phải”, người tài xế đáp.
“Tôi đi gọi điện thoại một lát”.
Người tài xế dùng chiếc điện thoại trả tiền bên bàn tiếp tân, quay số gọi về nhà. Sau ba lần đợi chuông reng, đầu bên kia nhấc máy. Người tài xế nhanh nhẩu nói.
“Alô, alô”.
“A…”.
Giọng nói trong trẻo của một đứa trẻ.
Đường dây điện thoại có vấn đề hay sao mà đường truyền nghe như đứt đoạn,
“Cha… đấy à?”.
“À à…”.
Người tài xế kiệm lời hít một hơi thở sâu.
“Chuyện gì vậy hả cha?”.
Tiếng bowling “cạch cạch cạch cạch… bang” từ phía đường băng vọng đến tai người tài xế.
“Hôm nay cha sẽ về nhà sớm”.
Người tài xế dựa lưng vào tường, cất giọng to hơn thường lệ.
“Hãy bảo với mẹ là nửa tiếng nữa cha sẽ về nhà nhé”.
Đứa bé trả lời lẩm bẩm gì đó mà anh nghe không rõ. Âm hưởng câu trả lời nghe vọng đến từ một nơi nào đó rất xa hay đang chìm trong làn nước vậy.
Người tài xế gác máy, nhìn về phía đường băng bowling một lần nữa. Rồi anh nhanh chóng quay gót, nắm chặt chùm chìa khóa trong túi và bước về phía bãi đậu xe ngoài xa.
-------------
(1) Bowling, hay còn gọi là bóng gỗ, là một trò chơi mà người chơi ném quả bóng nặng lăn trên đường băng để làm đổ tất cả các con ki gỗ với số lần ít nhất. Nếu chỉ với lần ném đầu tiên, người chơi làm đổ hết các con ki thì được gọi là strike, ghi được hai lần strike liên tiếp thì gọi là double, nếu ghi được ba lần strike liên tiếp được gọi là turkey. Còn nếu sang đến lần ném thứ hai người chơi mới hạ được hết con ki gỗ thì được gọi là spare.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...