Với Svetlana Alexievich, sống và đọc sách là một, là như nhau. Bà sinh ra và trưởng thành ở thế hệ “học cuộc sống từ sách vở chứ không phải từ thực tế” - Svetlana Alexievich từng nói. Đó là khoảng thời gian mọi người quây quần quanh bếp và bàn về các tác phẩm của nhà thơ người Nga Osip Mandelstam và họ nấu nướng với một cuốn tiểu thuyết trong tay.
Mọi người cũng nói về cuộc sống, ước mơ, tiểu sử con người sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhưng thứ họ nói là thế giới của những người còn sống, chứ không phải của người đã khuất. Khi thế giới và nước Nga đang dần thay đổi, sách trở thành một sản phẩm mang tính thị trường, văn học không có nhiều sự khác biệt.
Về phần mình, nhà văn Svetlana Alexievich đã thường xuyên tiếp xúc và “xát muối” vào vết thương trong lịch sử nước Nga nhằm sáng tạo ra một thể loại mới trong sáng tác của bà. Sau khi thử nghiệm bằng nhiều phong cách văn xuôi khác nhau, cuối cùng bà chọn cách tập hợp một “dàn hợp xướng” tiếng nói cá nhân bằng phương pháp phỏng vấn.
Sinh năm 1948 tại Ukraine, Svetlana Alexievich lớn lên ở Belarus – đất nước hầu như bị tàn phá hoàn toàn sau chiến tranh thế giới thứ II. Belarus mất khoảng 1/3 dân số, kinh tế khó khăn, môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng. Bà đã chứng kiến nhiều câu chuyện và cuộc sống con người sau “Bức màn sắt” (một biên giới tư tưởng mang tính biểu tượng chia cắt châu Âu thành hai khu vực riêng rẽ từ cuối Thế chiến II đến cuối cuộc Chiến tranh lạnh vào năm 1991), bà chứng kiến “một biển máu, một ngôi mộ khổng lồ của đồng bào”, “những con người bé nhỏ” là những hạt cát trong lịch sử, họ không bao giờ đặt ra những câu hỏi và họ biến mất không dấu vết. "Tôi mất một thời gian dài để tìm kiếm bản thân mình, muốn tìm ra cách nào đó để gần hơn với hiện thực. Hiện thực đã hút tôi như một thanh nam châm, nó tra tấn, thôi miên tôi và tôi muốn nắm bắt lại tất cả những điều đó trên giấy”.
“Tôi đã viết năm cuốn sách, nhưng thật ra tôi chỉ viết duy nhất một cuốn trong 40 năm qua: một biên niên sử cách mạng Nga – Xô, chiến tranh, thảm họa” - Svetlana Alexievich từng nói.
Hiện thực đã thôi miên nhà văn, khiến cho các tác phẩm, câu chữ của bà cũng quằn quại, đau khổ như những gì bà chứng kiến. Trong tác phẩm đầu tay War's Unwomanly Face xuất bản năm 1985 có đoạn: “Đi cùng chúng tôi là một cô chiến sĩ thông tin. Cô ấy mới sinh con. Khi đứa bé đói, nó đòi bú mẹ. Nhưng chính mẹ nó cũng đói thì làm gì có sữa. Đứa trẻ vì thế mà khóc miết không chịu nín. Trong khi kẻ địch và lũ chó Bec-giê ngay gần đó. Lũ chó mà nghe thấy thì tất cả mọi người sẽ chết. Cả nhóm ba chục người, cô hiểu không?
Chúng tôi quyết định... Không ai muốn truyền đạt lại lệnh của chỉ huy cho cô gái nhưng cô tự hiểu ra...
Cả cuộn tã lót bọc đứa trẻ bị dìm và giữ một lúc lâu dưới nước. Đứa trẻ không kịp kêu một tiếng... Không một tiếng nào... Và chúng tôi không thể ngước mắt về phía người mẹ và...không dám nhìn vào mắt nhau nữa".
Đây chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện Svetlana Alexievich ghi lại trong tác phẩm của mình, những tác phẩm viết về con người có thật. Bà không ghi lại lịch sử một cách khô khan, bà ghi lại lịch sử bằng cảm xúc của con người. Bà từng nói: “Đôi khi tôi tự hỏi, tại sao tôi thường xuyên xuống địa ngục. Và câu trả lời là:...Để tìm những con người ở dưới đó”.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...