Thứ sáu, ngày 15 tháng 11 năm 2024
00:06 (GMT +7)

Cột đá Trajan - kiệt tác điêu khắc La Mã

Cột đá Trajan là một công trình bằng đá nổi tiếng, ghi dấu một trang sử hào hùng, vinh quang nhất của đế chế La Mã cổ đại, mà trung tâm là thành phố Rome - Italy ngày nay. Nhờ binh hùng, tướng giỏi, La Mã đã hai lần liên tiếp chiến thắng Dacia, một vương quốc cường thịnh cũng có lãnh thổ rộng lớn không kém và là một mối nguy hiểm thường xuyên đối với nước này kể từ thời Caesar. Cột đá Trajan là một tác phẩm điêu khắc tuyệt vời, phong phú, tráng lệ nhất trong các tác phẩm trạm trổ trên đá xưa nay tại Italy, với chiều cao 38,4 mét, 19 khúc cùng một phù điêu dài 240 mét, quấn 23 vòng quanh cột, miêu tả 155 cảnh tượng, hàng nghìn họa tiết, trong đó có 2.662 nhân vật là các chiến binh, sĩ quan, vua chúa của La Mã và Dacia, các xe cộ, thuyền bè, áo giáp, vũ khí, lều trại… của họ và trong 155 cảnh tượng ấy, hoàng đế Trajan của La Mã - nhân vật chính của câu chuyện hiện lên tận 58 lần trong tư thế oai phong lẫm liệt.

Cột đá Trajan nằm ở thành phố Rome - Italy
Cột đá Trajan nằm ở thành phố Rome - Italy

Đối với người La Mã, đây là một tượng đài hết sức quan trọng, cho thấy những thành tựu vĩ đại của đất nước trong quá khứ, đặc biệt là trong thời kỳ trị vì của hoàng đế Trajan, tuy chỉ vỏn vẹn 19 năm mà ông đã giúp cho lãnh thổ của La Mã vươn xa tối đa, nhất là về phía đông. Là một vị tướng đại tài với tham vọng mở rộng đất đai, ngoài thực hiện được nhiều chiến dịch thành công, ông cũng khiến La Mã ổn định và giàu mạnh nhất bấy giờ.

Mọi sự bắt đầu sau một vụ tấn công của người Dacia vào một khu định cư của người La Mã cách đó 20 năm, gây ra một tổn thất nặng nề và người tiền nhiệm của Trajan là Nerva đã cố gắng đàm phán hòa bình song thất bại. Trước thế lực đang lên như vũ bão của một đế quốc có chiều hướng áp đảo mình, La Mã đã đặt ra nhiều kế sách và việc lựa chọn Trajan lên ngôi hoàng đế, chỉ huy toàn quân, đây là một việc làm khôn ngoan của thượng viện. Ông vốn là một vị tướng vô cùng dũng mãnh, tài trí cũng là thống đốc của một vùng đất trù phú, có tầm ảnh hưởng lớn về kinh tế, chính trị, xã hội đối với toàn quốc, đó là vùng thượng Đức. Điều đặc biệt nữa, ông là một trong những hoàng đế đầu tiên của La Mã được phong vua thay vì kế thừa quyền lực từ hoàng gia, cũng là người đầu tiên sinh ra ngoài Italy, cụ thể là ở Seville - Tây Ban Nha nên có hiểu biết sâu sắc về những tập tục văn hóa của thế giới cũng như có những sáng tạo linh hoạt trong việc điều quân khiển tướng.

Tân hoàng đế gần như ngay lập tức đã dẫn hàng chục nghìn binh lính La Mã vượt sông Danube, đánh úp Dacia và để mau chóng thâu tóm các thành trì, ông đã cho dựng một cây cầu phao khổng lồ, đồng thời dùng rất nhiều chiến thuyền đổ bộ ồ ạt vào Dacia. Cuộc chinh phục thành công đã mang lại một chiến lợi phẩm bằng vàng và bạc, khoảng 225.000 kilôgam vàng và từng ấy kilôgam bạc, đủ giúp cho những chiến dịch mở rộng hơn nữa sau này của Rome. Để kỷ niệm chiến thắng này, ngay khi chiến tranh kết thúc, thượng viện đã cho lập quảng trường mang tên Trajan và một cột đá tự vững, cao to lồng lộng đứng ở chính giữa với chiều cao gần 40 mét và dọc thân chạm khắc chi tiết tiến trình của cả hai lần vây ráp.

Hình ảnh chuẩn bị cho trận chiến khắc trên Cột đá Trajan
Hình ảnh chuẩn bị cho trận chiến khắc trên cột đá Trajan

Khởi công vào năm 107, cột đá Trajan đã ra đời vào năm 113 và được người dân gìn giữ trong suốt 1.911 năm tại Rome. Với mọi người, nó được xem là một cuốn truyện tranh cổ đại ly kỳ về hai trận đánh có thật trong lịch sử giữa hai đế quốc từ năm 101 đến năm 102 và từ năm 105 đến năm 106. Song riêng với người Rome, đây là một cuốn nhật ký chiến chinh của một vị vua bất khả chiến bại, người vừa có công mở rộng ranh giới của La Mã về phía đông, vừa thực hiện được nhiều cải cách phúc lợi xã hội quan trọng, như đã tăng lượng ngũ cốc phát cho người nghèo, tặng quà bằng tiền mặt thay vì nông phẩm và cho phép các tỉnh giảm thuế, giữ lại số vàng dự trữ trong ngân khố, thể hiện sự hào phóng to lớn của triều đình đối với nhân dân. Cột đá Trajan do vậy còn hơn một khải hoàn môn và là một tác phẩm tuyên truyền tinh tế của đế quốc cũng như một minh chứng cho quyền lực tối cao của La Mã và nhân chứng cho sự vĩ đại của hoàng đế Trajan. Sau khi ông mất, tượng đài này đã được dùng làm lăng mộ của ông và hoàng hậu Plotina.

Cột đá Trajan vươn lên sừng sững trên nền trời phía bắc của quảng trường Forum Roman, trái tim của La Mã cổ đại, nơi hội tụ của nhiều danh nhân, các cuộc diễu hành, bầu cử, thi đấu, thương vụ và cả những sinh hoạt thường nhật đại chúng. Hàng ngày cột đá Trajan được chiêm ngưỡng bởi vô số người và ai nấy đều trầm trồ, dán mắt vào từng cảnh tượng sống động được khắc tạc như một dải lụa bồng bềnh, bay lượn từ chân đế của công trình tới tận đỉnh cột. Người thiết kế nên cột đá này là kiến trúc sư Apollodorus xứ Damascus - Syria, tác giả của rất nhiều công trình ngoạn mục, như nhà tắm Roma, quảng trường Forum và dinh thự Ulpia Basilica tại Rome. Apollodorus đã xây dựng nó hoàn toàn bằng đá, hơn thế còn là một loại đá tinh khiết, cẩm thạch Carrara có độ mịn gần như tuyệt đối và là một loại cẩm thạch canxit có độ bền tối cao, có thể đánh bóng và trạm trổ những chi tiết siêu nhỏ. Đây là loại đá trắng được sử dụng nhiều nhất trong việc đẽo tượng từ thời La Mã cho đến thời Phục Hưng và cả sau này của giới nghệ sĩ. Vì thế, tác phẩm trông như ngọc ngà và có sức hút ghê gớm ngay từ thoạt nhìn đầu tiên.

Vì vẻ đẹp khó tả của cột đá Trajan, nhiều nơi cũng đã sao phỏng nó để làm tác phẩm trang trí vinh danh sau các trận đánh, mà một ví dụ là cây cột của hoàng đế Napoleon III Pháp vào thế kỷ 19 và hiện giờ đang được chia làm đôi và bảo quản trong bảo tàng. Không như các phiên bản copy, cột đá Trajan không cần phải che chắn gì, ngày nào nó cũng chịu mưa gió mà vẫn giữ nguyên được sự uy nghi, kiêu hãnh. Để làm ra kiệt tác này, các thợ xây đã phải dùng tới hàng chục khối đá, to lớn chềnh ềnh và đẽo gọt chúng thành 19 cái trống đá có đường kính 3,7 mét, tổng cộng nặng hơn 1.110 tấn, chồng chất lên nhau. Nhờ rỗng bên trong, chúng cũng cho phép tạo một cầu thang đi bộ xoắn ốc trong lòng cột, gồm 185 bậc thang vừa chân, dẫn từ tầng trệt đến tận đài quan sát ở vị trí trên cùng. Bao quanh thân cột phía ngoài là một phù điêu cũng vặn xoắn, rộng 1,2 mét, chứa rất nhiều quang cảnh chiến tranh được chạm khắc tỉ mỉ như một cuốn phim hành động. Trên đỉnh cột mới đầu gắn một pho tượng chim đại bàng bằng đồng đỏ và là biểu trưng về quyền lực, trí anh hùng và sự lớn mạnh của đế chế La Mã, thường thấy trên quốc kỳ cùng nhiều đồ vật hoàng gia. Khi hoàng đế Trajan tạ thế, chú chim ấy đã được thay bằng chính pho tượng của ông. Tuy nhiên, đến năm 1588, dưới thời giáo hoàng Sixtus V, pho tượng đồng lại được thay bằng tượng của Thánh Peter, người nắm giữ chìa khóa vào thiên đường và để thánh hóa hiện vật cổ xưa.

Đại thể, cột đá Trajan gồm hai mảng phù điêu với nửa dưới khắc họa cuộc chiến tranh Dacia lần thứ nhất trong khi nửa trên thì đặc tả cuộc chiến tranh Dacia lần thứ hai. Dù nói về chiến tranh song thực tế có khá ít những cảnh giao đấu giáp lá cà, thay vào đó là cảnh xây dựng, lễ nghi mà binh lính tiến hành để cầu xin hay tỏ lòng thành kính trước các thần linh, chủ soái, rồi cảnh pháo đài, lều trại, tàu thuyền, vũ khí, cảnh diễu binh, cưỡi ngựa, bắn cung... Miêu tả bạo lực chống lại kẻ thù cũng hiếm, tức là không có nhiều cảnh đầu rơi, máu chảy, thương vong nhưng có một cảnh kỳ quái cho thấy phụ nữ Dacia tra tấn đàn ông La Mã. Phần lớn bức tranh khắc họa các trang phục, cách ăn mặc, đi đứng, tác phong và cả sinh hoạt của hai bên. Ví dụ như người La Mã mặc áo ngắn thì người Dacia áo dài, người La Mã đầu trọc thì người Dacia tóc xù…

Hình ảnh chèo thuyền vượt sông khắc trên Cột đá Trajan
Hình ảnh chèo thuyền vượt sông khắc trên cột đá Trajan

Giải thích về việc thiếu cảnh chiến đấu và số lượng lớn công trình xây dựng, các nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, đó là một biện pháp tuyên truyền dành riêng cho những người nhập ngũ, giúp họ giải quyết nỗi sợ hãi và mất lòng tin đối với quân đội La Mã bằng cách miêu tả cuộc chiến của họ là một cuộc chiến có ít thiệt hại nhất. Ở cả hai phần tranh tuy vậy đều nhấn mạnh ở việc vượt sông Danube bởi những người lính gan dạ, dũng cảm như thể vượt qua chướng ngại vật lớn nhất và sau đó là cảnh đầu hàng của người Dacia bờ bên kia. Một trong những đoạn hấp dẫn trong chiến tranh Dacia lần thứ nhất là cảnh người Dacia và các đồng minh Sarmatia tổ chức một cuộc phản công chống trả người La Mã trong mùa đông từ năm 101 tới 102. Những kỵ binh Dacia đã cố gắng vượt sông qua một vùng nước khá sâu. Một nhóm khác tấn công một pháo đài của người La Mã bằng một xe húc nhằm đập đổ những bức tường. Để đối phó với các cuộc tấn công ấy, nhằm trấn an lòng quân, hoàng đế Trajan đã khởi hành từ khu nghỉ đông của mình ra chiến trường qua một con tàu với bối cảnh đằng sau là một thị trấn có thành cao. Trajan và quân của ông sau đó đi thuyền dọc sông Danube và đáp vô bờ sông, ông dẫn đầu bộ binh La Mã cùng đồng minh đánh bại quân Sarmatia trong một trận chiến nảy lửa trong đêm dưới sự phù trợ của nữ thần màn đêm Nox.

Tôn sùng thần linh, trong toàn tranh thấy khá nhiều các vị thần có trách nhiệm bảo vệ binh đoàn La Mã, như chúa thần Jupiter (sấm sét), nữ thần Luna (mặt trăng), nữ thần Victoria (chiến thắng)… và về phía người Dacia cũng có nhiều thần linh như thần sông Danube Histros với sức mạnh như một vị thần biển bảo vệ các tòa thành Dacia. Và để làm vui lòng các thượng thần, người La Mã đã thực hiện nhiều nghi lễ cúng tế mà đặc biệt là trong cuộc chiến lần thứ hai, họ đã có một buổi hiến sinh rất lớn khi khánh thành một cây cầu phao có tính chất quyết định, sống còn giúp vượt sông. Trong các buổi lễ, các nhạc sĩ đóng một vai trò rất quan trọng, khi tấu lên những khúc nhạc giúp giao tiếp với thần linh và làm khuây khỏa con người.

Hình ảnh nữ thần Victoria (chiến thắng) khăc trên Cột đá Trajan
Hình ảnh nữ thần Victoria (chiến thắng) khắc trên cột đá Trajan

Trong khi âm nhạc giúp họ được vui thì cờ phướn tung bay trên chiến tuyến lại cho họ khí thế hăng say chiến đấu. Ở cả hai quân đội La Mã và Dacia đều có hai chiến kỳ có những hình thù rất đẹp mắt, trong khi của La Mã là loài chim ưng bay lộn trên không thì của Dacia là loài sói chạy nhảy dưới đất. Chúng đều dũng mãnh, đầy móng vuốt, kêu to, khuấy động bầu không khí. Thế nhưng, tuy là cảnh chiến tranh song mọi thứ trông vẫn rất trữ tình, thơ mộng bởi xung quanh có những phong cảnh núi sông, cây cỏ, động vật, nhà cửa, tàu thuyền cùng nhiều sinh hoạt dân gian thú vị. Đó là những lát cắt xinh đẹp về các phong tục - tập quán văn hóa các dân tộc được tường thuật một cách tinh tế và cặn kẽ nhất. Nhìn từ trên xuống hay từ dưới lên, bức tranh còn như một bản đồ lớn quy mô về địa hình, địa thế, địa mạo của Trung Đông Âu cách đây gần 2.000 năm.

Thần sông Danube Histros trên Cột đá Trajan
Thần sông Danube Histros trên cột đá Trajan

Sau khi khánh thành, cột đá Trajan đã trở thành tâm điểm của quảng trường Trajan Rome. Không biết đã có bao nhiêu người qua đây chiêm ngưỡng công trình và từ sự tuyệt diệu của nó cảm hứng sáng tác ra các tác phẩm văn nghệ. Tuy nhiên, có một người được sách vở ghi nhận rất nhiều, đó là nhà thơ trứ danh của Đức Johann Wolfgang Von Goethe. Vào năm 1787, ông đã leo trọn 185 bậc thang trong lòng cây cột để lên tận đỉnh, tận hưởng bầu không khí trang nghiêm mà cũng nên thơ, ngoạn mục khó tả. Riêng về kiến trúc, đã có ít nhất 12 cây cột và tượng đài ở Rome và khắp đế chế được đẽo khắc dựa trên cột đá Trajan.

Chu Mạnh Cường

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tiếng trống trong văn hóa bản địa Mỹ

Nhìn ra thế giới 5 tháng trước

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Vĩ đại cây sự sống

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Đắm say cùng hộp đêm Moulin Rouge

Nhìn ra thế giới 3 năm trước