Chủ nhật, ngày 08 tháng 12 năm 2024
15:43 (GMT +7)

Những pho tượng động vật lừng danh thế giới

Động vật từ xa xưa đã xuất hiện trong đời sống nhân loại, giúp con người cái ăn, cái mặc, cái đi lại cùng nhiều hiểu biết sâu sắc về môi trường. Chúng là một thực thể tự nhiên, chúng cũng đại diện cho những niềm tin, phẩm chất, chuẩn mực trong xã hội và thường được lấy những đức tính, vẻ đẹp làm thành những biểu tượng văn hóa thú vị. Thậm chí nhiều sinh vật còn được xem là những linh thú có tác động ghê gớm trong trời đất hoặc làm được việc đặc biệt mà những giống loài khác khó thực hiện và được tạc tượng để ghi nhớ, thờ phụng cũng như giúp cho những huyền thoại sống mãi.

Tượng
Tượng "Pegasus hạ gục rồng" ở công viên Gulstream, bờ biển Hallandale, Florida - Mỹ

Một trong những động vật hay được điêu khắc nhiều nhất hiện nay trên thế giới là chú ngựa Pegasus, hiện thân của sự tao nhã, tốc độ cùng những đòn sấm sét. Đây là một con ngựa có cánh màu trắng và vào cuối thời cổ đại, sự bay lượn tự do của nó được ví như là sự bất tử, bay bổng của linh hồn và về sau là sự lãng mạn lẫn cảm hứng sáng tạo. Tác phẩm lớn nhất về Pegasus đến nay là một tượng đài bằng thép và đồng ở công viên Gulstream, bờ biển Hallandale, Florida - Mỹ, mang tên Pegasus hạ gục rồng và là một bức tượng cao thứ ba ở Mỹ cũng như tượng về chủ đề ngựa vĩ đại nhất trái đất, ngựa và rồng lớn nhất phương Tây. Pho tượng cho thấy một chú ngựa dũng mãnh đang dẫm chân lên cổ họng của một con rồng phun lửa sau khi hai thần thú quần nhau, làm chấn động muôn phương.

Theo thần thoại Hy Lạp, con rồng đó chính là Chimera, một quái vật có đầu sư tử, sơn dương, đuôi rắn và đã bị anh hùng Bellerophon đánh bại nhờ sự giúp đỡ của Pegasus khi nó chở Bellerophon chao lượn trên trời mà tránh khỏi những ngọn lửa hung tàn và hơi thở chết chóc từ Chimera. Vì công lao ấy, Pegasus cũng được phong anh hùng và trong pho tượng này là một anh hùng đơn độc diệt rồng, không cho rồng phá hủy làng mạc.

Tượng đài cao đến 34 mét (m), dài 61 m, rộng 35 m, trong đó ngựa được dựng từ 330 tấn thép, 132 tấn đồng và rồng từ 110 tấn thép, 132 tấn đồng, cùng nằm trên một bệ đá đồ sộ, cũng là một hý viện hình vòm 5D xinh đẹp. Xung quanh con rồng còn có các đài phun, vào đêm biểu diễn nghệ thuật, gồm 13 bản nhạc giao hưởng cùng nhiều màn diễn phun sương, phun nước, các cảnh chiếu sáng đèn LED và bắn lửa lên trời từ miệng rồng. Có thể nói người ta đang tái hiện một trận đấu nảy lửa, mưa gió, huyên náo giữa hai thế lực thiện - ác. Tuy nhiên, tượng vẫn nhấn mạnh vào ngựa hơn để vinh danh tất cả những giống ngựa đã có công trong nền văn minh nhân loại bởi sự phát triển của loài người phụ thuộc rất nhiều vào ngựa. Hàng nghìn chú ngựa đã phi nước kiệu trong lịch sử các nước, đóng vai trò then chốt trong giao thông vận tải, xây dựng, phục vụ khoa học..., đặc biệt cho đến tận cuối Thế Chiến II, ngựa vẫn được dùng để kéo pháo, vận chuyển vật tư, thuốc men, thư từ và đưa những người lính dũng cảm ra trận. Trong thời Trung Cổ, chúng là những người bạn trung thành, tri kỷ của hiệp sĩ và giờ là bạn của nhà nông. Riêng tại đây, Pegasus còn có ý nghĩa là một hình ảnh biểu trưng cho một tụ điểm vui chơi, giải trí, đua ngựa quan trọng nhất Mỹ, đã ra đời từ năm 1939 với nhiều cuộc đua gay cấn. Cả hai công ty ở Đức và Trung Quốc cùng chịu trách nhiệm tạo tác pho tượng này và phải mất hai năm mới hoàn thành nó vào năm 2016 với tổng kinh phí lên tới 30 triệu đô la.

Cũng là ngựa song là hải mã, đôi khi còn biến thành người có móng guốc, Kelpies là những pho tượng phổ biến trên toàn Anh và Bắc Âu. Theo cổ tích Scandinavia, Kelpies thường ám các tuyến đường thủy và hay xuất hiện dưới hình dạng của một chú ngựa non nhí nhảnh. Thoạt nhìn con vật hiền lành nhưng thực ra rất ác, thường thôi miên, quyến rũ du khách, nhất là trẻ em đu bám, phi cưỡi trên lưng rồi lặn xuống nước, mang theo nạn nhân. Tuy nhiên, nếu bị bắt bởi một dây cương ma thuật, chúng sẽ răm rắp nghe lời. Trong con mắt nghệ sĩ, Kelpies là biểu tượng của những vùng nước, sông suối nên thơ, hoang dã, ít người đặt chân tới. Những nơi nào có nước sâu sẽ có Kelpies, và ở ngoài biển sẽ có những chú cá ngựa khổng lồ là vật cưỡi của thủy tề. Do đó, chúng là một sinh vật khá gần gũi trong trí tưởng tượng trẻ thơ và thường mang lốt thú nửa ngựa nửa cá, thể hiện ước mơ chinh phục đại dương, một điều trái ngược với Pegasus với khát vọng chế ngự bầu trời.

Vào năm 2013, tại một địa điểm nằm giữa hai thị trấn Falkirk và Grangemouth, Scotland - Anh, cụ thể là cạnh đường cao tốc M9, ở cửa ngõ phía đông vào kênh đào Forth & Clyde lần đầu tiên đã có một tượng đài Kelpies choáng ngợp trần gian. Nó gồm hai tượng đầu ngựa bằng thép đục lỗ cao đến 30 m, nặng 600 tấn và là tượng hải mã cao nhất châu Âu. Nghệ nhân của tác phẩm này là một người rất yêu cổ tích Scotland và đã thiết kế nó dựa trên cảm hứng từ loài thủy tộc trên cùng nòi ngựa quý Clydesdale từng là động lực của ngành công nghiệp Scotland bằng cách kéo xà lan vận chuyển hàng hóa và vật liệu. Kelpies theo truyền thuyết có sức khỏe bằng mười con ngựa thường, còn Clydesdale cũng rất dẻo dai, có thể làm việc không nghỉ vì vậy được chọn làm ngựa kéo. Tựu chung, nghệ nhân muốn tạo ra một đôi ngựa cực kỳ khỏe khoắn, tràn đầy sức sống và thay vì đúc kín thì mọi thứ được dựng từ một bộ khung inox, rồi phủ 9.115 tấm thép sáng bóng, cắt đục thủ công cầu kỳ làm cho bộ lông như thể nước chảy. Tất cả tạo nên một vẻ đẹp mềm mại - duyên dáng nhưng cũng không kém phần rắn rỏi. Hai chú ngựa về cơ bản nhìn sang hai phía, một cúi xuống thấp như để gặm tảo, quan sát; một ngẩng cao đầu hý vang, rũ bờm và cùng nhô lên từ từ khỏi mặt kênh theo từng góc độ. Kết cấu rỗng xốp của chúng cũng cho cảm giác nổi trôi, dập dềnh.

Tượng đài Kelpies nằm giữa hai thị trấn Falkirk và Grangemouth của Scotland - Anh
Tượng đài Kelpies nằm giữa hai thị trấn Falkirk và Grangemouth của Scotland - Anh

Với sự khánh thành tượng đài thần điểu Jatayu ở Chadayamangalam, Kollam - Kerala vào năm 2018, Ấn Độ không chỉ là một nước có nhiều tượng chim nhất mà còn có tượng chim quy mô nhất hành tinh và để tôn vinh một anh hùng, không phải người mà là chim đã có công bảo vệ phụ nữ. Chú chim này bằng sự anh dũng phi thường, sánh với tên gọi vua của các loài chim - đại bàng đã lao từ trên trời xuống để chiến đấu với quỷ vương mười đầu, 20 tay Ravana, giải cứu công chúa Sita, vợ hoàng tử Rama, đang bị hắn bắt cóc. Sau nhiều hồi kịch liệt, Jatayu đã bị Ravana dùng kiếm chém đứt cánh trái mà rơi xuống đỉnh núi bây giờ mang tên Jatayupara. Mặc dù bị thương nặng, nó vẫn cố chờ đến khi gặp được Rama thuật lại sự tình cho chàng và cũng khai mở sử thi nổi tiếng Ramayana - một trong hai kinh văn cổ nhất xứ sở sông Hằng. Theo đó Rama là hóa thân của thần Vishnu và Krishna đã thực hiện một chuyến nam tiến từ Ấn Độ tới xứ Lanka, đánh bại ác quỷ. Từ một ngôi đền nhỏ thờ chim thần, vào năm 2011 chính quyền địa phương đã cho xây một tượng đài chim trên núi và nhờ một nhà điêu khắc kiêm đạo diễn Bollywood tạo hình nhằm tưởng nhớ đến Jatayu, sinh vật tiên phong đã bênh vực phụ nữ Ấn Độ vì trong một thời gian dài đến nay, họ vẫn hay bị chà đạp.

Giống như tượng Nữ thần tự do tại Mỹ, ngoài nhân lên tình yêu và sự đối xử công bằng với phụ nữ, đây còn là một tuyên ngôn về sự an toàn và danh dự của phụ nữ. Pho tượng chủ yếu được làm từ bê tông cốt thép, cao đến 21 m, dài 61 m, rộng 46 m, gồm bảy tầng, diện tích 1.400 m2, chứa một công viên giải trí, một bảo tàng kỹ thuật số, sáu sảnh hát và nhiều hạng mục khác. Phải mất mười năm, qua nhiều mô hình, thợ xây mới dựng được một chú chim đại khổng có đầy đủ vẻ đẹp uy vĩ, cũng đầy thương cảm đến thế. Dù còn một cánh, nó vẫn bao trọn đỉnh núi và nhìn từ con mắt của chim có thể quan sát toàn cảnh rừng già rậm rạp, rồi những cánh đồng lúa ngô, làng mạc mênh mông xung quanh, đặc biệt là một vùng nước lấp lánh được che chắn bởi những tảng đá chót vót. Đồ rằng, đó chính là vũng nước để chim thần giải khát, giữ sức.

Sử thi kể rằng, khi đang bay qua nửa bầu trời (có lần bay gần chạm mặt trời), thì Jatayu bỗng nghe thấy tiếng kêu cứu của một phụ nữ đang bị quỷ vương bắt cóc. Jatayu liền chặn đầu cỗ xe ngựa Pushpaka Vimana của hắn, ngăn cản Ravana đưa Sita đi. Nó dùng những vuốt sắc để chống lại những vũ khí kinh khủng của đội quân ma quỷ, song cuối cùng vì già yếu đã bị thanh kiếm Chandrahasa gây trọng thương. Trong lúc nằm lại quả núi mang tên mình, chú chim đã kêu thất thanh nhiều lần để thông báo nàng Sita, hóa thân của nữ thần Lakshmi, đã mất tích. Nó cũng dùng mỏ đào một vũng nước mà giờ đây quanh năm không cạn, tắm mát cho ngôi làng bên dưới. Ngoài cái vũng luôn chảy róc rách, cũng thấy gần đó một dấu chân được tin là của chàng Rama khi lần theo tiếng chim đến nơi này. Chú đại bàng huyền thoại hiện giờ đã được tái dựng thành tượng và bằng một loại bê tông đặc biệt - bê tông dầm lăn RCC, giúp giảm thiểu sự hấp thụ nhiệt và nứt vỡ, loại bê tông này vừa cứng như đá vừa dễ dàng trạm trổ tinh vi.

Tượng đài thần điểu Jatayu ở Chadayamangalam, Kollam - Kerala, Ấn Độ
Tượng đài thần điểu Jatayu ở Chadayamangalam, Kollam - Kerala, Ấn Độ

Trong khá nhiều đền thờ bò thần Nandi, đại tự trên ngọn núi Chamundi ở Mysore - Ấn Độ là nơi có tượng đài bò thần hoành tráng nhất xứ Hindustan. Do truyền thống thờ Nandi của đạo Hindu, ở phía trước của mỗi đền đài Shiva, đối diện với đại điện luôn có hình ảnh một con bò lớn đang phủ phục trước thượng thần Shiva vì nó là vật cưỡi vahana của ngài và cũng là một thành tố quan trọng trong nông nghiệp. Người Ấn Độ còn tin rằng, tiếng kêu của bò cùng tiếng trống Damaru là những âm thanh đầu tiên khuấy động vũ trụ và đến nay chùm chuông hay lục lạc trên cổ nó vẫn là những thanh âm vui tươi, báo hiệu cuộc sống rộn rã, an bình. Trong tiếng Sankrit, Nandi có nghĩa là niềm vui và vì là phương tiện của vị thần hủy diệt, đồng thời tái tạo thế giới, nó được tin sẽ mang lại sự sống mới ngày càng tốt đẹp, công bằng hơn do khi thế giới trở nên xấu xa, Shiva sẽ phá hủy nó để tái thiết. Là vật cưỡi của Shiva, Nandi cho phép đi muôn nơi và nếu bạn thì thầm vào tai con bò, mọi điều ước của bạn sẽ vọng tới thần mà thành sự thật, do đó ai cũng dựng tượng, dâng hoa cho Nandi.

Tượng bò thần ở đền Sri Nandi Mysore đã có mặt từ hơn 350 năm trước và theo phong cách kiến trúc Dravidia. Theo huyền sử, một lần ở đây có một con bò đực từ đâu tới ăn lúa, vì sợ nó ăn sạch cánh đồng nên một bác nông dân đã dùng roi quất đuổi, không ngờ con vật hóa đá. Mọi người sợ hãi liền lập đền thờ nó, nhưng họ còn kinh hãi hơn vì cứ sáng dậy, con bò lại cao hơn trước. Pho tượng thực ra là có người làm cố định và chỉ cao tầm 5 m, dài 8 m, được tạc từ một khối đá đen nhánh, làm nên một con bò đực đang nằm nghỉ, trên cổ lủng lẳng những vòng hoa, hạt cườm, tua rua sặc sỡ, khuyếch tán sự hiện diện thiêng liêng của nó. Con bò được miêu tả trong tư thế ngồi chuẩn bị đứng dậy. Đây cũng là tư thế của nhiều Nandi ở nơi khác, cho thấy sự nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng và cả thiền định. Tuy nằm nghỉ, nó vẫn vểnh tai nghe ngóng và đôi mắt hấp háy như cười. Là một trong 20 điểm tham quan hàng đầu khu vực, bò thần đền Sri Nandi mỗi năm thu hút hàng nghìn du khách.

Tượng bò Nandi ở đền Sri Nandi, Mysore, Ấn Độ
Tượng bò Nandi ở đền Sri Nandi, Mysore, Ấn Độ

Vua Puck ở Killorgin, Ireland - Anh cũng là một pho tượng sừng sững được lập từ thế kỷ 17 và để ca ngợi chú dê Puck cùng một lễ hội hàng niên liên quan đến nó. Theo đó, một chú dê núi sẽ được đưa xuống thị trấn và được một cô gái trẻ, nữ hoàng Puck, trao cho vương miện. Nó tiếp tục được đặt lên bục cao nhìn xuống Killorglin trong ba ngày với tư cách một ông vua. Trong thời gian trị vì của vua Puck, nhiều hoạt động vui chơi sẽ diễn ra, gồm có ăn uống, nhảy múa. Mọi sự bắt đầu vào năm 1600 khi những kẻ cướp, dẫn đầu là nhà chinh phục hung dữ Oliver Cromwell trên đường chiếm đánh Killorglin đụng phải một đàn dê, làm chúng hoảng loạn và một chú dê đã tháo chạy về làng. Khi thấy dáng vẻ kiệt sức, vội vã của nó, nhận ra điều bất ổn, người dân thị trấn đã có phòng bị và ngăn chặn kế hoạch của Cromwell. Ai nấy vui mừng vì thoát nạn và đã phong chú dê làm anh hùng và một vị vua, khi đi qua đều cúi đầu chào. Pho tượng đồng tuy không lớn, chỉ cao 2,5 m đứng ở một cây cầu trên sông Launne, lối vào thành phố song là niềm tự hào và biểu trưng vĩnh hằng của một lễ hội lâu đời nhất Ireland, nơi một chú dê được tôn làm vua.

Tượng dê Puck ở Killorgin, Ireland - Anh
Tượng dê Puck ở Killorgin, Ireland - Anh

Ngoài ra, còn rất nhiều tượng đài động vật tuyệt vời khác, như tượng sư tử ở quảng trường Trafalgar, London - Anh, gấu và cây dâu ở Plaza del Sol, Madrid - Tây Ban Nha, hươu Dama - Dama ở đảo Rhode - Hy Lạp, khỉ cầm gương ở cầu Heidelberg, Baden - Wurttemberg- Đức, lừa chở củi ở Pachuca de Soto- Mexico, chó Fu (con lân) ở Thiên An Môn, Bắc Kinh - Trung Quốc, chó Hachiko ở Shibuya, Tokyo- Nhật Bản, mèo Umbriaga ở Szczecin- Ba Lan, chuột thí nghiệm ở Novosibirsk - Nga, quạ Belgrade ở Minnesota- Mỹ, gà Moron ở Ciego de Avila - Cuba…

Thủy Trương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Cột đá Trajan - kiệt tác điêu khắc La Mã

Nhìn ra thế giới 2 tháng trước

Tiếng trống trong văn hóa bản địa Mỹ

Nhìn ra thế giới 5 tháng trước

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Vĩ đại cây sự sống

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Đắm say cùng hộp đêm Moulin Rouge

Nhìn ra thế giới 3 năm trước