Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
08:48 (GMT +7)

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Mỗi khi muốn sáng tác hay chế tạo thứ gì, người Hy Lạp xưa đều hướng tới các nàng thơ hay các nữ thần bảo trợ văn nghệ - Muse.

Theo thần thoại Hy Lạp, có tới chín nàng thơ xinh đẹp, đồng nghĩa với chín hay nhiều lĩnh vực hôm nay, gồm có văn học, ca nhạc, nhảy múa, diễn xuất, lý luận, lịch sử, thiên văn, hội họa, điêu khắc, kiến trúc và sáng chế... Ai họ cũng tác động, thậm chí chi phối cả đời, nhất là đối với văn nghệ sĩ. Những người khác, ít nhiều theo niềm tin, cũng chịu ảnh hưởng của chín nàng. Họ sẽ không làm được gì nếu không được thi thần giúp đỡ và sẽ chỉ có trí não, lòng dạ rỗng tuếch. Ngược lại, nếu có các Muse ở bên, đầu óc sẽ luôn tinh tấn, sáng suốt; chân tay khéo léo, linh hoạt; trong lòng tràn đầy thi hứng vì đã được tiếp thu sức mạnh, khả năng kỳ diệu của các nàng.

Thế giới đã ghi nhận ý nghĩa của Muse và từ chữ Muse, sau này có từ Music: âm nhạc, tức tiếng hát của các nàng thơ, Mosaic: tranh khảm - nét vẽ của các nàng thơ và Museum: bảo tàng - đền đài của các nàng thơ.

Nàng thơ Calliope và Urania

Cả chín Muse đều là con gái thần Zeus, vị chúa tể của các vị thần trên đỉnh núi Olympus với nữ thần trí nhớ, titaness Mnemosyne. Trong một lần du ngoại đồng cỏ và dưới hình hài một chàng chăn cừu, Zeus đã yêu đương với Mnemosyne, và qua chín đêm, họ đã có với nhau chín người con. Đó là Calliope, Clio, Euterpe, Erato, Melpomene, Polyhymnia, Terpsichore, Thalia và Urania. Calliope sinh ra trước tiên và là người viết nên những dòng thơ, sử thi hoành tráng. Tên của nàng có nghĩa là xinh đẹp, tao nhã. Nữ thần thường cầm trên tay một cuộn giấy da đầy những dòng chữ hoặc một cây kèn trumpet lêu đêu gợi lên ở người nghe một cảm xúc sáng tác rất dài lâu, hùng hồn. Một trong các tác giả lớn nhất của Hy Lạp cổ đại là nhà thơ mù Homer đã nhận định: Sở dĩ ông viết được hai trường ca vĩ đại Iliad và Odyssey là nhờ Calliope đã truyền cảm hứng cho mình.

Clio đứng thứ hai và là nữ thần lịch sử, người tạo ra sự nổi tiếng và nó cũng là tên của nàng. Ngoài cuốn sổ tay dày, nàng còn đội một vòng nguyệt quế, vòng hoa tiara biểu thị cho vinh quang, chiến thắng. Chính Clio đã nghĩ ra bảng chữ cái alphabet và là người ghi lại lịch sử ở từng thời đại. Nàng chuyên viết mọi thứ cho dù chúng là nhỏ nhặt, tầm thường nhất, nên các sử gia thường viện đến Clio để có sức viết và viết sao cho đúng.

Euterpe là nàng thơ thứ ba với cái tên hân hoan - vui vẻ và từ niềm vui ấy cho ra những lời ca rộn ràng, điệu nhạc réo rắt. Nàng luôn cầm trên tay một cây sáo đôi aulos, nhạc cụ của những người chăn cừu mà khi cất lên rất vi vu - trầm bổng ca ngợi cảnh sắc làng quê, xứ sở thanh bình.

Nàng thơ của Philadelphia (tranh vẽ năm 1999)

Nàng thơ thứ tư, Erato, lại mang tới cho con người những vần thơ trữ tình, phản ánh tình yêu, niềm đam mê, khát khao cháy bỏng đối với cuộc sống. Mang tên thương yêu, Erato thường đứng bên những khóm hoa hồng, hoa sim hoặc bên cậu bé tiểu thần tình yêu Eros và cầm một cánh cung lớn để bắn những mũi tên tình yêu vào trái tim kẻ khác. Bất cứ ai muốn viết thơ tình hay hát những bài ca lãng mạn đều cần có sự phù trợ của Erato.

Melpomene và Thalia là hai nữ thần cho ra sự đối ngược về cảm xúc, một người là tâm trạng sầu bi, thê thảm; một người là tâm lý hài hước, tếu táo. Là người nuôi dưỡng bi kịch, Melpomene giúp các nhà văn tạo ra các tình tiết đau đớn, dằn vặt, xung đột. Nàng thường đeo một chiếc mặt nạ thần bí, có vẻ rầu rĩ u ám, rồi cầm một thanh gươm sắc, một cành bách già hay một nhành liễu nhỏ. Thanh gươm ở đây chính là biểu thị của sự xót xa, chia cắt còn bách - liễu chỉ những nỗi buồn không tên cùng một cái chết ảm đạm. Chúng hay được dùng để đóng cỗ quan quách hay trồng cạnh mộ phần, và người Hy Lạp tin rằng, cái đầu tiên họ được nhìn thấy khi sang bên kia thế giới là một cây bách mọc ở ven sông Lethe, nơi có dòng nước uống vào sẽ quên tuốt mọi điều. Theo truyền thuyết, Melpomene cũng là mẹ của các nàng tiên cá siren, mà khi ca hát tiếng hát day dứt, thổn thức, khiến người nghe mê muội.

Là người tạo dựng hài kịch, Thalia cũng đeo một chiếc mặt nạ song có vẻ hề cười và một cây kèn mục đồng, khi thổi lên liền vang xa những âm thanh huyên náo, rạo rực. Nàng cũng đội một vòng thường xuân (lá xanh) và là tượng trưng cho sự vui vẻ, trẻ trung, khỏe mạnh và khi giúp các nhà văn soạn kịch luôn có những tình tiết khôi hài trào phúng và thậm chí là sự trêu đùa, chọc ghẹo, khiến ai nấy đều cười sảng khoái.

Polyhymnia là Muse của thánh ca, những gì trang nghiêm thần thánh, cũng là người bảo hộ nông nghiệp, các sinh hoạt sản xuất. Nàng giúp mọi người hiểu biết ý nghĩa của cuộc sống, của tôn giáo, tín ngưỡng và của các sinh vật, hình học hiện diện xung quanh. Nhờ Polyhymnia, thế giới mới có khái niệm các công việc, ngày và đêm, giờ giấc…

Terpsichore hay nhảy múa là Muse thứ bảy, người mang đến cảm hứng muốn nhảy nhót, nhón chân theo nhạc và nhịp điệu. Ngoài diện một bộ váy thướt tha, nàng còn cầm trên tay một cây đàn lyre, biểu trưng cho những vòng xoáy, sự chuyển động của vạn vật trên mặt đất cũng là hiện thân của thơ, ca, múa, hát, kịch nghệ. Lyre luôn được dùng trong các lễ hội, tiệc tùng khi mọi người muốn ăn mừng - kỷ niệm và lúc đó mọi người sẽ ôm nhau nhảy múa, nam riêng nữ riêng, thành những vòng tròn liên tiếp để đạp đất mong đất đai màu mỡ, bội thu. Những người khác sẽ đứng bên ngoài ca hát, cổ vũ. Ngày xưa, cứ có chuyện vui là người ta nhảy hoặc được khích lệ thì nhảy.

Nàng thơ Terpsichore với cây đàn lyre

Là nàng thơ trẻ nhất trong chín Muse, Urania cho biết những gì sẽ diễn ra trên bầu trời, cùng với tài tiên đoán tương lai, hậu vận. Những nhà thiên văn học đều coi Urania là nữ thần hộ mệnh cho họ vì nàng sẽ giúp họ xác định vị trí của từng chòm sao và về sau là các tính toán, đo lường khác. Trong chuyện kể, Urania thường hiện lên dưới hình ảnh một thiếu nữ đội một vì sao, một vương miện tinh tú, ôm một quả cầu hay một la bàn lớn với kim chỉ hướng. Thế giới còn rất nhiều điều huyền diệu và Urania chính là nguồn cảm hứng cho ra những tìm tòi, khám phá mới.

Chín nàng thơ có khi đứng độc lập, có lúc đi bộ ba, tư hoặc toàn bộ, đặc biệt các nàng hay theo chân hoặc vui đùa cùng thần mặt trời Apollo nhằm gieo rải thi ca, âm nhạc, mỹ thuật, tri thức, niềm vui, sự giải trí, sự khuây khỏa cùng vẻ đẹp, sự sống động - nhộn nhịp đi khắp thế gian. Họ cũng ở bên cố vấn cho các vị thần, vua chúa và thường xuyên thì thầm bên tai nhân gian trong mọi sự việc lớn nhỏ bởi làm gì trên đời cũng cần cảm hứng, động lực. Muse đã trở thành trung tâm, cốt lõi, cái thiết yếu trong sự phát triển của văn học - nghệ thuật của Hy Lạp xưa. Từ văn nhân, triết gia, chính khách… của nước này đều triệu hồi Muse đến để theo dõi tiếp sức giúp họ, thậm chí còn thờ phụng Muse như một thần tượng vì thế mới có từ Museum (đền thờ của các nàng thơ) hơn cả thờ phụng thần Zeus và nữ thần bảo hộ thành trì Athena cho đến khi có đạo Thiên Chúa.

Không chỉ Hy Lạp mới yêu thích Muse mà hầu như ở đâu, người dân cũng xem Muse là nguồn thi hứng, động lực cho các sáng tạo và khi nói đến một ai có tầm ảnh hưởng quan trọng, có sự giúp đỡ mình tiên quyết trong công việc, sự nghiệp, gia đình - xã hội, dân gian cũng xem người đó là nàng thơ. Với nhiều văn nghệ sĩ, nàng thơ không đâu xa chính là người mẹ, người vợ, người em gái của mình.

Chu Mạnh Cường (Biên dịch và tổng hợp)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 9 tháng trước

Vĩ đại cây sự sống

Nhìn ra thế giới 11 tháng trước

Đắm say cùng hộp đêm Moulin Rouge

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Khám phá Havana

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Nốt nhạc sau song sắt

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Sống trong tâm dịch

Nhìn ra thế giới 2 năm trước