Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
06:46 (GMT +7)

Vĩ đại cây sự sống

Trên thế giới hiện nay, đang có đến 3,5 nghìn tỷ cái cây, chủ yếu mọc ở rừng già - núi cao vì thế mà rất to lớn, vòi vọi. Có những cái cây, gốc rễ khổng lồ mấy chục người ôm không xuể và sống tới vài nghìn năm nên được gọi là những vị thần của đại ngàn.

Từ lâu, dân gian đã theo dõi sự phát triển của cây mà định ra những biểu tượng tốt đẹp như tuổi xuân, tài lộc, sự hồi sinh - bất tử… Và đặc biệt, người xưa còn cho rằng, có một số cổ thụ, linh mộc đã tạo nên thế giới, thậm chí vũ trụ và là những cây sự sống hay cây thế giới.

Cây thế giới vườn Eden

Những cây này có cành lá rất sum suê - um tùm, mà mỗi cái lá tương ứng với một giống loài được sinh ra hoặc nương náu vào cây. Cả thần linh lẫn con người, chim thú, bò sát, côn trùng… đều là con cháu của nó. Ví dụ như ở văn hóa Ai Cập, cả thần sống Isis lẫn thần chết Osiris đều hiện lên từ một cái cây của nữ thần Lusaaset. Còn theo văn hóa của người Do Thái, trong vườn Địa Đàng - Eden, có một cái cây chuyên nở ra linh hồn, mỗi bông hoa là một linh hồn trinh nguyên và sẽ rụng xuống kho tàng linh hồn Guf, để thiên thần Gabriel vớt lên, đưa cho thiên thần Lailah mang đi thụ thai. Thánh kinh ghi rằng, khi linh hồn cuối cùng rơi xuống, đấng cứu thế Messiah sẽ tái xuất hiện. Còn ở thần thoại Na Uy, Yggdrasil là tên của một đại thụ đỡ cửu giới là các vương quốc của tiên, người, quỷ, dị vật cùng nhiều tinh linh đặc biệt, ai nấy đều cư trú trong những cành lá, hốc rễ của nó.

Đại thể cây sự sống - sinh thụ là một cái trụ, cái trục của thế giới. Mỗi cây thường có ba tầng: cao nhất là tầng trời, lưng chừng là tầng đất và thấp dưới cùng là tầng âm phủ. Nó luôn mọc giữa hư vô, thinh không bát ngát và chĩa các chi nhánh về bốn phương, tám hướng và tùy theo cách nhìn của từng dân tộc mà nhiều khi sẽ có ngọn chúc xuống đất, rễ chổng lên trời. Trong chuyện kể của thời Babylon và nhiều quốc gia Đông phương, sinh thụ thường mọc ngay giữa thiên đường. Trong một vườn cây của người Irag, Iran được xem là chốn thiên đàng, luôn có một cây sindirka vĩ đại. Còn theo chuyện cổ của người Gnostic, sinh thụ hay mọc ở phần phía đông thiên đàng với thân lá vàng rực tựa vầng mặt trời, còn hoa quả thì ánh bạc tựa mặt trăng. Với người Hindu - Ấn Độ, cây sthalavrksa lại mọc ngoài biển sâu, có rễ lan tới tận Patala là long cung của rồng Naga. Người Maya ở Mexico không chỉ nghĩ có một cây sự sống - Yaxche mà có tới năm cây này, về hình thức như năm cái trụ kình thiên cắm ở tứ phương của trái đất và ở trung tâm, nối kết thiên - địa - nhân. Trong đó cây thứ năm là quan trọng nhất vì là rốn của vũ trụ, nơi thần linh từ trên trời bay xuống và người quá vãng đi về chốn thâm sâu, âm phủ - Xibalba.

Ngoài nói là cây sự sống, ở nhiều nơi người ta cũng gọi đây là cây điểu xà dựa theo hai tô tem thể hiện cho trời và đất, trên dưới, cao thấp. Nhiều người đều quan niệm sinh thụ là nơi chim, tiêu biểu là đại bàng, ưng, ó, sơn ca, họa mi… ở, cũng là chốn của rắn rết, thằn lằn, khủng long và nhiều bò sát trú ẩn mà thân rễ chính là những khúc cuộn của thân mãng xà đang say ngủ.

Ở trên ngọn cây treo những vì sao lung linh, luôn có một tổ chim phượng hoàng đồ sộ và con chim ấy đóng vai trò như một người sáng tạo ra thế giới hay một vị thần thời tiết, trong khi ở hốc rễ cũng có một ổ rồng đầy trứng với vai trò canh gác, bảo vệ thế giới, giữ gìn sự tôn nghiêm. Đặc biệt con vật nào cũng biết phun ra mưa, lửa hoặc băng tuyết, cùng với độc tính thì làm nên một không gian mờ ảo, mịt mùng, che giấu toàn bộ nơi này. Đại bàng, loan phượng luôn được xem là biểu tượng của cõi thần tiên, còn mãng xà, cửu long thì tượng trưng cho cõi u minh và cùng tác động đến nhân gian.

Cũng có người gọi đây là cây mặt trời - dương thụ bởi vì sự lộng lẫy, rực rỡ, chứa đựng cả nhật nguyệt của nó và do cành lá thường hay sắc nhọn như với người Latvia là những cái móc để treo mặt trời, mặt trăng, các vì sao như sao mai Auseklis. Người Trung Quốc luôn cho đây là cây Fusang - Fumu. Theo truyện cổ Trung Hoa, thần mặt trời Xihe có tới 10 người con trai hay 10 mặt trời. Mỗi vị ngự ở một cái cây Fusang (cây dâu) và cứ lần lượt thay nhau mang theo một con kim ô chiếu sáng bầu trời, thành thử cành lá lúc nào cũng lung linh, chói lóa.

Với người Ki tô, cây sự sống chính là cây trí tuệ - tri thức, cũng là cây cho sự vĩnh hằng. Để làm đẹp mắt và lấy thức ăn cho người, Chúa Trời đã gieo muôn cây lên mặt đất và ở giữa vườn Eden còn trồng cây trí tuệ, mà về quả cây rất giống với trái táo chín đỏ. Khi ăn vào, con người sẽ nhận ra mọi sự khác biệt, đẹp xấu, đúng sai.

Tựu trung, cây sự sống là biểu tượng của sự sinh sôi, tươi đẹp, có hoa có quả trong cuộc đời. Từ sự vươn lên của cây, người ta thấy sự vươn lên của mình, cùng nhiều ước mơ, khát vọng khác. Theo thần thoại Hindu, thần Krishna đã từng ví đời người như một cái cây Ashvattha rễ ngoi lên cao, cành đâm xuống thấp. Song suy cho cùng, dân gian gửi gắm vào cây cũng như cây sự sống niềm mong muốn về một cuộc đời bình yên, hài hòa. Đó là nơi mọi người được nghỉ ngơi, ẩn náu và hưởng bóng mát, hạnh phúc như nhau. Như bao cây khác dung dưỡng, chở che muôn loài, cây sự sống cũng được mong là một mái nhà ấm êm và một thế giới thanh bình cả ở trên trái đất lẫn trong vũ trụ, vì chỉ một biến động nhỏ cũng ảnh hưởng tới muôn loài. Và mọi dân tộc đều có ý thức trồng cây để nhân lên sự sống, niềm vui khắp hành tinh. Họ cũng xem sự bảo vệ sinh thụ là điều tiên quyết.

Cây thế giới Ấn Độ

Với người Thổ Nhĩ Kỳ, họ có cây Bai-Terek và cho nó được canh giữ ở trên cao bởi một chú chim đại bàng hai đầu Hamca vô cùng hung dữ, còn ở dưới gốc là một chú rắn mặt lợn, răng nanh nhe dài Erlik vô cùng dữ tợn. Chưa hết trên cành còn có thêm hai con chim cu vàng và bên hốc cây hai con chó mực ghê sợ… Với riêng người Na Uy, sinh thụ của họ là một cây thần cực lớn - với chín cành phiêu bồng chứa cả chín hành tinh và được nâng đỡ bởi ba rễ cây xù xì: một ăn vào giếng nước ngọt Urdarbrunnr trên thiên giới, một ăn vào suối nước nóng Hvergelmir dưới địa phủ và một ăn vào giếng thông thái Mimisbrunnr ở đâu đó giữa trời đất, đồ rằng nước chứa đầy tri thức, hiểu biết đến nỗi thần Odin phải hy sinh một con mắt để được uống một ngụm, nên có rất nhiều lực lượng trông coi Yggdrasil, như đại bàng Vedrfolnir, rồng Nidhoggr, bốn con hươu Durabror, Duneyrr, Dvalinn - Dainn, người khổng lồ, người băng… và cuối cùng là những con chó Garm, một giống chó sói thông minh, hiểu được tiếng người.

Theo Kinh thánh của người Ki tô, sau khi Adam và Eva bị đuổi khỏi vườn Địa Đàng, các thiên thần Cherubim đã được giao cho một thanh gươm bốc lửa để canh gác, chống kẻ lạ xâm phạm cây sự sống. Mỗi cherubim có bốn mặt gồm mặt của người, sư tử, trâu bò và chim ưng, cũng có hai đôi cánh vỗ ra gió bão, sấm chớp.

Tùy mỗi nền văn hóa, người ta tôn thờ một sinh thụ khác nhau, như ở Hy Lạp xưa là cây sồi, tượng trưng cho sức mạnh, sự kiên cường, quả cảm hoặc cây nguyệt quế - sự chiến thắng, vinh quang, thành công, còn ở La Mã là cây ô liu hiện thân của sự vững bền, ổn định, khang thái, cũng là biểu tượng của hòa bình và an lạc; ở Ai Cập và nhiều nước Trung Đông là cây keo hay chà là với ý nghĩa về sự rắn rỏi, lắm con, ngọt ngào; ở Ấn Độ và nhiều nước châu Á là cây bồ đề mang tới tình yêu, sự vị tha và khai trí…

Lần đầu tiên, con người đã nhắc tới cây sự sống vào khoảng cách đây chín nghìn năm, song rõ nhất là trong kinh thánh của người Do Thái và Ki tô, trong đó ghi nhớ có một loài cây đã trợ giúp nhân loại cả về thể chất lẫn tinh thần. Nó xuất hiện ở ngay trang đầu của Sáng Thế Ký và trang cuối của sách Khải Huyền. Trong trang đầu Sáng Thế Ký, ghi có một sinh thụ ở giữa vườn Địa Đàng, cây ra rất nhiều trái cho sự bất tử, tuy nhiên khi người ăn quả thì tùy đức tính tốt hay xấu sẽ dẫn đến thiên đường hay tội lỗi. Trong sách Khải Huyền và sách Enoch, cây sự sống một lần nữa xuất hiện trong khu vườn sau ngày tận thế, và những ai mà giữ gìn được quần áo, thân thể sạch sẽ sẽ được tiếp cận với cây sự sống, trên đó kết 12 thứ trái, lá hoa đều mang dược tính chữa khỏi bệnh tật.

Cây thế giới Trung Quốc

Yêu mến sự sống, xuyên suốt tiến trình lịch sử, người xưa luôn viết, vẽ về cây sự sống, dù rằng có những thông tin, chi tiết riêng biệt song ai nấy đều thể hiện về một cái cây hoặc một số cây duy nhất trên đời, độc đáo và có một sự kết nối liên tục với nhau tầng tầng lớp lớp, tạo ra một chỉnh thể như một hình tròn, quả cầu hay dải ngân hà trong không gian mênh mông. Vì sống vạn đại nên cái cây rất già cỗi, cổ thụ, cành này chen lấn cành kia và trên đó gắn các hàng tên, các hành tinh, các sinh vật như một phả hệ gia đình. Sự miêu tả còn có thể cặn kẽ hơn nữa cho thấy sự phong phú, tự do, linh hoạt trong cách nghĩ, sáng tạo, và đó cũng là những giải thích cho cội nguồn của sinh thụ, ví dụ như người Ai Cập nghĩ rằng sinh thụ sinh ra nữ thần tiền phong là Lusaaset để bà sinh ra các thần linh khác, song người Thổ Nhĩ Kỳ lại nghĩ thần Kayra Han có trước, rồi ông trồng cây làm nhà cho nữ thần sinh sản Kubey Hatun để bà sinh ra tổ tiên loài người- Er Sogotot… Người Wapangwa Tanzania lại nghĩ thế giới được tạo ra qua một cái cây và ụ mối và vì muốn dành trái quả cho mình dẫn đến cuộc chiến tranh giữa các loài với nhau.

Cây thế giới Maya

Như đã nói mỗi sinh thụ đều có ba nấc là rễ, thân, ngọn hoặc ba tán thể hiện cho sự liên kết thần - nhân - địa, quá khứ, hiện tại, tương lai. Không chỉ thế trong nhiều trường hợp, một cây còn hóa thành hai đối lập, biểu thị cho hai thái cực cũ mới, trên dưới, khô ướt và hai thế giới song song cùng tồn tại song hành trong suy nghĩ của nhiều người. Vì là cây sự sống, nó dung chứa rất nhiều loài vật, có tên, không tên, thật và tưởng tượng cùng các yếu tố nước, lửa, đất đai, không khí, kim loại… và nhiều vật báu, tài bảo cho thấy một sự phì nhiêu, thuận lợi cho tất thảy muôn loài. Cũng vì đẹp đẽ, cây sự sống nhiều khi được hiểu là cây ước và cây tiền, nơi người ta ước ao mọi việc trên đời sẽ thành sự thực.

Chu Mạnh Cường (tổng hợp)

(Ảnh: Theo Cross Walk)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 9 tháng trước

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Đắm say cùng hộp đêm Moulin Rouge

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Khám phá Havana

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Nốt nhạc sau song sắt

Nhìn ra thế giới 2 năm trước

Sống trong tâm dịch

Nhìn ra thế giới 2 năm trước