Thứ tư, ngày 29 tháng 01 năm 2025
06:05 (GMT +7)

Netsuke - những vật nhỏ giắt lưng dễ thương

Nam giới Nhật Bản, khi vận trang phục truyền thống, đặc biệt là những bộ áo Kimono, đều không thể không mang theo một phụ kiện làm đẹp, tiện ích, gọi là Sagemono, hoặc là một cái hộp đựng các loại thuốc, tá dược - Inro, hoặc là một cái hộp đựng giấy bút, mực viết - Yatate, hoặc là một cái hộp đựng thuốc lá, xì gà - Tonkotsu và một số túi, ví dành cho nam. Sở dĩ như vậy vì áo của họ không có túi, chỉ có hai ống tay thụng, để bỏ đồ vào trong, nhưng rất dễ rơi. Những vật này khá đẹp, hơn thế còn được treo lủng lẳng ngang hông nên lúc nào cũng xao động lôi cuốn, và nhằm ngăn chúng khỏi bị rớt xuống, ở đầu dây móc vào thắt lưng, người ta gắn một cái nút hay chặn - Netsuke mà về vẻ đẹp cũng không thua kém Sagemono, thậm chí quyết định phong cách, địa vị, vốn sống của người đeo vì Netsuke mang tính biểu tượng rất cao về văn hóa, tâm linh Nhật Bản.

Hình dáng của một số Netsuke
Hình dáng của một số Netsuke

Trong khi các hộp chỉ có một kiểu, thì Netsuke rất phong phú, đa dạng, có thể là bất cứ hình nào từ hoa lá, chim thú, côn trùng, tôm cá, con người, thần tiên, ma quỷ đến các dụng cụ, thiết bị và bằng nhiều chất liệu như xương, gỗ, đất, đá, ngọc, ngà, kim loại… được điêu khắc cầu kỳ, chi tiết như những pho tượng tý hon, với kích cỡ siêu nhỏ, chỉ vài centimet nhưng vô cùng sống động, gợi cảm. Một bộ phụ kiện thời trang Kimono nam nhân do đó gồm Sagemono, Netsuke và một hạt Ojime ở miệng túi để đóng mở túi, hạt ấy khá mộc mạc, lại nhỏ nhất nên mọi sự chú ý đều dồn vào Netsuke.

Không rung rinh, uyển chuyển như Sagemono và Ojime, song Netsuke có sức hút ghê gớm do là những tác phẩm chạm trổ công phu, cũng dễ thương nhờ xinh xắn, nằm gọn trong lòng bàn tay và chuyển tải rất nhiều tâm tư, tình cảm, hoài bão, khát khao về tuổi trẻ, tình yêu, hạnh phúc, sự ấm no, thịnh vượng, công bằng và hòa bình. Để chế tác một tiểu tượng Netsuke, các nghệ nhân phải dùng tới 50 con dao, cưa, đục khác nhau nhằm tỉa cắt, tróc đẽo từng họa tiết trên gỗ. Netsuke vốn có nghĩa là một đoạn rễ cây được đẽo gọt, sau đó đem dắt ngang eo, sau dải dây lưng - Obi, như một tấm thẻ bài, một miếng ngọc bội nhằm cầu mong điều gì. Do giới quý tộc muốn chúng trở nên sang quý, dần dần họ đã thay Netsuke bằng gỗ thành ngọc, ngà, sừng tê, nanh heo cùng nhiều kim loại vàng, bạc.

Netsuke - những vật nhỏ dắt lưng dễ thương
Netsuke nhà cửa

Mới đầu, Netsuke là những hình bánh gạo hay đậu xay dạng tròn và dẹt, ngụ ý cầu xin trong nhà luôn có cái ăn no bụng và về sau là hình rồng rắn, mây nước, chim muông để gọi mưa nắng, sự sống sinh sôi… Đại thể có các loại Netsuke sau: Manju Netsuke như đề cập là loại sơ khai dày, dẹt có hình tròn như đồng xu; Ryusa Netsuke tựa trên song được đục nhiều lỗ kiểu đăng ten cho ánh sáng xuyên qua; Sashi Netsuke trái lại có hình thuôn dài như chiếc đũa, thìa, dao, quả bầu; Kagamibuta là một chiếc bát, tráp, hộp bằng gỗ nhưng được đậy bởi một cái nắp kim loại sáng bóng nên còn có tên Netsuke gương; Anabori Netsuke có đặc trưng là rỗng ruột và một hình ảnh của nó là cái mõ hay con ngao biểu thị cho tâm không; Men Netsuke hay hình mặt nạ khắc họa mặt nạ của các loại kịch Noh, Bugaku, Kyogen; cuối cùng Katabori Netsuke là Netsuke phổ biến nhất gồm hết thảy những hình dạng ba chiều, đứng được, từ người đến vật - tiểu tượng. Thế nhưng, không phải cái gì đẽo ra cũng thành Netsuke, mà phải có lỗ lồng dây, nhờ vậy mới dắt ngang lưng ngáng đường cho dây của Sagemono khỏi trôi.

Netsuke - những vật nhỏ dắt lưng dễ thương
Netsuke ấm trà

Có lẽ Netsuke đã xuất hiện từ lâu, song thịnh hành nhất từ thời Edo (1615 - 1868), do lúc này văn học - nghệ thuật cực kỳ phát triển, ai cũng thích cái đẹp, mỹ thuật và thời trang đóng một vai trò quan trọng trong việc thể hiện địa vị, chức vụ, khiếu thẩm mỹ và sự hiểu biết về văn hóa, phong tục, tập quán của một người. Từ nông dân tới thợ thủ công, binh lính, quan chức, tăng ni đều dùng Netsuke để nói về mình, cho biết những đức tính cao quý cùng nhiều ước mơ, tư tưởng và những cảnh sắc thiên nhiên, con người mỹ lệ tại quê nhà. Chưa hết, thấy một sự kiện gì vui tươi hay một vở kịch thú vị, một nhân vật đặc biệt dù là kẻ lạ phương Tây, họ cũng làm Netsuke để đeo. Cái hộp Sagemono giúp họ chứa một số vật phẩm nhu yếu cá nhân, song Netsuke giúp họ ghi lại tất cả những chuyện, cảnh tượng dân gian. Trong đó tầng lớp thương nhân là người áp dụng Netsuke nhiều nhất vì họ phải làm đẹp, phục vụ giao dịch hàng ngày. Buôn bán cũng cần may mắn nên họ dùng Netsuke như một biểu tượng tài lộc, phúc, thọ, khang, ninh, tóm lại là một vật phẩm phong thủy cân bằng âm dương, chống tà, hộ thể.

Tuy nhiên, cái để Netsuke trường tồn, sống lâu tới ba trăm năm, thậm chí hôm nay vẫn được ưa chuộng là tính nghệ thuật hay vẻ đẹp hồn hậu, đích thực của mỗi tác phẩm. Đây là tinh hoa của thủ công mỹ nghệ Nhật Bản, một đất nước có truyền thống làm thủ công phi phàm, không chỉ tô điểm cho đời mà còn biến đồ vật thành những tuyệt tác đáng yêu. Mỗi Netsuke đều chứa đầy các biểu tượng, quan niệm và phong tục vùng miền. Đa số khắc họa các chủ đề tôn giáo, ví dụ xem các con vật là sứ giả của thần linh hay từ trên trời xuống trông coi mùa màng, như huyền thoại 12 con giáp - Junishi, hoặc bảo vệ làng xóm mang đến sự an lạc như kỳ lân - Kirin, xua đuổi ác mộng, nỗi sợ ở trẻ như tam thú Baku, rồi các vị Phật Bồ Tát phù thế Bosatsu, phúc thần ban phước Shichi-fuku-jin, hộ thần trừ yêu Chung Qùy Shoki…

Netsuke - những vật nhỏ dắt lưng dễ thương
Netsuke thỏ

Riêng trong thế giới động vật Netsuke Nhật Bản, mọi người còn hay tả về con cóc hay ếch, tôn sùng chúng như một hiện thân của sự đông vui, giàu có và may mắn. Con cóc vĩ đại đã từng được xem như một linh thú có sức mạnh vô biên bảo vệ người nghèo, áp bức trong truyện cổ Nhật Bản. Trong tiếng Nhật, cóc đồng âm với từ khứ, tức quay về, hồi hương. Ngoài gọi mưa, tiếng chúng còn rất to, vui tai. Thế nhưng, họ thường đặt con cóc ngồi trên một hộp sọ để ngụ ý về một trí tuệ cao minh, sự sống vĩnh hằng. Con cáo cũng là một chủ đề quen thuộc trong Netsuke tượng trưng cho sự xinh đẹp, khôn khéo và chung thủy. Con vật có cả tính ác lẫn tính thiện song điều đó còn phụ thuộc vào phẩm chất của người gặp nó và khi đeo Netsuke này, ai nấy tự nhắc nhở mình không được làm theo những hành vi xấu, sai trái. Ở phương Tây, chuột được xem là một biểu tượng của bệnh tật và lừa dối song tại Nhật Bản, về Netsuke, nó lại gắn liền với sự khỏe mạnh, linh hoạt, khả năng thích ứng, sinh tồn và do chăm chỉ nên giàu có. Con chuột cũng hay đi với tài phú phúc thần Daikoku - người bảo hộ nông dân, mang tới của cải dư thừa. Dưới bao vàng hay trên vai của ngài thường có một chú chuột. Trong Netsuke, người ta cũng hay diễn tả hai chú chuột cuộn tròn, đối diện nhau thể hiện cho sự hòa hợp âm dương, nhờ thế mọi thứ cân bằng. Hoặc một nhóm bảy con chuột, ngụ ý con người sẽ tái sinh bảy lần theo quan niệm Phật giáo và thịnh vượng trong cả bảy lần.

Netsuke - những vật nhỏ dắt lưng dễ thương
Netsuke thầy thuốc

Nói tới chuột thì phải nói tới trâu, con vật được coi là có sức lực nhất, mang lại của cải thực tế nhiều nhất trong lao động (trên đồng). Đây cũng là con vật vô tư và hiền lành nhất nên được nhiều người yêu mến. Netsuke thường diễn tả trâu theo câu chuyện Thập mục ngưu đồ, thuật lại hành trình đi đến giác ngộ của một người, mà đỉnh cao của việc lĩnh hội tri thức là sự cưỡi trên lưng trâu ngủ ngon, thổi sáo hoặc thủng thẳng về nhà. Daikoku là một trong bảy phúc thần Nhật Bản, cũng là vị thần to béo nhất với thân hình phốp pháp, khuôn mặt tròn đầy đôn hậu, lúc nào cũng nở nụ cười tươi. Thần thường cầm ở tay phải một chiếc vồ như ý và vác sau lưng một túi to chứa đầy vàng bạc trong khi ngồi trên hai bao tải gạo lớn, có một chú chuột đang gặm ăn, ý nói sự an nhàn và no đủ. Daikoku thường đi một mình song cũng có lúc trong Netsuke đi với sáu phúc thần và trên một con thuyền chở đầy kho báu - Takarabune. Theo chuyện kể dân gian, đây là con thuyền thần kỳ được bảy vị thần lái xuyên qua các tầng trời để đến trần gian trong ba ngày đầu năm mới, mang theo rất nhiều của cải, bảo vật. Nhiều Takarabune còn có một chú hạc đang bay trên cao và một chú rùa đang bơi phía dưới, tượng trưng cho sự hạnh phúc và trường thọ.

Netsuke Daikoku
Netsuke Daikoku

Cùng các đề tài cổ điển châu Á, ngay từ thế kỷ 18, 19 ở Nhật Bản, các nghệ sĩ Netsuke cũng đã nghĩ ra nhiều tác phẩm mới, hiện đại thuộc châu Âu, mang tới một kho tàng đồ sộ bằng tượng siêu nhỏ các lĩnh vực đời sống trên thế giới. Dường như ai cũng thích sưu tập Netsuke, và để đáp lại lòng ái mộ, các nghệ sĩ Netsuke cũng liên tục cho ra các tác phẩm mới, độc đáo. Netsuke đã có mặt khắp năm châu, riêng tại Nhật Bản có một bảo tàng chuyên giới thiệu về loại hình nghệ thuật đặc sắc này, đó là bảo tàng Kyoto Seishu Netsuke, nơi có bộ sưu tập hơn 5.000 tác phẩm mi ni, độc nhất vô nhị.

Thủy Trương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Cột đá Trajan - kiệt tác điêu khắc La Mã

Nhìn ra thế giới 3 tháng trước

Tiếng trống trong văn hóa bản địa Mỹ

Nhìn ra thế giới 7 tháng trước

Những chú mèo của Freya

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Vĩ đại cây sự sống

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Những nàng thơ Muse xinh đẹp

Nhìn ra thế giới 1 năm trước

Đắm say cùng hộp đêm Moulin Rouge

Nhìn ra thế giới 3 năm trước