Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
02:48 (GMT +7)

Sức mạnh của trí tưởng tượng hòa quyện với tâm hồn ngây thơ, trong trẻo

(Đọc tập truyện ngắn thiếu nhi “Những cuộc phiêu lưu trong vương quốc Ký ức”  của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, Nxb Hội Nhà văn, 2024)

Đó là suy nghĩ đầu tiên của tôi khi cầm trên tay cuốn sách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 8/2024. Một cuốn sách có bìa rất cổ tích và cái tên cũng rất cổ tích “Những cuộc phiêu lưu trong vương quốc Ký ức”. Đây là cuốn sách đặc biệt, minh chứng cho sự “hồi sinh” của văn học thiếu nhi Thái Nguyên sau 5 mùa “ươm hạt”.

 Khi giở những trang sách, trong tôi trào dâng xúc động. Cảm giác của người từng dự vài mùa trại thiếu nhi, từng đi thực tế với các tác giả, lại được Hội Văn học nghệ thuật tỉnh giao cùng một số thành viên Chi hội Văn xuôi tuyển chọn và biên tập lần 1 trước khi gửi cho Nhà xuất bản; sau đó lại là người đọc bản bông cuối cùng trước khi từng trang sách này lên khuôn in. Các cung bậc cảm xúc cứ được đẩy lên cao hơn, cao hơn, cuối cùng là niềm hãnh diện không thể giấu giếm.

Cuốn sách có 200 trang, bìa cứng giản dị, vừa vặn tay cầm và không làm nặng thêm cặp sách của học trò, nhưng sẽ làm mê mải những cặp mắt ham đọc của cả người lớn và trẻ em.

 Đó là suy nghĩ của tôi khi thưởng thức từng truyện với tâm thế háo hức và tò mò, bởi những bất ngờ mà các tác giả mở ra cho người đọc.

“Những cuộc phiêu lưu trong vương quốc Ký ức” có 33 truyện của 17 tác giả, ít tuổi nhất là 9 tuổi và cao tuổi nhất tròm trèm tuổi 70. Sự hội ngộ hiếm có này cho thấy tâm hồn trẻ thơ luôn ngự trị trong mỗi người, chỉ có điều là người đó có chịu “đánh thức” nó “sống dậy” hay không.

 Tác phẩm “mở hàng” cuốn sách là của Dương Phương Thảo, 9 tuổi, tác giả nhỏ tuổi nhất ở tất cả các trại sáng tác thiếu nhi hiện nay. Với “Làng Giàn”, “Cuộc trò chuyện trong bếp” và “Làng Giàn vào xuân”, Thảo đã có màn “dạo đầu” hấp dẫn hút bạn đọc giở tiếp những trang sách sau. Bằng óc quan sát tinh tế, khả năng tưởng tượng phong phú, Thảo đã dựng lên một ngôi làng có tên là Làng Giàn với các cư dân là Mướp mẹ, Mướp con, bà Bầu, bà Bí, ả Ruồi vàng, tên Bọ xít, chú cảnh sát Chim sâu, siêu nhân Nhện, bác sĩ Chuồn chuồn… Trong ngôi làng đó, em bé sơ sinh là Mướp con đã được bảo vệ để lớn lên yên bình. Trong ngôi làng đó, bác Trưởng xóm Chim sẻ kêu gọi mọi người xây tổ ấm tình nghĩa đón những gia đình chim di cư trở về không có nơi ở, trong đó mẹ con chị Chích chòe ốm yếu đã được cấp ngôi nhà mới, bên trong có sẵn nhúm thóc vàng…

Nếu như truyện của tác giả Phương Thảo ngây thơ trong trẻo đúng với tuổi lên 9 thì tác giả Trần Gia Linh (16 tuổi) đã gửi gắm chiêm nghiệm cuộc sống qua truyện “Chiếc đồng hồ ma thuật”. Cậu bé Minh trong truyện muốn mình thành người lớn, để được tự quyết mọi việc. Cậu đã vặn kim chiếc đồng hồ ma thuật cho nó chạy thật nhanh. Nhưng ở thời điểm nào Minh cũng thấy nặng nề và phiền phức, muốn quãng thời gian đó qua đi. Cuối cùng đồng hồ chỉ con số 90, Minh già nua sống trong trại dưỡng lão, ngồi trên xe lăn, không có niềm vui nỗi buồn trải qua, không có quá khứ để hoài niệm, con người trở nên cô độc đáng thương làm sao. May sao đó chỉ là giấc mơ. Nhưng giấc mơ đó đủ để Minh thức tỉnh hiểu rằng: “Hãy sống có ý nghĩa nhất và trân trọng từng giây phút trong cuộc đời”.

Nhiều tác giả đã ở tuổi trưởng thành nhưng “giọng” truyện rất ngây thơ, như “Chốn phiêu lưu dọc miền ký ức” của Hồ Điệp. Băng Cướp biển với thuyền trưởng Hải Tặc và các thuyền viên Hạnh Hí, Chấy Kềnh, Trung Cá, Điền Đại gia có hành trình tìm kho báu ngoạn mục. Kho báu chúng tìm được không phải hũ chứa đầy vàng bạc mà là nửa xô ốc, mươi bọc lúa, những giỏ cua, lươn đầy nhóc. Lối viết dí dỏm khiến các tình tiết trở nên thú vị. Tôi như thấy tuổi thơ của mình với quãng thời gian ở nơi sơ tán, đi mót thóc, chộp con châu chấu, muồm muỗm về nướng ăn khiến mồm mép đen nhẻm.

Tình yêu tuổi mới lớn cũng được Hồ Điệp thể hiện khá thành công trong truyện “Nữ chính đến rồi, tỏ tình lại được không?”. Rung cảm đầu đời thật đẹp. Cậu bé Củi khô gầy quắt yêu thầm bà chị lớp trên mà không dám ngỏ. Thời gian qua đi, cậu trở thành Dũng Idol và vẫn mang theo mối tình ngày thơ bé.

Chút rung cảm, nhớ nhung tuổi mới lớn còn có ở truyện “Mặt trời sau lưng” của Nguyễn Minh Phương. Nhân vật Long, chàng trai “siêu cấp đẹp trai” bị bệnh hiểm nghèo và cậu phải từ giã cuộc sống ở tuổi 17. Cậu để lại lá thư cho người bạn gái cùng lớp: Tôi chỉ mong cô gái cùng tôi đi qua đoạn đường thanh xuân tuyệt vời sẽ luôn dũng cảm, tôi nhất định sẽ là mặt trời phía sau lưng tiếp thêm sức mạnh… Đọc “Mặt trời phía sau lưng”, tôi yêu sự mạnh mẽ, lạc quan của hai nhân vật trong tác phẩm. Và cô gái đã hiểu ra cần phải sống mãnh liệt và đủ đầy hơn. “Tôi buông xuống sự nhút nhát, dũng cảm ước mơ, và vì ước mơ ấy mà cố gắng”, đó là thông điệp tác giả gửi đến người đọc.

Thái Nguyên đã có một thời “vang bóng” với khá nhiều cây bút “người lớn” viết văn học thiếu nhi. Nhưng rồi, người mất đi, người buông bút khiến mảng văn học thiếu nhi trở nên trống trải. Rất may, trong cuốn sách này, một số cây bút người lớn đã thể hiện khả năng của mình với mảng này. Như là Nguyễn Minh Trọng, Dương Văn Mưu, Trần Chín, Ngọc Thị Lan Thái, Phạm Quý, Hồ Quỳnh Châu, Trần Thị Nhung. Họ hồn nhiên dắt người đọc vào thế giới đồng thoại đầy màu sắc. Ví dụ như tác giả Nguyễn Minh Trọng với “Nỗi oan tầm gửi” đã cho bác Xà Cừ rút chốt quả lựu đạn mỏ vịt nổ ùm dưới chuôm để thị uy chàng Núc Nác dám nói Tầm Gửi là lũ cả đời ăn hại. Như tác giả Ngọc Thị Lan Thái cho chú Dế mèn chui vào bông hoa thược dược và bị mắc kẹt ở đó, trở thành người xông nhà năm mới cho một cô gái. Chú dế đã kéo vĩ cầm và ca một bài hát tuyệt hay để tặng con người nhân hậu. Tác giả Phạm Quý cho chú ve biết nói tiếng người trò chuyện với cu Minh kể về cuộc đời loài ve âm thầm nhiều năm trong lòng đất rồi mới trèo cây lột xác trưởng thành. Nhưng con người dùng thuốc sâu, thuốc diệt cỏ hủy hoại đất đai, hủy hoại nòi giống loài ve. Dù sống sót ít ỏi và khó khăn là thế nhưng loài ve vẫn dồn hết tâm sức ca hát miệt mài làm vui cho con người.

Chiếm kỷ lục số truyện được chọn trong sách này là tác giả Hồ Quỳnh Châu. Với 4 tác phẩm, Hồ Quỳnh Châu tỏ rõ khả năng viết cho thiếu nhi. Đặc biệt, “Lễ hội hoa xuân” đã mang đến cho bạn đọc thế giới tuyệt đẹp của các loài hoa. Điều bất ngờ đã đến, trong cuộc thi hoa hậu, giữa muôn hồng ngàn tía, hoa Cúc vàng đã giật giải quán quân vì tượng trưng cho lòng hiếu thảo, thủy chung và gắn kết.

Còn rất nhiều truyện đáng đọc nữa như “Ván bài may mắn” của Nguyễn Mai Quỳnh; “Bài học đắt giá” của Trần Vũ Ngọc Vân; “Chuyện rừng Nom” của Thiên An; “Giấc mơ cảm xúc” của Trần Bảo Nhi; “Chiếc quần của Chuột Chũi” của Vũ Hoàng Ngân Hà; “Cuộc phiêu lưu của Chuột Nhắt” của Dương Văn Mưu; “Người bạn sách” của Trần Thị Nhung… Ngòi bút của họ linh hoạt, sinh động khi biểu đạt thế giới vạn vật, phù hợp với tâm lý lứa tuổi của thiếu nhi.

Thông điệp qua từng tác phẩm sẽ được bạn đọc cảm nhận và rút ra cho mình, riêng tôi lại có thông điệp khác: cuốn sách này là sự trở lại ngoạn mục của văn học thiếu nhi Thái Nguyên. Số lượng người viết không chỉ hùng hậu mà có sự kế tiếp về độ tuổi, sẽ khiến “dòng chảy” văn học thiếu nhi Thái Nguyên không bị đứt đoạn. Chất lượng tác phẩm được nâng lên hằng năm với sự bồi dưỡng và sát cánh của nhiều nhà văn thành danh mà các tác giả được gặp gỡ qua các trại sáng tác.

Sự ra đời của cuốn sách cũng chứng minh: Tiềm năng sáng tác văn học của Thái Nguyên rất dồi dào và đến nay đã được khơi nguồn. Chúng ta hy vọng sẽ có lớp hội viên trẻ, tràn đầy khả năng sáng tạo, làm mạnh khỏe hơn đội ngũ người viết Thái Nguyên.

Còn nhiều điều muốn nói về cuốn sách thiếu nhi được Hội đứng ra xuất bản này, nhưng tôi muốn dành sự cảm nhận, đánh giá cho bạn đọc.

Bitmap in 34-35.cdr
“Những cuộc phiêu lưu trong vương quốc Ký ức” có 200 trang, bìa cứng giản dị, vừa vặn tay cầm và không làm nặng thêm cặp sách của học trò, nhưng sẽ làm mê mải những cặp mắt ham đọc của cả người lớn và trẻ em (Ảnh: Anh Thắng)

 

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục