Thứ sáu, ngày 23 tháng 05 năm 2025
17:14 (GMT +7)

Có nên bỏ hình phạt tử hình với tội tham ô, nhận hối lộ?

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án tại 8/18 tội danh (44,44%) có khung hình phạt tử hình ở Bộ luật Hình sự hiện hành, trong đó có tội tham ô, nhận hối lộ.

Nhưng, nhiều vị đại biểu Quốc hội cho rằng, cần quy định án tử hình để cảnh tỉnh các đối tượng tham ô và nhận hối lộ, khiến họ lo sợ mà tự nguyện khắc phục hậu quả, khi bị tuyên hình phạt cao nhất.

Quang cảnh phiên họp Quốc hội tại hội trường Diên Hồng
Quang cảnh phiên họp Quốc hội tại hội trường Diên Hồng

Thời gian qua rất ít áp dụng hình phạt tử hình với tội tham ô, nhận hối lộ

Quốc hội Khóa XV vừa hoàn thành tuần làm việc thứ ba, dành nhiều thời gian để cho ý kiến về các dự án luật thuộc lĩnh vực tư pháp, trong đó có dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

Một trong những đề xuất đáng chú ý là dự kiến bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án tại 8/18 tội danh (44,44%) có khung hình phạt tử hình ở Bộ luật Hình sự hiện hành.

Cụ thể, 8 tội danh có khung hình phạt tử hình của Bộ luật Hình sự hiện hành dự kiến bỏ hình phạt tử hình và thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án gồm: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân  (Điều 109); Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (Điều 114); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194); Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421); Tội gián điệp (Điều 110); Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250), Tội tham ô tài sản (Điều 353), Tội nhận hối lộ (Điều 354).

Thẩm tra nội dung này, trong Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội có hai loại ý kiến - theo Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng. Loại ý kiến thứ nhất tán thành việc bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án tại các tội danh như Tờ trình của Chính phủ. Theo đó, việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội danh đã được các cơ quan nghiên cứu, tổng kết kỹ lưỡng. Trong đó, thực tiễn xét xử thời gian qua, Tòa án không áp dụng hình phạt tử hình đối với tội gián điệp và rất ít áp dụng đối với tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ.

Hơn nữa, một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra đối với việc xử lý tội phạm kinh tế, tham nhũng là thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt. Việc không áp dụng hình phạt tử hình đối với các tội danh này sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tăng cường tính khả thi của việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có; bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo và phù hợp với xu hướng xử lý tội phạm tham nhũng trên thế giới. Đồng thời, việc bỏ hình phạt tử hình tại các tội danh này cũng góp phần bảo đảm tính khả thi trong trường hợp Việt Nam yêu cầu dẫn độ tội phạm liên quan đến tham nhũng khi phía nước ngoài yêu cầu Việt Nam cam kết không áp dụng hình phạt tử hình hoặc không thi hành án tử hình.

Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự
Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự

Loại ý kiến thứ hai tán thành chủ trương tiếp tục xem xét bỏ hình phạt tử hình tại các tội danh còn hình phạt này trong Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế diễn biến khó lường, suy thoái kinh tế, xung đột vũ trang, chiến tranh thương mại và các yếu tố bất ổn khác đang tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội trong nước, diễn biến tình hình tội phạm rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng, thì mức độ điều chỉnh chính sách hình sự cần được cân nhắc thận trọng, việc bỏ hình phạt tử hình ở tội danh nào cần được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, tránh gây tác động bất lợi tới hiệu quả răn đe, phòng ngừa và xử lý tội phạm. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước phát triển cao nhưng vẫn giữ số lượng tội có hình phạt tử hình nhiều hơn Việt Nam, trong đó, có quốc gia nhiều năm chưa thi hành hình phạt này. Vì vậy, ý kiến này cho rằng Tòa án chưa áp dụng hoặc ít áp dụng để bỏ hình phạt tử hình ở một số tội danh là chưa thực sự thuyết phục.

Ngoài ra, tại cơ quan thẩm tra còn có ý kiến đề nghị cân nhắc thận trọng việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô, tội nhận hối lộ. Bởi vì hiện nay tình hình tham nhũng vẫn đang diễn biến rất phức tạp, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đang được Đảng và Nhà nước ta xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Hơn nữa, thực tiễn đấu tranh xử lý loại tội phạm này cho thấy, việc quy định hình phạt tử hình trong các tội về tham nhũng có tác dụng răn đe cao và đạt hiệu quả xử lý. Hầu hết số người bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về các tội tham nhũng có khung hình phạt tử hình đều rất tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng và thể hiện cố gắng cao trong việc khắc phục hậu quả thiệt hại.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh bởi đây là hành vi trục lợi trên nỗi đau của người bệnh (nhất là hành vi sản xuất), có thể dẫn đến chết người và nhất là trong bối cảnh Nhà nước ta đang rất cương quyết chống sản xuất, buôn bán hàng giả.

Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho hay, đa số ý kiến Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành loại ý kiến thứ hai.

Người dân không chấp nhận “hy sinh đời bố, củng cố đời con”

Thảo luận tại tổ, một số vị đại biểu cho rằng việc bỏ án tử hình với 8 tội danh, đặc biệt tội danh vận chuyển ma túy, là hợp lý vì hiện án tử hình đang gây quá tải trại giam và tạo gánh nặng ngân sách nhà nước.

Song, bên cạnh đó, nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ chưa đồng tình bỏ hình phạt tử hình với tội sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, nhất là với tội tham ô, nhận hối lộ.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nói, ông không đồng ý bỏ án tử hình với 3 tội: tham ô, nhận hối lộ, vận chuyển trái phép chất ma túy.

Ông cho biết khi tiếp xúc cử tri, người dân nói họ muốn xử thật nặng người phạm tội tham ô, tội nhận hối lộ. Đây là tội gây phản cảm lớn trong dư luận xã hội.

Các ĐBQH tham dự Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Các ĐBQH tham dự Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

Đại biểu Hòa cũng nêu thực tế chúng ta chưa xử tử hình trường hợp nào phạm tội tham ô, nhận hối lộ. Trước đây, tòa tuyên án tử hình một trường hợp tham ô, nhưng sau đó người phạm tội khắc phục hậu quả nên được giảm án. Mới đây, vụ án xảy ra tại Ngân hàng SCB, tòa tuyên bà Trương Mỹ Lan án tử hình tội tham ô tài sản, sau đó, bà Lan đã khắc phục hậu quả, mong được giảm án.

“Trên cơ sở đó, tôi không muốn bỏ án tử hình với tội tham ô tài sản. Hiện tình trạng “hy sinh đời bố, củng cố đời con” đang diễn ra khá phổ biến nên người dân không thể nào chấp nhận được hành vi này”, đại biểu Hòa nhấn mạnh.

Vị đại biểu Đồng Tháp nói, quy định án tử hình để phòng ngừa, răn đe, cảnh tỉnh các đối tượng tham ô, nhận hối lộ, khiến đối tượng phạm tội “hoảng hồn” khi bị tuyên tử hình mà tự nguyện khắc phục hậu quả.

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (TP.Hồ Chí Minh) cũng đề nghị cân nhắc đề xuất bỏ hình phạt tử hình với tội tham ô, tội nhận hối lộ, nhất là trong bối cảnh Đảng, Nhà nước đang đấu tranh rất mạnh mẽ với tham nhũng. Tham ô, nhận hối lộ không chỉ dừng ở lĩnh vực công mà đã xâm chiếm cả sang lĩnh vực tư.

Cũng lấy dẫn chứng vụ án Trương Mỹ Lan, ngân hàng SCB, ông Sang phân tích, trong vụ án này dù kết án tử hình nhưng sợ nên vẫn khắc phục hậu quả, mong giảm án. “Trường hợp biết chắc không bị án tử hình thì hiệu quả thu hồi tài sản có như mong muốn không”, đại biểu TP. Hồ Chí Minh đặt vấn đề.

Việc bỏ hình phạt tử hình với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh cũng vấp phải sự phản đối của nhiều đại biểu, vì người phạm tội này kinh doanh trên nỗi đau của người bệnh và tác hại thì vô cùng lớn, không thể đánh giá được.

Ở tù suốt đời không giảm án thì “tử hình chết luôn cho rồi”

Lần sửa đổi này, Chính phủ đề xuất để thu hẹp hình phạt tử hình, cần bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án. Bên cạnh một số ý kiến đồng tình thì còn có ý kiến băn khoăn. Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình cho rõ: không xét giảm án không lẽ là ở tù suốt đời?. “Nếu ở tù suốt đời thì thôi tử hình chết luôn cho rồi. Tôi đề nghị vẫn phải xét giảm án, căn cứ vào mức độ người phạm tội khắc phục hậu quả, hoàn thành tốt việc chấp hành án”, vị đại biểu Đồng Tháp tỏ rõ quan điểm.

Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo, đại biểu Nguyễn Hải Trung (Hà Nội), người từng đảm nhiệm cương vị Giám đốc Công an Thanh Hoá và Giám đốc Công an TP. Hà Nội thông tin, số trường hợp chờ thi hành án tử hình, chờ quyết định ân xá rất lớn. "Có những trường hợp mười mấy năm, có trường hợp 14 - 15 năm liền, sống dở chết dở. Trong số này, nhiều đối tượng rất muốn tử hình sớm, nhưng vì chờ ý kiến ở trên nên không xử lý được", ông Trung phản ánh. Vị đại biểu này cho biết, những đối tượng này vì tư tưởng đã bị án tử hình, không còn gì để mất, nên liên tục chống đối, phá phách... "Nếu mình quản lý không kỹ, họ thậm chí còn muốn tự tử thì có khi cán bộ của mình phải đi tù thay", ông Trung phát biểu.

Theo chương trình đã được Quốc hội quyết định, sáng 25/6 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.

Là đại biểu ngành y, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP. Hồ Chí Minh) nói một bác sĩ học hành “không đến nơi đến chốn”, trong ca phẫu thuật nếu xảy ra sai sót có thể dẫn tới hậu quả chết một người. Nhưng với một dược sĩ, hành vi sản xuất thuốc giả có thể khiến nhiều người mất mạng, “không xứng đáng làm người”.

Bà Lan nói rằng, việc duy trì mức án nghiêm khắc dù không phải là giải pháp duy nhất để phòng, chống tội phạm nhưng ít nhiều sẽ mang lại ý nghĩa răn đe, đồng thời cho thấy sự quyết liệt của Nhà nước trong việc xử lý hành vi phạm tội.

“Nếu cho rằng bỏ án tử hình để bảo đảm tính nhân văn, vậy với cộng đồng, với người bị hại thì sao, nhất là tội phạm về vận chuyển ma túy hoặc sản xuất thuốc giả, lúc vi phạm có nghĩ đến lúc bị trừng phạt hay không?”, đại biểu Phong Lan nêu vấn đề.

Một vấn đề khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là đề xuất sửa đổi, bổ sung điều 367 Bộ luật Tố tụng hình sự về thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành theo hướng bổ sung thời hạn Chủ tịch nước xem xét quyết định ân giảm đối với người bị kết án tử hình, bổ sung trình tự, thủ tục sau khi có quyết định hoặc không có quyết định ân giảm của Chủ tịch nước.

Đồng thời, bổ sung quy định Tòa án quyết định hoãn thi hành án tử hình trong thời hạn hai năm khi có căn cứ của pháp luật.

Phạm vi được miễn thi hành án tử hình còn quá hẹp

Theo đề xuất của Chính phủ, dự thảo luật bổ sung trường hợp không thi hành án tử hình đối với người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, người nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS, đang có nhiễm trùng cơ hội. Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cơ bản tán thành nội dung trên nhằm bảo đảm tính nhân đạo. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung một số trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo khác cũng được hưởng chính sách khoan hồng này.

Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận tổ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng phạm vi được miễn thi hành án tử hình còn quá hẹp. Bởi vì, có rất nhiều bệnh khác cũng được coi là hiểm nghèo, có thể xét tương đương như: Lao độ 4 kháng thuốc, xơ gan cổ trướng, suy tim độ 3, suy thận độ 4… Ông Hà đề nghị mở rộng phạm vi không thi hành án tử hình đối với những người mắc bệnh này. Việc này vừa phù hợp với chủ trương của Đảng, vừa thể hiện tính nhân đạo, đồng thời góp phần giảm đáng kể số lượng án tử hình phải thi hành.

 

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy