
Góc biếm họa số 8 (2025)

Hiến pháp không chỉ là một bộ luật cơ bản, mà còn là nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển của một quốc gia. Là đạo luật có giá trị cao nhất, Hiến pháp xác định các nguyên tắc cơ bản của tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, đồng thời bảo vệ quyền lợi và tự do của công dân.
Tuy nhiên, theo thời gian, sự phát triển của xã hội và yêu cầu thực tế đòi hỏi Hiến pháp phải được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với bối cảnh mới. Việc sửa đổi Hiến pháp lần này là một bước khởi đầu quan trọng trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển đất nước.
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang có hiệu lực là bản của năm 2013, được Quốc hội Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua vào sáng ngày 28 tháng 11 năm 2013, có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2014 (thường gọi là Hiến pháp 2013).
Thông tin từ diễn đàn Quốc hội và báo chí cho biết: việc sửa đổi, bổ sung lần này là yêu cầu cấp bách để thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và các kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Thực tiễn hơn 11 năm thi hành Hiến pháp đã cho thấy, bộ “luật gốc” này đã quy định các nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và vận hành của hệ thống chính trị, bảo vệ quyền và lợi ích của công dân, đặc biệt là quyền tự do, bình đẳng và các quyền cơ bản khác của con người. Nó là "tảng đá" vững chắc tạo nền tảng pháp lý cho hệ thống pháp luật quốc gia, vì vậy nó đóng vai trò quyết định trong việc hình thành và phát triển các giá trị xã hội, chính trị và kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu quan trọng từ sau khi Hiến pháp 2013 ra đời, cũng có một số nội dung bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định. Với hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc về kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế, đòi hỏi Hiến pháp phải được sửa đổi để phù hợp với sự phát triển mới của đất nước. Chẳng hạn như các quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và mô hình tổ chức chính quyền địa phương 3 cấp (nguồn: https://baochinhphu.vn/).
Đối với MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, còn có sự trùng lắp, giao thoa về chức năng, nhiệm vụ, đối tượng vận động. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội tuy đã được quy định nhưng hiệu quả chưa cao, có lúc còn hình thức, né tránh, thiếu cơ chế theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị sau giám sát. Việc tập hợp ý kiến nhân dân có nơi, có lúc chưa kịp thời, sâu sát. Quyền trình dự án luật, pháp lệnh của các tổ chức thành viên còn hạn chế.
Đối với tổ chức chính quyền địa phương, mô hình 3 cấp bộc lộ sự cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, dẫn đến chồng chéo nhiệm vụ. Sự tồn tại của cấp huyện làm tăng thủ tục hành chính, chậm triển khai chính sách. Nhiều đơn vị hành chính quy mô nhỏ làm phân tán nguồn lực. Năng lực và thẩm quyền của chính quyền cấp xã còn hạn chế. Việc phân cấp, phân quyền giữa các cấp chưa thực sự mạnh mẽ.
Như vậy, những bất cập trên đòi hỏi phải có sự điều chỉnh về mặt hiến định để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Theo Bản thuyết minh về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 của Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trình Quốc hội, Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 gồm có 2 điều; Điều 1 gồm 8 khoản sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp năm 2013 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương; Điều 2 gồm 3 khoản quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, người dân đồng thuận cao về chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013. Còn về nội dung sửa đổi cụ thể, hiện nay các cơ quan, bộ, ngành, địa phương đang trong quá trình tổ chức lấy ý kiến. Để tạo thuận lợi cho việc đóng góp ý kiến, các cá nhân có thể tham gia góp ý kiến trực tiếp trên ứng dụng VNeID, Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ hoặc gửi ý kiến bằng văn bản gửi đến các cơ quan có trách nhiệm.
Để Hiến pháp thực sự có sức sống và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước, cần phải có một hệ thống pháp lý đầy đủ, minh bạch và hiệu quả. Sửa Hiến pháp mới là bước khởi đầu, vì sau đó còn phải sửa luật, và đặc biệt là quá trình thực thi Hiến pháp. Thực tế, vừa qua không ít hành vi vi hiến vẫn xảy ra trong cuộc sống, thậm chí còn khiến người vi phạm phải vào tù. Bởi vậy, nó đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện các chính sách và pháp luật, đồng thời đòi hỏi sự quyết tâm, kiên trì, tham gia tích cực của mọi tầng lớp xã hội trong việc giám sát và thực thi các quy định mới.
Sửa Hiến pháp là một quyết định chiến lược, nhưng thay đổi toàn diện chỉ có thể đạt được qua quá trình liên tục cải cách và cải tiến. Hy vọng, sau khi sửa đổi, Hiến pháp mới sửa đổi sẽ đi vào cuộc sống và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...