Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
08:16 (GMT +7)
KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ (07/5/1954 - 07/5/2024)

Sau 70 năm, người Pháp còn nhớ tới Điện Biên Phủ?

Điện Biên Phủ: ba âm tiết, ở Pháp, vang lên như ba đòn đánh của một thất bại mang tính biểu tượng cao. Điện Biên Phủ, một tên gọi hay dành cho một vụ đắm tàu: ngày 7 tháng 5 năm 1954, sau 57 ngày 57 đêm giao tranh ác liệt (1) giữa quân viễn chinh Pháp và quân Việt Minh, trại cố thủ rơi vào tay lực lượng quân đội của tướng Võ Nguyên Giáp. Bây giờ là 5 giờ 30 chiều.

Tin tức trên trang điện tử Bộ Quốc phòng Pháp vào ngày 6/5/2024
Tin tức trên trang điện tử Bộ Quốc phòng Pháp vào ngày 6/5/2024

Vài dòng ngắn gọn mở đầu cho một bài báo dài mang tựa đề “Điện Biện Phủ, cuộc chiến chống lại sự lãng quên” trên tờ Le Monde, số ra ngày 6 tháng 5 năm 2014, tức là cách đây tròn 10 năm của nhà báo Bruno Philip, đủ để cho chúng ta thấy được ký ức về trận đánh ở lòng chảo Điện Biên Phủ có nguy cơ đang dần bị lãng quên. Có thể đối với chúng ta, sự “lãng quên” này thật vô lý bởi Điện Biên Phủ, dù ít dù nhiều cũng là biểu tượng của một “trận chiến duy nhất mà một quân đội châu Âu thua trong toàn bộ lịch sử phi thực dân hóa” (trích Nước Pháp thực dân, không che giấu cũng không chối nhận, Jean-Pierre Rioux, 2011, Nxb. André Versaille).

Phải chăng có một sự cố tình “lãng quên”?

Giải phẫu về sự “lãng quên”

Vừa hôm qua, ngày 6/5/2024, trang điện tử của Bộ Quốc phòng Pháp đăng trên trang nhất một thông tin chính trị: “70 năm Điện Biên Phủ: Sébastien Lecornu và Patricia Miralles tại Việt Nam” cùng bức ảnh kèm chú thích “Sébastien Lecornu cùng người đồng sự Phan Văn Giang duyệt đội binh”. Sébastien Lecornu hiện đang nắm giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp và Patricia Miralles, Thư ký Bộ Quốc phòng, đặc trách cựu chiến binh, họ đều là những nhân vật cốp cán của bộ máy chính quyền Pháp hiện nay. Cùng với thông tin này, là một bài viết ngắn mang tựa đề “Điện Biên Phủ: “Còn những người vô danh chưa một cuốn sách nào viết ra” được viết dưới danh nghĩa Bộ Quốc phòng, ở đó có đoạn:

“… Hơn nữa, những nhân chứng cuối cùng đang rời đi nên thật không dễ dàng cho Paris và Hà Nội có thể khiến giới trẻ quan tâm đến sự kiện lịch sử. Tuy nhiên, Điện Biên Phủ là một sân khấu nơi diễn ra vô số sự kiện quân sự của binh lính trong lực lượng viễn chinh, bao gồm người Pháp, người Việt, lính lê dương hay thậm chí cả người châu Phi. Một vài trong số đó được biết đến, chẳng hạn như của lính dù hoặc Quân đoàn nước ngoài, trong khi một số khác bị lãng quên”.

Tất nhiên khi viết những dòng này, Chính phủ Pháp muốn nhắc lại một sự thật, tuy Điện Biên Phủ đã trở thành một địa danh mà bất cứ người Pháp trưởng thành nào cũng nghe qua một lần và thấy rất quen thuộc nhưng không phải ai cũng tường tận câu chuyện đã từng xảy ra ở đó, bởi từ lâu lịch sử Pháp đã “quên” không giới thiệu với họ, hoặc có thì rất hời hợt.

Một phần lý do (đã giải thích trong bài viết “Sau 70 năm, người Pháp nghĩ gì về cuộc chiến Điện Biên Phủ?” - https://vannghethainguyen.vn/sau-70-nam-nguoi-phap-nghi-gi-ve-cuoc-chien-dien-bien-phu-p51108.html) chính là sự “lãng quên” có chủ đích của nước Pháp và điều này cũng dễ hiểu khi họ là nước bại trận. Suy nghĩ này đáp trả cho luận điệu, người Pháp quên đi ký ức của Điện Biên Phủ là do sự mai một của các chứng nhân của cuộc chiến theo thời gian. Tạp chí Le Nouvel Obs (2), một trong những tạp chí có lịch sử tồn tại lâu đời và tạo dựng được vị trí vững chắc trong lòng độc giả Pháp cả về chất lượng lẫn hình thức, đã dành trọn vẹn số 116, số đặc biệt tháng 5/2024 với tiêu đề “Đông Dương, 1858 – 1954, thuộc địa bị lãng quên” dày 100 trang về chủ đề Đông Dương.

Bài báo Từ những cánh đồng lúa đến Djebel
Bài báo Từ những cánh đồng lúa đến Djebel

Tác giả Pascal Riché với bài “Từ những cánh đồng lúa đến Djebel (3)” đã giải thích về sự lãng quên đó như sau:

 “Sau trận đánh Điện Biên Phủ, tấm ri đô khép lại. Trong đời sống xã hội Pháp, kể từ ngày 7 tháng 5 năm 1954, ký ức về cuộc Chiến tranh Đông Dương chìm sâu vào hố đen. Điện Biên Phủ là điểm cuối cùng, trận đánh trực diện cuối cùng do quân Pháp chỉ huy. Một giai đoạn nhục nhã đầy bùn và máu, một phương trình quân sự không có lời giải, một trận “Verdun không có con đường giải thoát” theo như lời của tướng De Castries”. (Trang 55).

Nhưng có lẽ tác giả Doan Bui (theo cách viết trong tiếng Pháp), một nhà báo người Pháp gốc Việt của tờ Le Nouvel Obs từ hai mươi năm nay, trong bài “Một cuộc chiến bẩn thỉu” được đăng trên số đặc biệt này, mới là người đưa ra lý do hợp lý nhất. Ở bài báo này, anh đã trích dẫn câu nói của một cựu nhà văn, nhà báo người Pháp, người đã từng sống ở Đông Dương như sau:

Những kẻ cao to da trắng được nuôi dưỡng béo tốt cũng có thể bị đánh bại trước những kẻ da vàng yếu đuối và nghèo đến thảm thương”.

Thì thế, bại chiến là một chuyện, nhưng bại chiến của những kẻ mạnh hơn cả về thể chất lẫn vật chất lại là một chuyện khác, một sự xấu hổ. Và vì thế chẳng ai muốn nghi nhớ sự xấu hổ đó.

Tuy nhiên vẫn còn một lý do khác thường được các nhà xã hội học viện dẫn trong mấy ngày qua trên các chương trình phát thanh nhằm giải thích cho sự lãng quên này chính là cuộc chiến tranh Việt Nam, hay nói đúng hơn là cuộc chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam.

Người dân xem Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) sáng 7/5/2024. Ảnh: Phan Bảo
Người dân xem Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) sáng 7/5/2024. Ảnh: Phan Bảo

Cuộc chiến tranh Việt Nam diễn ra rất nhanh sau trận chiến Điện Biên Phủ đã giúp Pháp giấu đi những hình ảnh thất bại của quân đội Pháp ở Đông Dương, bởi cả thế giới đều hướng về những gì đang diễn ra ngay tại thời điểm đó ở Việt Nam mà quên đi quá khứ vừa mới đây thôi. Và hơn hết, bỏ qua những thất bại ở Điện Biên Phủ cũng giúp giới chức quân sự Pháp thấy bớt đau đớn hơn bởi sau Điện Biên Phủ, họ còn phải đối mặt với cuộc chiến bại ở Algéria.

Điện Biên Phủ, một địa danh không còn xa lạ với người dân Pháp

Một điều rất đáng ngạc nhiên và có lẽ cũng rất đáng mừng là dù rất muốn quên đi nhưng cái tên Điện Biên Phủ lại không hề xa lạ với những người Pháp. Từ cha ông truyền sang cha mẹ và bây giờ đến đời con cháu, người Pháp vẫn nhắc đến địa danh đó kèm theo trích dẫn “La défaite – một sự thất bại” như một lời nhắc nhở với thế hệ đương đại về kết quả của trận chiến năm xưa.

Sự thất thủ của Điện Biên Phủ báo hiệu rõ ràng sự kết thúc của “Đông Dương” và cũng là hồi chuông báo tử của đế quốc Pháp với những hậu quả lan rộng sang Algeria và cả châu Phi. Làn sóng xung kích thậm chí còn có thể được cảm nhận xa hơn nữa, như Jean-Marie Rouart, tác giả của vở kịch “Quán bar ở vùng Viễn Đông” với bối cảnh chính là Đông Dương đã giải thích:

Trận Điện Biên Phủ đánh dấu mốc lịch sử của các nước thuộc thế giới thứ ba. Lần đầu tiên kể từ năm 1905 sau thất bại của Nga trước Nhật Bản, người châu Âu bị đánh bại bởi một dân tộc thuộc nền văn minh mà họ từng cho là “mọi rợ”. Đây là sự khởi đầu cho sự suy tàn của phương Tây”.

Hồ sơ báo chí - Thất bại của những người da trắng
Hồ sơ báo chí - Thất bại của những người da trắng

 

Nhưng nếu trong lịch sử đấu tranh của nhân loại, Điện Biên Phủ luôn được nêu ra như một trận chiến đặc biệt cũng bởi đó là trận đánh mà tất cả giới hạn của con người bị đẩy ra xa trên mức tưởng tượng ở mọi khía cạnh: thể lực, sự bền bỉ, tinh thần anh hùng… Khi đọc lại những trang nhật ký của lính Pháp được dịch và giới thiệu trên Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên điện tử những ngày vừa qua dưới tiêu đề “Cách đây 70 năm, địa ngục lòng chảo Điện Biên Phủ - góc nhìn từ những cựu binh Pháp”, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra thái độ của các binh lính người Pháp đối với cuộc chiến mà họ tham gia lúc bấy giờ.

Họ quăng mình vào lò lửa dù biết rằng diễn biến của chiến sự sẽ không thể thay đổi được. Rất nhiều trong số họ đã ý thức được ngay từ đầu khi khoác lên mình bộ đồ nhảy dù, lần nhảy đầu tiên của họ rất có thể sẽ là lần cuối cùng. Tất cả những người lính này đều mang trong mình sự từ bỏ bản thân vì một lý do vô thức nằm ngoài tầm kiểm soát của chính họ, sự tìm kiếm chủ nghĩa anh hùng và tìm kiếm lý tưởng để thỏa mãn tính tự mãn của bản thân.

Họ đến và chiến đấu ở một vùng đất xa lạ không hề có mối quan hệ lợi ích đối với họ đơn giản không chỉ vì màu cờ, bởi ngay trong tâm trí họ vào lúc nhảy xuống chảo lửa, họ đã biết, đất nước của họ đã bỏ rơi họ. Nhưng họ vẫn dũng cảm nhảy vào địa ngục và cống hiến hết mình vì lòng trung thành với tình huynh đệ nhân loại vĩ đại. Họ đã chiến đấu đến cùng “vì danh dự và bạn bè”.

Ở đây xin được trích lại lời nói của Pierre Flamen (sinh năm 1931), họ chiến đấu “vì danh dự của những người lính dù” (4). Chính vì thế dù họ là những người lính bại trận, những người đã chọn sai chiến tuyến thì ở một khía cạnh nào đó họ vẫn không đáng bị chính đất nước của mình lãng quên.

Hồ sơ về Hồ Chí Minh, lãnh tụ Việt Nam
Hồ sơ về Hồ Chí Minh, lãnh tụ Việt Nam

Nhưng một lý do khác có lẽ cao cả hơn, giải thích cho việc vì sao dù không được lịch sử Pháp nhắc đến một cách xứng đáng thì người dân Pháp vẫn chưa quên trận đánh Điện Biên Phủ. Theo cách nhìn nhận của nhà lịch sử học Christopher Goscha người Canada, giống như Alésia hay Waterloo, Điện Biên Phủ đã trở thành một trận chiến trong đó những kẻ được coi là anh hùng không phải là kẻ chiến thắng mà là kẻ bại trận. Trung tá Bigeard và các “lính dù” của ông ta được tung hô là những hậu duệ của Vercingétorix và Napoléon.

Nhà sử học cũng nói đây đúng là kịch bản của một câu chuyện quân sự lãng mạn nhưng sáo rỗng khiến chúng ta quên rằng cuộc chiến này là cuộc chiến tranh thực dân hóa bạo lực nhất thế kỷ XX với 1 triệu người chết, gấp đôi chiến tranh Algeria. Một cuộc chiến mà quân đội Pháp ném bom napalm vào các ngôi làng, ném bom dân thường và tra tấn họ, bởi vì những tra tấn là hành động độc ác nhất đã được thực hiện trong thời kỳ thuộc địa. Và vì những lý do bạo lực của cuộc chiến, người Pháp sẽ không quên Điện Biên Phủ, trận đánh mà nguyên nhân do chính họ gây ra.

Thật may, đó đã là câu chuyện của thời quá khứ. Ôn lại quá khứ, ôn lại lịch sử giúp chúng ta có thêm những bài học sống cho tương lai, tránh được những sai lầm của thế hệ đi trước.

Đội hình diễu hành với biểu trưng Quốc huy tại buổi Lễ (Điện Biên Phủ, 7/5/2024)
Đội hình diễu hành với biểu trưng Quốc huy tại buổi Lễ (Điện Biên Phủ, 7/5/2024)

Để kết thúc cho bài viết này, tôi muốn nhấn mạnh đến sự bất ngờ trong thời gian qua tại Pháp, lần đầu tiên từ sau cuộc chiến Điện Biên Phủ, giới truyền thông Pháp rầm rộ đưa tin về lễ kỷ niệm 70 năm cuộc chiến và cùng với nó là rất nhiều, có thể nói là hầu hết các phương tiện truyền thông (báo hình, báo nói và báo giấy) đều có không dưới một bài phóng sự hoặc đàm luận dài về Điện Biên Phủ. Không chỉ có truyền thông, rất nhiều địa phương đã tổ chức các lễ tưởng niệm những người lính đã mất trong cuộc chiến này và đây cũng là cơ hội để những nhân chứng cuối cùng của cuộc chiến lên tiếng. Rất có thể sau sự kiện này, người dân Pháp lại một lần được hiểu thêm và nghi nhớ về Điện Biên Phủ, một trận đánh làm thay đổi cục diện lịch sử nhân loại.

Quyên GAVOYE

Xem thêm:

Sau 70 năm, người Pháp nghĩ gì về cuộc chiến Điện Biên Phủ?

Sau 70 năm, người Pháp kỷ niệm trận đánh Điện Biên Phủ

-----------

(1) Theo cách tính của người Pháp thì cuộc chiến Điện Biên Phủ diễn ra trong 57 ngày đêm

(2) Le Nouvel Obs là một tạp chí tin tức hàng tuần của Pháp, được thành lập vào năm 1964 bởi Claude Perdriel và Jean Daniel. Le Nouvel Obs được coi là tờ báo kế thừa của tờ France Observateur, tờ kế thừa của L’Observateur politique, économique et littéraire (Người quan sát chính trị, kinh tế và văn học) được thành lập vào năm 1950.

(3) Một trong những mảnh đất thuộc địa cũ của Pháp tại Algéria

(4) Bài “Sau 70 năm, người Pháp nghĩ gì về cuộc chiến Điện Biên Phủ?” đã dẫn.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy