Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
10:43 (GMT +7)
KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ (07/5/1954 - 07/5/2024)

Sau 70 năm, người Pháp nghĩ gì về cuộc chiến Điện Biên Phủ?

Ngày 3 tháng 5 năm 2024, báo/đài (phát thanh và truyền hình) Pháp đồng loạt đưa tin: “Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam mời Pháp đến dự lễ kỷ niệm trận Điện Biên Phủ, trận chiến đánh dấu sự ra đời của nước Việt Nam như một quốc gia độc lập và chấm dứt sự hiện diện của Pháp ở Đông Dương. Sự kiện này thể hiện mong muốn xây dựng mối quan hệ vì tương lai giữa hai nước”. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu sẽ có mặt tại buổi lễ vào sáng thứ Ba, ngày 7/5 tại Việt Nam.

Một phần quầy báo tháng này tại Pari với những số báo chuyên đề dành cho Điện Biên Phủ
Một phần quầy báo tháng này tại Pari với những số báo chuyên đề dành cho Điện Biên Phủ

Tất nhiên tin tức này không phải là những tin giật gân nóng hổi, chúng chỉ là một phần trong đời sống tin tức chính trị của một quốc gia. Tuy nhiên, đối với những độc/thính giả Pháp thì tin tức này nằm trong chuỗi các bài báo quen mà lạ trong thời gian gần hai tháng qua. Những bài báo nhắc lại sự kiện lịch sử, trận chiến diễn ra cách đây 70 năm tại Điện Biên Phủ mà giới báo chí chính thống của Pháp (bao gồm cả báo hình, báo nói, báo in và báo điện tử) liên tục đưa tin dưới mọi hình thức.

Đài truyền hình TF3 dành hẳn một bộ phim tài liệu; đài phát thanh dành rất nhiều chương trình đàm luận; báo giấy tràn ngập các hồ sơ báo chí. Còn báo điện tử và mạng xã hội thì khỏi cần nói, chỉ cần gõ cụm từ khóa “Điện Biên Phủ, 70 năm” là đủ để có thể đọc tất cả các bài viết về sự kiện này.

Thế nhưng ít ai có thể tưởng tượng được, trận chiến Điện Biên Phủ, một trận chiến mà rất nhiều người Pháp trẻ tuổi nghe “rất quen” nhưng lại không tường tận. Quen vì đó là trận đánh “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, là trận đánh mở màn đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa đế quốc trên toàn thế giới. Bởi thế dù muốn dù không, các chương trình dạy lịch sử vẫn phải nhắc tới dù chỉ lướt qua. Nhưng lạ là vì trong một thời gian rất dài, trận đánh có tính quyết định số phận của chủ nghĩa thực dân Pháp dường như bị lịch sử Pháp bỏ rơi một cách chủ động.

Lý do của sự lãng quên đó thì không cần phải tìm cũng có thể hiểu, đó là nỗi đau bại trận của một đất nước được coi là “cường quốc” quân sự tại thời điểm đó và trên hết, như bài báo trên tạp chí chuyên đề của tờ “Le Monde”, số 656 xuất bản tháng 4/2024, đã trích đoạn lời của William Schilardi (1), một cựu chiến binh, người vẫn giữ lại một vài dư vị cay đắng của cuộc chiến bại.

Họ nói một cách hồn nhiên và không hề khoe khoang về Đông Dương. Nhưng những gì chúng tôi trải qua là ngoài sức tưởng tượng. Họ là những anh hùng nhưng bại trận. Lịch sử đã đẩy họ đi sai hướng. Tính hợp pháp của nền độc lập không thể bị tranh cãi. Vì vậy, họ là kẻ xấu, là “tay sai của chủ nghĩa đế quốc”, “kẻ ăn bám thực dân”, “kẻ hút máu nhân dân”.

Một cuộc chiến “bị lãng quên”

Ngày 9/4/2024, trang điện tử của Đài truyền hình Pháp có bài giới thiệu và tóm tắt nội dung của bộ phim phóng sự dài 100 phút, được công chiếu lần đầu trên kênh TF3 của đạo diễn David Korn-Brzoza dưới tiêu đề “Đông Dương, một cuộc chiến bị lãng quên”, một bài viết khá công phu với rất nhiều trích dẫn các lời chứng có trong phim. Bài giới thiệu có trích đoạn câu nói của Jean-Paul Sartre (1905 - 1980), đại thi hào người Pháp từng đoạt giải Nobel văn học năm 1964, trên tạp chí Les Temps Modernes (Thời Hiện đại) như sau:

Không thể tưởng tượng được rằng sau bốn năm bị chiếm đóng, người Pháp lại không nhận ra bộ mặt của họ ngày nay ở Đông Dương: họ không thấy đó là bộ mặt của người Đức (2) ở Pháp sao?”.

Bài viết “Những người lính cuối cùng của Điện Biên Phủ” trên tạp chí Le Figaro số tháng 5/2024
Bài viết “Những người lính cuối cùng của Điện Biên Phủ” trên tạp chí Le Figaro số tháng 5/2024

Có lẽ JP Sartre đã nói rất rõ về lý do dẫn đến sự “lãng quên”. Đó là một cuộc chiến mà không ai, kể cả những người dân Pháp không trực tiếp tham gia cuộc chiến, cũng không muốn nhớ lại bởi nó đã trở thành một vết thương sâu sắc đối với dân tộc Pháp. Nếu ai đã xem bộ phim đã được công chiếu cách đây mấy hôm (ngày 1/5/2024) chắc chắn sẽ khó có thể quên chất giọng trầm của nghệ sĩ Philippe Torreton, người dẫn chuyện trong phần mở đầu phim:

Từ năm 1945 đến 1954, nước Pháp đã tiến hành một cuộc chiến ở một nơi rất xa xôi, cách Paris hơn 9.000 km. Đó là một cuộc chiến khủng khiếp sinh ra từ những cuộc đàm phán và cả sự phản bội, những điều không tưởng và cả sự vỡ mộng. Một cuộc chiến tranh giải phóng và nô lệ, hy vọng và địa ngục.

Cuộc chiến tranh này đã tàn phá một đất nước, khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng và là khởi đầu cho sự sụp đổ của đế quốc thực dân Pháp.

Một cuộc chiến mang nhiều vẻ mặt: chiến tranh thuộc địa, chiến tranh giành độc lập, chiến tranh lạnh, chiến tranh bị lãng quên”.

Vẫn còn những chứng nhân của cuộc chiến để nhắc lại lịch sử

Tạp chuyên đề của tờ báo Figaro, số 24770, ra ngày 13/4/2024, đã dùng hẳn bức ảnh đen trắng của trận chiến Điện Biên Phủ cách đây 70 năm làm ảnh bìa cùng với tiêu đề của số báo đặc biệt này dành để tưởng nhớ tới trận đánh từng làm chấn động thế giới: “Cách đây 70 năm, Điện Biên Phủ, trận đánh của những người anh hùng. Những người còn sống kể chuyện”.

Hẳn nhiên để xứng đáng với một tạp chí chuyên đề thì bài báo phải được xây dựng rất công phu cả về nội dung lẫn hình thức. Với 10 trang báo, từ trang 50 đến 59, toàn bộ bài phóng sự được xây dựng đan xen giữa quá khứ và hiện tại thông qua lăng kính của các chứng nhân lịch sử, những cựu chiến binh Pháp. Trang tiêu đề của bài báo “Đông Dương – Những người lính cuối cùng của Điện Biên Phủ” cùng vài dòng sa pô “70 năm trước, kết thúc cuộc chiến cam go từ ngày 13/4 đến ngày 7 tháng 5, sự thất bại của những người lính do tướng De Castries chỉ huy trước kẻ thù Việt Minh đông gấp bốn lần đã gióng lên hồi chuông báo tử cho Đông Dương thuộc Pháp. Chúng tôi quay trở lại hiện trường của trận chiến đã trở thành huyền thoại” được phóng to trên một trang kép. Ở đó, dù là một người không am tường nghệ thuật trình bày báo thì vẫn dễ dàng hiểu được dụng ý sâu xa của tác giả Arnaud de La Grange và phóng viên nhiếp ảnh Thomas Goisque dành cho bài báo.

Ở bên trái phía nửa trên là hình ảnh của một cựu chiến binh Việt Nam mặc quân phục và đeo huy chương trên ngực đứng trên chiến hào nằm trên đỉnh đồi Éliane 2 (đồi A1), dáng đứng rất thẳng, đôi mắt hiền từ. Rõ ràng ai cũng có thể nhận ra đây là một bức ảnh có chủ đích tạo dựng lại hình ảnh của một người lính. Phía dưới bức ảnh là tiêu đề bài báo và vài dòng sa pô đã giới thiệu ở trên. Ở bên phải, hình ảnh một người đàn ông có tuổi phương tây mặc thường phục (theo chú thích là ông André Mengelle, sĩ quan đã từng nhảy dù xuống Điện Biên Phủ vào đêm 1 rạng ngày 2/4/1954 khi ông mới 22 tuổi) đang đứng cạnh một chiếc máy bay quân sự mang mã số N111.

Theo như cách dàn ảnh, người lính Việt đứng ở vị trí trên cao, vị trí của người chiến thắng và người lính Pháp đứng thấp hơn, vị trí của người chiến bại, nhưng cả hai đều hướng ánh nhìn về phía trước. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã đủ để người đọc nhận ra được ý đồ của các tác giả, một cuộc ôn lại lịch sử để hướng về tương lai.

Trong 10 trang phóng sự, tác giả đã giới thiệu rất nhiều chân dung của những chứng nhân cùng với câu chuyện tham chiến và tình cảm của họ 70 năm sau khi cuộc chiến khép lại.

Đối với Trung sĩ Pierre Flame, họ chiến đấu “vì danh dự của những người lính dù”. Đến Đông Dương vào cuối năm 1948, Pierre Flamen chưa tròn 20 tuổi (ông sinh năm 1931). Ông phục vụ trong đơn vị do một người Thái chỉ huy, với nhiệm vụ huấn luyện các binh lính. Sau hai năm rưỡi, ông trở lại Pháp để gia nhập lực lượng lính dù biệt kích. Và vào giữa năm 1952, ông trở lại Đông Dương và gia nhập trong BPC (Đơn vị lính dù thuộc địa) số 6 dưới sự chỉ huy của Marcel Bigeard. Flamen có mặt trong tất cả các trận chiến...

Pierre Flament (phía dưới, bên phải), năm 23 tuổi
Pierre Flament (phía dưới, bên phải), năm 23 tuổi

Lần nhảy đầu tiên xuống Điện Biên Phủ của Flamen là trong chiến dịch Castor ("Hải ly", cuộc đổ bộ của quân Pháp đánh chiếm lòng chảo Điện Biên Phủ để xây dựng tập đoàn cứ điểm), vào tháng 11/1953. Và lần thứ hai, ngày 16/3, ba ngày sau khi trận chiến bắt đầu. “Chúng tôi biết điều đó là vô vọng và nó sẽ kết thúc một cách tồi tệ. Chúng tôi không hề ảo tưởng. Hơn nữa, ngày hôm trước Bigeard đã nói với cấp trên của mình: chúng ta sẽ đến đó bằng máy bay nhưng lần này dự kiến ​​sẽ đi bộ về...”. Bị thương vài ngày trước khi trận chiến kết thúc, Flamen thở dài thừa nhận: “Điện Biên Phủ là một sai lầm to lớn...”. Rất nhiều đồng đội của ông đã nằm lại. Sau cùng, người lính già tâm sự: “Không hẳn là vì màu cờ, lá cờ ở cách xa chúng tôi tới 12.000 km, chúng tôi chiến đấu vì danh dự của những người lính dù”.

Đối với André Mengelle, tác giả của cuốn “Điện Biên Phủ, những chiếc xe tăng và những người lính” (2004, nxb Charles Lavauzelle), cuộc chiến ở Điện Biên Phủ đã cho ông thấy được tinh thần anh hùng của những người lính ở cả hai bên chiến tuyến. Tình nguyện đến Đông Dương và bỏ qua mọi lời khuyên của gia đình, khi đó Mengelle là một chàng trai còn rất trẻ (sinh năm 1932), ông lên đường đến Bắc Kỳ và gia nhập đơn vị “Thợ săn số 1”. Sau một đêm ở vũ trường ở Hà Nội, người ta hỏi ông có muốn trở thành tình nguyện viên đến Điện Biên Phủ? Người sĩ quan kỵ binh trẻ tuổi đã không ngần ngại nhảy xuống chảo lửa vào đêm 1 rạng ngày 2/4/1954, hạ cánh bên trong hàng rào thép gai.

Thiếu úy dự bị 22 tuổi được phân công chỉ huy đơn vị Blue Bison, một trong ba trung đội xe tăng ở Điện Biên Phủ. Bị thương ở mắt do mảnh đạn, Mengelle bắn phát đại bác cuối cùng vào sáng ngày 7 tháng 5. Tuy nhiên ông cũng lưu giữ những kỷ niệm sâu sắc về những đối thủ đáng tự hào: “Một sĩ quan Việt Nam đang thúc lính của mình phản công. Khi nhìn thấy tôi, anh ấy vẫn đứng thẳng người. Tôi như bị mê hoặc nên đã không bắn, tôi sẽ không bao giờ quên điều đó”.

Và sau này, ở Kabylie (Algéria) ông nhớ lại hình ảnh của một người lính già: “Ông ấy đã hy sinh bản thân để giúp người trẻ nhất trong đơn vị của mình thoát khỏi một cuộc phục kích. Ánh mắt chúng tôi gặp nhau. Không phải chỉ bên chiến tuyến của chúng ta mới có những anh hùng…”. André Mengelle rời quân đội ở tuổi 57.

Trang báo có bài viết về André Mengelle trên tờ Le Figaro
Trang báo có bài viết về André Mengelle trên tờ Le Figaro

Hướng tới tương lai một cách sáng suốt và cởi mở

Thật may, theo thời gian rất nhiều vết thương dần lành và nhờ đó rất nhiều người từng là kẻ thù năm xưa có thể đối xử, nghĩ về nhau như những người chưa từng đối đầu trên chiến tuyến. Và đó cũng là mong muốn của những người yêu hòa bình, như bài viết “Điện Biên Phủ, nước Pháp được mời tham dự lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng” trên báo La Croix số ra ngày 3/5/2024: “Chúng ta đều có một mong muốn chung là nhìn vào lịch sử Chiến tranh Đông Dương một cách sáng suốt và cởi mở”.

Cuối cùng để kết thúc bài viết này, lẽ ra tôi đã có dự định trích dẫn thêm một vài lời kể của các chứng nhân lịch sử khác nhưng đã có một câu chuyện bất ngờ xảy ra với tôi ngay buổi chiều hôm qua, lúc tôi đang viết những dòng đầu tiên của bài báo này và tôi muốn kể ra đây một cách trung thực nhất thay cho dự định viết đoạn kết ban đầu của mình.

Khi tôi vừa bước ra khỏi tiệm báo và cầm trên tay tờ tạp chí “Le Nouvel Obs”, số 116, số ra tháng 5/2024, số đặc biệt dành riêng cho chuyên đề lịch sử dưới tiêu đề “Đông Dương, 1858 – 1954, thuộc địa bị lãng quên”, tôi tìm một chỗ ngồi trong một tiệm cà phê nhỏ gần phố đi bộ.

Trong lúc chờ người phục vụ mang cà phê tới, tôi đặt tờ báo lên bàn để lộ tiêu đề in rất đậm của tờ báo. Bất ngờ một người đàn ông ngoài 70 tuổi, một độc giả quen thuộc (chúng tôi chỉ có mối quan hệ xã giao do đặc thù nghề nghiệp của tôi) đi qua rồi dừng lại, ông hỏi tôi:

- Hóa ra cô là người Đông Dương? À mà không phải, cô là người Lào? Người Cam pu chia? Hay người Việt Nam?

- Cháu người Việt Nam.

Tôi trả lời ông. Rất tự nhiên, ông kéo ghế ngồi đối diện với tôi trước khi xin phép tôi. Tôi vẫn biết đây là một người già rất quảng giao bởi lần nào ông đến mượn sách ở thư viện nơi tôi làm việc, ông cũng dừng lại để nói chuyện với chúng tôi, đủ mọi thứ chuyện.

- Cô có muốn tôi kể cho cô nghe câu chuyện về cuộc đời tôi không?

Tôi chỉ khẽ gật đầu vì thực ra lúc đó tôi đang rất muốn tranh thủ thời gian đọc cuốn tạp chí.

Trang bìa của tờ Le Nouvel Obs, số 116
Trang bìa của tờ Le Nouvel Obs, số 116

- Tôi sinh ra trong một gia đình quân nhân, ông và cha tôi đều là lính, không phải ở Đông Dương mà ở Pháp, trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai, nên ngay từ đầu họ mặc định nghề nghiệp sau này của tôi sẽ là lính chuyên nghiệp… Cô biết học viện quân sự Saint-Cyr chứ? Lẽ ra đó sẽ là ngôi trường dành cho tôi khi tôi đến tuổi trưởng thành. Nhưng cô thấy đấy, tôi đã không trở thành lính mà lại trở thành giáo viên cấp một. Tôi sinh hai năm trước cuộc bại trận Điện Biên Phủ của Pháp. Cha tôi đã rất xấu hổ khi phát hiện ra sự thật của cuộc chiến này nên ông đã từ bỏ ý định nuôi dạy tôi trở thành một người lính… Cô thấy đấy, tôi là một đứa trẻ may mắn đã sinh đúng thời điểm. Vì thú thật với cô, tôi không hề thích sự nghiệp quân nhân… Nhờ cuộc chiến bại mà tôi đã có một sự nghiệp như mình mong muốn.

Rồi ông cười, nụ cười của một người già rất đỗi thanh thản. Tất nhiên sau đó cuộc trò chuyện của chúng tôi còn kéo dài nhưng câu chuyện của ông đã khiến tôi xúc động, một phần vì sự đơn giản trong cách tiếp cận của ông và một phần vì câu chuyện chân thật về cuộc đời của ông và nhất là về thái độ nhìn nhận của ông về lịch sử của cha ông mình, một cách nhìn tích cực.

Quyên GAVOYE

Xem thêm: 

Sau 70 năm, người Pháp còn nhớ tới Điện Biên Phủ?

Sau 70 năm, người Pháp kỷ niệm trận đánh Điện Biên Phủ

----------

(1) William Schilardi, cựu lính dù của Đơn vị số 8 tại Điện Biên Phủ.

(2) Ý chỉ quân phát xít Đức.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy