Thứ hai, ngày 20 tháng 05 năm 2024
16:44 (GMT +7)
KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ (07/5/1954 - 07/5/2024)

Sau 70 năm, người Pháp kỷ niệm trận đánh Điện Biên Phủ

“...Nghĩa vụ tưởng nhớ là bổn phận của mỗi con người, chỉ có tưởng nhớ mới giúp ký ức trở nên khó quên.

Những người đã chết để chúng ta được sống đều xứng đáng có những quyền bất khả xâm phạm.

Để ký ức biến thành lịch sử là chưa đủ và không thể chấp nhận.

Nghĩa vụ tưởng nhớ cho phép mỗi người trở thành chứng nhân, đó là mục tiêu của việc tưởng nhớ...”

(Trích lời dẫn trong bài viết “7 tháng 5 năm 1954, Điện Biên Phủ thất thủ” trên trang điện tử của “Hiệp hội quốc gia Những người lính”)

Công trình tưởng niệm chiến tranh Đông Dương tại Fréjus
Công trình tưởng niệm chiến tranh Đông Dương tại Fréjus

Người Pháp kỷ niệm trận chiến Điện Biên Phủ

Có một sự ngẫu nhiên rất thú vị mà cho đến hôm nay rất nhiều người Pháp mới phát hiện ra. Trong khi Việt Nam đang kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ thì ở nước Pháp cũng đang ráo riết các hoạt động chuẩn bị cuối cùng cho Lễ kỷ niệm Chiến thắng Thế chiến II.

Vào ngày này cách đây 79 năm, ngày 8/5/1945, các đại diện của Đức đã ký văn kiện đầu hàng tại Berlin trước mặt các đồng sự Pháp, Mỹ, Anh và Liên Xô. Từ đó đến nay, ngày 8/5 trở thành ngày đánh dấu sự kết thúc của cuộc chiến ở châu Âu (nhưng nó vẫn tiếp tục ở châu Á cho đến khi Nhật Bản đầu hàng vào tháng 9).

Đối với người dân Pháp, ngày 8/5 là một ngày lễ quốc gia, toàn dân được nghỉ lễ, khắp nơi chính quyền chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm, buổi lễ có thể lớn hoặc nhỏ tùy theo năm và tùy vào từng địa phương. Thế nhưng trái ngược với sự tường tận về ngày 8/5, ngày 7/5 rất ít người Pháp trưởng thành biết đó là ngày gì dù nếu để nói về độ ác liệt và tính quyết định của kết quả trận chiến lên cục diện thế giới, sự kiện ngày 7/5 sẽ chẳng nhẹ hơn sự kiện ngày 8/5 là bao ngoại trừ sự khác nhau trong vai trò của nước Pháp ở mỗi trận đánh, một là vai trò của nước thắng trận và một là vai trò của nước bại trận.

Trong vai trò của nước thắng trận, hàng năm nước Pháp không quên tổ chức các hoạt động kỷ niệm. Trong vai trò của nước bại trận, cho đến năm nay, chưa khi nào chính phủ Pháp tổ chức (kể cả ở mức độ địa phương) những hoạt động tưởng nhớ lịch sử.

Gần bảy thập kỷ sau cuộc chiến, tưởng chừng như những ký ức dần bị xóa mờ, Điện Biên Phủ sẽ trở thành tên gọi của một trong những địa danh mang tính huyền thoại đối với người Pháp nhưng một huyền thoại không có nội dung vì có mấy ai tường tận sự kiện, bỗng nhiên được nhắc lại và kỷ niệm.

Ở khắp nơi, các hoạt động được tổ chức. Tại Meurthe-et-Moselle (một tỉnh nằm về phía bắc nước Pháp giáp với biên giới nước Đức), Hiệp hội quốc gia Lính dù đã tổ chức buổi gặp mặt và nói chuyện với các em học sinh lớp 10 Trường Trung học nghề Xây dựng. Tại Gers, vào ngày 19/4 đã diễn ra một hội thảo về chủ đề “Điện Biên Phủ và sự kết thúc của Đông Dương thuộc Pháp”, với sự có mặt của diễn giả Guy Leonetti, thành viên của Học viện Quốc phòng Pháp, tác giả của cuốn “Bức thư từ Điện Biên Phủ” (2004, NXB Fayard). Tại Monteil thuộc tỉnh Tarne-et-Garonne, vào ngày 16/5 tới, đơn vị Lính dù số 6 (đơn vị từng tham chiến tại Điện Biên Phủ) tổ chức một buổi lễ có trình chiếu ánh sáng, âm nhạc, ăn uống… để kỷ niệm 70 năm Điện Biên Phủ… Ngoài ra còn rất nhiều những buổi lễ tưởng niệm thiết thực thu hút được sự chú ý của đông đảo quần chúng.

Ông Guy Leonetti, diễn giả bài phát biểu “Trận Điện Biên Phủ, đoạn kết đẫm máu của Chiến tranh Đông Dương” tại hội thảo tổ chức ngày 19/4/2024
Ông Guy Leonetti, diễn giả bài phát biểu “Trận Điện Biên Phủ, đoạn kết đẫm máu của Chiến tranh Đông Dương” tại Hội thảo tổ chức ngày 19/4/2024

Trên số báo ra ngày 29/3 của tờ “Var - Buổi sáng” với tiêu đề: “Fréjus: 70 năm sau trận Điện Biên Phủ, 6 thi thể lính Pháp hồi hương”, tác giả bài báo đã viết đoạn mở đầu như sau:

Đối với những người nghĩ rằng năm 2024 chỉ có Thế vận hội Olympic Paris và Lễ kỷ niệm 80 năm cuộc đổ bộ Normandy và Provence, thì đó là một thất bại. Chúng ta cũng sẽ phải tính đến Lễ kỷ niệm 70 năm trận chiến nổi tiếng Điện Biên Phủ (từ ngày 13 tháng 3 đến ngày 7 tháng 5 năm 1954), đánh dấu sự kết thúc của Chiến tranh Đông Dương”.

Như vậy rõ ràng trận đánh Điện Biên Phủ là một phần quan trọng của lịch sử nước Pháp mà lẽ ra không ai được phép quên. Nhưng để ghi nhớ sự kiện đó thì những hoạt động kỷ niệm cần được quảng bá và không thể làm hời hợt.

Chia sẻ ký ức để cùng lưu giữ kỷ niệm và hướng tới tương lai hợp tác giữa các dân tộc

Nhân dịp này Đài tiếng nói France Inter, một trong những đài phát thanh giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống thường ngày của người dân Pháp, đã mời Chủ tịch Hiệp hội Ký ức Pháp Serge Barcellini đến tham gia cuộc đàm luận về sự kiện lần đầu tiên Việt Nam tổ chức lễ mừng chiến thắng Điện Biên Phủ với sự tham gia của các thành viên Chính phủ Pháp mà đại diện cao cấp chính là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Sébastien Lecornu, cùng với bà Patricia Mirallès, Quốc vụ khanh. Chương trình có tiêu đề “70 năm Điện Biên Phủ: sự hiện diện của nước Pháp “chỉ rõ lợi ích của sự chia sẻ ký ức” với Việt Nam, theo như tổ chức Ký ức Pháp”, phát lúc 7 giờ 35 sáng ngày 7/5 (giờ địa phương).

Mở đầu cho cuộc thảo luận, S. Barcellini đã chia sẻ quan điểm “Lễ kỷ niệm 70 năm này đặc biệt quan trọng, vì đây là lễ kỷ niệm của thập kỷ quan trọng cuối cùng với sự có mặt của các Cựu chiến binh Việt Nam và một số Cựu chiến binh Pháp”. Khi được hỏi, theo ông thì lý gì đã thúc đẩy Việt Nam sau bảy thập kỷ gửi lời mời Pháp tham gia lễ kỷ niệm trận đánh, do phía Việt Nam không muốn mời hay do phía Pháp vẫn giữ trong lòng ký ức về cuộc chiến bại?  Barcellini cho rằng cả hai giả thuyết đều có thể đúng. Tuy nhiên với sự hiện diện của các đại diện Chính phủ Pháp trong lần kỷ niệm này, Barcellini nhấn mạnh “trên hết tôi tin rằng chúng ta đang chứng kiến ​​một quá trình phát triển của đời sống kỷ niệm ở Việt Nam”.

Chương trình Lễ kỷ niệm 70 năm Điện Biên Phủ ngày 16/5/2024 tại Frejus
Chương trình Lễ kỷ niệm 70 năm Điện Biên Phủ ngày 16/5/2024 tại Frejus

Trước đó khi được hỏi về lý do của Lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ năm nay được tổ chức long trọng đặc biệt, Barcellini nói “Việt Nam đang trên đường trở thành một quốc gia hùng mạnh. Để khẳng định vị thế này, Việt Nam muốn thông qua các hoạt động kỷ niệm để thể hiện được sức mạnh đó”. Và rõ ràng buổi Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biện Phủ chính là một trong những hoạt động hướng tới lịch sử và mang tính chiến lược của Việt Nam.

Không chỉ có Đài France Inter, sáng 8/5, sau thành công của Lễ kỷ niệm tất cả các báo từ địa phương đến trung ương (bao gồm báo hình, báo nói, báo in và báo điện tử) tại Pháp đều đồng loạt đưa tin về Lễ kỷ niệm. Trên tờ L’Express (do Jean-Jacques Servan-Schreiber và Françoise Giroud thành lập năm 1953), một tờ báo mang tư tưởng trung lập, đã đăng bài viết về buổi lễ như sau:

Điện Biên Phủ (Việt Nam) – Những tiếng đại bác, những bài phát biểu và những người lính.

Hôm nay thứ Ba, Việt Nam kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ trước quân Pháp, dấu hiệu hòa giải với cựu thế lực thực dân.  

(…)

Sự hiện diện của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Sébastien Lecornu và Chủ tịch Hội Cựu chiến binh và Ký ức, Patricia Mirallès, đã minh chứng cho sự hòa giải đang diễn ra, trong bối cảnh lợi ích chiến lược chung”.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu và Chủ tịch Hội Cựu chiến binh và Ký ức Patricia Mirallès đặt vòng hoa trước Đài tưởng niệm của Pháp
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp Sébastien Lecornu và Chủ tịch Hội Cựu chiến binh và Ký ức Patricia Mirallès đặt vòng hoa trước Đài tưởng niệm của Pháp

Điều này cũng được khẳng định rõ ràng trong bài phát biểu trước Đài tưởng niệm của Pháp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Sébastien Lecornu: “Ngày hôm nay chắc chắn đã đánh dấu một sự khởi đầu mới. Nó cho phép chúng ta bình tĩnh nhìn lại quá khứ để cùng nhau xây dựng tương lai… Bảy mươi năm sau, cảm xúc vẫn còn đó”.

Để kết thúc bài viết này tôi muốn kể tiếp câu chuyện của buổi gặp gỡ tình cờ trong quán cà phê giữa tôi và một người Pháp luống tuổi. Sau khi kể cho tôi nghe về câu chuyện của cuộc đời ông, về lý do tại sao ông không trở thành quân nhân noi theo truyền thống của gia đình mà lại trở thành một thầy giáo dạy cấp một, ông bất ngờ hỏi tôi.

“Cô có biết tin về sự góp mặt của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong buổi lễ kỷ niệm 70 năm Điện Biên Phủ không?”

Tôi mỉm cười nhìn ông rồi khẽ gật đầu ngầm khẳng định. Phải nói rằng, hôm đó là ngày 3/5, tin tức về việc tham gia vào buổi lễ kỷ niệm của Bộ trưởng được các đài báo đưa tin từ sáng sớm nên rất nhiều người đã kịp cập nhật.

“Cô có thấy điều này tuyệt vời không? Với tôi đây là một quyết định sáng suốt từ cả hai phía. Cách đây 70 năm, liệu có ai có thể tưởng tưởng ra được, hai đất nước từng là kẻ thù không đội trời chung lại có thể một ngày nào đó cùng đứng trên một khán đài để làm lễ tưởng niệm lịch sử… Tuyệt vời quá đi chứ!... Cô cũng đủ kinh nghiệm sống để hiểu rằng, chúng ta không sống bằng quá khứ, chúng ta sống với quá khứ nhưng lại sống bằng hiện tại và hướng tới tương lai. Việc Việt Nam và Pháp cùng nhau tưởng niệm chính là một minh chứng cho điều đó, cả hai nước đều bỏ qua lỗi lầm của quá khứ. Và hơn nữa cô thấy không, ngoài lợi ích ngoại giao và hợp tác, thì chỉ riêng việc hai nước đứng trên một khán đài cũng đủ để dân chúng trầm trồ và thán phục, một cú quảng bá lịch sử tuyệt vời và đễ đi vào lòng người nhất… Cô biết đấy, trí nhớ của con người rất ngắn hạn và có chọn lọc. Nếu không có các hoạt động kỷ niệm để nhắc nhở, một ngày nào đó chúng ta sẽ quên đi các sự kiện cho dù đó là những sự kiện mang tính trọng đại. Cô có đồng ý với tôi không?”.

Buổi gặp gỡ giữa Hiệp hội quốc gia Lính dù và các em học sinh Trường Trung học nghề Xây dựng tại tỉnh Meurthe-et-Moselle
Buổi gặp gỡ giữa Hiệp hội quốc gia Lính dù và các em học sinh Trường Trung học nghề Xây dựng tại tỉnh Meurthe-et-Moselle

Tất nhiên là tôi không thể tìm được bất kỳ lý do nào để phản đối những lời nói của người cao tuổi đó bởi tất cả lý lẽ của ông đều rất đúng, và tôi chỉ có thể mỉm cười đáp lời.

“Hơn nữa, sau 70 năm, người Pháp một lần nữa được biết đến Điện Biên Phủ một cách tốt đẹp hơn là những gì họ được nghe kể trong quá khứ”.

Quyên GAVOYE

Xem thêm:
Sau 70 năm, người Pháp nghĩ gì về cuộc chiến Điện Biên Phủ?

Sau 70 năm, người Pháp còn nhớ tới Điện Biên Phủ?

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy