Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
17:26 (GMT +7)

Ra mắt cuốn sách quý “Tuyển tập văn bia ở Thái Nguyên”

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh vừa cho mắt bạn đọc cuốn sách Tuyển tập văn bia ở Thái Nguyên, tập 1. Cuốn sách do Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc ấn hành năm 2023, khổ 14,5 x 20cm, bìa cứng, với 420 trang nhỏ gọn, dễ tra cứu, sử dụng.

Trong tuyển tập này, 30 văn bia tiêu biểu đã được lựa chọn để giới thiệu, với các chủ đề: ca ngợi danh lam thắng cảnh, công đức tôn tạo di tích (5 bia), thần tích (1 bia), văn chỉ (1 bia), nhà thờ họ (2 bia), bầu Hậu Phật (11 bia), bầu Hậu Thần (10 bia).

Đây là lần đầu tiên tỉnh Thái Nguyên xuất bản cuốn sách về Văn bia Hán Nôm. Thành quả này là kết quả của Đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Sưu tầm, tư liệu hóa hệ thống văn bia Hán Nôm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nhằm bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích của tỉnh” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện trong 2 năm 2017 - 2019. Biên dịch, hiệu đính, chú thích các bài văn bia là các chuyên gia có uy tín ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm thực hiện.

Ra mắt cuốn sách quý “Tuyển tập văn bia ở Thái Nguyên”

Qua nghiên cứu nội dung các văn bia được in trong cuốn sách có thể thấy, văn bia của tỉnh Thái Nguyên phân bố rải rác ở các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn tỉnh. Đây là loại văn tự cổ có niên đại rõ ràng, chứa đựng những thông tin nhiều mặt về lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội ở các địa phương trong tỉnh ở một thời đã qua. Điều quan tâm, lý thú là văn bia của tỉnh Thái Nguyên có niên đại sớm, có giá trị lịch sử, văn hóa, trong đó “văn bia chùa Thái Nguyên khá phong phú, là nguồn tư liệu tin cậy phục vụ nghiên cứu hoạt động Phật giáo địa phương trong lịch sử”(1). Nội dung văn bia phản ánh nhiều mặt đời sống, xã hội: ghi công đức, sự tích nhân vật lịch sử, văn hóa, việc xây dựng, trùng tu, tôn tạo di tích, việc bầu Hậu Phật, Hậu thần, gửi giỗ, ca ngợi danh lam thắng cảnh.

Hình thức văn bia rất đa dạng, đặc biệt ở vùng quê trung du huyện Phú Bình, có đặc trưng “ngôi chùa cột đá”. Trong các chùa làng có sử dụng nhiều cột đá có văn khắc, ghi niên đại xây dựng và họ tên người công đức di tích. Phường thợ đá đã khai thác, chế tác rất công phu, đồng thời có thể kiêm luôn cả việc khắc văn bia, thợ đá chủ yếu ở vùng Kính Chủ, Kinh Môn, Hải Dương. Theo thời gian, di sản văn hóa quý giá này đang đứng trước nguy cơ bị thất thoát, mai một rất cần được các cơ quan chức năng gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị.

Trên cơ sở kết quả sưu tầm các văn bia của tỉnh Thái Nguyên cho thấy mật độ phân bố văn bia có ở tất cả trên 9 huyện, thành phố, trong đó tập trung chủ yếu ở huyện Phú Bình, thành phố Phổ Yên và thành phố Thái Nguyên. Đình, đền, chùa thời xưa khi khởi công xây dựng, tu bổ, tôn tạo thường tổ chức khắc bia đá ghi công đức. Ở Thái Nguyên loại bia này chiếm số lượng tương đối nhiều. Nội dung chủ yếu ghi chép công việc khởi lập sửa chữa đền, miếu, đình, chùa, ghi công đức, ghi chép về sự tích thần linh, ca ngợi cảnh đẹp núi sông, thắng cảnh đồng thời ca tụng biểu dương công tích, đức nghiệp của một số người, trong đó văn bia thường do những người có tri thức, có học hành, có tài văn chương soạn thảo.

Một số văn bia ở tỉnh Thái Nguyên do một số tiến sỹ, danh sỹ, các vị trí thức đương thời soạn văn như: bia Chùa Hang Du Tiên Lữ động tác do Tiến sỹ Vũ Quỳnh, người xứ Hải Dương đề thơ, bia Tiên Lữ động lưu đề do danh sỹ Đặng Nghiệm đề thơ chữ Hán và chữ Nôm (thế kỷ XV), bia chùa Hà Châu do Giám sinh Quốc Tử giám Nguyễn Phi Hiển người xã Hà Nhuyễn soạn (thế kỷ XVII), bia đình Quang Vinh, đình Hà Trạch do Tiến sỹ Lê Duy Đản, người xứ Kinh Bắc, bia đình Dỡ, đình Kha Nhi (huyện Phú Bình) do Tiến sỹ Phạm Công (Quang) Hoàn, người làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm (TP. Hà Nội) soạn văn (thế kỷ XVIII), bia đình Hàng Phố (thành phố Thái Nguyên) do Tiến sỹ Nguyễn Đình Tuân, người tỉnh Bắc Giang soạn văn (thế kỷ XX). Cụm văn bia Ma nhai ở Chùa Hang, thành phố Thái Nguyên(2) trong đó có văn bia Tiên Lữ động lưu đề của danh sĩ Đặng Nghiệm có niên đại tuyệt đối Hồng Đức Đinh Tỵ niên (1497). Tính đến thời điểm hiện tại đây là tấm bia có niên đại sớm nhất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Văn bia được chép trong sách: Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội (1993), văn bia cũng được chép trong sách Chùa Hang bi, ký hiệu A.1019; Viện Nghiên cứu Hán Nôm (EFEO) ký hiệu 48017.

Văn bia của Thái Nguyên xuất hiện nở rộ vào giai đoạn thời nhà Lê Trung Hưng kéo theo hết đến thời nhà Nguyễn (thế kỷ XIX - XX). Một trong những nội dung đặc sắc của văn bia Thái Nguyên là phong tục bầu Hậu thần, Hậu Phật. Trong đó việc bầu Hậu Phật ở tỉnh Thái Nguyên có hiện tượng đáng chú ý là việc bán ngôi Hậu Phật, có điểm giống và khác nhau giữa việc bán ngôi Hậu Phật với bầu ngôi Hậu Phật, làm phong phú cho nhận thức về phong tục bầu Hậu Phật nước ta trước đây(3) .

Văn bia thời nhà Hậu Lê chiếm khoảng 40% tổng số văn bia của tỉnh Thái Nguyên. Đây là số văn bia có văn phong hay, nội dung ca ngợi con người làm việc thiện, công đức xây dựng, tu bổ, tôn tạo di tích, trợ giúp các địa phương tiền của chi phí việc công. Văn bia thời nhà Nguyễn chiếm khoảng 60% tổng số văn bia tỉnh Thái Nguyên, xuất hiện ở di tích khá đều đặn với đầy đủ niên hiệu các triều đại nhà Nguyễn. Ở huyện Phú Bình thường có cả một hệ thống đình, chùa có văn bia Hậu thần bi ký, Hậu Phật bi ký có niên hiệu suốt chiều dài thời nhà Nguyễn. Văn bia Văn chỉ cũng là một trong những loại văn bia còn hiếm gặp như trường hợp văn bia Văn chỉ tổng Hoàng Đàm mang tên Phối hưởng bi, bia tìm thấy tại Trường Trung học cơ sở Nam Tiến, thành phố Phổ Yên (hiện bia đã được chuyển về Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên). Văn bia tỉnh Thái Nguyên là tư liệu quý, là tài sản quý giá, phản ánh phong phú về mặt nội dung, đa dạng về mặt hình thức, có giá trị lịch sử - văn hóa.

Cuốn sách Tuyển tập văn bia ở Thái Nguyên (tập 1) là tập tài liệu rất quan trọng phục vụ công tác nghiên cứu khoa học về địa lý, lịch sử, văn hóa, văn học, ngôn ngữ, kinh tế, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán; đặc biệt đã góp phần phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử - văn hóa của tỉnh. Cuốn sách cũng là tài liệu quý góp phần khích lệ nhân dân các địa phương phát huy tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống lịch sử - văn hóa của quê hương, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần quan trọng trong công cuộc “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

--------------

(1): GS.TS. Đinh Khắc Thuân, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, “Tư liệu Hán Nôm liên quan đến Phật giáo Thái Nguyên”, Phật giáo Thái Nguyên lịch sử và hiện tại, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2022, trang 53-75.

(2): PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, “Chùa Hang nổi tiếng ở huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên”, Phật giáo Thái Nguyên lịch sử và hiện tại, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2022, trang 147-156.

 

(3): TS. Nguyễn Hữu Mùi, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tìm hiểu phong tục bầu Hậu Phật ở tỉnh Thái Nguyên qua nguồn tư liệu văn bia, Tạp chí Hán Nôm số 4 (173), 2022, trang 17-26.

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy