Pụt Kỳ Yên(*) mà… không yên?
LTS – Mới đây, Tòa soạn VNTN nhận được bài viết của nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Tuấn Cư về cuốn sách Pụt Kỳ Yên của một nhóm tác giả do ông Ma Đình Thu làm chủ biên. Nhận thấy có những vấn đề cần được xem xét, bàn luận xung quanh việc nghiên cứu văn hóa truyền thống và dịch thuật ngôn ngữ Tày – Nùng, VNTN đăng tải toàn văn bài viết và mong nhận được hồi âm, trao đổi từ phía các tác giả cũng như những người am hiểu văn hóa, ngôn ngũ Tày -Nùng.
1. Trước hết chúng tôi muốn nói với 4 tác giả rằng: Pụt Kỳ Yên - buông một câu “lơ lửng con cá vàng” như vậy bạn đọc không phải ai cũng hiểu. Và tôi khẳng định ngay cả ông Ma Đình Thu (chủ biên) cũng chỉ hiểu một cách đại khái mà thôi. Trong tác phẩm này, Lời giới thiệu của Nxb cũng chỉ giới thiệu một cách chung chung (xin xem trang 3, 4, 5). Sau đây chúng tôi xin được làm sáng tỏ cụm từ Pụt Kỳ Yên.
a. Pụt (có nơi gọi là Pựt, Phụt, Vựt): là thày (cúng).
“Thuật ngữ Pụt khi được ghép với các tiền tố sẽ có nghĩa khác nhau, những vẫn liên quan đến Pụt: Ông Pụt là thày cúng Pụt, hất Pụt là làm thày cúng (bằng) Pụt. Pụt là một trong những hình thức cúng bái của người Tày - Nùng, có thày truyền nghề, có cấp sắc, có lời bài cúng, chủ yếu bằng tiếng Tày - Nùng(1).
b. Kỳ Yên: lễ cầu an
“Kỳ Yên là lễ cầu an cho gia đình, thường được tiến hành vào đầu năm mới (tháng Giêng), với ý nghĩa là cầu khấn Phật cho mọi người trong gia đình được mạnh khỏe, gia đình được yên ổn suốt cả năm, đặc biệt là đối với các trẻ nhỏ. Do đó, một trong những nội dung quan trọng là khấn cầu Mẻ Bjoóc Mẹ Hoa ban phước lành và sức khỏe cho các cháu nhỏ(2)…
Tóm lại Pụt Kỳ Yên là những bài cúng do ông Pụt hay bà Pụt cúng làm lễ cầu an cho gia đình nào đó (có nhu cầu) để một năm mới mọi người được mạnh khỏe, làm ăn thịnh vượng…
2. Cho dù 04 tác giả là người dân tộc Tày ở Định Hóa (Thái Nguyên), tác phẩm được sưu tầm ở chính địa phương mình, nhưng chỉ hiểu một cách đại khái. Nên phần dịch: Dịch sai, dịch thừa, dịch thiếu đến thảm hại không chấp nhận được.
a.Phần dịch sai(3)
- Bài “Mời hính”
1.Mời hính mời thư thay
Lục giá chương thư thày
Mời thâng pá thư thay
Mời hính mời cừn vằn… (tr.9)
Các tác giả dịch là:
Mời Bụt mời sư thày
1.Mời Bụt mời sư thầy
Con đường giữ sư thầy
Mời đến bà sư thầy
Mời thầy mời đêm ngày… (tr.323)
Mời hính ở đây không thể dịch là mời Bụt mời sư thầy. Bụt chỉ “xuất hiện” trong truyện cổ tích thôi. Mời hính trong tác phẩm này, cũng như Mời hính trong tác phẩm Pựt Tày Bắc Cạn (tr.27) của Hoàng Tuấn Cư, Triệu Sinh Nxb Thời đại, 2012; hay Mời thầy (tr.31) trong tác phẩm Pụt Tày, Nxb Khoa học xã hội, 1992 do Lục Văn Pảo (sưu tầm, dịch) đã ghi chú thích: “Ông Pựt mời những thầy tổ sư và các thầy cao tay đã từng cấp sắc cho mình (kể cả những thầy còn sống hay đã quá cố) về giúp mình làm lễ. Trước hết là mượn các thầy những phương tiện và công cụ hành lễ. Trên thực tế chỉ là mượn lấy cái uy, cái thế của các thầy chứ không có các thầy đến thật… “Xưa trong các đám cúng lớn còn có hai đôi thanh niên chưa vợ chưa chồng mời đến để thắp hương, rót rượu, phụ giúp thầy cắt các con ngựa, cờ, con mao làng… Tất cả bọn họ hợp thành đoàn Pụt làm hết cả đêm Pụt, và cả sáng hôm sau mới đưa lễ tới nơi Ngọc Hoàng. Khi đó ông Pụt hay bà Pụt mới tâu với nhà trời về mục đích “chuyến đi” là để chữa bệnh, giải hạn, cầu phúc, cầu an… cho gia đình mà mình đang làm lễ. Ngày nay việc đi theo ông, bà Pụt để làm lễ chỉ có một người nam hoặc một người nữ gọi là con hương.
"Lục giá chướng thư thày" mà chủ biên dịch là "con đường giữ sư thầy" - Câu này có chữ nào (trong tiếng Tày) là con đường giữ… mà lại dịch liều như thế! Câu này nên hiểu và dịch:
Xin mời các sư thầy
Con không quên ơn thầy
Mời đến bà sư thầy
Mời sư thầy đêm ngày
-Bài “Khẩu tu” (tr.63)
…1.Liệc tằng thíp vi chấu
Nài mừa cấu vi thay
Liệc mừa pú thay công
Liệc mừa ông thay ké
Mời pó lạc au mạ tháng đeng oóc chào
Thư ăn lừa tháng khao oóc háng
Tua hâư bá lầu khai
Tua hâư quai lầu khúy… (tr.83)
Và họ dịch là
2.Xin mời mười ông Bụt
Sau mời tới ông thầy
Ông Bụt mới ra chào
Bụt mang lừa ra chuộc
Thắng ngựa thì thắng con khôn
Thắng ngựa thì thắng con đẹp
Con nào giỏi ta cưỡi… (tr.401)
+Phần nguyên bản tiếng Tày ghi là 1 mà phần dịch ghi là 2?
+Như trên chúng tôi đã trình bày Pụt là thầy cúng chứ không phải ông Bụt. Bụt chỉ xuất hiện trong truyện cổ tích. Đoạn trên dịch đúng là:
Gọi đến mười vị thầy cả
Nài đến chín vị thầy
Gọi đến ông thầy công
Gọi đến ông thầy già
Mời đến người lôi ngựa yên đỏ ra chào
Đem yên lừa màu trắng ra đóng
Con nào dại ta bán
Con nào khôn ta cưỡi
+Sau đấy họ dịch tiếp:
Bụt tổ ở trong chùa/ Pỏ cốc của họ hàng/ Mời tới ông nhà Hạc/ Mời họ hàng tổ tông/ Mời tới ông sư tôn/ Mời tới ông thầy tổ… mà tôi không tìm thấy các câu dịch này ở phần nguyên văn tiếng Tày?
-Bài “Tu thổ công”:
Cửa thổ công
Mạ lầu hết lừ dương
Lừa lầu thương lừ đây
Te pây lừ te dú
Chang cừn lọt mường phạ
Nả cáy lọt mường thiên… (tr.149)
Các tác giả dịch là:
Ngựa ta nghĩ thế nào
Lừa mình nghĩ làm sao
Ta đi hay ta ở
Nửa đêm tới chân mây
Gà gáy lọt lên trời… (tr.463)
Trong khi đó, bài “Tu thần” (tr.177) và “Tu đẳm” (tr.219) có 5 câu đầu giống 5 câu trên mà các tác giả lại dịch:
Ngựa ta biết làm sao
Lừa ta biết làm sao
Ta đi hay ta ở
Nửa đêm lọt tầng mây
Gà gáy lọt lên trời… (tr.479), (533)
Đoạn Pụt trên nên hiểu là các ông, bà Pụt đang phân vân nếu đi đến Cửa thổ công, Cửa thần (chứ không phải cửa mộ (tr.479) như họ dịch) bằng ngựa, bằng lừa thì ngựa, lừa ta làm sao đây? Ai trông nó, ai chăn? Vì thế họ (Pụt mới “Te pây lừ te dú” = để lại hay mang đi theo… 5 câu trên dịch đúng là:
Ngựa - ta biết làm sao đây
Lừa ta biết làm sao đây
Đem đi hay để lại
Nửa đêm lọt mường trời
Mờ sáng lọt mường thiên(4)
b.Các bài dịch thừa
-Bài “Mời Bụt mời sư thầy” (tr.323)
Đoạn 2 (tr.10, 11) dịch thừa 01 câu (tr.324, 325): 15/16(5)
Đoạn 13 (tr.21) dịch thừa 02 câu (335): 13/15
-Bài “Hồ hồi” (tr. 31)dịch thừa 35 câu (tr.345…361): 221/256
-Bài “Tu táo quân” (197) dịch thừa 06 câu (511 - 557) : 232/328
-Bài “Tu mụ - Va Vàng” (229) dịch thừa 01 câu (534 - 557): 221/222
-Bài “Tu hạn” (245) dịch thừa 09 câu (559 - 569): 155/164
-Bài “Tu Pụt tu tướng” (265) dịch thừa 02 câu (579 587): 128/130
-Bài “Tu ham” (275) dịch thừa 12 câu (589 - 606): 258/270
Qua thống kê với 07 bài các tác giả dịch thừa 69 câu, một số đầu bài do không hiểu nên dịch cũng sai như bài Tu đắm (219) là Cửa tổ tiên mà họ dịch là Cửa Bụt (533); Tu mụ - va vàng (229) dịch không chính xác là Cửa mụ - hoa vàng (543) thực ra đây là Cửa Mẹ Hoa.
c.Các bài dịch thiếu
-Bài “Mời Bụt mời sư thầy” (323)
Đoạn 3 (325, 326) dịch thiếu 03 câu (11, 12): 12/15(6)
Đoạn 10 (331, 332) dịch thiếu 02 câu (17, 18): 15/17
Đoạn 11 (332, 333, 334) dịch thiếu 01 câu (18, 19, 20): 20/21
Đoạn 22 (342) dịch thiếu 01 câu (28): 8/9
-Bài “Xuất hành” (363) dịch thiếu 03 câu (47): 235/238
-Bài “vào cửa” (379 - 400) dịch thiếu 17 câu (63 - 82) ở đoạn 1: 395/352; đoạn 2 (401 428) dịch thiếu 103 câu (83 - 114): 326/429
-Bài “khao ngựa” (429 - 462) dịch thiếu 08 câu (115 - 148): 512/520
-Bài “Cửa thổ công” (463 - 478) dịch thiếu 04 câu (149 - 164): 242/246
-Bài “Cửa mộ” (479 - 489) dịch thiếu 18 câu (165 - 175): 155/175
-Bài “Cửa thần” (491 - 509) dịch thiếu 12 câu (177 - 195): 277/289
-Bài “Cửa Bụt” (533 - 542) dịch thiếu 01 câu (219 - 228); 138/139
-Bài “Cửa vía” (607 - 627) dịch thiếu 03 câu (293 - 311)” 277/280
Qua thống kê trên các tác giả dịch thiếu 171 câu với 9 bài. Vậy tổng số bài dịch thiếu, dịch thừa là 14/17. Như thế, nghĩa là còn 02 bài dịch (Cửa thầy - 571 và Đồng Vinh - 627) và một số đoạn trong bài “Mời Bụt, mời sư thầy” là có số câu dịch tương ứng với số câu tiếng Tày. Nhưng, tiếc thay các tác giả đều dịch sai. Ví dụ.
-Bài “Tu chay” (257) = Cửa thầy
+5 câu đầu dịch sai như Cửa thổ công, Cửa thần, Cửa đắm như đã nêu trên. Ngoài ra các câu tiếp theo cũng dịch sai:
Lọt thầng bướng lườn hac
Lọt thâng phạc lườn thay
Pjót thâng pú thay công
Lọt thâng ông thay ké… (257)
Các tác giả dịch là:
Lọt tới ông bụt luông (to)
Lên đến mường bụt già
Gốc Bụt luông ở chùa
Gốc bụt già họ nhà… (579)
Dịch thế này thì “chết” văn hóa truyền thống và làm cho người đọc không hiểu các tác giả dịch kiểu gì? Bốn câu trên nên hiểu và dịch là:
Lọt đến bên nhà Hác
Lên đến giát nhà thầy
Đi lên ông thầy Công
Đi lên ông thầy già…
-Bài “Tồng Vinh” (313) = Đồng Vinh
Lục nhình mà theo mé
Mè nhình chăn cò đây toọng ngài
Doại mà kẻo hua lặng
Pà tua lục như pà tòn mạy
Đảy tua lục như đảy hòn kim… (318)
Họ dịch là:
Vinh con ra với mẹ
Mẹ Vinh thật thấy lòng thoải mái
Ngảnh cổ cấu đầu dậy
Chửa đứa con như mang khúc gỗ
Được đứa con như được hòn đá… (632)
Chủ biên dịch “được đứa con như được hòn đá”! Dịch như thế này đến thánh cũng chịu! 4 câu trên nên hiểu và dịch là:
Con gái đi theo mẹ
Đàn bà thật hiền lành tốt bụng
Đưa tay kéo thắt lưng(7)
Chửa đứa con như mang khúc gỗ
Được đứa con như bắt được vàng
Tôi xin tạm dừng dẫn chứng những câu dịch sai, dịch thừa, dịch thiếu… ở đây. Nếu được phép tôi sẽ liệt kê ra đây không biết đâu mà kể, mà đếm.
3.Về trình bày sách: không thể không nói.
Hơn 30 năm làm nghề biên tập sách, với việc đọc số sách không nhớ nổi, nhưng chúng tôi chưa thấy tác phẩm nào trình bày quá dở, quá phí phạm giấy như tác phẩm Pụt kỳ yên này. Xin được điểm ra đây để bạn đọc cùng suy ngẫm.
-Dưới dòng phi lê ở tất cả các trang lẻ (9, 13, 15…) họ đều để trắng từ 5 đến 7 cm… thậm chí có trang để trắng đến tận 10, 11 cm (523, 542, 606)…
-Có tới 22 trang trắng là các trang chẵn (Phần nguyên bản tiếng Tày 12 trang, phần dịch 10 trang)
Nếu bạn đọc nào không tin, cứ tìm sách mở ra xem, đo thì biết ngay Hoàng Tuấn Cư nói đúng hay sai!
4.Kết luận
Là người con của dân tộc Tày, tôi tự hào, yêu mến về thứ văn hóa truyền thống vừa mang tính tâm linh vừa mang tính dân gian vừa mang tính văn học rất đậm đà bản sắc dân tộc. Nhưng những người con dân tộc Tày ở Định Hóa lại dịch thừa, dịch thiếu, dịch sai, dịch ẩu… tự thêm thắt vào những câu quá nực cười mà trong nguyên bản tiếng Tày không có. Chẳng hạn:
-Ra ngoài sân gió mát/ Ra hồ ao gió mát (482)
-Phiến hấư lôộng tha thác
Piên mạ cọn hấư thai
Loi vai cọn hấư lậm hấư loài (172)
Rõ ràng thế mà họ lại dịch:
Chỉ đường rộng độ ba thước
Chỉ cho rộng trăm sải
Động vào ngựa thì đánh chết
Roi mây vụt nát như tương… (486)
Ông Ma Đình Thu ơi! Ông là người Tày mà ông hiểu tiếng mẹ đẻ như thế này ư? Ông dịch sai hết rồi. Phiến hấư lôộng là tránh cho rộng, cho xa; Chầy hấư lôộng cũng là tránh cho rộng, cho xa; lùi ra xa; Piên mạ là roi ngựa; Cọn hấư lậm, hấư loài là vụt cho ngã sấp ngã ngửa chứ không phải “vụt nát như tương”. Câu trên dịch đúng là:
Tránh cho rộng ba thước
Lùi ra xa trăm sải
Nếu không tránh
Roi ngựa đánh cho chết
Roi mây vụt cho ngã sấp ngã ngửa…
Mười bẩy bài ông dịch - dù ông là người tôi quen biết - tôi cũng không thể tặc lưỡi bỏ qua bởi nếu tiếp tục im lặng, chẳng may có một tác phẩm khác ông sẽ biến nó thành trường ca của riêng mình? Với tác phẩm này, ông đã bắn một phát súng kíp vào Pụt kỳ yên - vốn văn hóa truyền thống được đồng bào Tày, Nùng yêu chuộng, gìn giữ cho đến ngày nay. Thật không thể ngờ ông lại dịch bừa, dịch ẩu, dịch thừa, dịch thiếu như vậy. Buồn, quá thất vọng.
Hà Nội, mồng 4 Tết Đinh Dậu - 2017
Chú thích:
(*)Pụt Kỳ Yên: Nxb Đại học Thái Nguyên, 2011; 636 trang khổ 14,5 x 20,5 của Ma Đình Thu (chủ biên) - Ma Doãn Được - Ma Thị Yên Ma Thị Linh (Sưu tầm, dịch).
1.Từ điển thuật ngữ văn hóa Tày - Nùng của Hoàng Nam - Hoàng Tuấn Cư Hoàng Thị Lê Thảo - Nxb Hội Nhà Văn, 2016, tr.307.
2. Sđd, tr.172.
3. Có 17 bài nguyên bản tiếng Tày thì 17 bài đều dịch sai.Vì khuôn khổ một bài báo có hạn nên tôi chỉ dẫn ra ba bài - mỗi bài một đoạn để minh chứng mà thôi.
4.Thiên: Trời. Trong tiếng Tày, Nùng thì Trời có nơi gọi là bân, buân, fạ, thiên.
5.15/16 (số 15 là số câu tiếng Tày số 16 là số câu dịch…/… tiếp theo cũng tương tự như vậy.
6.12/15 (số 12 là số câu dịch thiếu, số 15 là số câu nguyên bản tiếng Tày) các số tiếp theo…/… tương tự như vậy.
7.Thắt lưng phụ nữ bằng vải trên hai sải tay. Khi cần thiết - trong văn cảnh này - là người phụ nữ kéo thắt lưng ra làm địu hoặc làm tã lót (Mẹ Vinh sinh con một mình, không ai giúp đỡ).
Hoàng Tuấn Cư
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...