Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
22:21 (GMT +7)

Phân tâm học và nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật (Kì 2)

VNTN - Phương pháp nghiên cứu, phê bình phân tâm học tuy còn có hạn chế nhất định, nhưng phương pháp này đã giúp con người tìm hiểu nhau bằng ánh mắt, trái tim.


Vài nét về vấn đề ứng dụng phân tâm học vào nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật ở Việt Nam

Ở Việt Nam, từ năm 1936 đã có một số tác phẩm ứng dụng phân tâm học vào nghiên cứu văn học như Cái ám ảnh của Hồ Xuân Hương (Trương Tửu), Hồ Xuân Hương: tác phẩm, thân thế và văn tài (Nguyễn Văn Hạnh). Đến năm 1940, trong Kinh thi Việt Nam, Trương Tửu lại vận dụng học thuyết Freud để phân tích mảng ca dao dâm - tục và thơ Hồ Xuân Hương. Năm 1942, với bút danh Nguyễn Bách Khoa, ông tiếp tục ứng dụng phân tâm học để phê bình Truyện Kiều khi viết tác phẩm Văn chương Truyện Kiều.

Sau 1954, ở miền Bắc, do hoàn cảnh lịch sử, phân tâm học không được chú trọng nghiên cứu như một khuynh hướng phê bình độc lập mà được kết hợp nghiên cứu với phê bình xã hội học. Khuynh hướng phê bình này được thể hiện ở một số tác phẩm như Hồ Xuân Hương - bà chúa thơ Nôm (Xuân Diệu); Sơ khảo lịch sử văn học Việt Nam (Văn Tân); Người Cổ Nguyệt, chuyện Xuân Hương (Nguyễn Đức Bính).

 Ở miền Nam, ngoài những tác phẩm dịch từ nguyên tác của Freud như Phân tâm học nhập môn (Nguyễn Xuân Hiếu dịch), Nghiên cứu phân tâm học (Vũ Đình Lưu dịch), còn có một số công trình biên khảo, dịch thuật, những bài viết giới thiệu về phân tâm học như Phân tâm học của J.P.Charrier (Lê Thanh - Hoàng Dân dịch), Hành trình vào phân tâm học (Vũ Đình Lưu), Tâm lý học ứng dụng (Phạm Xuân Độ), Tâm phân học và tôn giáo của E. Fromm (Trí Hải dịch), Tâm thức luyến ái của E. Fromm (Tuệ Sỹ dịch), Thế giới tính dục của Henry Miller (Hoài Lãng Tử dịch), Thiền và phân tâm học của Suzuki, Fromm, Martino (Như Hạnh dịch), Dục tính văn minh của Herbert Marcuse, (Hoàng Thiên Nguyễn dịch)… Bên cạnh đó, nghiên cứu, phê bình văn học vận dụng lí thuyết phân tâm học cũng được chú ý, như các công trình, bài viết: Lược khảo văn học 3 (Nguyễn Văn Trung); Dư vang nghệ thuật (Trần Nhựt Tân); Đi tìm tác phẩm văn chương (Huỳnh Phan Anh); Vũ trụ thơ (Đặng Tiến); Đọc thơ Điên (Tam Ích)...

Từ sau 1986, xuất hiện một số tác giả giới thiệu phân tâm học và vận dụng phân tâm học vào nghiên cứu phê bình văn học nghệ thuật. Có thể kể đến: S.Freud và phân tâm học (Phạm Minh Lăng); Học thuyết S. Freud và sự thể hiện của nó trong văn học Việt Nam (Trần Thanh Hà); Từ cái nhìn tham chiếu phân tâm học qua một số truyện ngắn hiện đại Việt Nam (Hồ Thế Hà); Phê bình mẫu cổ và mẫu nước trong văn chương Việt Nam (Nguyễn Thị Thanh Xuân), Diễn ngôn về tính dục trong văn xuôi hư cấu Việt Nam - từ đầu thế kỉ XX đến 1945 (Trần Văn Toàn), Thơ Bùi Giáng dưới lăng kính phê bình cổ mẫu (Trần Nữ Phương Nhi).v.v..

Như vậy, phân tâm học đã và đang đi vào đời sống nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật ở Việt Nam như một hướng đi nhiều triển vọng.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

***

Thực tiễn cho thấy, việc nghiên cứu ứng dụng phân tâm học vào văn học Trung đại là sôi nổi nhất, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu.

Nghiên cứu về Truyện Kiều của Nguyễn Du dưới góc nhìn phân tâm học, có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn khai thác ở góc độ bản năng dục tính là chính. Ngoài công trình biên khảo Tranh luận về Truyện Kiều (2012) của Nguyễn Ngọc Thiện, đáng chú ý còn có Di sản Nguyễn Du và Thời gian (1998) của Trịnh Bá Đĩnh, Phê bình văn học: chòng chành mà tiến tới (2000) của Đỗ Lai Thuý.v.v..

Nghiên cứu về Hồ Xuân Hương qua cách tiếp cận của phân tâm học, đáng chú ý là Nguyễn Văn Hanh, Đỗ Lai Thúy, Hà Văn Thùy. Ở nghiên cứu của Nguyễn Văn Hanh, ông đã đưa ra công thức đo tần suất xung năng tâm lí của Hồ Xuân Hương: “dồn nén  ẩn ức  thăng hoa”. Công thức này về sau đã trở thành chiếc chìa khóa đi vào các tác phẩm có vấn đề tình dục của nữ sĩ họ Hồ này. Hà Văn Thùy lại nghiên cứu Hồ Xuân Hương theo tiến trình vận động tâm lí từ phản kháng đến nổi loạn. Trong Hồ Xuân Hương - Hoài niệm phồn thực (1999), Đỗ Lai Thúy đã không thỏa mãn với những cách tiếp cận của người đi trước (xã hội học, phân tâm học Freud, nguyên lý hội hóa trang), đi tìm một hệ hình (paradigme) nghiên cứu mới bằng cách đi ngược chiều lịch sử: Thơ Hồ Xuân Hương, văn hóa dâm tục (thời Hồ Xuân Hương)  Lễ hội phồn thực  Thờ cúng phồn thực, tín ngưỡng phồn thực. Vậy, cội nguồn của thơ Hồ Xuân Hương là tín ngưỡng phồn thực (Culte de fécondité, lingaisme), một tín ngưỡng chung của nhân loại tôn thờ sự sinh sôi nảy nở qua biểu tượng sinh thực khí, hình thành vào thời đại Đồ Đá Mới, khi xuất hiện trồng trọt và chăn nuôi.

Đóng góp của một số tác giả nổi bật

Người có nhiều đóng góp nổi bật cho việc nghiên cứu và phê bình văn học với lý thuyết Phân tâm học thời kỳ Đổi mới là Đỗ Lai Thúy. Ông đã có hàng loạt các công trình biên soạn, giới thiệu về lĩnh vực này, như: Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật (2000); Phân tâm học và văn hóa tâm linh (2002); Phân tâm học và tình yêu (2003); Phân tâm học và tính cách dân tộc (2007).

 Đỗ Lai Thúy không chỉ giới thiệu phân tâm học một cách có hệ thống mà ông còn soi chiếu nhiều hiện tượng văn học Việt Nam từ lý thuyết này. Cùng với chuyên luận Hồ Xuân Hương - hoài niệm phồn thực (1999), tập tiểu luận Bút pháp của ham muốn (2009) là minh chứng cho sức sống lâu bền của một phương pháp nghiên cứu có nhiều thăng trầm nhất trong lịch sử phê bình văn học ở Việt Nam, đồng thời cũng là mở đầu cho sự hồi sinh của phương pháp phê bình phân tâm học.

Tác giả Bút pháp của ham muốn, đúng như tên gọi của tập sách, đã đi từ những ham muốn để đến với bút pháp của những tài năng nghệ thuật, xuất phát từ những bí ẩn chìm sâu trong tâm lý, khám phá sự biến dị về bút pháp của hai nhóm nhà văn Việt Nam cổ điển và hiện đại - đó lá sáu nghệ sĩ có dấu ấn phân tâm tiêu biểu: Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan, Nguyễn Gia Thiều, Hoàng Cầm, Chế Lan Viên, Xuân Diệu. Vận dụng lý thuyết phân tâm học kết hợp cùng bộ công cụ thao tác ngôn ngữ của các nhà hình thức luận Nga, trường phái ngôn ngữ Praha và phê bình mới Anh - Mỹ, Đỗ Lai Thúy hướng đến một ham muốn của nhà phê bình: vừa lý giải vừa sáng tạo văn bản, vừa là nhà khoa học văn học vừa là nghệ sĩ của ngôn từ. Tiếp nối con đường của một số cây bút đi theo hướng phê bình phân tâm học, tuy nhiên sự khác biệt của Đỗ Lai Thúy so với những người đi trước là rất rõ, bởi lẽ ông không lặp lại lối mà người đi trước đã khuôn định.

 Tiếp cận Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều - tác phẩm đỉnh cao của một trong những nhà nho tài tử tiêu biểu nhất của văn học trung đại Việt Nam, Đỗ Lai Thúy vận dụng lý thuyết tưởng tượng của G.Bachelar, thoát ra khỏi sự cứng nhắc của những thói quen suy nghĩ được hình thành qua tiếp xúc với những kinh nghiệm quen thuộc để thấu cảm và suy ngẫm về những triết lý thông qua tam giác hình tượng: Bóng - nguồn sáng (lửa) - hình. Lối phê bình kết hợp nhuần nhuyễn giữa phương pháp nghiên cứu phân tâm học và thi pháp học của Đỗ Lai Thúy đã mang lại sức gợi lớn để người đọc tiếp tục hành trình khám phá thông điệp của hình ảnh nghệ thuật.

Trong Hồ Xuân Hương - cọ tình vào đá, Đỗ Lai Thúy đã nhờ đến phương pháp tâm lý học phân tích (tâm lý học các chiều sâu), lý thuyết siêu màu (archetype) của C.G. Jung kết hợp với tín ngưỡng phồn thực. Nhìn dưới góc độ văn hóa học, ông đã xây dựng được một hệ pháp nghiên cứu: Thơ Hồ Xuân Hương - văn hóa dâm tục - tục thờ cúng phồn thực - tín ngưỡng phồn thực.

Khi nghiên cứu thơ Hoàng Cầm dưới ánh sáng của lý thuyết phân tâm học, Đỗ Lai Thúy cũng thành công khi đã chỉ ra được con người thầm kín nhất ở trong Hoàng Cầm, với những giấc mơ tình ái, những khát khao đầy ẩn ức của ông. Đỗ Lai Thúy đã khơi mở, nói hộ Hoàng Cầm nhiều điều còn mơ hồ chìm sâu trong vô thức.

Một trong những học giả ứng dụng phân tâm học vào nghiên cứu văn học Việt Nam sớm nhất của thời kỳ Đổi mới là Phạm Văn Sĩ. Trong Về tư tưởng và văn học phương Tây hiện đại (1986), bên cạnh việc lược khảo và giới thiệu những trào lưu triết học có thể ứng dụng vào nghiên cứu văn học, ông đã khái lược giới thiệu sự ảnh hưởng của phân tâm học Freud trong văn học Sài Gòn trước 1975. Phạm Văn Sĩ chỉ ra những nhược điểm trong khi ứng dụng phân tâm học Freud vào nghiên cứu cũng như sáng tác văn học của một số nhà văn, nhà lý luận - phê bình. Bên cạnh đó, tác giả Nguyễn Thành có đóng góp với bài Ảnh hưởng của phân tâm học Freud trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng (1997). Cũng theo trào lưu này, Nguyễn Thị Hồng Nam sử dụng phân tâm học để nghiên cứu những vấn đề của tiềm thức trong thơ Hàn Mặc Tử. Tác giả Nguyễn Hoàng Đức có bài Dục tính, chân móng hay đỉnh tháp văn chương? (2000). Bài viết khái quát những vấn đề cơ bản của “dâm tính” và “dục tính” trong văn học. Trong tiểu luận Văn học hiện đại - Văn học Việt Nam: Giao lưu và gặp gỡ, Trần Thị Mai Nhi đã đề cập đến nhiều vấn đề thông qua tác giả, tác phẩm cụ thể, trong đó nhấn mạnh đến sáng tạo của nhà văn trong các tác phẩm tiêu biểu của Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Huy Thiệp... Cũng trong hướng nghiên cứu chuyên sâu này, Nguyễn Thị Bình có bài Một phương diện đổi mới quan điểm nghệ thuật về con người của văn xuôi Việt Nam từ sau 1975. Vấn đề phân tâm học trong văn học về sau được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đi sâu, có thể kể đến Phùng Đình Mẫn với Lý luận về nhân cách của S. Freud và ảnh hưởng của nó đến phương pháp xây dựng đời sống tâm lý nhân vật trong đô thị miền Nam dưới thời Mỹ - Ngụy (giai đoạn 1954 - 1975), Lê Nam Hải với Từ lý thuyết phân tâm học tiếp cận một số tác giả và tác phẩm văn học đương đại Việt Nam, Hoàng Đức Dũng với Chủ nghĩa S. Freud và biểu hiện của nó trong văn học tình dục miền Nam Việt Nam trước 1975… Trong chuyên luận của mình, Trần Thanh Hà cũng dò tìm đến những điểm sâu nhất biểu hiện của nó trong văn học Việt. Vì thế, giấc mơ không chỉ dừng lại ở “chức năng điềm báo, màu sắc tôn giáo, bộc lộ niềm tin tín ngưỡng, gửi gắm khát vọng công bằng hạnh phúc của người lao động” mà là những giấc mơ tính dục, giấc mơ ám ảnh, giấc mơ khát vọng.

Trong tham luận tại Hội thảo Văn học Áo - Việt ngày 2/7/2013, Hà Nội, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã nêu lên ảnh hưởng của phân tâm học đối với văn học Việt Nam đương đại. Ông cho rằng: “Nói chung, ở thời kỳ bao cấp, phân tâm học bị coi là suy đồi, thậm chí có người coi nó là tư tưởng tư sản phản động. Ví dụ tập truyện ngắn Sương tan của Hoàng Tiến và tiểu thuyết Mở hầm của Nguyễn Dậu. Năm 1986, đất nước cố gắng đổi mới, và đổi mới toàn diện. Văn học cũng được cởi mở hơn. Học thuyết phân tâm của Freud không bị quy là phản động nữa. Các nhà phê bình đã có thái độ khách quan, khoa học hơn. Đã có những nhà nghiên cứu nghiêm túc viết sách giới thiệu phân tâm học”.

Có thể thấy, văn học Việt Nam đương đại có nhiều nhà văn chịu ảnh hưởng Freud một cách gián tiếp. Thông thường, người ta mô tả tình dục, nhưng đằng sau nó phải có một ý nghĩa xã hội, triết học hay ít nhất là để miêu tả một tính cách nào đó hay là biểu hiện sự khát sống. Tuy nhiên, phân tâm học đâu chỉ có riêng vấn đề tình dục. Đó chỉ là một phần nhỏ trong lý thuyết của Freud. Còn có nhiều vấn đề khác như vô thức, giấc mơ, huyền thoại. Nguyễn Xuân Khánh với các tiểu thuyết Miền hoang tưởng, Trư cuồng là sự phân tích những giấc mơ. Các nhà văn đương đại như Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Vĩnh Tiến, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư... đang hình thành một lối viết đào sâu về bản thể, về cõi u minh trong con người, viết về vô thức.

 Về phương diện lý luận và phê bình, sau một thời gian dài im lặng, khi làn gió Đổi mới thổi tới thì hướng nghiên cứu này lại bắt đầu hồi sinh. Lại Nguyên Ân nhìn lại vấn đề và đưa ra những ý kiến của riêng mình, để kiến giải khá sâu sắc rằng yếu tố vật dục - xác thịt ở Hồ Xuân Hương là phương tiện gây cười hơn là phương tiện gợi dục. Trong công trình Phương pháp luận nghiên cứu văn học (2004), Nguyễn Văn Dân đặt phương pháp phân tâm học làm một nhánh của phương pháp tâm lý học.

Năm 1986 là mốc đổi mới lịch sử của dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, nước ta không chỉ mở cửa, hội nhập, giao lưu với thế giới về kinh tế mà còn về tất cả các ngành khoa học - sản phẩm tinh hoa của trí tuệ loài người, trong đó có phân tâm học với nghiên cứu, phê bình văn nghệ.

Phương pháp nghiên cứu, phê bình phân tâm học tuy còn có hạn chế nhất định, nhưng phương pháp này đã giúp con người tìm hiểu nhau bằng ánh mắt, trái tim của con người chứ không phải qua những lăng kính phức tạp bởi các lý thuyết xã hội cứng nhắc.

* Trong bài có sử dụng tài liệu của các nhà văn, nhà nghiên cứu: Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Hưng Quốc, Ngọc Cầm, Ngô Hương Giang, Trần Hoài Anh, Cao Hồng, Trần Thị Thanh Nhị.v.v.. Xin trân trọng cám ơn.

Hạnh Liên

Kỳ 1

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy