Thứ tư, ngày 30 tháng 10 năm 2024
22:21 (GMT +7)

Phân tâm học và nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật (Kì 1)

VNTN -  Phân tâm học coi tác phẩm văn học là một thế giới gồm tác giả, người đọc, nhân vật, hiện tượng (phenomens) được nhà văn, nhà thơ xây dựng trong đó, có đời sống riêng với những quy luật tâm lý riêng, cá biệt không trộn lẫn nhau trong quá trình phát triển.


Sigmund Freud và phân tâm học

Nền khoa học thế giới và văn hóa nhân loại thế kỷ XX sẽ nghèo đi rất nhiều nếu không có Phân tâm học và Sigmund Freud. Một thế kỷ qua, người ta vẫn bàn rất nhiều về phân tâm học, khi nó ảnh hưởng và tác động đến nhiều lĩnh vực, từ tôn giáo đến văn hóa, từ sinh học, động vật học đến y học, từ văn học nghệ thuật đến triết học… Ở đâu người ta cũng gặp và bàn tới phân tâm học của Freud. Vậy ông là ai?

Sigmund Freud sinh năm 1856 tại nước Áo và mất năm 1939. Ông mang dòng máu Do Thái - dòng máu của những người thông minh và quật cường của Einstain, luôn chịu sự kỳ thị chủng tộc thời bấy giờ ở châu Âu. Và chính sự hẫng hụt, mặc cảm đã trở thành vết thương rất sâu sắc trong đời sống tình cảm của ông từ tuổi ấu thơ đến hết cuộc đời đầy thách thức và bão tố. Chính sự kỳ thị chủng tộc đã làm nảy nở trong tâm hồn ông những tư tưởng công bằng, bác ái, xác lập tư tưởng và ý thức đấu tranh cho sự thật và chân lý của khoa học.

Sinh trưởng trong một gia đình nề nếp có văn hóa và tình thương yêu của ông bố hơn mẹ mình 20 tuổi, Freud được bố mẹ chăm sóc chiều chuộng và lớn lên trong sự quan tâm dạy dỗ của gia đình nên ông thấu hiểu được quan hệ tâm lý giữa con người với con người, cùng những biểu hiện sinh động trong tình cảm với gia đình, cộng đồng và xã hội. Với tư chất thông minh, ông sớm nhận biết và tiếp thu được những thành quả của khoa học y học đương thời để khi đến tuổi trưởng thành ông đã dấn thân và hy sinh cả đời mình cho khoa học tâm lý. Khi đã nắm được cơ sở khoa học y học, ông chuyên sâu nghiên cứu các bệnh về thần kinh. Sang Paris học và nghiên cứu sâu về thần kinh học, ông đi đến kết luận rằng, các bệnh liên quan đến thần kinh đều có nguyên do tâm lý, và vấn đề này có liên quan đến dục tính.

Sau khi rời Pháp về nước, ông chuyên sâu nghiên cứu và chữa trị bệnh thần kinh cho bệnh nhân nhiều nước đến bệnh viện Áo. Ban đầu ông áp dụng phương pháp thôi miên, nhưng qua quá trình nghiên cứu ông đã có ý tưởng cần vượt ra khỏi phương pháp này bằng biện pháp phân tích tâm lý.

Khi cộng tác với bác sĩ Breuer, Freud đã thấy rằng việc thôi miên người bệnh (làm cho họ sống lại quãng thời gian quá khứ mà họ đã trải qua, đã quên và nay nhớ lại) xảy ra những kích động, giải tỏa áp lực tâm tính. Hiện tượng này các ông gọi là Abreagicrung. Từ đây Freud tìm ra phương pháp trị liệu chữa bệnh không cần đưa họ vào trạng thái thôi miên, mà qua phương pháp phân tích tâm lý.

Qua kinh nghiệm chữa bệnh cho nhiều loại bệnh nhân thần kinh, ông rút ra nhận định những thác loạn dục tính là những yếu tố quan trọng trong các loại bệnh thần kinh. Từ đó ông tìm ra hiện tượng tâm lý bị dồn nén (verdrangung). Chính dồn nén là sự kiện chính yếu để giải thích những triệu chứng của bệnh tâm thần. Việc chữa bệnh suy nhược thần kinh bằng phương pháp phân tích tâm lý (qua sự dồn nén và ẩn ức tinh thần, tâm lý) được Freud gọi là phân tâm học (Psychoanalysis).

Các tác phẩm quan trọng nhất của ông là: Giải thích giấc mộng (1899), Ba bài tiểu luận về tính dục (1905), Tự ngã và bản ngã (1923), Sự bất ổn trong nền văn minh (1930), Tô tem và cấm kỵ (1913), Moizơ và độc thần giáo (1939).

Theo Từ điển Bách Khoa, Phân tâm học là phương pháp chữa bệnh tâm thần và học thuyết tâm lý đề cao vai trò của cái vô thức trong đời sống con người.  Về sau, Phân tâm học trở thành cơ sở của chủ nghĩa Freud (Freudism), một trào lưu tư tưởng có ảnh hưởng lớn ở Hoa Kì và nhiều nước Tây Âu - được áp dụng phổ biến trong các lĩnh vực đời sống và văn hóa loài người. Nó được xem như bộ môn triết học - nhân học.

Freud cho rằng, hệ thống vô thức trong con người thể hiện những xung năng, dục vọng, bản năng sống. Nội dung chính của chúng là những thèm muốn tính dục mãnh liệt nhưng lại bị ý thức xã hội (biểu hiện bởi những cấm đoán của xã hội) kiềm chế. Vì vậy, con người thường xuyên xuất hiện lo âu, ức chế và các trạng thái loạn tâm thần. Có khi chúng được thỏa mãn giả vờ thông qua các hình thức mộng mị, nói nhịu, viết nhầm… hoặc được thăng hoa dưới các hình thức sáng tác văn học nghệ thuật.

Căn cứ chủ yếu của thuyết Phân tâm học là hệ thống lý luận về kết cấu tâm lí của con người mà theo đó, tính cách con người được chia thành ba bộ phận: "bản ngã", "tự ngã" và "siêu ngã". "Bản ngã" được cấu thành bởi các xung năng, dục vọng có tính sinh vật và nó luôn là nhu cầu mãnh liệt cần được thỏa mãn. "Tự ngã" là một hệ thống ý thức tái hiện các kinh nghiệm được tích lũy từ thế giới bên ngoài, điều tiết các xung đột giữa "bản ngã" và thế giới bên ngoài căn cứ vào các nguyên tắc hiện thực, luôn luôn áp chế "bản ngã". "Siêu ngã" là bộ phận của tính cách con người được hình thành trên cơ sở các quy tắc, các giá trị xã hội và những lời dạy bảo của cha mẹ. Nó không chỉ là sự tự thể hiện các quy tắc đạo đức, các cấm đoán của xã hội, của tôn giáo, mà còn luôn là sự cổ vũ cho cuộc đấu tranh quyết liệt giữa "tự ngã" và "bản ngã". Sự căng thẳng của cuộc đấu tranh đó là tiền đề tạo ra tâm lý lo sợ, mặc cảm phạm tội một cách vô thức của con người.

Theo Phân tâm học, đời sống tinh thần của con người luôn bị chấn động bởi các xung đột, vì vậy cần phải có những cơ chế bảo vệ để con người thích nghi với thế giới bên ngoài. Trong cuộc sống, con người một mặt phải nhận thức được sự dồn nén những thèm muốn trong mình, mặt khác, phải biết điều chỉnh sự diễn biến của các quá trình tâm lí cho phù hợp với yêu cầu của những người xung quanh, tránh những biến động xảy ra do không thể đáp ứng trực tiếp và kịp thời những ham muốn vô thức.

Phân tâm học của Freud phát triển mạnh mẽ và trở nên phong phú cũng là nhờ có sự phê phán và chống đối của hai người môn đệ của ông, Adler và Jung. Trên cơ sở nắm vững phân tâm học mà Adler đưa ra học thuyết của mình với tên gọi là "Tâm lý học cá nhân" (Individual psychology) mà Jung thì gọi là "Tâm lý phân tích".

 Phân tâm học của Freud là luận cứ khoa học của một phát minh lỗi lạc. Nó không chỉ làm đảo lộn y học mà còn làm cho nhiều ngành khoa học khác phải xem xét lại những nguyên tắc cơ bản, trong đó có nghiên cứu về văn hóa, văn học nghệ thuật được soi rọi dưới những góc độ mới mà trước đó trong lịch sử nghiên cứu chưa ai biết đến. Tác giả, tác phẩm, nhân vật của văn học nghệ thuật được xây dựng trên một cái vực sâu đầy bí ẩn của lương tâm con người.

Cái vực sâu ấy là tâm thần con người lẫn lộn những bản năng thú tính và những tiềm năng cao cả của con người được thể hiện dưới các hình thức khác nhau của tác phẩm nghệ thuật.

Như vậy, Phân tâm học - Phân tích tâm lý là tập hợp những lý thuyết và phương pháp tâm lý học với mục đích tìm hiểu những mối quan hệ vô thức của con người qua quá trình liên tưởng. Phân tâm học mà Freud là người sáng lập được mở rộng và phát triển theo nhiều chiều hướng khác nhau. Ngoài Alfred Adler với "Tâm lý học cá nhân" và Care Gustav Jung với “Tâm lý học phân tích” thì còn có Erich Fromm với Chạy trốn tự do (Escape From Freedom), Phân tâm học và Thiền (Zen Baddhism and Psychoanalysis) cùng với các nhà khoa học khác như Karen, Horney, Harry Stack Sallivan và Jacques Lacan.

Có thể tóm tắt những luận thuyết cơ bản của Phân tâm học bao gồm:

1. Hành vi, kinh nghiệm và nhận thức của con người chủ yếu được hình thành và định hình do các xung năng bẩm sinh và phi lý.

2. Các xung năng này mang bản chất vô thức và cái gọi là vô thức này có tác động mạnh trong đời sống của con người, được thể hiện qua hành vi và ngôn ngữ.

3. Khi các xung năng này "trồi" lên bề mặt ý thức sẽ gây ra những phản ứng tâm lý.

4. Những cấu trúc tâm thần mang tính bẩm sinh ấy sẽ tác động lên mỗi cá nhân bởi những sự kiện từ thời thơ ấu.

5. Những xung đột giữa ý thức về thực tại với phần vô thức của hệ tâm thần tạo nên sự dồn nén có thể là nguồn gốc của những bệnh lý như: lo âu, hồi hộp, trầm uất, trầm cảm…

6. Để giải trừ những ảnh hưởng này từ vô thức là đưa nó trở lại ý thức.

Các nhà chuyên môn cho thấy, ít nhất có 22 nhánh lý thuyết nghiên cứu về sự phát triển tâm trí con người. Trong đó, có nhiều lý thuyết được các nhà nghiên cứu ứng dụng vào nghiên cứu và phê bình văn hóa, văn học nghệ thuật. Qua thực tiễn đời sống văn nghệ cho thấy con người luôn luôn bị chi phối bởi bản năng tính dục và mọi hoạt động của con người đều nhằm thỏa mãn hoặc ức chế nhu cầu đó (libido), chúng được thể hiện trong quá trình sáng tạo của nghệ sĩ, của nhà văn, nhà thơ, trong các yếu tố như chủ đề, nhân vật, ngôn ngữ, chất liệu sử dụng trong tác phẩm.

Phân tâm học và văn học nghệ thuật 

Nghệ thuật với các ngành của nó như điêu khắc, hội họa, văn học, điện ảnh… là của con người, do con người sáng tạo nên, từ con người, cho con người. Cần thấy rằng, con người không chỉ là cái nhìn thấy ở bề ngoài của nó, mà còn là nguồn gốc sâu xa và kín đáo trong mỗi cá nhân. Nguồn gốc sâu xa và kín đáo ấy tạo nên văn hóa, mĩ cảm của nghệ thuật. Nhờ vậy, phân tâm học đưa ra một cách nhìn mới mẻ làm sâu sắc hơn nghệ thuật.

Mỗi con người là một tổ chức tâm thần phức hợp. Đối diện với thực tại (xã hội và tự nhiên) đầy phức tạp và biến động không ngừng, nên con người ai cũng có xung đột nội tâm. Đó là đời sống tinh thần phong phú, với những xung đột, tình cảm xúc động, thất vọng, thỏa mãn, lo sợ và hy vọng. Cái thế giới này không có thực ngoài đời, không cụ thể, không nhìn được, ấy là thế giới nội tâm mà phân tâm học gọi là thực thể tâm thần.

Người nghệ sĩ khi thực hiện sáng tạo nghệ thuật đã thể hiện sắc màu vô hình này của thực thể tâm thần của chính bản thân họ để tạo nên tác phẩm nghệ thuật. Trước hết, nó là sự thỏa mãn riêng của mình, là giải thoát những day dứt và bó buộc của thực tế.

Ước vọng của nghệ sĩ trước hết là của chính họ. Nó trở nên tác phẩm nghệ thuật nghĩa là ước vọng đó là của người nghệ sĩ chân chính, nghĩa là người nghệ sĩ với tài năng của mình đã biến đổi những gồ ghề, thô ráp của mộng mị mê sảng, dùng kỹ thuật thẩm mĩ để che giấu được nguồn gốc cá nhân của sáng tạo và trình bày lại dưới một hình thức khác gọi khoái cảm. Đó là nghệ thuật.

Văn học là một ngành quan trọng của nghệ thuật. Quá trình hình thành và phát triển của nó đã được nghiên cứu từ rất lâu. Lịch sử nghiên cứu và phê bình văn học đã có truyền thống với sự phong phú và đa dạng của các hình thức như văn học sử, nghiên cứu lịch đại và đồng đại, nghiên cứu so sánh, nghiên cứu xã hội học, nghiên cứu liên văn bản, nghiên cứu tiếp nhận v.v..., nhưng đến khi phân tâm học ra đời thì nó mang một sắc thái và diện mạo mới - sâu sắc hơn, phong phú hơn, đầy đủ hơn (Mặc dù khởi thủy của phân tâm học là phương pháp chữa bệnh thần kinh. Về sau chính Freud cũng lấy làm ngạc nhiên bởi hiệu quả của nó trong khi ứng dụng vào nghiên cứu và phê bình văn học).

  Phân tâm học coi tác phẩm văn học là một thế giới gồm tác giả, người đọc, nhân vật, hiện tượng (phenomens) được nhà văn, nhà thơ xây dựng trong đó, có đời sống riêng với những quy luật tâm lý riêng, cá biệt không trộn lẫn nhau trong quá trình phát triển. Trong thế giới này, tất cả mọi chi tiết, sự kiện đều được coi là những biểu tượng phản ánh những ước muốn và những vô thức bị dồn nén của tác giả. Cái vô thức này là một cõi riêng, một phần trong cấu trúc tâm thức của mỗi con người - nơi chứa đựng những xung lực bản năng. Những xung lực bản năng và mơ ước bị dồn nén luôn luôn có xu hướng "trồi" lên vùng ý thức dưới những hình thức ngụy trang, qua các cách thức khác nhau, trong đó nhiều nhất là ở những giấc mơ, hoài niệm, qua ngôn ngữ nhân vật, hiện tượng được nhà văn tạo nên, nói nhịu, nói tục, nói với những từ ngữ vô nghĩa, trắng nghĩa, không có thông tin cho đối tượng nghe. Trong đó giấc mơ, tuổi ấu thơ, người mẹ (căn cốt đầu tiên của bào thai) là cửa mở đi vào vô thức. Vì vậy phân tâm học coi tác phẩm văn học là một giấc mơ, là sự thăng hoa bất chợt, bất ngờ của ẩn ức có trong vô thức của thời ấu thơ và tìm cách lý giải nó.

Hoạt động của giấc mơ - cũng như của tác phẩm văn học - có thể được tóm gọn vào hai quá trình chính: "dồn nén" và "hoán vị". Trong quá trình "dồn nén", vô số các ước mơ, các ẩn ức và các mặc cảm khác nhau sẽ được kết tập vào một hình thức biểu hiện nhất định. Sau đó, trong quá trình “hoán vị”, hình thức biểu hiện này sẽ được ngụy trang, tức được hoán chuyển sang một hình thức khác phù hợp với các quy ước đạo đức và văn hóa của xã hội. Hai quá trình "dồn nén" và "hoán vị" này tương tự hai cấu trúc "ẩn dụ" (dồn nén ý nghĩa lại theo nguyên tắc tương đồng) và "hoán dụ" (hoán chuyển ý nghĩa này sang ý nghĩa khác theo nguyên tắc tương cận) mà Roman Jakobson đã phát hiện như hai trục chính trong sinh hoạt ngôn ngữ nhân loại. Trong khi Freud hay nói đến bản năng và những xung lực từ vô thức, Lacan lại hay nói đến những ước mơ. Với ông, ước mơ là cái gì có tính bản thể luận, một cuộc đấu tranh nhằm vươn lên cái toàn thể hơn là gắn liền với những xung lực tính dục. Mọi ước mơ đều gắn liền với sự thiếu hụt. Ngay chính ngôn ngữ con người cũng hoạt động trên sự thiếu hụt ấy: điều kiện để từ ngữ có ý nghĩa là sự vắng mặt của cái được biểu đạt và sự loại trừ vô số những cái biểu đạt khác.

Phân tâm học còn có những ảnh hưởng nhất định lên một số những nhà lý thuyết hậu hiện đại hàng đầu thế giới như Jacques Derrida, Gilles Deleuze, Felix Guattari, Julia Kristeva cũng như nhiều nhà nữ quyền luận khác.

Hạnh Liên

Kỳ 2

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy