Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
16:56 (GMT +7)
TRUYỆN NGẮN ĐẶC SẮC

Nước mắt sông Cầm

 

Vài nét về tác giả

Nhà văn Uông Triều tên thật là Nguyễn Xuân Ban, sinh ngày 25/4/1977. Quê quán tại Quảng Ninh. Anh có 10 năm dạy học tại Quảng Ninh trước khi về công tác tại Ban Văn xuôi, Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Tác phẩm chính đã xuất bản:

- Tiểu thuyết Tưởng tượng và dấu vết (2014); Sương mù tháng Giêng (2015); Người Mê (2016); Cô độc (2019).

- Tập truyện ngắn Bò hoang phố cổ (2019).

Đã đoạt các giải thưởng về truyện ngắn của Tạp chí VNQĐ; Báo Văn nghệ.

Anh là nhà văn có sở trường về tác phẩm viết bằng cảm hứng lịch sử và bút pháp huyền ảo. Anh là người sáng lập và chủ trì Trang Viết Sáng Tạo nhằm trang bị kiến thức, khích lệ sáng tác cho nhiều cây bút trẻ yêu văn chương hiện nay.

 

Nước mắt sông Cầm
Nước mắt sông Cầm

Phạm Nhan là một trong những cái tên khiếp sợ nhất trong dân gian một thời gian dài. Nhan tên thật là Nguyễn Nhan, tên chữ là Nguyễn Bá Linh. Cái tên Phạm Nhan liên quan tới một giai đoạn nhiều biến cố trong lịch sử dân tộc. Truyền thuyết dân gian nói rằng Nhan đã hóa thành một loài vật ghê tởm sống trên dương gian.

Quê ngoại Nhan ở làng An Bài, huyện Đông Triều. Mẹ Nhan người Việt, bố người Hoa, tổ tiên sống nhiều đời bên bến sông Cầm.

Người đàn bà mang thai đưa cái bụng nặng nề đi quanh làng An Bài cho dễ sinh. Những phiến đá xanh trơn trượt, người đàn bà mím môi, bấm ngón chân đi bên rìa đường cho vững. Gió thổi quất mặt. Lá xoan bay như rắc. Nước sông Cầm vỡ xóa. Trời vặn mình đau đớn. Đứa con sắp ra đời.

Nhan sinh ra.

Một thằng bé bình thường.

Bà mụ cắt dây rốn bằng cật nứa sắc.

Người đàn ông Hoa kiều chết trong một lần đi buôn thuyền trên sông Bạch Đằng. Nhan mồ côi cha. Người đàn bà góa lấy sông Cầm và những vực nước gần nhà làm nơi kiếm ăn sinh nhai.

Mùa hè: dấm cáy.

Mùa đông: mò ốc.

Tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm: đi hớt rươi ở bãi triều ven sông. Chợ Cột là nơi mẹ con Nhan và người dân làng An Bài đưa những thứ kiếm được mang ra bán.

Chợ Cột.

Chợ Cột.

Những mái lá buộc trên chóp cây cho khỏi nắng.

Hàng thân cột đốn từ núi Đông Bắc xếp chằn chặn chuẩn bị mang ra bến Kinh Thầy.

Dăm mớ tôm, mớ ốc đựng trong rá phủ lá tre.

Lò bễ đỏ, nước xèo xèo, búa vung chong chóng.

Đàn ông rít điếu bát, nhả khói như nồi nước nóng.

Đàn bà quây quần sụp soạp húp, hàng quà.

Nhan đã cóp nhặt đủ tiền để dành mua một tấm quà. Những người con trai làng An Bài rủ nhau vào rừng hái măng, đốt than, chặt gỗ, thả bè theo sông Cầm, sông Đạm, có khi vào đến tận Yên Tử.

Nước suối trong và lạnh.

Nước sông đục và nồng.

Măng đắng vùng Đông Bắc ăn mãi không biết chán. Mai rừng từng gốc nhỏ mọc rải rác trên núi, mùa xuân điểm những chấm vàng bên những bụi xanh. Những bè gỗ lướt trên sông như con thuyền dát mỏng.

Nhan có một tính xấu: thích rình bọn con gái trong làng tắm dưới sông Cầm. Nhan bò ở bờ sông như con mèo rình chuột, nấp trong bụi cây nhìn trộm. Nhan lặn dưới sông như con rái cá. Con rái cá chìm xuống ngay chỗ có những đứa con gái đang tắm, tay chạm vào bầu vú căng nhọn như mầm măng mới nhú.

Bị bắt quả tang.

Những cú tát, cú đá. Chửi rủa. Nhưng thói xấu không sao bỏ được. Bên cạnh nhà Nhan có một đứa con gái mới mười ba nhưng xinh xẻo, dạn dĩ. Con bé ấy tên Nhiên. Nhan thích Nhiên lắm. Nhan đã nhiều lần rình trộm đàn bà, con gái trong làng, nhưng chưa bao giờ dám nhìn trộm đứa con gái hàng xóm mình thích.

Nhiên tắm trong cái ô quây bằng lá mía khô, hở tứ bề. Thấy Nhiên đi về phía ấy, nghe tiếng dội nước là Nhan lảng đi. Nhan sợ đôi mắt của Nhiên, những câu nói như lưỡi dao cứa vào thịt. Nhan bị mẹ đánh vì cái tội nhìn trộm đàn bà con gái, Nhiên bảo:

- Cái tính của Nhan xấu lắm. Nếu Nhan muốn xem, hôm nào ra sông Cầm, tôi tắm cho Nhan xem.

Nhan đỏ tái mặt, không trả lời. Con đực đang giương cung bị lưỡi roi quất vào. Mềm oặt.

Nhan sắp trưởng thành, con đực sắp thành thục. Lời nói sắc như dao không cắt được gót chân giẫm phải gai rừng nhiều lần. Lớn. Nhan càng lười, chỉ thích lêu lổng. Thằng bé mồ côi cha trở thành thủ lĩnh của những trò mất dạy của đám trẻ trong làng. Người đàn bà góa không đủ sức dạy đứa con lếu láo. Chửi mắng. Đòn roi trừng phạt. Roi tre quất vun vút. Nhiên sang nhà hàng xóm, thấy mắt Nhan lừ lừ, đỏ ngầu những tia máu hung tợn.

- Nhiên thì biết gì, tổ tiên năm mười đời nhà tôi cũng bị bốc lộn lên rồi. Trong làng, chỉ có một người không chửi tôi. Tôi phải bỏ ra đi biệt xứ thôi.

Trận đòn cuối cùng khiến Nhan quên mất tính người, hắn chửi cả cái người đã đẻ ra hắn.

Nhan trốn đi trong đêm tối. Hôm đó, đứa con gái hàng xóm ra gặp Nhan ở miếu thủy thần, cạnh gốc cây duối. Con bé đưa cho Nhan cái vỏ ốc ngũ sắc nhặt được ở sông Cầm.

- Nhan đi thì nhớ đến sông Cầm và vỏ ốc ngũ sắc. Người đi thì biết đường trở về.

 Nhan cầm vỏ ốc ngũ sắc, siết chặt trong nắm tay. Lặng chìm. Lặng buồn. Giọt nước mắt lăn xuống. Nhan lấy chiếc lược sừng trâu giấu trong áo đưa cho Nhiên.

- Chiếc lược này tôi tự mua ở chợ Cột bằng tiền bán cáy đấy, không phải đồ ăn cắp đâu. Nhiên chải đầu thì sẽ nhớ đến tôi. Tôi phải qua sông vào lúc trời tối. Nhiên mượn cho tôi chiếc thuyền.

Nhiên ra bờ sông gỡ con thuyền đang cột chặt vào tảng đá lớn trên bờ, tự mình chèo thuyền đưa Nhan sang bên kia sông Cầm.

Sông Cầm không mong ngày trở về.

Nhiên không mong ngày trở về.

Nước sông ngầu.

Chưa đến ngày con nước rươi.

Đi.

Ngày lấy chồng, Nhiên vẫn đi trên con đường trơn trượt quanh làng An Bài. Qua ngõ nhà Nhan, thấy bờ rào hoa tầm xuân rã rượi trong gió bấc. Nhiên đưa tay lần chiếc lược sừng mang theo. Tiếng khan trong cổ không thoát ra được.

Bỏ đất Việt, vượt sang đất Trung Hoa, Nhan dùi mài kinh sách, sau thi đỗ tiến sĩ và ra làm quan. Khi đó bên Trung Quốc là thời kỳ cai trị của nhà Nguyên. Năm 1206 thủ lĩnh Thiết Mộc Chân đã thống nhất các bộ lạc du mục, lập quốc ở Mông Cổ, được suy tôn là Thành Cát Tư Hãn. Đội quân viễn chinh của Thành Cát Tư Hãn lần lượt đánh bại các nước Hạ, Kim, Nam Tống, thống nhất được Trung Quốc, uy hiếp cả hai lục địa Á, Âu. Các quốc gia láng giềng rên xiết dưới vó ngựa quân Mông Cổ. Năm 1271, cháu của Thành Cát Tư Hãn là Hốt Tất Liệt định quốc hiệu là Đại Nguyên. Nhan ra sức phò trợ đế quốc ngoại tộc. Hắn chuyên tâm nghiên cứu những chước thuật ma quỷ, phù phép, luyện khí công, biến hóa khôn lường.

Nhan dùng tà thuật thâm nhập vào cung vua Nguyên làm việc dâm ô. Hắn thôi miên cung nữ, vẽ bùa, hình thù kỳ quái lên chỗ kín, thông dâm với nhiều người.

Việc dâm ô lộ ra, lời đồn đại về những hình thù kỳ quái trên thân thể phụ nữ lan đi. Một đạo sĩ cao tay bí mật nhập thành. Chưa đầy ba sáu ngày, Nhan bị phát giác, chiếu tội phải xử trảm quyết. Tử tù cầu xin tha tội chết để lập công. Hốt Tất Liệt biết có thể lợi dụng liền đồng ý cho gặp. Trước đó, nhà Nguyên đã hai lần cử quân đi đánh Đại Việt (1257, 1284) nhưng đều đại bại. Năm 1287, Hốt Tất Liệt tiếp tục sai con trai là Trấn Nam vương Thoát Hoan chỉ huy hơn ba mươi vạn quân chuẩn bị sang đánh Đại Việt lần thứ ba.

Nhan tâu rằng hắn vốn sinh ra ở nước Việt, thông thạo ngôn ngữ, đường đi. Hắn muốn làm hướng đạo cho quân Nguyên. Hốt Tất Liệt chấp thuận và cho Nhan tham dự đoàn quân của Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ sang xâm lăng Đại Việt.

Rước voi về giày mả tổ. Nhan đi như cầm lửa trong tay. Những dòng sông đi qua, sóng cuộn như sông Cầm mùa lũ. Những rừng trúc đại ngàn, măng mọc như chông nhọn. Dãy núi vùng Đông Bắc xiên ngang trời như mũi giáo.

Mẹ hắn hiện về trong mơ.

Đòi giết đứa con bất hiếu.

Những thiếu nữ mất đầu, trần truồng. Những mái nhà lửa cháy, khói bốc ngụt. Vệt máu khô lưu trên trụ giáp. Đêm đêm, Nhan giật mình giữa giấc. Biết đâu trong đám con gái mất đầu có người tên Nhiên, biết đâu những vết máu khô là huyết tộc thân thuộc hay xa xôi của hắn. Tay Nhan đã vấy máu, hắn không thể tự chặt đứt tay mình.

Nhan dẫn đường cho đoàn thủy quân xâm lăng theo đường biển Đông Bắc tiến vào Đại Việt. Binh thuyền giặc tiến qua cửa Vạn Ninh (Móng Cái), rồi vào cửa An Bang (Quảng Yên). Đoàn quân hung hãn chà đạp, giết chóc sinh linh trên đất Việt, Nhan dùng tà thuật giúp đội quân viễn chinh gây nhiều tội ác. Mẹ hắn đã ộc máu chết khi hay tin hắn dẫn giặc về nhà.

Sự hung hãn của đoàn giặc cướp, mưu mô chước quỷ của Nhan cũng không xoay chuyển được tình thế. Quân dân Đại Việt tập kích trại giặc khắp nơi, gây cho chúng nhiều khốn đốn, chờ thời cơ đánh đòn quyết định. Ngày 11 tháng Giêng năm Mậu Tý (1288), đoàn thuyền chở lương tiếp viện cho quân xâm lược do Trương Văn Hổ chỉ huy đã bị Trần Khánh Dư phục kích đánh cho tan tành ở Cửa Lục. Quân Nguyên Mông mất hết lương thực, hoang mang tột độ, phải rút chạy nhục nhã. Trong trận thủy chiến năm 1288 trên sông Bạch Đằng, cùng với chủ tướng là Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ, Nhan bị bắt sống.

Khuôn mặt pha hai dòng máu của Nhan sớm bị phát giác. Nhan bị đưa đến trước Hưng Đạo Vương. Vương trỏ mặt hắn, mắng rằng:

- Thằng giặc kia, ngươi mang dòng máu Việt mà lại dẫn đường cho quân ngoại bang. Có đày ngươi xuống âm ti cũng không hết được tội.

Nhan gằm mặt, mắt đỏ sọc. Mọi người hỏi nên xử thế nào, Vương bảo.

- Lũ giặc Thát là quân cướp nước nhưng khác nòi giống, đợi xử sau. Thằng giặc này mang dòng máu Việt mà giày xéo tổ tiên. Chém.

Nhan bị lôi ra chém nhưng hắn có ma thuật, gươm chém đều quằn lưỡi, đầu không lìa khỏi cổ. Mọi người kinh hãi tâu lên, Vương lệnh.

- Đưa hắn về làng An Bài, huyện Đông Triều. Khấn vái vong hồn mẹ hắn rồi mang ra chém.

Nhan rùng mình khi nghe thấy làng An Bài, quê ngoại của hắn. Hắn sẽ phải gặp lại bằng hữu ấu thơ, gặp lại đứa con gái hắn chưa bao giờ dám nhìn trộm.

Thằng Nhan trở về làng An Bài.

Không phải về thăm quê ngoại.

Tội đồ phản quốc.

Dân làng An Bài đứng kín bến sông để xem chém đầu Nhan. Thằng Nhan nhanh trí, khôn vặt, hay cãi lại, lếu láo ngày xưa giờ thành tên giặc gian ác đang quỳ sọp ở bờ sông. Nhan gục đầu, không nhìn ai. Người trong làng còn nhớ mặt hắn. Thằng Nhan gầy gò bắt cua, mò ốc ở ven sông Cầm.

Thằng Nhan.

Giặc Phạm Nhan.

Cùng ở bến sông Cầm.

Gió thổi như quất.

Nước sông dâng cao.

Trời chuyển mình ghê gớm.

Cơn giông tố chuẩn bị giáng xuống.

Nhan bị trói trật cánh khuỷu, thu lu như con chó nằm trong rọ, mặt quay ra bờ sông. Những người ruột rà, những đứa con trai, con gái làng An Bài đang vây quanh hắn. Cả một tuổi thơ bùn đất dội về.

Muốn ăn cơm nắm muối vừng,

Thì về chợ Cột đi rừng với anh.

Chân Nhan lún sâu xuống bùn đất sông Cầm, người hắn dần mềm ra, dòng nước mắt khô đang chảy bên trong. Nhan khóc cho vong hồn mẹ hắn. Người đàn bà góa chết vì tủi hổ, uất ức. Ai sẽ tha thứ cho hắn? Nhan khóc như chưa bao giờ được khóc. Nức nở, từng đợt. Dòng nước mắt chảy tràn trong lòng bỏng như nước sôi. Hắn thành mềm nhũn. Đôi mắt đen, sâu hoắm hóa sang nhợt nhạt, tái mét. Những người đàn bà bị hắn rình trộm không còn chửi bới hắn nữa. Hắn là con quỷ đã hết phép. Hắn run rẩy, vãi ướt cả quần, nước đái chảy cả xuống bờ sông.

Thằng giặc đái dầm! Chỉ có tiếng trẻ con cười. Không gian nghẹn lại, ngắt quãng.

Thằng Nhan.

Ai ngờ…

Trong đám đàn bà con gái người làng An Bài đứng xem hôm ấy có một người lấy tay che giọt nước mắt sắp rơi xuống đất. Nhiên đưa tay vào túi, cái lược sừng còn nguyên. Nhiên đã không còn chải tóc bằng chiếc lược sừng từ khi hay tin Nhan dẫn giặc về nhà. Nhiên định bụng khi gặp Nhan sẽ ném cái lược cứng vào giữa mặt hắn, những lời như dao sắc đã chuẩn bị sẵn.

Nhan đang ở trước mặt, chỉ cách dăm bước chân. Nhiên mấy lần đưa tay vào túi nhưng bỏ ra tay không. Những lời cay độc không bật ra được, cổ họng khan đặc như khi về nhà chồng. Ruột quặn lên, nổi sóng.

Nhan…

Nhan quỳ gối ở đúng chỗ neo thuyền khi Nhiên đưa hắn qua sông. Bờ cát lõm vẹt đi một đám. Người đàn bà có chồng đã ngồi ở đấy nhiều lần.

Thằng giặc gục đầu, bao nhiêu oai phong, ma thuật đã biến mất. Nhan kìm không để nước mắt chảy ra, nhưng không giữ được nữa. Dòng nước mắt nóng chảy tràn trên mặt hắn. Hắn không còn là tên giặc nhâng nhơn, kiêu ngạo nữa. Hắn chỉ là thằng Nhan sợ mẹ đánh tè cả ra quần. Nước mắt đang chảy mềm hắn. Giống giọt nước mắt buổi chia tay ở bến sông Cầm ngày nào. Nước mắt mặn. Nước mắt sông Cầm. Nước mắt Nhiên.

Mờ mờ.

Mẹ hắn mua cho hắn đôi hào bánh. Mẹ hắn không đánh hắn nữa. Con bé Nhiên lấy vạt áo lau nước mắt cho hắn. Hoa xoan li ti tím. Mùi chả rươi lá lốt đầu xóm. Lạch đạch tiếng trẻ con làng An Bài chơi pháo đất…

d1
Minh họa: Dương Văn Chung

Nhan giờ mới hiểu vì sao hắn hóa thành yếu mềm. Mẹ hắn, làng An Bài, Nhiên, vẫn chờ ngày hắn về. Không ai lớn tiếng chửi hắn. Hắn đã chuẩn bị nghe những lời độc địa dội vào tai. Hắn đã chuẩn bị đón chịu những ánh mắt khinh bỉ. Hắn đã sẵn sàng giương cái cổ cứng để làm oằn mọi lưỡi gươm giáng xuống. Hắn đã chuẩn bị thành con quái vật không bao giờ chết. Nhưng tai hắn chỉ nghe thấy tiếng gió thổi nhẹ trên sông Cầm, tiếng thút thít của mẹ hắn, tiếng ríu rít của trẻ con làng An Bài. Mùi hương bồ kết mái tóc của Nhiên.

Đầu hắn quay cuồng, mắt hắn hoa lên, bao nhiêu công lực, yêu thuật bao năm rèn luyện tan biến hết. Cổ hắn oặt xuống, không xương. Nước mắt tuôn ra không sao kiềm lại được.

Những người đàn bà.

Nhiên.

Chiếc lược sừng đen bóng.

Mái tóc dài.

Răng cườm đen.

Sông Cầm.

Những đứa con trai, con gái làng An Bài.

Lũ trẻ không trêu chọc hắn nữa. Nước sông Cầm đang chảy dưới chân hắn. Nhan xin được uống một bát nước đầy. Đứa trẻ gầy gò đưa bát nước vào tận miệng hắn. Nước sông Cầm không nồng, nước sông dịu mát. Những hạt đất mịn tan trong miệng hắn. Dòng nước sông Cầm đang chảy trong người hắn.

Cố hương.

Chính ngọ. Thẻ lệnh ném xuống. Người ta khấn vong hồn mẹ hắn. Kiếm báu mang ra. Tiếng hô cứa đứt không gian. Kiếm giáng xuống. Nhẹ bẫng. Đầu Nhan rơi xuống đất. Máu chảy xuống sông Cầm, đỏ thẫm một vùng. Dân làng An Bài xin được vùi xác hắn xuống dải đất ven sông. Nước sông Cầm sẽ tẩy rửa những vết nhơ trên người hắn.

Dân gian kể rằng khi máu Nhan chảy xuống sông đã hóa thành những con đỉa chuyên đi hút máu người, bởi khi Nhan kêu xin sau khi chết rồi sẽ ăn gì, Hưng Đạo Vương trong lúc nóng giận đã nói rằng: “Cho mày ăn sản huyết thiên hạ”. Vì thế hồn ma Nhan gặp đàn bà, con gái khi kinh nguyệt, sinh nở thì quấy nhiễu làm cho ốm đau gầy mòn. Những chuyện đó nửa tin, nửa ngờ.

Một ngày giữa đông, trẻ con làng An Bài nhặt được một vỏ ốc ngũ sắc ở đúng cái vết lõm kỳ lạ bên bến sông Cầm. Vỏ ốc nhẵn bóng, đưa lên vành tai nghe như tiếng gió từ nơi rất xa thổi về.

 

LỜI BÌNH CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN ĐỨC HẠNH:

Nước mắt sông Cầm không phải là truyện lịch sử, dù có các nhân vật lịch sử và các sự kiện lịch sử trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba của quân dân nhà Trần. Cái tên Phạm Nhan cũng đã được ghi lại trong các Truyền thuyết dân gian, trong một số tư liệu Hán Nôm như cuốn Công Dư Tiệp Kí tập 3 của TS. Vũ Phương Đề. Trong các tư liệu ấy, Phạm Nhan là biểu tượng cho sự phản bội - một biểu tượng đơn nghĩa.

Với Uông Triều, văn chương không phải là sự kể lại lịch sử một cách có hình ảnh, mà là sự nghiền ngẫm lịch sử, từ đó rút ra những bài học nhân sinh cho hôm nay và mai sau.

Vì thế, với Nước mắt sông Cầm, hình tượng Phạm Nhan từ đơn nghĩa chuyển thành đa nghĩa, khi được soi chiếu từ góc nhìn nhân văn sâu thẳm và hiện đại. Trong kẻ ác ấy vẫn còn một khoảng tốt lành nhỏ nhoi dành cho cố hương, mẹ và mối tình đầu đẹp đẽ dành cho Nhiên. Chính khoảng sáng nhỏ nhoi mà bền vững ấy khiến hắn oà khóc hối hận - cũng là lần đầu tiên hắn khóc. Rồi vứt bỏ mọi phép thuật, cam chịu bị chém đầu. Có thể nói ở khoảnh khắc cuối cùng ấy hắn đã phục thiện?!

Tính đa thanh, đa nghĩa và thủ pháp đồng hoá cái Ảo và cái Thực đã tạo ra vẻ đẹp mới cho một truyền thuyết xưa cũ. Đặc biệt, một biểu tượng nghệ thuật đặc sắc xuất hiện, tạo sự ám gợi: - chiếc vỏ ốc ngũ sắc mà Phạm Nhan tặng Nhiên có một âm thanh kì lạ. Đó là tiếng gọi của Thiên Lương!

 

Tác giả: Nhà văn Uông Triều

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy